Nhật ký Công nghị Giáo phận 24.11.2011 (1)
Ngày thứ tư: Phần 1
(Xem Công nghị Giáo phận: Bản tin 5)
Thánh lễ
WGPSG -- Công Nghị Giáo Phận khởi đầu ngày làm việc thứ tư 24-11-2011 với Thánh lễ mừng kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam, được cử hành vào lúc 8g sáng tại Nhà nguyện Đại Chủng viện. Đức Hồng Y và Đức Cha phụ tá mang phẩm phục đỏ, các Linh mục đồng tế mang dây stola vàng.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Phụ tá Phêrô nhắc đến một tư tưởng của thánh Augustino: “Tưởng nhớ các vị Tử đạo không chỉ để tôn vinh các Ngài, nhưng là để khơi dậy tinh thần Tử đạo”. Vậy tinh thần Tử đạo là tinh thần gì? Đó không là kiểu chúc dữ cho kẻ bách hại mình hay dám can đảm đưa đầu cho người ta chém, nhưng là thái độ trầm tĩnh cầu nguyện, xin Cha tha thứ cho kẻ thù… Tinh thần Tử đạo là tinh thần can đảm để làm chứng cho Tin mừng sự sống và tình thương trong mọi hòan cảnh. Con người hôm nay được thuyết phục bởi ngôn ngữ của tình yêu, không phải ngôn ngữ của bạo lực.
Nhà lãnh đạo Nelson Mandela được trân trọng không phải vì ông giành được quyền bình đẳng cho người da đen nhưng chính vì thái độ sống của ông. Một đạo diễn khi thăm căn phòng nhỏ giam giữ ông trong suốt 30 năm trời tự hỏi rằng vì sao ông bị nhốt suốt 30 năm như thế mà khi ra tù ông vẫn có khả năng tha thứ? Chỉ con người có khả năng tha thứ như thế mới có thể giúp một dân tộc vượt qua những tranh chấp. Ông ý thức được rằng khi ra khỏi tù mà lòng còn chất chứa oán hờn thì ông vẫn chưa thực sự tư do, vẫn còn bị giam nhốt về tinh thần. Ngôn ngữ tình yêu là điều chúng ta nhấn mạnh hôm nay. Chúng ta phải làm chứng cho Tin mừng tình yêu và sự sống khi biết dấn thân trong cuộc đời, khi mở ra giúp cho các anh em di dân, những người đau khổ, khi biết sử dụng các phương tiện truyền thông để thăng tiến xã hội. Đó không phải là một hướng đi đơn giản và dễ dàng.
Đức cha Phụ tá Phêrô cũng cho cộng đoàn thấy những người được sách Khải huyền nhắc đến hôm nay là những người đã giặt trắng áo mình trong Máu Con Chiên, máu của những hy sinh từ bỏ, chiến đấu trong cuộc chiến sâu xa nhất trong lòng chính chúng ta. Chúng ta phải biết chấp nhận những đối chọi, thách đố của cuộc sống. Lời Chúa an ủi chúng ta: không phải các con mà chính Thánh Thần của Chúa Cha sẽ nói trong chúng ta, sẽ chỉ đường mở lối và ban sức mạnh cho chúng ta. Miễn là chúng ta mở lòng ra trong cầu nguyện, vượt lên những khác biệt, đi theo con đường làm chứng nhân, loan báo Tin mừng tình yêu và sự sống cho con người hôm nay.
Khai mạc buổi họp
Sau Thánh lễ, các tham dự viên chụp hình chung và trở về lại Hội trường làm việc. Chủ tọa đoàn hôm nay gồm có 5 vị: Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, linh mục Gioan Bùi Thái Sơn- Đại diện linh mục đoàn, Sh. Giacôbê Lê Vinh Nhựt - Đại diện Tu sĩ, Chị Maria Huỳnh Thanh Vân - Đại diện giáo dân, và linh mục Vinh Sơn F.Vũ Ngọc Đồng - Đại diện khối chuyên viên.
