Nhật ký Công nghị Giáo phận 23.11.2011 (1)

Nhật ký Công nghị Giáo phận 23.11.2011 (1)

WGPSG -- Ngày thứ ba: 23-11-2011

8g00: Sau phần khởi động, Công nghị Giáo phận bắt đầu ngày làm việc thứ hai với giờ Kinh sáng do cha GB Võ văn Ánh chủ sự.

Sau Kinh sáng, Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên, điều phối chương trình, giới thiệu Chủ tọa đoàn gồm Đức Hồng Y, cha GB Võ văn Ánh, Nữ tu Têrêxa Uông thị Đoan Trang, ông Anrê Nguyễn Hữu Nghĩa và cha Phaolô Phạm trung Dong.

Tiếp theo, Ban thư ký đúc kết ngày làm việc thứ hai (21-11-2011) của Công nghị:

- Các đại biểu đã nghe 8 bài tham luận và 14 tổ báo cáo đúc kết thảo luận. Tất cả đều nhấn mạnh các mối tương quan. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa: đây là nền tảng quan trọng cho sự tương quan giữa con người với con người. Tương quan giữa con người với nhau được cụ thể hóa trong tương quan giữa Giám mục và linh mục, các linh mục với nhau, linh mục và tu sĩ, linh mục với HĐMVGX và các đoàn thể, linh mục và giáo dân, giữa các đoàn thể, ban ngành, các giáo dân với nhau. Những mối tương quan này cần có sự chân thành,quan tâm, gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, cảm thông, đón nhận và tôn trọng lẫn nhau. Trong hoạt động mục vụ, cần đầu tư các nguồn lực, cần có định hướng và kế hoạch mục vụ thống nhất, cần có thông tin hai chiều, cần sự gặp gỡ trao đổi, và tính liên tục trong hoạt động.

- Hôm qua, Đức Cha Phêrô đã trả lời một số vấn nạn và tóm tắt những tham luận, ý kiến, trao đổi trong hai từ: ĐỔI MỚI. Đổi mới não trạng, đổi mới cơ cấu làm việc và sâu xa nhất là đổi mới con tim. Đức Cha cũng nhấn mạnh: để có thể thực hiện sự hiệp thông, cốt yếu cần sống linh đạo kenosis, hủy mình ra không theo bước Đức Giêsu. Cần bỏ đi những gì đã quen thuộc, để bước vào cái mới. Ngày làm việc thứ hai của Công Nghị Giáo Phận đã có sự đổi mới ngay trong bầu khí của công nghị: vui tươi, cởi mở hơn và cả những sáng kiến lạ, gây thích thú và niềm vui cho mọi người. Sự tham dự của các thành viên cũng nhanh nhạy, tích cực, chân thành hơn. Có những lúc cao trào mọi người đồng ý bằng những tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Sự đón nhận những ý kiến khác biệt của mọi người diễn tả nỗ lực thao thức cùng nhau xây dựng sự hiệp thông trong gia đình GP. 

Cha Giuse Vũ Hữu Hiền trình bày hình ảnh minh họa chủ đề “Xây đắp Giáo Hội sứ vụ”: tất cả những đường nét, màu sắc và hình ảnh trong logo công nghị đều diễn tả sứ vụ, vì mọi hoạt động của tín hữu, mọi sinh hoạt của giáo phận đều mang tính truyền giáo, đều có khả năng xây dựng văn minh tình thương và sự sống nếu:
- được thực hiện cách tốt đẹp,
- được thực hiện trong ý hướng cầu nguyện cho muôn dân,
- được thực hiện trong nỗ lực tạo tương quan hài hòa với mọi người,
- với nỗ lực đưa giá trị Tin Mừng vào sinh hoạt văn hóa xã hội.
Tương quan hài hòa với lương dân được diễn tả bằng những sắc độ đậm nhạt hài hòa (ton sur ton) của màu xanh da trời, và sự bình an vui tươi của màu xanh lá cây. Những nét đỏ thanh mảnh của nhà thờ và sách thánh tượng trưng cho những dòng máu, những hy sinh và những nỗ lực đưa Tin Mừng thấm vào mảnh đất văn hóa xã hội…

Tham luận

Phần chính yếu của ngày làm việc thứ ba là 10 bài tham luận của các Giáo Hạt và các Ban Mục vụ:

1. Tham luận của đại diện Hạt Xóm Chiếu: với địa bàn khá rộng trải dài trên 50km và số giáo dân trên 42.000, hướng đi và mục tiêu của giáo hạt là phát huy đời sống nội tâm, cổ võ đọc kinh tối trong gia đình theo tài liệu của Giáo Hạt, cung cấp trợ giá để mỗi gia đình đều có sách Kinh thánh, tổ chức nhà tuyền thống, hành hương, khích lệ Mục vụ thiếu nhi giới trẻ, hợp tác mọi thành phần dân Chúa còn nhiều trở ngại, còn cục bộ. Giáo dân chưa quan tâm các vấn đề của Giáo hạt. Giải pháp: Xin hàng linh mục quan tâm phát huy vao trò giáo dân và tính năng động của giới trẻ, quan tâm Di dân, hỗ trợ điều hành việc xây dựng cơ sở hợp lý, quan tâm các cha dòng, khích lệ giao lưu liên xứ, hoạt động tông đồ bác ái, tương quan với xóm giềng, thăm viếng… Giáo dục giúp học bổng, liên kết với các trường trong địa bàn, ươm mầm ơn gọi, giới thiệu các Dòng. Xin các giáo xứ trong Giáo Phận liên kết bảo trợ các giáo điểm truyền giáo.

2. Tham luận của đại diện Ban Mục vụ Di Dân: Thư chung ĐHDC định hướng việc tạo điều kiện cho người di dân đóng góp vào đời sống Giáo Hội. Di dân là dấu chỉ thời đại: tại TP.HCM có khoảng 2 triệu người nhập cư, di dân Công giáo khoảng 170.000 người. Đó là một bối cảnh mới đầy thách đố, họ gặn nhiều khó khăn, Giáo Hội nơi đi và nơi đến chưa hỗ trợ khiến họ cảm thấy bị bỏ rơi, bị coi thường hoặc bị từ chối. Họ trở nên xa cách với nơi đi và nơi đến, mất dần ý thức thuộc về Giáo Hội và ra rời đức tin. Ban Mục vụ Di dân đã nỗ lực rất nhiều. Cần sự hỗ trợ của cộng đoàn dân Chúa để cải tổ cơ cấu đáp ứng các nhu cầu, củng cố mạng lưới, phát triển và chuyên môn hóa các hoạt động, mời gọi sự cộng tác của các dòng tu, tìm phương cách kết nối đi dân vào Giáo Phận, hợp tác với các Ủy Ban Mục vụ khác phục vụ người di dân. Kiến nghị có chương trình giáo lý dự tòng, Giáo Hội địa phương tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực hơn vào đời sống Giáo Phận, sống tình huynh đệ con Chúa.

3. Tham luận của đại diện Hiệp Hội Thánh Mẫu: Đây là một hội đoàn theo linh đạo Công Giáo tiến hành, xây dựng nhóm nhỏ 7-12 người, noi gương cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi họp nhau hàng tuần học hỏi sống Lời Chúa, đọc kinh tối luân phiên, thăm viếng và giữa các hoạt động đạo đức. Hội viên được học hỏi qua các giai đoạn, phục vụ và làm vui lòng mọi người, sống vị tha phục vụ như người môn đệ Chúa Giêsu. Chính thức hoạt động từ 1955, Hiệp Hội Thánh Mẫu được thành lập và mở rộng đến nay, tại Giáo Phận TP.HCM có trên 3.000 hội viên. Sắp tời sẽ đi thăm quảng bá để mở rộng hoạt động, đổi mới đời sống, huấn luyện nhân sự. Xin Công Nghị Giáo Phận cầu nguyện và hỗ trợ để tiếp tục phát triển và phục vụ.

