Nợ ân tình
TGPSG-- Có những kinh nghiệm chỉ một lần trải qua, có những cảm xúc chỉ một lần chạm tới và có những con người chỉ một lần chúng ta gặp gỡ trong đời...vậy thôi cũng đủ để chúng ta nợ nhau.
Hai tháng đi tình nguyện đã kết thúc. Tháng đầu tôi được phục vụ ở khoa cấp cứu. Đây là nơi dành cho các bệnh nhân nặng, rất nhiều người trong số họ đã ra đi. Qua tháng thứ 2, tôi được chuyển tới phục vụ ở khoa dành các bệnh nhân chuẩn bị xuất viện. Hai khoa với hai kinh nghiệm đưa tiễn thật khác nhau: một bên đưa tiễn trong ngậm ngùi xót xa và không một lời chào tạm biệt, một bên đưa tiễn trong niềm hạnh phúc trào dâng khi các bệnh nhân chuẩn bị được đoàn tụ cùng gia đình: “Sơ ơi! hôm nay tôi được xuất viện, vui quá, cảm ơn các sơ và mọi người rất nhiều, chúc mọi người ở lại làm việc bình an nhé!”.
Hàng ngày, tôi vẫn được diễm phúc lắng nghe rất nhiều lời nói chất chứa niềm vui và hạnh phúc của các bệnh nhân chuẩn bị xuất viện. Quả thật, còn gì hạnh phúc hơn khi biết mình đã chiến thắng thần chết và ngày đoàn tụ bên gia đình sắp trở thành hiện thực. Cảm nhận được niềm hạnh phúc biểu lộ trên gương mặt của họ, tôi cũng biết rằng: có lẽ ngay từ giây phút này đây, họ sẽ có một thái độ sống mới, sống với tình yêu thương đong đầy. Những buồng bệnh thưa dần bệnh nhân đã cho tôi hy vọng về một Sài Gòn đang hồi sinh và sức sống mới đang được bắt đầu.
Được lắng nghe biết bao tâm sự của các bệnh nhân trong 2 tháng qua là một phúc lành riêng mà tôi đã nhận được. Tôi cảm thấy mình nợ họ rất nhiều vì sự trân trọng và lòng tin tưởng họ đã dành cho tôi mỗi khi tôi lắng nghe họ trải lòng. Những lời hối hận của biết bao người con vì đã làm cha mẹ phải khổ mà nay không còn cơ hội đền đáp, những tiếng nấc nghẹn ngào của những người cảm thấy đã trễ để có thể bắt đầu lại, những lời xin lỗi muộn màng dành cho những người thân đã ra đi mà không được gặp mặt,…Bao nhiêu những hối tiếc dường như ập đến trên các bệnh nhân trong lúc đúng ra họ rất cần một tinh thần thanh thản để lo chữa trị bệnh.
Là một tu sĩ sống linh đạo “Hòa Giải” của Chúa Chiên Lành, trong hoàn cảnh này tôi tự hỏi mình cần phải làm gì để có thể giúp họ. Và tôi biết, lắng nghe là một cách để tôi có thể giúp họ hòa giải với chính mình. Tôi đã giúp họ kết nối với người thân qua những cuộc điện thoại, động viên họ bày tỏ lời yêu thương với người thân, thay mặt họ đi thăm người thân của họ đang điều trị ở các khoa khác để cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe người thân cho họ, hay cộng tác với nhóm trong việc kết nối để các cha kịp ban các Bí tích cuối cùng cho các các bệnh nhân nặng, … Đó là tất cả những việc tôi và các thành viên trong đoàn có thể làm với hy vọng đem lại nguồn bình an thanh thản cho các bệnh nhân. Có những khoảnh khắc tôi cảm thấy mình được cho phép đi vào thế giới tâm hồn của người khác. Điều này giúp tôi càng trân trọng các bệnh nhân hơn, để cùng với họ mang vác những nỗi đau về thể xác cũng như tâm hồn, giống như lời Đức Tổng Giuse đã nhắn nhủ: “ngay khi tôi đang khỏe mạnh thì cũng là lúc tôi mang nợ những người đang bệnh – họ mang bệnh thay cho chúng tôi”.