Sau khi Công nghị cầu Xin ơn Chúa Thánh Thần, Đức cha Phụ tá Phêrô dẫn vào buổi thảo luận với nhận xét rằng nét đẹp của Công Nghị Giáo Phận là những tiếng nói được vang lên không phải với tư cách cá nhân nhưng đại diện cho mọi thành phần dân Chúa trong mọi ngõ ngách cuộc sống.
Đại diện Ban thư ký đúc kết
Ban thư ký tổng kết ngày họp công nghị thứ ba (23/11/2011) như sau:
Có 10 bài tham luận, và 13 tổ báo cáo đúc kết thảo luận. Các tham luận phần lớn đã tập trung vào các điểm sau:
1/ Giới thiệu về các ban ngành, đoàn thể, nêu lên mục tiêu, đường hướng hoạt động và dự phóng tương lai.
2/ Đưa ra những nhận định về thực trạng liên quan đến ban và đoàn thể mình.
3/ Tất cả cùng thống nhất trong nỗ lực phát huy và thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống.
4/ Các đề nghị chính liên quan đến việc xây dựng Giáo hội sứ vụ trong gia đình - giáo xứ và giáo phận. Đó là tổ chức lễ hội, ngày cầu nguyện để gây ý thức truyền giáo, lập các giáo điểm mới, dùng phương tiện truyền thông để truyền giáo, kêu gọi đóng góp và đào tạo nhân sự cho thí điểm truyền giáo, thành lập ban đối thoại liên tôn, quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người di dân, có kế hoạch mục vụ chung theo chủ đề hàng năm.
Nhận định của Đức Hồng Y
Sau phần đúc kết của Ban Thư ký, Đức Hồng Y nhắc lại công việc trong ba ngày. Ngày thứ nhất: Hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngày thứ hai: Tương quan huynh đệ, hiệp thông, hiệp nhất trong gia đình giáo phận, Giáo Hội. Ngày thứ ba: Tạo tình huynh đệ, đồng cảm, chia sẻ những ân huệ Chúa ban cho mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Hồng Y đề nghị một hướng suy nghĩ và hành động qui về ba đối tượng: xây dựng giáo hội tại gia là gia đình, Giáo Hội tại cộng đồng là giáo xứ, và Giáo Hội tại địa phương là giáo phận. Đức hồng Y đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần. Mỗi người phải dùng nội lực mà cộng tác với ơn soi sáng, ơn khôn ngoan, ơn sức mạnh, ơn đổi mới, ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Tham luận
Bầu khí làm việc trong ngày thứ ba rất nghiêm túc, đôi khi cỏ vẻ căng thẳng, nhưng không thiếu những tiếng cười. Các bài tham luận hôm nay có thể tóm lược như sau:
1. Tham luận của đại diện Giáo hạt Xóm Mới: Cần làm đẹp những mối tương quan trong hàng giáo sĩ. Cần động viên thăm hỏi các cha già, các cha lớn tuổi chia sẻ kinh nghiệm cho cha trẻ, cha sở và cha phó hiệp thông trong tôn trọng, chia sẻ vật chất giúp những nơi cần, có thời gian gặp chung theo lớp, theo hạt để chia sẻ. Cần thống nhất về cách xử lý các trường hợp hôn nhân, thủ tục giấy tờ, việc cử hành lễ tại gia gây tranh cãi trong giáo dân… Trong tương quan Linh mục – giáo dân, trách nhiệm xây dựng gia đình giáo xứ nên cho giáo dân tham gia, giáo dân biết tôn trọng Linh mục…. Các tương quan đặt trên nền tảng tình yêu và sự hiệp thông. Đề nghị chọn 1 ngày trong năm cho toàn Giáo Phận nhận và kết thúc nhiệm kỳ của các HĐMV giáo xứ. Cần kiểm tra việc thực hiện chỉ thị của giáo quyền.
