Quan điểm về Ăn chay của Phật giáo Nguyên Thủy
Trước hết phải nói rằng trong giới luật thuộc truyền thống Nguyên Thủy, không có giới cấm ăn thịt cá, mặc dầu có giới cấm sát sanh.
Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được [1], tùy duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành. Họ cho rằng sự ăn chay không có mặt trong thời kỳ bắt đầu của Phật Giáo và chính Đức Phật cũng không phải là người ăn chay [2], ăn chay là một nét đặc thù của Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa [3], bắt đầu từ triều đại nhà Minh, tức thời Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) và dĩ nhiên truyền mạnh qua Phật giáo Bắc Tông Việt Nam. Trước đó Phật Giáo Trung Hoa cũng không đặt vấn đề ăn chay mặn là việc quan trọng cho sự tu hành. [4]
Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng chính Phật không đặt thành vấn đề ăn chay mặn, sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao, giới luật không giữ thì đâu gọi là chay. Đức Phật cùng các đệ tử của Ngài đều ăn theo truyền thống khất thực, "ăên để mà sống để hành đạo", chứ không phải "sống để mà ăn để thụ hưởng".
Tất cả chư Tăng Nam Tông, tính có hàng triệu người, ở các quốc gia Phật giáo như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên, Ai Lao và một phần Việt Nam đều tiếp tục duy trì truyền thống này. Họ cho rằng bản thân họ không tự mình sát sinh, không khích lệ người khác sát sanh, không tùy hỷ sự sát sanh và do đó không phạm giới sát sinh.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật dạy hàng Tỳ Kheo, nếu hành đầy đủ ba pháp "Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sinh, tùy hỷ sự từ bỏ sát sanh sẽ được sanh lên cảnh trời, không bị rơi vào địa ngục. [5]
Trong Tăng-Hàm, quyển 37, khi luận bàn về vấn đề sát sanh, có nói như sau:
"Tôi muốn sống, không muốn chết, muốn được sung sướng, không muốn phải đau khổ. Nếu có kẻ nào cướp đi sự sống của tôi, tôi có vui vẻ không? Nếu tôi không vui vẻ, thì kẻ khác cũng không vui vẻ khi tôi cướp đi của họ sự sống và sự sung sướng ấy. Không những thế, phàm cái gì mình không ưa thích thì kẻ khác cũng không thích. Nếu thế thì tại sao ta lại làm cho những kẻ khác những điều mà ta không ưa thích?" (Kimura Taiken, Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận - Hán dịch: Thích Diễn Bồi; Việt dịch: Thích Quảng Độ).
Thật ra mục đích căn bản của đạo Phật về mặt giới luật là tránh làm mọi điều ác, làm tất cả việc lành và giữ tâm được trong sạch. Sự giác ngộ giải thoát chẳng phải do việc ăn chay hay ăn thịt, mà là do sự trong sạch của thân khẩu ý. [6] Phàm tất cả những việc gì có hại đối với thân tâm, gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại, cho đến tất cả chúng sinh hữu tình, đều bị chi phối bởi năm giới luật căn bản, mà giới cấm sát sanh là giới cấm đầu tiên của Đạo Phật.
Trong kinh điển Nguyên Thủy, Đức Phật sau khi nghe lời thỉnh cầu của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) xin ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn thịt cá, Đức Phật không chấp thuận và Ngài dạy rằng. "Sự ăn thịt cá có thể coi như trong sạch trong ba trường hợp (tam tịnh nhục) là người ăn không thấy, không nghe, không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết riêng biệt cho mình." [7]
Chúng ta nên nhớ rằng, thời Đức Phật còn tại thế, hàng tỳ kheo đi khất thực, bữa ăn hàng ngày tùy thuộc vào những gì mà lòng hảo tâm của thập phương bá tánh đặt vào bình bát, các thầy lặng lẽ nhận với một tâm không phân biệt, ngoại trừ những thức ăn không được Đức Phật cho phép ăn như nói ở trên.
Theo luật tắc của tu viện thời Đức Phật, quý thầy Tỳ kheo không được phép đòi hỏi món này hay món khác, quý thầy nhận với tâm bình thản và không phân biệt bất luận thứ gì mà người Phật tử hoan hỷ cúng dường. Thực phẩm chỉ để nuôi mạng sống.
