Những “Tấm Bánh” trong đời

Những “Tấm Bánh” trong đời

WGPSG --Thứ Hai, ngày 27.08.2012, Giáo hội cử hành lễ nhớ Thánh nữ Mônica. Chiều nay có khá đông bà con giáo dân tham dự Thánh lễ ở nhà thờ Đồng Tiến, giáo hạt Phú Thọ, Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, tọa lạc ở số 54 đường Thành Thái, phường 12, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh. Hình ảnh đánh động tâm hồn tôi trong Thánh lễ chiều nay đó chính là lúc linh mục dâng tấm bánh thánh lên cao. Hình ảnh này làm tôi nhớ tới những “tấm bánh” giữa đời thường hôm nay. 

Bạn thân mến, tấm bánh không chỉ là thức ăn nuôi sống con người. Tấm bánh còn nói đến sự cho đi và hy sinh. Cho đi để người khác được đón nhận. Hy sinh để người khác được hạnh phúc. Vậy, bạn từng cảm nhận những tấm bánh như thế bao giờ trong đời chưa? Nếu nhìn dưới góc độ này thì cha mẹ là tấm bánh cho con cái. Linh mục là tấm bánh cho đoàn chiên. Và Chúa Giêsu là tấm bánh trường sinh cho nhân loại. Vậy, những “tấm bánh” như thế được thể hiện như thế nào giữa đời thường hôm nay?  

Cha mẹ là “tấm bánh” để con cái lớn khôn nên người 

Trước tiên, tình thương hy sinh của cha mẹ được ví như là tấm bánh để con cái khôn lớn nên người. Cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Bởi thế, một bạn trẻ đã cảm nghiệm về tình thương của mẹ như thế này: “Con yêu mẹ vì trong những lúc con ốm nặng, mẹ đã túc trực bên con, lo lắng cho con đến sụt ký. Mẹ đút cho con từng viên thuốc, muỗng cháo, muỗng cơm. Khi con than thuốc đắng, mẹ dỗ dành bằng cách cho con một cây kẹo ngọt lịm.” Quả thật, sự sống của con chính là của cha mẹ. Hạnh phúc và tương lai của con cũng chính là hạnh phúc của cha mẹ. Niềm vui, nỗi buồn, thành công và thất bại của con cũng là của cha mẹ. Điều này đã được một người con hiếu thảo cảm nhận như sau: “Đường kim từ tay mẹ, thành áo trên người con”. Tình yêu của cha mẹ dường như đều xuất phát từ những việc nhỏ nhặt như đường kim mũi chỉ ấy. Bất kể chúng ta đang ở nơi nào, núi cao hay vực thẳm, chân trời góc bể nào, thì tình yêu ấy vẫn luôn chấp cánh cho những uớc mơ của chúng ta. 

Thánh lễ chiều nay nhắc tới gương sáng hy sinh của Thánh nữ Mônica. Nhờ sự kiên trì cầu nguyện và hy sinh của bà mà Thánh Augustinô lớn khôn, thức tỉnh và trở thành một người hữu ích cho Giáo hội. Điều này gợi nhắc tới tình thương bao la như trời biển của cha mẹ đã dành cho mỗi chúng ta. Tình thương ấy được ví như là “tấm bánh” giúp chúng ta thành nhân và thành công. Đó là tấm bánh giữa đời thường. Đó là tấm bánh tình yêu. Chúng ta chỉ cảm thấu được sự cho đi ấy khi sống trong tình yêu: “Con yêu mẹ vì mẹ đã mang nặng đẻ đau để sinh ra con trên cõi đời này. Không những chỉ 9 tháng 10 ngày, mà cả cuộc đời mẹ luôn gánh phần cơ cực để con có được hình hài khỏe mạnh.” Chị tôi hay dẫn con đi ăn đùi gà. Những lúc như thế chị thường ngồi nhìn con chị ăn. Chị hy sinh không dám ăn để nhường cho con chị ăn. Phải chăng những lúc như thế chị đã trở thành “tấm bánh” cho con của chị rồi? Vậy, thực tế đời thường hôm nay còn có những nghĩa cử hy sinh nào tương tự như thế không?  