4. Tham luận của đại diện Ban Caritas Giáo Phận: Trong bối cảnh hiện nay việc phục vụ người khó khăn cần được quan tâm hơn nữa. Caritas được khích lệ để mở rộng hoạt động, Văn phòng Caritas Giáo Phận đã huấn luyện cho thành viên Caritas giáo xứ và mạng lưới Caritas giáo xứ đã đi vào hoạt động tại 50% giáo xứ trong Giáo Phận. Caritas giáo xứ phối hợp trong nhiều họat động tốt đẹp. khó khăn là nhiều nơi chưa được quan tâm, thiếu hiệp thông, còn e dè, nhân sự hoạt động còn ít, chưa vận động được giới trẻ tham gia. Văn phòng Caritas Giáo Phận còn giới hạn chưa kịp thời thực hiện các chương trình đề ra. Cần tăng cường hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn, phẩm chất và tăng cường sự hợp tác hỗ trợ nhau trong Giáo Phận ngày càng tốt hơn. Cần vận động các giáo xứ tham gia các chương trình chung. Các chương trình tĩnh tâm giúp nhiều, cần cầu nguyện cho chương trình hoạt động chung, có các vị chủ chăm linh hướng, Caritas giáo xứ hợp tác với các đoàn thể khác mở rộng phục vụ. Hàng năm nên có Hội nghị toàn thể để gây ý thức cho mọi người.

5. Tham luận của đại diện Nhóm Gia đình cùng theo Chúa: Việc Mục vụ gia đình rất quan trọng cần được quan tâm, vì công tác loan báo Tin mừng phụ thuộc vào Giáo Hội tại gia. Cần đổi mới để có sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Gia đình Kitô giáo là Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba, gia đình là con đường quan trọng nhất mà Giáo Hội phải đi. Đề nghị Công Nghị Giáo Phận: để gia đình loan báo Tin mừng cho các gia đình, cần ưu tiên loan báo Tin mừng cho các gia đình để gia đình trở lại với kế hoạch Thiên Chúa đã định là đem ơn cứu độ cho con người. Gia đình đang bị hủy hoại do ly hôn, phá thai, đạo đức sa sút. Cần giáo dục nhân bản và đời sống đạo đức trong gia đình, giáo lý hôn nhân cần được quan tâm hơn để gia đình là tổ ấm yêu thương, các ban Mục vụ khác cần hợp tác hỗ trợ gia đình. Công cuộc loan báo Tin mừng hôm nay nhờ vào vai trò người giáo dân sống trong gia đình. Trước các thách đố về tình yêu và sự sống, gia đình cần đóng vai trò chứng tá Tin Mừng. Cần tái loan báo tin mừng cho gia đình. Xin các dòng tu quan tâm cộng tác, xin dành phần ngân sách Giáo Phận cho chương trình canh tân đời sống gia đình, chú trọng việc dạy giáo lý Kinh thánh cho người lớn.

6. Tham luận của đại diện Hạt Gia Định: Ước muốn đón nhận thêm nhiều giáo huấn cụ thể thẳng thắn. Sống giá trị Tin mừng Kitô giáo hôm nay là một thách đố: phải là người Công giáo tốt và công dân tốt. Ước mong người tín hữu biết gác lại những khác biệt, trở nên chứng nhân Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay, đối thoại với các tôn giáo thiết thực, hợp tác trong các hoạt động xã hội giúp người ngoài Kitô giáo cảm nhận các giá trị, hướng đến phát triển con người toàn diện. Nghệ thuật là đường đi đến trái tim con người, cần sưu tầm những tác phẩm đã có và phát huy thêm. Cần theo con đường hẹp bênh vực cho các giá trị Tin Mừng. Có những người mất niềm tin, gia đình ly hôn, phá thai… Xin đừng bỏ rơi họ nhưng có những biện pháp giúp họ có những chọn lựa đúng đắn. Cần truyền đạt các giá trị cho thế hệ trẻ, giúp họ chọn lối sống phù hợp Tin mừng. Ước mong có tập Cẩm nang ngắn hỗ trợ việc loan báo Tin mừng. Cần bắt đầu từ việc canh tân đổi mới bản thân.

