Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Hoa hồng nhỏ

Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Hoa hồng nhỏ

Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Hoa hồng nhỏ

Ngày 1.10.1897, tại một tỉnh lẻ ở Pháp một đám tang chỉ vỏn vẹn mười người, đi đầu là Thánh Giá, tiếp theo là Linh Mục Tuyên úy, rồi linh cữu người quá cố trên một chiếc xe đẩy, đi sau linh cữu là mấy nữ tu “ngoài lũy cấm” và vài ba thân nhân. Đó là đám tang một nữ tu đan viện thành Lisieux, mới qua đời chiều hôm trước. Người nữ tu với cái tên Têrêsa “ bé mọn” 24 tuổi, sống trong đan viện 9 năm, không một chức vụ gì, ngoài việc hướng dẫn mấy tập sinh.

Trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: "Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”. Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên: "A! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”. Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa: “Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.
Từ đấy, cả thế giới đã nói về chị Têrêsa. Cuộc bùng nổ những sách báo viết về chị. Chị được tôn vinh hiển thánh năm 1925, và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo toàn cầu.
Mấy năm qua, Giáo Hội Pháp mừng kỷ niệm 100 năm ngày tạ thế của chị. Người ta rước hài cốt của chị tới nhiều miền của châu Âu, từ thành phố này đến thành phố khác. Hàng trăm ngàn người hành hương kính nhớ người nữ tu vĩ đại này.

Tại Paris nhân ngày Đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 12 (21-24.8) năm 1997, ngày bế mạc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã loan báo: Giáo Hội sẽ tôn phong thánh Têrêsa Tiến sĩ Hội Thánh, ngày Chúa Nhật Truyền giáo 19.10.1997.

Vị Tiến sĩ Hội Thánh có một học thuyết được gói ghém trong ba quyển vở học trò. Chị viết “bản tự thuật” theo lệnh truyền của Mẹ Bề trên, cũng là người chị cả trong gia đình của chị. Thủ bản tự thuật đã được xuất bản dưới tựa đề “Chuyện một tâm hồn” trên 300 trang.

Một tác phẩm nhiều người đọc thoạt đầu sẽ cảm thấy khó chịu vì bị lạc hướng do những điều chị nói hoặc viết. Từ “thánh” mà hầu như trang nào ngọn bút cũng trào ra, một từ thật sự đã trở thành xa lạ, nếu chưa phải là “đồ cổ” đối với ngôn ngữ thường ngày của chúng ta hiện nay. Rồi hai tiếng “bé mọn” được lặp đi lặp lại tới hơn ba trăm lần. “Thánh thiện” và “bé mọn” là hai từ được dùng để triển khai một đạo lý, một linh đạo của vị Tiến sĩ Hội Thánh trẻ tuổi nhất trong các vị Tiến sĩ Hội Thánh.

Từ đời sống của tác giả, từ những lời tác giả nói hay viết, đã tuôn tràn những dòng suối làm giãn khát hàng triệu người. Cả cho đến hôm nay, ngay giữa não trạng lạnh lùng và thực dụng của con nguời thời đại. Vị tiến sĩ “bé nhỏ” ấy đã nắn hình ảnh vị Thiên Chúa nghiêm khắc của thời đại Jansenist thành hình một Người Cha đầy lòng thương xót. Vào một thời mà người ta tưởng rằng mình phải làm một cái gì đó, để đáng được Thiên Chúa thương đến, thì chị đã dám làm một điều ngược lại, là ra trước mặt Chúa “với hai bàn tay trắng”. Chỉ điều này thôi, đủ nói lên óc “cách mạng” của vị Tiến sĩ. Cuộc cách mạng đảo ngược tất cả.

1) Hồi ấy tinh thần đạo giáo rất khắt khe. Người ta thích nghe những bài giảng hùng hồn về một Thiên Chúa nghiêm khắc đáng sợ hãi, về tội trọng đáng sa hỏa ngục v.v...Têrêsa nghe mà khổ tâm, chị viết: “Chỉ những ai trải qua cơn tử đạo này, mới hiểu được cái khổ tâm của tôi”.

