Những điều khó khăn
Đọc Thánh Kinh, ta thường gặp nhiều câu nói của Chúa Giêsu đôi khi rất khó nghe, khó hiểu và khó ứng dụng trong đời sống vì những câu nói ấy đi ngược với quy luật ứng xử bình thường tự nhiên. Nào là “… ai tát má phải hãy giơ cả má trái…”, “… chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời….” hoặc “… ta đến để gây chia rẽ giữa cha với con trai, giữa mẹ với con gái…Ta chỉ mang gươm giáo đến...”
Nhiều lắm, những câu tương tự như thế, nhưng một câu quen thuộc nhất mà nếu đã là người Công giáo, thì ai cũng nhớ nằm lòng: “… Ai muốn theo làm môn đệ tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo tôi…”
Làm môn đệ Chúa thì được cái gì, mà sao điều kiện có vẻ gay gắt và quyết liệt khó khăn đến thế? Chúa chẳng khéo nói để chiêu dụ, Ngài cũng không cứng cỏi để áp đặt và nếu cho rằng đây là một lời mời gọi, thì quả thật, đó là những lời mời gọi rất khó lọt tai và khác thường. Câu nói của Chúa là một mệnh đề ngắn chỉ gồm chưa tới 20 từ, nhưng đã mở ra cả một trời suy nghĩ mà nếu thiếu quan tâm, ta sẽ chẳng thể có được một đời sống đạo ý thức và bình an, để chỉ còn là những gì hời hợt dễ dãi, rập khuôn theo lối mòn đóng khung của đời sống thiếu sinh khí.
Biết mình ư? Quá khó!
Con mắt nhìn được mọi vật gần xa, trừ ra chính nó. Lông mày, lông mi ở gần mắt nhất nhưng mắt không thể tự thấy, nếu không có sự phản quang nhìn lại bằng một tấm gương.
Không ai gần mình hơn chính mình, nhưng biết mình luôn không phải là việc dễ, Benjamin Franklin viết: “Có ba điều khó khăn nhất là, thép, kim cương, và biết chính mình.” Bốn trăm năm trước công nguyên, Socrates đã để lại hai từ bất tử, vang vọng suốt mấy ngàn năm lịch sử triết lý Tây phương: “Biết mình” (gnōthi seauton, know thyself). Biết về chính mình tức là biết về con người, tức là biết về đời sống và ý nghĩa của nó. Binh pháp Tôn gia nói: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng.” Nếu ta thực sự biết rõ về ta, thì có lẽ ta cũng đã biết gần hết về người rồi, vì người với ta có lẽ giống nhau khoảng 90 phần trăm và chỉ 10 phần trăm là khác nhau.
Thật vậy, đôi khi ta có cảm tưởng là ta biết rất rõ về chính mình, nhưng tiếc thay, nhiều khi đó chỉ là những ảo tưởng được minh chứng qua không ít lần từ thực tế. “Biết” có nghĩa là kiểm soát và làm chủ. Nếu ta biết chú trộm sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào, đương nhiên là ta không thể bị trộm.
Đã bao nhiêu lần gã hàng xóm khó ưa chỉ nói một câu nghe có vẻ hơi gai góc một chút, là đầu ta đã bốc hỏa trước khi kịp suy nghĩ “Nên nổi giận hay không?” Đã bao nhiêu lần ta biết là nên làm hòa với hắn, nhưng hễ thấy mặt hắn thì ta lại chỉ muốn tát cho hắn một cái, thế là ta lại bước sang hướng khác mất rồi? Đã bao nhiêu lần dù biết rõ khoe khoang tự mãn là điều chẳng hay ho gì, nhưng sao ta vẫn tiếp tục khoe khoang?
Khoa tâm lý đã chỉ ra rất rõ rằng, hệ thần kinh, hệ suy tưởng của chúng ta, được lập trình theo những thói quen. Cứ thế mà vận hành, không cần ta điều khiển, mà thường thì cũng không cho ta điều khiển. Một số thói quen có thể thấy được, nhưng nhiều số thói quen khác, nhất là thói quen về cảm tính, ta chỉ làm theo một cách vô thức mà không tự nhận ra. Chẳng hạn, khi nói láo thì tim đập khác đi một chút, hoăc nghe điều gì làm ta lo lắng thì lại tái mặt, đổ mồ hôi. Hoặc là, nói về mình thì thường tự nhiên thêm thắt một chút theo hướng có lợi và tự đề cao mình.