2. Tham luận của đại diện gia đình: Sứ vụ loan báo Tin mừng thể hiện qua việc bảo vệ môi trường sinh thái: việc loan báo Tin mừng giúp con người sống dồi dào. Gioan Phaolô II mời gọi nỗ lực bồi đắp nền văn hóa sự sống. Chúng ta có những hành vi phá hại sự sống khi con người cảm thấy vô can với thiên tai dù biết nó là hậu quả của biến đổi khí hậu và cứ nghĩ là do biến đổi tự nhiên. Bảo vệ môi trường sinh thái phải là trách nhiệm của mọi người. Cần gây ý thức bảo vệ môi trường sống: lỗ thủng tầng ô-zôn, phá rừng, giết chết dòng sông Thị Vải… Đã có bàn tay gây hấn của con người đối với thiên nhiên, xâm hại môi trường chính là tiêu diệt con người. LHQ cảnh báo nhiều khí thải sẽ biến nhiều khu vực không thể sinh sống được. Cần học hỏi về Huấn quyền, các Thông diệp mời gọi tôn trọng thiên nhiên. Nên thành lập UB Mục vụ môi trường.
3. Tham luận của đại diện giới y tế Công Giáo: Công tác y tế từ thiện qui tụ nhiều Linh mục tu sĩ và những người thiện nguyện. Kiến nghị: Khám bệnh vùng sâu vùng xa có nhất thiết phải duy trì không vì số lượng bệnh quá đông và khó theo dõi. Có nên đầu tư một bệnh viện nhỏ cho giới bình dân, cơ sở điều trị miễn phí cho hoàn cảnh cơ nhỡ. Mô hình tạo sự tham gia, cần được Giáo Phận qui tụ theo kế hoạch, tránh kiểu ngẫu hứng tự phát. Ví dụ chăm sóc khuyết tật có thể do giáo dân các nơi đăng ký luân phiên tham gia qua bộ phận điều hành của Giáo phận, tạo điều kiện tiếp cận với nhiều hoạt động khác nhau…
4. Tham luận của đại diện giới Giáo chức Công Giáo: Trăn trở với việc nâng cao phẩm chất giáo dục, nhóm Giáo chức thực hiện sứ mạng cụ thể bằng chương trình hành động nâng cao phẩm chất đời sống: bồi dưỡng đời sống tâm linh, giúp sống tương giao sâu đậm với Thiên Chúa, thánh lễ hằng tháng tại Trung Tâm Mục vụ. Phát triển đời sống nhân bản qua các khoá đào tạo giúp hiểu các mô hình giáo dục mới, trải nghiệm những giá trị nhân bản, giúp đào sâu hiểu biết tâm lý, phương pháp sư phạm, kỹ năng sống, kỹ năng quản lý trường lớp… giúp thầy cô phát triển chất lượng giáo dục ở nhà trường và nhóm. Tìm cách đào tạo nguồn nhân lực cho việc phát triển giáo dục và hỗ trợ hoạt động tại các giáo xứ. Đề nghị: rất nên có hợp tác giao lưu trao đổi nhân sự chuyên môn giữa các đoàn thể ban ngành. Xin các cha xứ qui tụ giáo chức tại các giáo xứ, khích lệ họ cùng tham gia. Ban giáo lý Giáo Phận nên có thêm tiểu ban giáo lý từ xa giúp củng cố kiến thức giáo lý căn bản cho mọi người.