Chị đã đối phó làm sao? Chị nghĩ đến người anh trong gia đình đã chết trước ngày chị ra đời. Chị tâm sự với người anh đó với lòng đơn sơ của trẻ con, xin anh cầu nguyện cho “em út” được bình an. Và chị đã cảm thấy được cứu thoát.

2) Đứng trước những “ngọn núi thánh thiện” như Phaolô, Augustinô, Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá, Têrêsa cảm thấy mình như một “hạt cát bé nhỏ tối tăm”. Rõ ràng sự thánh thiện như thế hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của chị, không sao mà chị có thể làm nổi. Bất chợt, một áng sáng lóe lên, khi chị đọc câu Kinh Thánh: “Ai là kẻ thơ dại, hãy đến với Ta” (Cn 9,4), với một đoạn sách Ngôn sứ Isaia: “Như một người mẹ...Ta sẽ an ủi các con, Ta sẽ ẵm các con vào lòng, Ta sẽ nâng niu các con trên đầu gối” (66,18). Cả một thế giới mở ra trước mắt Têrêsa. Chính đôi tay Chúa Giêsu sẽ đem chị lên đỉnh núi cao. Rồi chị suy nghĩ: bé nhỏ để được bồng ẵm chưa đủ, cần phải mỗi ngày trở nên bé nhỏ hơn. Từ đấy, chị lấy tên là “Têrêsa bé nhỏ”.

3) Hồi ấy, ai được ơn gọi đều khởi sự với một lý tưởng lớn lao: nên thánh bằng việc làm.

Họ tưởng rằng yêu Chúa chỉ có nghĩa là làm thật nhiều cho Chúa, tận tụy đến cùng để xứng đáng được Ngài yêu.

Đối với Têrêsa, con đường nhỏ của chị không phải làm được gì nhiều cho Chúa, nhưng chính Chúa làm tất cả cho chúng ta. Không phải Thiên Chúa hạnh phúc vì được có ta, nhưng ngược lại, chúng ta hạnh phúc vì có Chúa. Một điều nghe như mâu thuẫn: Một đàng, Têrêsa nhấn mạnh: “Tình yêu chứng tỏ bằng việc làm”, đàng khác chị lại tương đối hóa việc làm, khi chị viết: “Thiên Chúa không cần những việc chúng ta làm...Tình yêu chỉ có thể trả bằng tình yêu”. Như thế, có nghĩa là ta sẽ làm việc ít đi? Không, chẳng phải là ta sẽ làm việc ít hơn, bớt năng nổ đi, nhưng ta sẽ làm việc cách khác hơn. Ta không còn làm việc cho Chúa, nhưng là làm việc của Chúa với khả năng Chúa ban cho ta. Thật là một cuộc cách mạng Cô-pec-ních, một sự đảo ngược 180 độ.

4) Thời ấy, trong các đan viện nữ tu thường dâng mình để đền tạ “Thiên Chúa chí công”. Têrêsa cũng cho việc làm như vậy thật cao qúy và quảng đại, nhưng chị “không hề cảm thấy một chút khao khát nào muốn dâng mình như thế”.

Vậy chị sẽ làm gì? Chị dâng mình cho “Thiên Chúa từ bi nhân hậu”. Chẳng phải vì Ngài thôi là Thiên Chúa công bình, nhưng vì, vượt trên sự công bình của Ngài, Thiên Chúa “đã xòe vạt áo nhân hậu của Ngài trên ta” (Êd 16,8). Lễ Chúa Ba Ngôi 9.6.1895, chị đã viết “Kinh dâng mình làm lễ vật toàn thiêu cho tình yêu xót thương của Thiên Chúa từ ái”. Ngay mấy câu khởi đầu Kinh dâng mình đã nêu nên hai mục tiêu: “Yêu mến Chúa và làm cho Chúa được yêu mến... bằng cách cứu các linh hồn, để đời đời họ sẽ mến yêu Chúa mãi”.

