Nhật ký Công nghị Giáo phận 24.11.2011 (2)

Nhật ký Công nghị Giáo phận 24.11.2011 (2)

Ngày thứ tư: 24-11-2011

Phần 2

(Xem Công nghị Giáo phận: Bản tin 5 và Nhật ký Công nghị Giáo phận 24.11.2011 (1))

WGPSG -- Sau phần trình bày các tham luận, Cha Lu-y Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục điều khiển chương trình phát biểu của các cá nhân đã đăng ký.

8. Phát biểu của đại diện Các bà mẹ Công giáo: Trăn trở về vấn đề bạo hành trong gia đình và nạn phá thai mà phụ nữ là nạn nhân bị vạ tuyệt thông tiền kết. Cần tìm cách nâng cao vai trò người phụ nữ, xóa tình trạng trọng nam khinh nữ, tạo điều kiện cho người phụ nữ đóng góp tốt đẹp hơn nữa.

9. Phát biểu của đại diện Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm: Vai trò chứng tá của người Kitô hữu rất quan trọng, nhưng sinh hoạt làm chứng vẫn còn tự phát, chưa có tổ chức. Kiến nghị: xin Ban truyền giáo mời gọi sự cộng tác của các thành phần, có kế hoạch hành động ngắn hạn – dài hạn, có những tài liệu hướng dẫn rõ ràng dễ hiểu, quan tâm đào tạo nhân sự cho công tác truyền giáo, nghiên cứu tìm hiểu những nguyên nhân trở lại, đưa ra đường lối thực tiễn. Mỗi Kitô hữu, mỗi gia đình cần ý thức về trách nhiệm truyền giáo. Xin xây dựng một quỹ truyền giáo cấp Giáo Phận để hoạt động truyền giáo được phát triển.

10. Phát biểu của một đại biểu giáo dân: Cần sống như thế nào để vui mừng và hy vọng của người đau khổ cũng là của chúng ta. Cần quan tâm lên tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói. Việc loan báo Tin Mừng hôm nay đòi hỏi phải cư xử với tình người, tôn trọng phẩm giá con người.

11. Phát biểu của đại diện phong trào Focolare: Mục đích của phong trào là xây dựng hiệp nhất. Điều quan trọng là chia sẻ kinh nghiệm Lời Chúa và những hoa trái sống Lời Chúa giúp Phúc âm hóa bản thân và tha nhân. Cần đổi mới niềm tin tưởng, nhìn vào những điểm tích cực. Cần thay đổi tâm thức theo Tin Mừng và tương quan với mọi người như trong một gia đình.

12. Phát biểu của đại diện Ban Mục vụ Thiếu Nhi: Ban Giáo Lý và Ban Thiếu Nhi không đối kháng nhưng luôn làm việc với nhau, học hỏi nhau. Nay có nhiều cơ cấu tốt để cộng tác, ước mong được ngồi lại chia sẻ. Ban Mục vụ Thiếu Nhi đã góp phần đào tạo huynh trưởng và giáo lý viên. Mong Ban Giáo Lý hoàn thành thủ bản chính thức. Ước mong các chương trình mới của cả hai Ban nối kết được với những đề nghị của Công Nghị Giáo Phận.

13. Phát biểu của đại diện hạt Thủ Thiêm: Một số các giáo xứ trong Giáo Phận còn có trở ngại trong những hoạt động của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Đề nghị hoàn chỉnh qui chế của Hội đồng Mục vụ giáo xứ cho phù hợp và áp dụng đều khắp.

14. Phát biểu của đại diện Ban Mục vụ Thánh nhạc: Vấn đề giáo lý quan trọng đối với đời sống Giáo Phận, nên xin định hướng và giao cho các ban liên hệ soạn thảo chương trình cho toàn Giáo Phận. Việc loan báo Tin Mừng hiệu quả nhất là qua bài giảng của Linh mục và tiếng hát của ca đòan. Ước mong chân dung người Linh mục sẽ đẹp hơn nhờ việc quan tâm đào tạo chủng sinh trong từng giai đoạn. Cần có cơ sở vật chất phù hợp cho việc này.