Ngày nay tại các quốc gia mà các thầy tỳ kheo không thể đi khất thực được, việc ăn uống tùy thuộc hoàn toàn vào các nhóm cư sĩ Phật tử hoan hỷ hỗ trợ các thầy. Quý Phật tử tự ý đi chợ mua sắm rồi nấu nướng dâng đến các thầy thọ trai. [8]
Trên đây là tóm lược quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy về vấn đề ăn chay. Họ có những lý do tin là việc ăn chay hay không ăn chay không phải là điều quan trọng trong việc hành trì Phật Pháp. Họ tin rằng việc dính mắc hay không dính mắc trong tâm tưởng mới là điều quan yếu, khi tâm quá dính mắc vào các ý niệm thiện ác hay ăn chay mặn là mang vào mình sự bất an vì e sợ không biết hành động của mình có sai, có tạo nên ác nghiệp không? Chẳng hạn khi quét nhà lo sợ kiến chết hay khi đi lo sợ dẫm lên làm chết côn trùng hay làm hại cây cỏ. Họ cũng thường trích dẫn bài kinh Amagandha mà Đức Phật giảng cho Jivaka nghe rằng "phẩm hạnh xấu xa của người làm tội bằng nhiều cách khác nhau, còn tệ hại hơn là ăn thịt cá nhiều."
Họ nghĩ rằng những điều làm cho con người bất tịnh chẳng phải là ở nơi ăn thịt cá, mà là ở nơi lòng oán hận, mê tín, gian xảo, tật đố kiêu căng, và xu hướng theo đường bất chánh.
Nói tóm lại, Phật giáo Nguyên Thủy tin tưởng rằng, không có một giới luật khắt khe nào trong Phật giáo nói là tín đồ của Đức Phật không nên ăn thịt cá và bắt tất cả người Phật tử phải ăn chay. Họ cũng tin rằng, Đức Phật chỉ khuyên là không nên liên quan vào việc sát sanh có dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác giết bất cứ chúng sanh nào cho mình ăn.
Thế nhưng còn nhiều nghi vấn đặt ra về phương diện đạo đức như là thịt cá bày bán ở ngoài chợ có phải giết đặc biệt cho chúng ta ăn không? Có phải ăn thịt cá là một thứ "ủy nhiệm sát sinh" không? (killing by proxy). Ngoài ra còn nhiều nghi vấn, sẽ được những người Phật giáo khác trả lời như là làm sáng tỏ quan điểm ăn chay của họ.
------------------------
[1] Hòa Thượng Hộ Tông, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, Người Tu Cần Phải Ăn Chay Không?, Kỷ Yếu Bửu Môn Xuân Mậu Thìn 1987, tr. 100.
[2] Ven. S. Dhammika, Australian BuddhaNet
[3] Phạm Ngọc Sâm, Người Tu Cần Phải Ăn Chay Không?, Kỷ Yếu Bửu Môn Xuân Mậu Thìn 1987, Chùa Bửu Môn, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Tại Hải Ngoại, Port Arthur, Texas, tr. 96-97.
[4] Như dẫn chứng số 3 nêu trên.
[5] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 1, Xuất Bản tại Việt Nam năm 1987, tr. 347.
[6] Thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; Khẩu: không nói dối, không nói lời hai lưỡi, không nói lời độc ác; Ù: không tham, không sân hận, không si mê.
[7] Jivaka Sutta, Majjhima Nikaya 55
[8] Quý Phật tử hộ pháp nên đem tấm lòng thành kính đối với Phật, lòng từ bi đối với muôn loài chúng sinh mà làm đồ ăn chay dâng cúng chư vị Tu sĩ, vừa giúp cơ thể chư vị mạnh khỏe thanh tịnh để tu hành, vừa giúp súc sinh khỏi sống tù tội chết đau đớn (Lời người biên soạn).
Nguồn:
www.buddhismtoday.com
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới trẻ trước căn bệnh "vô cảm"
-
Bạn nghĩ thế nào về lời xin lỗi -
Ngày 01/10: Têrêsa HĐGS: Con đường thơ ấu thiêng liêng -
Hành trình cuộc đời -
Một linh đạo tu thân: con đường nước -
Chúa nhật: Ngày của niềm vui -
Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Hoa hồng nhỏ -
Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con -
Yoga - Thiền trên thế giới và với Kitô giáo ngày nay (2) -
Gioan Thánh Giá và bài Thánh thi Tình yêu