5. Tham luận của đại diện Ban Mục vụ Ơn gọi: HIện có 250 dự tu và 15 linh mục đồng hành. Giúp các dự tu tự đào luyện, hướng đến ơn gọi Kitô hữu để trở thành linh mục. Điểm nhấn: khởi đi từ gia đình làm sáng lên ngọn lửa yêu thương, học thật thi thật, tránh những tệ nạn học đường, làm việc với lương tâm và trách nhiệm nơi công sở, sống chan hòa với mọi người hàng xóm, tham gia các công tác giáo xứ. Hướng đến canh tân đổi mới trong tương quan với Chúa, đổi mới tư duy bằng cầu nguyện, tương quan với mọi người có tình có lý, xây dựng hiệp nhất, góp ý chân tình, lắng nghe mọi người, giúp người khác cởi mở. Chuyên chăm xét mình hằng ngày, canh tân chính mình. Rèn luyện các đức tính trung thưc, lịch thiệp, xây dựng lương tâm ngay thẳng, sống chứng nhân qua hành động, truyền giáo bằng ý thức, cầu nguyện, những đóng góp nhỏ về vật chất. Các Linh mục đồng hành cũng cần canh tân bản thân, hiểu những phẩm chất của nhà đào tạo: quân bình, khôn ngoan, khiêm tốn, có chuyên môn cần thiết, tận tụy, có khả năng đồng hành, công tác với nhau. Đề nghị cụ thể: gia đình nâng đỡ cầu nguyện… Với ứng sinh: có ý ngay lành, rèn luyện nhân đức, khuyến khích học Văn, vi tính, Giáo lý Công giáo, các đức tính nhân bản, tham gia học hỏi thăng tiến…
6. Tham luận của đại diện Đại chủng viện thánh Giuse: Những xác tín về việc đào tạo linh mục: toàn cộng đoàn dân Chúa đều có trách nhiệm trong việc đào tạol mục và cổ võ ơn gọi, cách riêng là các gia đình Kitô giáo, các nhà giáo dục và các cha xứ. Trở thành Linh mục không chỉ là đạt mộ số kiến thức kỹ năng, nhưng là tiến trình đào luyện để nên giống Chúa Giêsu. Ước mong có sự hiệp thông và cộng tác của mọi thành phần dân Chúa trong các giai đoạn trước Chủng viện (tại gia đình – giúp đào tạo nuôi đưỡng đời sống đức tin qua lời kinh tối, nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa hàng ngày). Vào kỳ hè, các thầy cần đi thực tập giúp xứ nhưng nhiều thầy không có xứ để giúp. Mong các cha xứ đào tạo các thầy chứ không chỉ nhờ giúp trong công việc. Các thầy cũng cần được gởi đến những giáo điểm truyền giáo, mong các giáo hạt có những giáo điểm mới…
7. Tham luận của đại diện Doanh nhân Công Giáo: Có những hoạt động Mục vụ liên kết với các Ban Mục vụ và Giới: Ban Mục vụ Caritas và Giới Y tế… Tham gia hoạt động hỗ trợ công tác truyền giáo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ sinh viên nghèo, giới thiệu việc làm… Kiến nghị: xin Giáo Phận quan tâm đặc biệt việc đào tạo thiếu nhi, giúp các em thành những con người ưu tú cho thế hệ tương lai. Cần có dự án đào tạo về các mặt: Huấn luyện nhân bản kỹ năng sống, Cầu nguyện bằng Lời Chúa, Nhóm nhỏ kết thân, Sinh hoạt giáo xứ, Chỉ nam bỏ túi cho thiếu nhi, Chương trình loan báo Tin mừng hướng dẫn các em cầu nguyện và truyền giáo cho thiếu nhi ngoài tôn giáo…Giới Doanh nhân Công Giáo ước mong được cộng tác bằng tâm lực, trí lực, tài lực… Ước mong với sự góp phần của nhiều thành phần giúp dự án thành hiện thực đem lại lợi ích cho thế hệ tương lai của Giáo Hội.
bài liên quan mới nhất
- Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011)
-
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011 -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Cảm nhận sau năm ngày tham dự Công nghị Giáo phận -
Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận -
Nhật ký Công nghị 26.11.2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2) -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (1) -
Công nghị Giáo phận TP.HCM ngày 25.11.2011: Bản tin 6
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận
-
Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011) -
Tam nhật cầu nguyện cho Công nghị Giáo phận -
Những câu hỏi giúp suy nghĩ và góp ý cho Công nghị Giáo phận -
Công nghị Giáo phận trong truyền thống Giáo luật -
Kinh, Bài hát và Logo Công nghị Giáo phận TPHCM -
Tổ chức Công nghị giáo phận TGP.TPHCM -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011