Những vị đầu tiên gieo mầm sứ vụ La San tại VN

Những vị đầu tiên gieo mầm sứ vụ La San tại VN

 Sứ vụ La San đã khởi đầu trên quê hương Việt Nam còn ghi mãi dấu ấn của một nhóm người đáp tàu đến Việt Nam tháng 11 năm 1865. Họ là một nhóm Sư Huynh La San, 8 Sư Huynh hay 6 Sư Huynh? Bài viết muốn truy về nguồn lịch sử nhằm làm sáng tỏ những gì còn bí ẩn trong tâm thức của các sư huynh lẫn thành viên La San Việt Nam ngày nay. Dấu chân đầu tiên của các sư huynh sẽ còn lưu mãi trong lịch sử Tỉnh Dòng Việt Nam, những công khó mà họ đã gây dựng từ những ngày đầu đầy thách đố ấy chắc chắn sẽ gợi hứng rất nhiều cho những tâm hồn mến yêu sứ mạng La San trong lòng đất mẹ Việt Nam.

 CÁC SƯ HUYNH LA SAN ĐẾN VIỆT NAM

 (SÀI GÒN)

 Về Thời Điểm Đầu Tiên Và Số Các Sư Huynh Đặt Chân Đầu Tiên Đến Bến Nghé

Trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 19, thủy sư Đô đốc de la Grandière nhân danh chính quyền thuộc địa Pháp xin sư huynh Philippe[1], Tổng quyền dòng La San gởi sang Sài Gòn một số sư huynh để mở trường dạy văn hóa cho dân chúng địa phương và đồng thời truyền bá đạo Chúa[2]. May thay vào thời điểm này, dòng La San có sáu (6) sư huynh sẵn sàng lên đường đáp lời mời gọi. Sau nhiều lần thay đổi tàu và thời điểm lên đường, ngày 5 tháng 11 năm 1965, họ lên tàu Ardèche tại cảng Toulon để trực chỉ sang Việt Nam.

Như thế vào ngày khai trường, ngày 09 tháng 01 năm 1866, có sáu sư huynh trực tiếp lo điều hành trường Adran do các thừa sai chuyển giao. Rồi vào ngày 23 tháng 02 cùng năm, có thêm một sư huynh[3] đến tăng cường. Nhưng sau đó, vào ngày 26/04/1866, 2 sư huynh Adelphinien và Adilbert-Jean  được gởi “đi” Chợ Lớn lập thêm một trường chi nhánh đầu tiên tại đấy.

 Tuy nhiên theo một bức ảnh và một danh sách viết tay còn được giữ lại trong Archive tại Roma, chúng ta thấy và đếm được 8 sư huynh. Thế nên nảy sinh ra thắc mắc, từ lâu các tập sinh La San được dạy rằng nhóm các sư huynh đầu tiên đặt chân lên cảng Bến Nghé gồm 6 sư huynh. Cớ sao ảnh lại cho thấy có sự hiện diện của 8 vị. Vậy 02 vị kia đâu rồi ? Phải chăng họ đã chùng bước ?

Theo dự tính của Sh Tổng Quyền Philippe, 6 thầy đến làm việc tại  Sài gòn sẽ là các sư huynh:

1-  Sh Jaime, tên đời là Joseph-Marie Tigol, được bổ nhiệm giám tỉnh kiêm hiệu trưởng.

2-  Sh Adelphinien, tên đời là François-Joseph-Adelphie Cabaille

3-  Sh Adrien-Victor, tên đời là Adrien Mennétrier

4-  Sh Basile de Jésus, tên đời là Joseph Lapointe.

5-  Sh Adilbert-Jean, tên đời là Arnaud Jean.

6-  Sh Alpin de Jésus, tên đời là Marie-Joseph-Auguste Galichet.

 Còn 2 sư huynh mà mục tiêu đến là Singapore, đã tháp tùng theo và có tên là :

7-  Sh Paulinian, tên đời là Edouard Teady.

8-  Sh Néopole de Jésus, tên đời là Paul Bayet.

Tuy nhiên, khi sang đến Sài Gòn thì có một thay đổi nhỏ: 6 sư huynh đầu tiên của tỉnh dòng Sài Gòn là Jaime, Adelphinien, Adrien-Victor, Néopole de Jésus, Alpin de Jésus và Adilbert-Jean.

Và 2 sư huynh sẽ đi Singapore là Basile de Jésus và  Paulinian.

Bức ảnh của 8 sư huynh nói trên được thợ ảnh mỹ thuật T.Mori (Nhật), chụp tại Sài Gòn. Bức ảnh không có ghi ngày chụp, nhưng ta suy đoán thì có lẽ vào những ngày cuối tháng giêng hay đầu tháng hai (chắc không quá ngày 23/02 là ngày có thêm 01 sư huynh tăng viện) của năm 1866.

Như vậy, vào những ngày đầu tháng giêng năm 1866, có tất cả 8 sư huynh La San hiện diện tại Nam Kỳ, nhưng chỉ còn 6 sư huynh được đặc phi ở lại Việt Nam để khởi đầu công tác giáo dục nhân bản và Kitô trong giang sơn hình chữ S này.

  Ông Sáu Bê fsc


[1] Tên đời là Mathieu Bransiet (1792-1874)

 

[2] Theo suy nghĩ đơn sơ của những tu sĩ nhiệt thành vì đạo thì đấy là một điều thiện hảo.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top