Kinh nghiệm của các bệnh nhân trong thời đại dịch cũng cho tôi một cảm nghiệm rất sâu về cuộc sống. Với thân phận con người, ai trong chúng ta cũng có một "món nợ". Ngoài món nợ là sự sống và tình yêu cứu độ của Chúa, chúng ta còn nợ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, nợ thầy cô đã dày công dạy dỗ và nợ ân tình của những người đã đi qua cuộc đời mình…Chúng ta không chỉ nợ những người đã yêu thương chúng ta mà chúng ta còn nợ cả những người đã từng làm chúng ta bị tổn thương. Bởi vì, tất cả họ đều là những người thầy đã dạy chúng ta bài học về cuộc sống. Vì vậy, ước mong mọi người hãy trân trọng thời gian còn ở bên nhau, ai muốn bày tỏ những lời yêu thương hay những hành động quan tâm đối với người thân thì hãy làm ngay khi có thể, đừng để nó trở nên muộn màng rồi lại tiếc nuối.
Sau 2 tháng phục vụ, tới nay tôi vẫn luôn bình an. Vì vậy, tôi cũng đang nợ các y bác sĩ, những người đã tận tình hướng dẫn tôi trang bị đồ bảo hộ cho đúng cách từ những ngày đầu tiên, nợ các bệnh nhân đã cho tôi cơ hội để đụng chạm đến thân thể cũng như tâm hồn họ, nợ các bác tài đưa đón chúng tôi hàng ngày, nợ bác bảo vệ cho chúng tôi ở một nơi thật an toàn, nợ những người thân yêu xa gần luôn cầu nguyện và hỗ trợ chúng tôi về cả tinh thần lẫn vật chất... Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận mình có những món nợ đầy ắp yêu thương, như lời thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề luật” (Rm 13, 8). Ước mong rằng sẽ đến lúc người ta không còn dốc sức ganh đua để chạy theo món nợ danh vọng tiền bạc nữa, nhưng thay vào đó là theo đuổi những "món nợ yêu thương". Khi đó tất cả chúng ta sẽ được sống cảnh giới thiên đàng tại trần gian.
Nay đã hoàn thành sứ mạng của người tình nguyện viên, tôi sẽ trở về cuộc sống của người tu sĩ trong cộng đoàn êm ấm, bình an hơn. Tuy nhiên, tôi biết rằng mình vẫn mang rất nhiều món nợ ân tình mà mọi người đã dành cho tôi. Cảm ơn về tất cả, tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình với mọi người trong tâm tình hiệp thông thiêng liêng. Tạ ơn Chúa, cảm ơn mọi người!
Sr. Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành
bài liên quan mới nhất
- Nhật ký tuần đầu tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình
-
Cuộc hội ngộ: biết ơn và tri ân -
Cái chết của lý trí và ý chí -
Những cánh mai trắng -
Cái Tết chưa tròn... -
Chiếc bánh Ú ngày Tết của Mẹ -
‘Trang phục du Xuân’ Chúa gửi -
Tết mới nơi bệnh viện dã chiến -
Xuân yêu thương bên bệnh nhân -
Chút tâm tình thiện nguyện dịp Tết
bài liên quan đọc nhiều
- Một đêm không thể ngủ
-
Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì? -
Thương lắm mẹ ơi! -
Một ngày không thể quên -
RNDM cảm nhận từ bệnh viện dã chiến -
Hãy thương lấy mình và hãy thương các y bác sĩ -
Nhật ký chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện: Ngày thứ hai -
Lên đường ra tuyến đầu -
Thiện nguyện viên cầu nguyện trong đêm -
Lên đường - Dừng lại - Cách ly