Kinh dâng mình của Têrêsa đã đánh tan ý kiến cho rằng: chị không quan tâm gì đến những người tội lỗi. Như Đức Giêsu, chị đến “đồng bàn với các tội nhân”. Không phải chỉ vì thương xót họ, nhưng thật sự chia sẻ nỗi đau thương của họ, đảm nhận lấy nỗi đau thương ấy, khi chị cảm thấy mình là tội nhân giữa các tội nhân. Đó cũng là một lý do khiến chị vào dòng Cát Minh: hiến đời mình cho các tội nhân.

Tháng 9 năm 1896, nghĩa là đúng một năm trước khi Têrêsa từ trần, chị thấy hiện lên trong tâm tư rằng: “những gì chị đã làm được ít qúa, và trong lòng chị nổi dạy nỗi khát khao mãnh liệt, muốn làm được thật nhiều “chiến đấu ngoài mặt trận, làm linh mục, phó tế, tông đồ, tiến sĩ Hội Thánh, tử đạo...” Những khát vọng của Têrêsa qủa là mênh mông như vũ trụ”. Chị mở thánh Phaolô (1Cr 12): “Hội thánh gồm nhiều phần tử khác nhau, không ai có thể vừa làm tông đồ, vừa làm ngôn sứ hay thầy dạy”. Câu trả lời làm chị thêm bối rối. Chị đọc tiếp chương sau: “Anh em hãy tha thiết kiếm tìm những ơn trọng nhất...” Và thánh Tông đồ giải thích rằng: “mọi ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu”. Cuối cùng Ngài viết: “Cao trọng và hoàn hảo nhất là đức ái”. Đức ái đã cho Têrêsa chìa khóa, để tìm ra ơn gọi và chỗ đứng của chị trong Hội Thánh.

Chị hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao qúy nhất, đó là trái tim, trái tim đó bừng cháy tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động. Nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị Tử đạo sẽ chẳng muốn đổ máu nữa... Chị sung sướng reo lên: “Ôi Giêsu! Ơn gọi của con chính là tình yêu...Giữa lòng Hội Thánh là Mẹ con con sẽ là tình yêu! Như thế con sẽ là tất cả, và như thế ước mơ của con (sẽ là tất cả) đã thành hiện thực”.

Ơn gọi của Têrêsa, chị gọi là một “mầu nhiệm”, khi chị đọc “Chúa Giêsu lên núi, và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn” (Mc 3,13). Chúa đã không gọi những người xứng đáng, nhưng là gọi những kẻ Ngài thích. Như lời thánh Phaolô: “Thiên Chúa cảm thương ai thì cảm thương, thương xót ai thì thương xót. Người được chọn không phải vì muốn hay chạy được, nhưng vì Thiên Chúa thương xót” (Rm 9,15-16).

Gần đây có dư luận cho rằng linh đạo của thánh nữ Têrêsa quá “dễ dàng” và như là đi trên "nhung lụa", có lẽ chỉ nên dành cho các nữ tu dòng Kín, hay cho những thiếu nữ quý phái như Têrêsa thành Lisieux. Theo tôi, thì không phải là “dễ dàng”, và chỉ dành cho các nữ tu dòng Kín, hay cho những thiếu nữ quý phái như Têrêsa thành Lisieux. Phải nói là không dễ dàng mà là“cách mạng”, thích hợp cho mọi thời, mọi giới mới đúng. Đức Hồng Y Pacelli (sau này là Đức Thánh Cha Piô XII) đã nói: “Điều Têrêsa khám phá được chính là Tin Mừng, là trung tâm của Tin Mừng, nhưng với một vẻ duyên dáng và mới mẻ đến lạ lùng!”

