Nhịp cầu yêu thương

Nhịp cầu yêu thương

Nhịp cầu yêu thương

TGPSG -- Thánh nữ Têrêsa Avila nói rằng: “Chúa không cần việc làm của chúng ta. Ngài chỉ muốn tình yêu thúc đẩy những việc làm ấy”.

Hòa trong dòng chảy mong ước muốn đến một vùng đất cao miền tây bắc có tên là Giáo họ Phố Ràng, Bảo Yên, Lào Cai, trực thuộc giáo phận Hưng Hóa - nơi đó Cha Giuse Vũ Viết Hà đang coi sóc và phục vụ - đoàn Học viện chúng tôi có cơ hội được đến và chia sẻ với những con người cùng chung một quốc tịch, tuy rằng khác biệt về dân tộc với đa sắc màu khác nhau như dân tộc: Tày, Dao đen, Dao đỏ, H’Mông, Mán…

Ở nơi đây, dường như tất cả đã hòa quyện với nhau trong sự gần gũi, thân thiện, cùng nhịp đập của trái tim trong hơi ấm tình Chúa và tình người. Tình người nơi vùng núi cao thể hiện nơi những con người đượm thắm sự thật thà, đơn sơ, chất phác, hòa mình với núi rừng thiên nhiên trong cuộc sống lam lũ vất vả. Ở nơi những con người nghèo khổ ấy đã được khơi lên một điểm tựa, chính là một đời sống đức tin thật sâu xa, một đức cậy mặn mà và một đức mến thiết tha.

Chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện với một số người dân tộc người Dao, người Tày, khi chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống, công việc làm ăn và gia đình.

Chúng tôi cũng hỏi thăm về đời sống đức tin của bà con nơi đây: “Mỗi khi đi tham dự thánh lễ - từ nhà mà đến nhà thờ - mất bao nhiêu phút?” Họ trả lời một cách rất vui vẻ, đơn sơ: “Đi bộ cả đi lẫn về 6 tiếng, đi từ rất sớm. Đường đi thì sỏi đá, ngoằn ngoèo, khúc khủyu, có khi còn bị lập biên bản, ngăn cấm. Nhưng dường như điều đó làm họ không quá sợ hãi, bởi họ cảm nhận được tình thương của Chúa thật lớn lao.

Khi nghe đến đó, chúng tôi cảm thấy hết sức ngỡ ngàng và không thể tin nổi là tại sao lại có những con người sống niềm tin mạnh mẽ và sốt sắng đến vậy. Nơi những con người ấy, chúng tôi cảm nhận được đức tin, một tình yêu dẫn lối giúp họ bước đi trong bình an.

Chúng tôi cũng có dịp được vào thăm một số gia đình người dân tộc. Tất cả những gì có được, đó là một ngôi nhà mộc mạc, thô sơ được đan xen bằng những tấm gỗ ghép lại, là nơi ở và sinh hoạt hằng ngày, với một bếp củi dùng để nấu nướng và sưởi ấm những khi trời rét lạnh. Một cuộc sống với tất cả những gì rất thô sơ, mộc mạc, gói trọn trong niềm vui đơn sơ.

Những gì chúng tôi đã chuẩn bị để có thể chia sẻ với những con người nơi đây, đó chỉ là một chút quà giúp họ một phần nhỏ bé trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhưng chúng tôi lại được nhận nơi những anh chị em dân tộc một TẤM LÒNG, tấm lòng của những con người nghèo khổ nhưng lại giàu có về đức tin, về sự đơn sơ, thật thà và dễ mến. Ở nơi họ, có một cuộc sống tự tại, không tranh giành hơn thua, một cuộc sống trải dài theo năm tháng với những giá trị bình dân và nghèo khó. Ở nơi đây, họ như bị tách ra khỏi với những con người của thời đại, ẩn núp nơi những bóng tối của sự thiếu thốn và nghèo khổ. Nhưng cuộc sống vẫn luôn ắp đầy niềm vui tự tại.

Tình Chúa và tình người nơi đây là một động lực lớn, thôi thúc Cha Giuse Vũ Viết Hà lên vùng núi để truyền giáo. Chúng tôi được Cha chia sẻ những thao thức, trăn trở mục vụ, những khó khăn trong việc truyền giáo. Chính những người dân tộc này đã giúp Cha hứng khởi để tiếp tục sứ mệnh người mục tử đem Tin Mừng và tình thương của Chúa đến cho mọi người.

Dường như những khó khăn đó đã không làm Cha chùn bước mà ngược lại là một sự thúc bách lên đường theo lời mời gọi của Chúa “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”(Lc 5,4).

Người mục tử này đã đi theo Chúa, dấn mình trong vùng núi đồi tây bắc, đi tìm và quy tụ các con chiên lạc về với Chúa, bằng cách là mỗi lần đi dâng lễ ở một giáo họ nào đó, Cha đều đón và chở họ đi tham dự thánh lễ, có khi phải mất cả 2 đến 3 tiếng đồng hồ mới đến được giáo họ để dâng lễ. Nhưng chính nơi đây, những con người đang đói khát đức tin đã làm cho Cha thêm động lực, thêm yêu mến để dấn bước trong vùng truyền giáo đầy khó khăn và chông gai.

Những trải nghiệm, lắng nghe và sẻ chia với những con người nơi đây, đã để lại trong chúng tôi những dấu ấn thật sâu sắc và cảm động, đồng thời cũng thắp lên trong chúng tôi một ngọn lửa truyền giáo, một tình bác ái yêu thương, như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tình bác ái đích thực đòi hỏi một chút can đảm: Hãy vượt qua nỗi sợ bẩn tay để giúp đỡ những người nghèo khổ”. Đó cũng là lời mời gọi thúc bách chúng tôi - những nữ tu - hãy lên đường, hãy mang Chúa đến với những nơi xa xôi, hãy đi ra và đi tới với mọi biên cương, như lời bài hát:

Ra đi nào bạn ơi, ta đến những vùng ngoại biên
Đem Tin Mừng cứu rỗi cho những cuộc đời lầm than
Dẫu hành trình gian nan, bạn đừng lo chi nhé!
Vì Chúa luôn bên ta.

Ra đi nào bạn ơi, ta đến những vùng ngoại biên
Trung kiên làm nhân chứng cho Đấng cội nguồn tình yêu
Theo gương Thầy Giêsu, phục vụ tha nhân nhé!
Hạnh phúc khi trao ban.

Ra đi nào bạn ơi, ta đến những vùng ngoại biên
Đem công bình bác ái cho những phận người nhỏ nhoi
Ai muộn phiền sầu đau, bạn đừng vô tâm nhé!
Vì Chúa trong tha nhân.

Ra đi nào bạn ơi, ta đến những vùng ngoại biên
Năm châu là anh em, đâu cũng là nhà một Cha
Cho dù là màu da, hay không chung ngôn ngữ
Thì vẫn yêu thương nhau.

Maria Kim Liên (TGPSG)

Top