15. Phát biểu của ông Trần anh Dũng: Bức xúc vì nhìn Chúa Giêsu có tới 30 năm âm thầm để chuẩn bị cho 3 năm hoạt động, nay chúng ta lại lo hoạt động nhiều hơn. Chúng ta cũng cần biện biệt cảnh giác với những tiếng nói có vẻ đóng góp nhưng lại là âm mưu của ma quỉ.

16. Phát biểu của một đại diện gia đình: Bức xúc về những cặp hôn phối làm phép chuẩn. Cần quan tâm giúp đỡ họ hội nhận trong giáo xứ và quan tâm khuyến khích cho con cái họ học giáo lý.

Sau phần phát biểu, Ban Tổ chức mời các tham dự viên nghỉ giải lao.

Đúc kết của Đức cha Phụ tá sau khi giải lao

Đức cha Phêrô nhận định: Sáng nay Công Nghị Giáo Phận đã lắng nghe nhiều tham luận và góp ý rất hay, bàn đến những lãnh vực mới: môi trường, ơn gọi, đào tạo linh mục, vai trò người phụ nữ… Đức cha cũng nhắc đến lý do và việc tiến hành công trình xây dựng dãy nhà mới của Đại Chủng viện.

Đức cha Phêrô nhận thấy: khuôn mặt Linh mục được quan tâm nhiều. “Các cha sở không toàn năng”, điều đó hàm chứa gánh nặng và mời gọi sự hiểu biết cảm thông. Có hai khía cạnh được nhắc đến: việc giảng Lời Chúa và lãnh đạo cộng đoàn. Giảng Lời Chúa cho hay không dễ khi phải giảng Lời Chúa cho cộng đoàn giáo dân từ năm này qua năm khác. Giáo dân hay than phiền cha sở độc đoán không lắng nghe, nhưng thực tế cha xứ phải lắng nghe cả vài chục góp ý khác nhau và phải quyết định những điều đem lại ích lợi lâu dài cho cộng đoàn. Linh mục không đứng ngoài cộng đoàn nhưng đứng trong cộng đoàn và đứng trước cộng đoàn.

Về phương pháp làm việc: những bản kiến nghị gởi đến cho đại biểu ghi nhận và đánh dấu nhằm đưa ra những đề nghị quan trọng và trung thực nhất của Công Nghị Giáo Phận. Điều đó biểu lộ thái độ lắng nghe và trân trọng ý kiến các đại biểu. Các đề nghị sẽ được thực hiện theo từng bước một, và vẫn phải tiếp tục lắng nghe phân định.

Phát biểu của Đức Hồng Y

ĐHY gợi ý: Mục vụ Môi trường có thể nằm trong Ủy Ban Công lý Hòa Bình và cần lập Ban Kinh Thánh. ĐHY đặt câu hỏi: tại sao người ta nhìn linh mục như là toàn năng? Vì trong đời sống cộng đoàn giáo xứ, cha xứ có tiếng nói quyết định cuối cùng. Từ đó dẫn đến những đòi hỏi thiếu thông cảm của giáo dân. Do đó cần những thông tin chính xác và giải quyết trong tinh thần đối thoại. Cần đổi mới cơ cấu, phương pháp thực hiện, cách nhìn, cách suy nghĩ. Cần có sự thống nhất trong hạt và mỗi linh mục thực hiện theo định hướng chung đó. Buổi họp Giáo Hạt hằng tháng cần lưu ý 3 mục (đời sống tâm linh, vấn đề thời sự và mục vụ chuyên môn) và quan tâm đáp ứng những nhu cầu của đời sống dân Chúa, chia sẻ cho nhau tìm hướng đồng thuận, giải quyết vấn đề, xây dựng hiệp thông để loan báo Tin mừng. Định hướng của các giáo hạt cũng cần được các ban ngành đoàn thể và các dòng tu quan tâm, thống nhất, hiệp thông và liên đới xây dựng.

Kết thúc

Ban Tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các biểu quyết, thông báo chương trình ngày mai. Sau đó mọi người đọc kinh Truyền Tin và dùng cơm trưa với nhau.

Top