Có thật là “dễ dàng” không? Sống như Gioan Tẩy Giả: “Tôi phải bé nhỏ đi, để Người được lớn lên” (Ga 3,30), nghĩa là sống khiêm nhường, phó thác như con trẻ, trong sạch đơn sơ như con trẻ, thật thà không gian dối như con trẻ, v.v... Phải chăng là“dễ dàng”, và chỉ dành cho các nữ tu dòng Kín hay cho những thiếu nữ quý phái?
Làm thật nhiều cho Chúa, tận tụy đến cùng với tha nhân, hay là làm việc của Chúa, tận tụy phục vụ tha nhân vì Chúa, nghĩa là phát sinh từ con tim yêu mến Chúa? Đàng nào “dễ dàng” hơn?

Vắng nhà suốt ngày, tiếp khách sớm, trưa, chiều, hay là ngồi trong phòng đọc sách, dọn bài giảng, ngồi tòa Hòa giải, quỳ trước nhà chầu? Đàng nào “dễ dàng” hơn?

Hăng say truyền giáo, giảng dạy, xây cất, cho dù làm tất cả mọi việc bác ái xã hội như mẹ Calculta đi nữa, hay là tự nhốt mình suốt đời trong bốn bức tường, sống cuộc đời khắc khổ, hy sinh, cầu nguyện (như Monica cầu nguyện cho con) cho Hội Thánh, cho công cuộc truyền giáo, cho tội nhân, cho cả thế giới? Đàng nào “dễ dàng” hơn?

Câu hỏi cuối cùng (theo chân phước De Balaguer, Đấng sáng lập tu hội Opus Dei): Làm một việc hy sinh nhỏ theo kỷ luật cộng đoàn, hay là được treo trên Thập Giá có hàng ngàn người nhìn ngó (ngày nay thêm chụp hình), đàng nào “dễ dàng” và “hấp dẫn” hơn?

Câu trả lời sẽ không như nhau cả, bởi vì không phải mọi người có ơn gọi như nhau. Có điều chắc chắn là, không ơn gọi nào được phép thiếu trái tim. Ơn gọi là tình yêu, tình yêu chỉ có thể đền đáp bằng tình yêu.

Ở vào một thời đại, mà Đức Phaolô VI gọi là thời “duy hoạt động”, thì linh đạo của thánh Têrêsa thành Lisieux quả là “khuôn vàng thước ngọc” (sagesse d, or). Không phải Thánh nữ bảo làm ít đi hay giảm bớt hăng say, nhưng muốn nói rằng: Chúa không cần việc làm của chúng ta, cho dù mười lần chúng ta cũng chẳng là gì cả. Chúa chỉ muốn chúng ta yêu mến Ngài, và làm cho kẻ khác yêu mến Ngài, mỗi khi chúng ta giúp đỡ hay tiếp xúc với họ. Chúa muốn như thế, không phải để thêm vinh quang cho Ngài, nhưng vì Chúa yêu thương chúng ta, muốn chúng ta được sống muôn đời.

                   HOA HỒNG NHỎ
Ngày chị ra đời
Ơ trên trời
Những ngôi sao nhỏ kết thành chữ “T”tỏa sáng
Giữa vườn hoa thế nhân
Nở một bông hồng đỏ thắm
Hoa hồng Têrêsa.
Thì thầm câu kinh Mân Côi.
Ơi cánh hoa hồng đẹp tươi
Tỏa hương thơm giữa cuộc đời gai nhọn
Con đường nhơ chị đi là CON ĐƯỜNG BÉ MỌN
Đến với Đấng Từ Nhân.
Đối với Cha nhân từ lòng chị chẳng bận tâm
Chị chẳng có gì ngoài đôi bàn tay bé nhỏ
Tình yêu chị nhận nơi Người là tất cả
Tất cả của CON NGƯỜI dành cho chị đấy thôi.
Cơn ho rũ người giữa tuổi đôi mươi
Chị vẫn thầm thì tiếng yêu thương giữa dòng nước mắt
“ Chết vì yêu không phải chết trong ngây ngất...”
Chị muốn được như NGƯỚI chết vì yêu.
Một thế kỷ qua rồi mà hoa hồng vẫn tươi
Ơi cánh hồng Têrêsa bé nhỏ
Trên cuộc hành trình về nơi đất hứa
Xin dẫn em vào con đường THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG.

Top