Mặt khác, cung cách suy nghĩ và hành động của mỗi người đã được lập trình bằng quá nhiều điều: Hệ thống tâm sinh lý tự nhiên, di truyền, thói quen được tích lũy từ bố mẹ anh em, giáo dục, kinh nghiệm, v.v… Tất cả những điều này tạo nên cá tính. Cá tính chính là tổng hợp của tất cả các thói quen ta có. Và các thói quen này vừa tạo nên cá tính, nhưng cũng vừa là những bức màn che ta trong bóng tối của chính mình.
Biết được chính mình tức là biết được tất cả những thói quen nào đang xảy ra trong mình, đang hành động trong mình, và tìm cách điều khiển chúng, không để cho chúng điều khiển mình. Biết mình tức là làm chủ được chính mình.
Nhưng làm thế nào để biết mình?
Các pháp môn tu tập của mọi tôn giáo lớn đều chỉ ra, cách tự nhiên nhất là phải lặng yên để quan sát chính mình. Yên lặng là điều kiện cần thiết để quan sát. Nhưng yên lặng lại quá hiếm hoi trong thời đại chạy đua ồn ào vội vã hiện nay, quan sát chính mình đã trở nên quá khó khăn, vì vậy, nhiều người chúng ta đã không có cơ hội thấy được chính mình một cách rõ ràng. Đây là điều mà nhà Phật gọi là vô minh, và một số triết gia và nhà xã hội học Tây phương gọi là “vong thân” (alienation), là đánh mất mình.
Do đó, điều đầu tiên mà tôi phải làm, là tìm một khoảng yên lặng mỗi ngày để quan sát mình. Ngồi yên trong một góc công viên thanh vắng, hoặc ngồi một chỗ trước nhà chầu Thánh Thể, hoặc đóng cửa phòng ngủ rồi tắt nhạc, như thế, đương nhiên là bớt đi được một tí ồn ào, nhưng dù vậy, vẫn chưa chắc đã là yên lặng. Bởi vì trong đầu tôi thường có nhiều “tiếng động”, như là các bận rộn suy tính công việc, hoặc lo lắng, tức giận ai đó, bực mình điều gì đó. Chỉ khi nào các “tiếng động” này lắng xuống, lúc đó ta mới thực sự có được yên lặng, sự yên lặng nội tâm, một thứ yên lặng tuyệt vời đáng mơ ước và luôn được chúc phúc.
Thứ yên lặng ấy có thể đến từ việc liên lỷ lần chuỗi Mân Côi bằng môi miệng, hoặc niệm thầm trong lòng những lời nguyện tắt: “Giêsu, Maria, Giuse con mến yêu, xin cứu các linh hồn”. Dù đọc ra miệng hoặc nguyện thầm trong lòng, đều vẫn là sự tĩnh lặng trong cầu nguyện. Đó là những cách hết sức hiệu quả mà ai cũng có thể nếm hưởng và đã được minh chứng qua đời sống cầu nguyện nội tâm của mình. Và đó cũng chính là điều kiện đầu tiên cơ bản giúp để “biết mình” nhờ ơn phúc và sức mạnh từ trời cao.
Từ bỏ mình, vác thập giá mình. Chẳng dễ chút nào!
Từ bỏ đã được Đức Giêsu nêu gương thật hoàn hảo và đã để lại muôn ngàn cung bậc cảm xúc, Ngài đã hy sinh ý riêng để chỉ thực hiện ý của Chúa Cha, và đỉnh cao nhất của sự từ bỏ ấy là đã hiến tế thân mình qua cái chết đẫm máu nơi đồi Calvê trên Thập giá năm nào.
Nói từ bỏ thì dễ, thực hiện từ bỏ khó vô cùng.
Vì từ bỏ là tự lột xác, là mất đi con người cũ với các đam mê tục lụy để mặc lấy con người mới thanh thoát siêu nhiên theo gương Chúa. Lột xác, lột da có bao giờ là chuyện êm ái nhẹ nhàng? Từ bỏ là chọn lựa giữa tốt xấu, trắng đen của thiện ác mà ở đó các ranh giới không luôn rõ ràng, nhiều khi lại mong manh nhập nhằng trộn lẫn rất khó nhận ra. Nhà đạo thường nhắc đến 3 thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Ma quỷ có thể thắng lướt, thế gian có thể rời xa, nhưng thân xác thì luôn gắn bó đến hơi thở cuối đời, cùng với nhu cầu và những đòi hỏi không ngừng của nó. Nhà Phật đã chỉ ra tam độc của Tham, Sân Si. Còn các đạo sư vẫn thường nói về Danh, Lợi, Tình. Những cách nói ấy tuy khác nhau với ý nghĩa chẳng giống nhau, nhưng đều cùng chung mục đích nhằm cảnh báo và nhắc nhở con người về tinh thần từ bỏ. Danh vọng, quyền lực, sắc dục luôn là những vấn nạn của muôn thuở nhân sinh. Và hiện nay, đồng tiền đang phô diễn sức mạnh gần như vạn năng của nó. Đồng tiền đang ngạo nghễ lên ngôi Thượng Đế tại nhiều nơi, ngay ở lòng người như thách đố, gây ra những xáo trộn đảo điên, với biết bao lẫn lộn thật giả vàng thau chẳng thể nhận ra.