Linh mục trở nên “tấm bánh” để nuôi sống đoàn chiên 

Tiếp đến, linh mục trở nên tấm bánh giữa đời thường để nuôi sống đoàn chiên. Vì vậy, Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn.” Điều này cũng đã được một Giám mục cảm nhận thật thấm thía: “Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hi sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết...” (ĐGM GB Bùi Tuần, Tĩnh tâm LM Gp LX tháng 6-2002). Vâng, theo Chúa chỉ có một con đường thập giá mà thôi. Vậy, tại sao lại gọi “linh mục là người bị ăn”? 

Quả thật, đời sống linh mục mỗi ngày bị hao mòn đi. Linh mục dành mọi thời gian cho giáo dân. Linh mục lo cho người nghèo, người bệnh tật, người già cả neo đơn trong giáo xứ. Linh mục lo cho thiếu nhi giới trẻ v.v.. Điều này đòi hỏi sự hy sinh lớn lao. Linh  mục hy sinh sống đời độc thân để lo cho đoàn chiên. Linh  mục lấy hạnh phúc của đoàn chiên làm niềm vui và hạnh phúc cho đời mình. Bởi thế, một linh mục trẻ tâm sự chân thành với tôi rằng: “Anh thấy đời sống linh mục mỗi ngày bị bớt đi. Bớt đi thời gian. Bớt đi sức khỏe. Bớt đi những ước muốn rất bình thường của con người.” Ngoài ra, một người giáo dân cũng đã từng cảm nghiệm tương tự như thế: “Linh mục phải ‘tự tiêu hao’ biết bao dự phóng, bao sáng kiến, bao lo toan, bao kế hoạch riêng tư... Nói cách khác, khi lo cho người khác được lớn lên, linh mục sẽ hy sinh chính bản thân ngài.” Phải chăng vì thế mà người giáo dân quý mến lý tưởng và hình ảnh của người linh mục? Vậy, tại sao người linh mục dám chấp nhận dấn thân chọn lựa lý tưởng hy sinh đời mình như thế? Bởi vì, người linh mục chọn Chúa Giêsu làm lẽ sống và cùng đích đời mình.  

Chúa Giêsu là “tấm bánh” trường sinh để nhân loại được sống 

Cuối cùng, Chúa Giêsu chính là tấm bánh trường sinh để nhân loại được sống đời đời: “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt Ta vì sự sống thế gian” (Ga 6, 51b). Quả thật, Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh tình yêu cho nhân loại. Tình yêu cho người nghèo. Tình yêu cho người tội lỗi. Tình yêu cho người bệnh tật. Thế nên, một tác giả đã cảm thấu thế này: “Tấm bánh của Lời Hằng Sống, của Tình Yêu cao vời mà Thiên Chúa dành trọn cho con người, Ngài không được lợi lộc gì khi trao ban cho con người chính Mình và Máu của Ngài, vì Ngài là Tình Yêu, và được nhìn thấy con người hạnh phúc là Niềm Vui của Ngài.” Vậy, mỗi lần lên rước lễ, chúng ta đã cảm nghiệm được tấm bánh tình yêu của Chúa Giêsu như thế nào?  

Bạn thân mến, những tấm bánh trong đời thật ý nghĩa biết bao. Tấm bánh của tình yêu và sự hy sinh. Tấm bánh chỉ biết nghĩ đến người khác chứ không ích kỷ nghĩ đến bản thân. Những tấm bánh như thế đem lại nhiều giá trị sống cho con người thời đại hôm nay. Bởi vậy, một người nào đó đã trải nghiệm cuộc đời như sau: “Con tim ích kỷ chỉ đón nhận những gì có lợi cho mình, và chỉ cho đi những gì không thiệt thòi cho mình. Điều đó không đem lại cho con người sự no đầy, mà ngược lại, nó làm con người thêm đói khát. Càng gom góp con người càng thấy thiếu. Chỉ biết thu vén, không bao nhiêu là đủ.” Vậy, bạn và tôi có dám trở nên tấm bánh để cảm thông và chia sẻ với tha nhân như Chúa muốn không?

Top