Nhật ký ngày thứ hai cuộc hội ngộ Linh Mục tại sở kiện năm 2010

Chiều ngày 2/6
Trong giờ học tập và hội thảo ban chiều, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hóa, giới thiệu vắn tắt về mục tiêu, quá trình biên soạn và ảnh hưởng được chờ đợi của bản Ratio cho chương trình đào tạo Linh mục của Ủy Ban giáo sĩ và Chủng viện thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau đó, thay vì trình bày hết nội dung của tập tài liệu dày ngót 300 trang ấy, ngài giới hạn bài nói chuyện vào đề tài “Linh Mục tự đào tạo trường kỳ”. Trước hết, dựa vào Mc 3,13-15, ngài ôn lại căn tính và sứ vụ của người Linh mục. Linh mục là người được Chúa gọi, Linh mục là người đáp lại tiếng Chúa gọi, Linh mục là người được gọi để làm thành một cộng đoàn, Linh mục được gọi trước hết để ở với Chúa, Linh mục là người được gọi để được sai đi, Linh mục là người được sai đi với năng quyền của Thiên Chúa. Từ cái nhìn về căn tính và sứ vụ ấy của Linh mục, Đức cha đề nghị một chương trình đào tạo toàn vẹn dựa vào tông huấn “Pastores dabo vobis”: toàn vẹn không chỉ về thời gian (đào tạo trước khi vào Chủng viện, đào tạo trong thời gian ở Chủng viện, đào tạo khi rời Chủng viện), mà còn về nội dung (đào tạo không chỉ về mặt nhân bản, mà còn tâm linh, tri thức và cả mục vụ). Các chiều kích đào tạo này tương ứng với cái nhìn của Giáo Hội Việt Nam về bản thân mình nhân kỷ niệm Năm Thánh 2010 – một Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ hay truyền giáo: các Linh mục được đào tạo để trở thành con người mầu nhiệm, hiệp thông và truyền giáo. Cũng như tương ướng với cái nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (năm 2000) về người Linh mục là con người của sự thiêng thánh, con người trưởng thành, con người của đối thoại và con người khiêm tốn phục vụ. Đức Cha còn cho thấy một số nét diễn tả tính chất của chương trình đào tạo này: đào tạo tiệm tiến, đào tạo biến đổi, đào tạo thích nghi, đào tạo mang tính vừa cộng đoàn vừa cá biệt… Trong một chương trình đào tạo đồ sộ ấy, Chúa Thánh Thần chứ không phải ai khác là nhà đào tạo chính yếu và trên hết, rồi mới đến bản thân người được đào tạo, sau cùng mới đến các thành viên trong ban đào tạo. Để kết thúc, Đức Cha còn giới thiệu một bảng xét mình khá độc đáo: xét mình về việc đào tạo của bản thân mỗi người, theo đó ở mỗi chiều kích đào tạo đều có nhắc tới mục tiêu và phương thức thực hiện. Cũng chính nhờ nội dung súc tích và nhờ ý thức tầm quan trọng của việc đào tạo – nhất là tự đào tạo trường kỳ của các linh mục – cử tọa chiều nay đã không ngớt đặt câu hỏi với diễn giả, kể cả các giám mục. Thật ra, đào tạo Linh mục và linh mục tự đào tạo mình chính là chìa khóa giải quyết các bế tắc trong việc xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không ai có trách nhiệm nhiều trong việc xây dựng sự hiệp thông Giáo Hội bằng các giám mục và linh mục. Nhưng cũng không có con đường nào giúp đạt mục tiêu ấy tốt hơn là bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, bắt đầu bằng việc đào tạo bản thân mình trở thành tác nhân của sự hiệp thông.
Buổi sinh hoạt chiều nay kết thúc bằng giờ chầu Thánh Thể, mở đầu là bài hướng dẫn suy niệm Lời Chúa do đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, tân giám mục giáo phận Vinh, phụ trách. Cũng theo chủ đề của ngày Hội Ngộ, Đức Cha đã đi từ một đoạn Tin Mừng Gioan đề cập đến tầm quan trọng của sự hiệp thông giữa chúng ta với Chúa Kitô – hiệp thông sâu xa tới mức như cành với thân, hiệp thông quan trọng tới mức hoặc hiệp thông và sống hoặc không hiệp thông và chết hay chỉ đem đến những hoa trái giả tạo. Ngài cũng nêu ra bốn “căn cứ” (“lieux théologiques”) mà truyền thống Giáo Hội ưu tiên coi là nơi để hiệp thông với Chúa : lời Chúa, Thánh Thể, cộng đoàn Giáo Hội, tha nhân – nhất là người nghèo. Dù đã có nhiều thời điểm trong lịch sử Giáo Hội người ta có thể nhấn mạnh tới căn cứ này và bỏ căn cứ kia, đưa đến chỗ xung đột và chia rẽ - như anh em Cải Cách nhấn mạnh tới lời Chúa mà quên Thánh Thể, anh em Công Giáo thì ngược lại, hoặc ngay chính trong anh em Công Giáo có người đề cao tha nhân và người nghèo tới mức quên cộng đoàn và Thánh Thể, hay ngược lại. Nhưng dần dần nhờ những “quãng lùi” người ta đã bắt đầu lấy lại sự quân bình giữa bốn “căn cứ” hiệp thông với Chúa. Thật vậy, cao điểm của sự hiệp thông – ít là trên đời này – chính là sự hiệp thông của toàn thể cộng đoàn Giáo Hội với Đức Giêsu, đấng vừa ban lời hằng sống vừa hiến dâng thân mình, để phục vụ thế giới và người nghèo.