Vượt qua được những thách đố ấy là đã tiến lên một bậc cao của sự từ bỏ mình, nhưng bậc cao nhất cuối cùng, chính là sự hủy mình ra không vì hạnh phúc tha nhân để không còn bóng dáng cái TÔI hiện diện, chính là mẫu gương tuyệt hảo nơi Đức Giêsu, Ngài chẳng cần nói thêm điều gì nữa về từ bỏ mình.
Có nhiều kẻ thích nói về từ bỏ và thường nói rất hay, nhưng thực tế lại không từ bỏ mình, song chỉ nhằm loại trừ, hạ bệ và từ bỏ người khác. Họ chỉ giả vờ từ bỏ, nhưng giả vờ rất khéo và sắm vai rất đạt, nên không ít kẻ đã ngộ nhận tin lầm. Ngày ấy, Chúa Giêsu đã chết treo trên Thập giá rất cô đơn, và cho đến hôm nay, lời kêu gọi từ bỏ mình của Ngài dường như, cũng đang trở nên lạc lõng lẻ loi như một cánh chim lạc bầy bơ vơ trong chiều giông bão.
Từ bỏ mình đã là một nan đề như thế, thì vác thập giá mình làm sao nói được là chuyện dễ dàng? Thập giá chỉ là cây giá gỗ bình thường như mọi cái giá gỗ khác, song được tôn vinh là Thánh giá, chính vì có Đấng Thánh đã được treo trên đó. Thập giá chính là các bổn phận hàng ngày mỗi người phải chu toàn, mà ở đó, người ta thường phải đối mặt với những cung bậc bất như ý, buồn nhiều hơn vui, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, nên phát sinh khuynh hướng né tránh, lẫn lộn hoặc chạy trốn là điều hiểu được. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết về điều này như sau:
Có người không vác Thánh giá mình hoặc của người khác, song lại tưởng tượng Thánh giá mình quá nặng. Có người vác Thánh giá cả làng mà không vác Thánh giá mình. Có người vác Thánh giá cả làng và gán Thánh giá bắt kẻ khác vác.
Lạy Chúa Giêsu!
Đã có lúc, con nghĩ, theo làm môn đệ Chúa thì để được gì, khi các điều kiện lại khó khăn và nhiêu khê đến thế như một sự khiêu khích, nhưng là khiêu khích chính con, vì thấy mình cứ mãi lẹt đẹt sa lầy. Nếu từ bỏ mình, vác thập giá mình là một bậc thang nhiều nấc, con thấy mình cứ trượt chân ngã mãi ở các bậc thang đầu, đường nhân đức dường như xa xôi quá.
Nhưng khi nhắm mắt, con lại nhìn ra Chúa thật rõ trong tâm, mà Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu đích thực thì chẳng bao giờ có sự loại trừ ruồng bỏ, dù con cái mình có tật nguyền, kém cỏi và tệ hại ra sao đi nữa.
Con tin chắc, không, con không tin nữa, nhưng con thấy rất rõ, Chúa đã nâng đỡ con trước đây và sẽ còn nâng đỡ con luôn mãi cho đến hơi thở sau cùng, vì con biết, Chúa chẳng bao giờ ghi điểm tính công về các nhân đức hoặc công trạng như thông lệ trần gian thường thấy.
Chúa chỉ cần ở con một phần trăm thiện chí, phần còn lại Chúa sẽ bao sân vì Chúa cũng là Cha của con. Tạ ơn Cha bây giờ và mãi mãi. Amen.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới trẻ trước căn bệnh "vô cảm"
-
Quan điểm về Ăn chay của Phật giáo Nguyên Thủy -
Bạn nghĩ thế nào về lời xin lỗi -
Ngày 01/10: Têrêsa HĐGS: Con đường thơ ấu thiêng liêng -
Hành trình cuộc đời -
Một linh đạo tu thân: con đường nước -
Chúa nhật: Ngày của niềm vui -
Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Hoa hồng nhỏ -
Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con -
Yoga - Thiền trên thế giới và với Kitô giáo ngày nay (2)