7. Tham luận của đại diện Ban Mục vụ Công lý Hòa Bình: Công lý Hòa Bình là vấn đề nhạy cảm trong bối cảnh hôm nay. Cần làm gì để dóng góp với tất cả lòng yêu thương cho công cuộc loan báo Tin Mừng? Vấn đề của đất nước cũng là của Giáo phận. Các Giáo huấn của Giáo Hội đều nhấn mạnh Giáo Hội không đứng bên lề xã hội, hiện trạng xã hội là một thách đố lớn. Giáo Phận cần canh tân để chu toàn sứ vụ Đức Kitô và loan báo nền văn hóa sự sống. Loan báo Tin mừng trong thời đại mới cần có định hướng cụ thể. Kinh thánh và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội phải là kim chỉ nam. Mọi thành phần Giáo Phận phải quan tâm các vấn đề xã hội để định hướng đi đúng đường hướng Giáo Hội. Căn bệnh thờ ơ vô cảm phá hủy xã hội vì cơ chế xã hội què quặt thiếu quan tâm đến con người. Thực tại nghèo đói bất công vô luân phá hoại môi trường cũng đang tấn công đời sống Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng chỉ có kết quả khi gắn kết với con người và xã hội Phải nhạy bén lên tiếng trước các vấn đề tự do công lý và nhân quyền, đề ra chương trình cụ thể cho từng giới từng ngành cụ thể. Đổi mới phải khởi đi từ nhận thức đúng đắn và cảnh huống cụ thể của Giáo Hội Việt Nam.

8. Tham luận của đại diện Ban Mục vụ Truyền Thông. Nhận định: xã hội bùng nổ về truyền thông với những tiến bộ chóng mặt tạo những cơ hội và thách đố. Giáo Hội kêu gọi con cái sử dụng những phương tiện truyền thông cách thích hợp và khôn ngoan. Kiến nghị: mọi thành phần Dân Chúa cần học hỏi cách sử dụng mọi phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng, phục vụ cho sự hiệp thông, xây dựng văn hóa sự sống và văn minh tình thương...

9. Tham luận của đại diện Ban Mục vụ Truyền giáo: Lịch sử truyền giáo tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn: tư thời các thừa sai ngọai quốc đến giúp học biết chữ, mở nhà in và phát triển công cuộc loan báo Tin mừng, xây nhà thờ, mở các giáo xứ, phát triển ngành nghề, mở trường và nhà cho trẻ em khuyết tật… Hiện tại có những nỗ lực mở mang các giáo điểm. Mong kêu gọi đóng góp tài chánh mở những giáo điểm mới. Công cuộc loan báo Tin mừng hôm nay cần thích nghi để đạt hiệu quả, trước hết bằng chứng tá đời sống, gia đình thuận thảo đầm ấm là điểm nhấn loan báo Tin mừng. Kỹ thuật truyền thông đại chúng phát triển với những trang web giúp mọi nắm bắt thông tin, tổ chức các lớp học, hội thảo, đồng hành giúp giáo dân sống đạo. Cần tạo cơ chế giúp đời sống đạo trong Giáo Phận. Cần nhiệt tình loan báo Tin mừng bằng những cách thức mới và dấn thân cho sứ vụ này.

10. Tham luận của đại diện Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn. Đối thoại liên tôn là cần thiết: có khoảng 1000 trường hợp kết hôn khác đạo, trẻ em học chung với bạn bè khác đạo và người lớn có nhiều tương giao với tín đồ tôn giáo khác. Hiện đã có những tương quan tốt, có các giáo huấn của Giáo Hội về đối thoại liên tôn, có Ban Mục vụ đối thoại liên tôn của Tổng Giáo Phận với các khóa học về đối thoại liên tôn, các hoạt động xã hội liên tôn gây ảnh hưởng tốt và tạo ra những quan hệ ích lợi. Những trở lực: não trạng độc tôn chân lý, ý thức truyền giáo chưa xác tín, thực hành đối thoại liên tôn còn mới mẻ, cha mẹ thường áp lực dâu rể phải trở lại đạo trước đám cưới, mặc cảm khi tiếp xúc với tín đồ tôn giáo khác, có sự cạnh tranh lôi kéo theo tôn giáo khác, chất vấn tại sao phải theo đạo Công giáo khi lập gia đình và quan niệm đạo nào cũng như nhau là thách đố lớn. Đề nghị giới thiệu hoạt động đối thoại liên tôn với các ban ngành khác, liên kết giữa các ban, các giáo xứ có người đặc trách đối thoại liên tôn, qui tụ các đôi hôn nhân khác đạo giúp học hỏi kinh nghiệm đối thoại liên tôn, tổ chức sinh hoạt giao lưu học hỏi giúp hiểu biết đúng về các tôn giáo khác.

Sau phần tham luận, các đại biểu đã đi đến các địa điểm khác nhau để thảo luận theo tổ của mình.

Top