Các Huynh Trưởng và linh mục chúng tôi cũng không quên thể hiện sự hiệp thông của cộng đoàn Giáo Hội – không chỉ giữa người sống với người sống, mà cả với người chết, nhất là những tổ tiên của chúng tôi trong đức tin. Thế nên, sau khi lãnh phép lành Thánh Thể, chúng tôi cùng quây quần trước tượng đài thánh từ đạo Anrê Dũng Lạc để tôn vinh ngài và tất cả các thánh tử đạo Việt Nam. Và như để làm cho những hình thức hiệp thông này không mau rơi vào quên lãng, đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên tổng giám mục Hà Nội – đã ưu ái tặng mỗi linh mục chúng tôi một pho tượng thánh Anrê Dũng Lạc bằng bột đá.
Tối ngày 2/6
Một điều bất ngờ nhất là ban tổ chức đã có sáng kiến kết thúc ngày học tập vất vả này bằng một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn “bỏ túi”, do các cha học viên trình diễn. Đây chính là một trong những lần hiếm hoi các linh mục phục vụ bà con giáo dân, không phải bằng công việc bổn phận và chuyên nghiệp của mình như giảng dạy, ban bí tích, chỉ huy việc này việc nọ, mà bằng một việc không mấy sở trường hay nếu có, thì cũng đã xếp vào rương hòm từ khi ra trường: đó là chuyển đến cho bà con giáo dân những thông điệp rút từ tâm tư của mình bằng những bài hát, điệu múa, trình tấu, diễn hài…, lấy chất liệu từ chính đời sống mục vụ thường ngày của mình. Linh mục có cao cả tới đâu cũng vẫn là những con người với những sở thích, những đam mê, thậm chí những trò tinh nghịch và ngông cuồng ! Thật ra, theo cái nhìn của các nhà triết học hiện nay, văn hóa và nghệ thuật còn là những loại hình ngôn ngữ rất cao cấp khi diễn tả được những cái tầm thường nhất bằng những cách nhìn tinh tế và cao cả, đưa tâm hồn người ta vượt thế giới eo sèo lên tới cõi uyên. Các linh mục đã học thuộc bài tới mức diễn dịch thành văn thơ, ca nhạc, kịch nghệ… Thông thái đến đó là cùng !
Lại một ngày đầy ắp các bài học – không chỉ từ bài vở biên soạn công phu của các Huynh Trưởng là các giám mục – mà cả từ những giờ phút phụng vụ linh thiêng và thậm chí từ những vật lưu niệm, từ những hộp sữa giải khát và những bữa cơm thân mật, những buổi tán chuyện không dứt của các linh mục, nhất là từ đêm văn nghệ để thắt chặt tình thân của các linh mục và như một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa bà con giáo dân Sở Kiện, Lan Mát, Phủ Lý…! Bài học khô khan và khó nuốt ngày nào về sự hiệp thông giữa các linh mục với nhau, bắt đầu từ sự hiệp thông với Chúa và Giáo Hội, dẫn đến sự hiệp thông với hết mọi người, bỗng dưng hôm nay trở nên sao mà cụ thể và dễ nhớ là thế !
bài liên quan mới nhất

- Thánh lễ truyền chức linh mục tại Nhà thờ chính tòa Sài Gòn ngày 27-6-2025
-
Mừng lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, Quan Thày Hội Đồng Mục Vụ giáo hạt Hóc Môn -
Thánh lễ An táng cố linh mục Nhạc sĩ Phêrô Kim Long -
Ban Lễ sinh giáo hạt Tân Sơn Nhì mừng bổn mạng ngày 20-6-2025 -
Thánh lễ cầu nguyện cho Cha cố Phêrô Nguyễn Kim Long tại Trung Tâm Mục vụ -
Thánh lễ Tạ ơn Kim Khánh Linh mục của cha Tổng Đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân -
Các ca đoàn giáo hạt Tân Sơn Nhì hành hương Năm Thánh 2025 -
Giáo hạt Tân Sơn Nhì: Thường huấn lần 2 năm 2025 -
Hành Trình Đức Tin của Hiệp Đoàn Xóm Chiếu trong Năm Thánh “Những Người Hành Hương của Hy Vọng” -
Ngày Truyền Thống Cộng Đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện - Hành Hương Năm Thánh 2025 và Thánh Lễ Tạ Ơn
bài liên quan đọc nhiều

- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023