Nhật Ký 05 - Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010
14g30: Sau giờ Kinh Chiều chung, các nhóm thảo luận theo vị trí cũ. Chủ đề thảo luận: các tham dự viên trao đổi 5 câu hỏi liên quan đến phần Hiệp Thông trong Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa:
1. Sự hiệp thông đích thực trong Hội Thánh phát xuất và qui về sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong bối cảnh của Giáo hội Việt Nam hôm nay, anh chị thấy cần phải nhấn mạnh đến điểm gì để xây dựng sự hiệp thông đích thực ấy ?
2. Trên cấp giáo xứ, giáo phận và quốc gia, anh chị đề xướng những phương cách nào để xây dựng một Giáo Hội theo mô hình hiệp thông và tham gia ?
3. Gia đình là Giáo hội tại gia mà trong đó các thế hệ cùng gặp gỡ nhau và cảm nghiệm sự hiệp thông của Thiên Chúa. Anh chị nghĩ có đề xướng nào để làm cho mô hình Giáo hội hiệp thông được nổi bật trong gia đình của các tín hữu ?
4. Trong việc đào tạo linh mục tương lai, anh chị nghĩ đâu là những điểm cần nhấn mạnh trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam hôm nay ?
5. Làm thế nào để việc đào tạo nhân sự giáo dân, cách riêng giáo lý viên, trở thành quan tâm hàng đầu từ cấp địa phương đến giáo phận và quốc gia ?
- 16g30: Giải lao
- 17g30: Đúc kết Thảo luận theo các liên nhóm. Đức Cha Cosma Giáo phận Bắc Ninh tiếp tục điều phối chương trình.
Liên Nhóm 2 (nhóm 5-6-7-8): Cha Tôma Vũ Quang Trung, SJ.
1. Để xây dựng sự hiệp thông đích thực trong Giáo Hội, cần có sự hiệp thông với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện để đi đến tương quan hiệp thông tốt đẹp với nhau. Cũng cần chia sẻ liên đới cộng tác giúp nhau mang gánh nặng. Hiện nay có nhiều phê bình góp ý, nhưng cần làm như thế nào để giúp xây dựng tích cực, có thể mở một diễn đàn để có thể chân thành góp ý trong tình bác ái để canh tân Giáo Hội. Nên có ban tư vấn về những vấn đề liên quan đến trần thế để Giáo Hội có những ứng xử thích hợp, cần có phát ngôn viên chính thức của Giáo Hội.
2. Để xây dựng một Giáo Hội theo mô hình hiệp thông và tham gia, có những cấp độ khác nhau. Nên có chương trình chung cấp quốc gia tạo sự hiệp nhất và mỗi Giáo phận áp dụng tuỳ hoàn cảnh, tổ chức các đoàn thể giáo dân, nên có các cơ chế giúp đồng bào vùng xa có sách lễ, sách Kinh Thánh, có tu sĩ hướng dẫn họ trong đời sống đạo. Nên tổ chức nhiều lần các Đại Hội Dân Chúa ở các cấp để các thành phần dân Chúa có cơ hội trao dổi đóng góp. Nên có Hội đồng Mục vụ các cấp kiến tạo mô hình hiệp thông tham gia, có qui chế rõ ràng. Cần có thư chung các mục tử hướng dẫn giáo dân có những ứng xử thích ứng trong những vấn đề đặc biệt. Trừ những gì giáo luật cấm, nên khuyến khích giáo dân tham gia các hoạt động dưới sự hướng dẫn của mục tử.
3. Xây dựng gia đình là Giáo Hội tại gia: hướng dẫn người trẻ tiền hôn nhân, giáo dục giới tính, kế hoạch hoá, sống Tin mừng trong công bình xã hội, duy trì đọc kinh tối gia đình, có các mẫu kinh phù hợp có hướng dẫn, tổ chức dạng liên kết theo giáo hạt, giáo xứ, liên gia.
4. Trong việc đào tạo linh mục tương lai cần bắt đầu ngay từ gia đình, cha mẹ là gương sáng, chú ý đào tạo nhân bản, các giá trị truyền thống, có đời sống cầu nguyện… Giúp các linh mục có khả năng kết hợp với Thiên Chúa sâu xa trong đời sống cầu nguyện, làm gương sáng, có trái tim hiền lành của người mục tử để phục vụ hữu hiệu hơn. Đặc biệt khả năng lắng nghe, tôn trọng ý kiến giáo dân…
5. Đào tạo giáo dân / giáo lý viên nên có chương trình thống nhất cấp quốc gia, chú ý độ tuổi của giáo dân và những người có điều kiện. Có những học viện để giáo dân có thể tham gia, đặc biệt mời các thầy cô giáo tham gia. Chú ý đào tạo các đoàn thể giáo dân qua các chương trình đạo đức bình dân giúp họ được nâng lên.
Liên Nhóm 3 (nhóm 5-6-7-8):Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đúc kết
1. Để xây dựng sự hiệp thông đích thực, cần giúp người tín hữu học biết Lời Chúa để yêu mến kết hợp với Chúa Giêsu qua kinh nguyện, thánh lễ, các công việc hàng ngày… nhờ đó nhận được ân sủng, quyền năng và tình yêu để chia sẻ.
2. Những phương cách để xây dựng một Giáo hội hiệp thông: cần đối thoại tin tưởng nhau, nâng cao vai trò và tôn trọng phẩm giá người giáo dân, mục tử cần làm gương sáng. Mời gọi giáo dân thông cảm với linh mục tu sĩ, có ý thức đồng trách nhiệm dám hy sinh cho việc chung.
3. Mô hình hiệp thông và tham gia: mô hình gia đình, mọi thành viên là con cái Thiên Chúa, có sự đồng trách nhiệm và đồng phẩm giá. Cần tăng cường đào tạo giáo dân với chương trình xuyên suốt cho toàn Giáo hội, các Ủy ban cùng làm việc. Cần canh tân cách điều hành và làm việc của cha xứ, qui chế hoạt động của Hội đồng giáo xứ, giáo lý viên, các đoàn thể. Cần có cẩm nang hướng dẫn đời sống các tín hữu, thống nhất lời kinh cho giáo dân đọc thường ngày, dạy các kỹ năng sống…
4. Trong việc đào tạo linh mục tương lai, cần đào tạo nhân bản và đời sống nội tâm, tăng cường người đồng hành, giáo dục gia đình chuẩn bị cho chủng sinh.
Liên Nhóm 4 (nhóm 5-6-7-8):Cha Giuse Tạ Huy Hoàng đúc kết
1. Để xây dựng sự hiệp thông đích thực, điểm nhấn là đồng trách nhiệm ở mọi cấp, đề cao Bí tích Thánh Thể làm nên sự hiệp thông.
2. Mô hình hiệp thông và tham gia: việc học về Bí tích Thánh Thể là cần thiết, nên tổ chức giờ chầu Thánh Thể thường xuyên, hàng giáo sĩ sống gần gũi với giáo dân để xây dựng mô hình Giáo hội hiệp thông, có Đại hội Dân Chúa ở các cấp Giáo phận, giáo xứ. Đối thoại là cần thiết, trao đổi đủ, thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ, trên hết là bác ái. Cần phân công phân nhiệm rõ ràng.
3. Gia đình là Giáo hội tại gia: cần tránh tối đa sự áp đặt, sửa lỗi huynh đệ, giữ giờ kinh tối. Tranh ảnh tôn giáo cũng giúp thực hiện xây dựng mô hình hiệp thông trong gia đình. Giao cho con cháu những công việc liên hệ với nhà thờ. Cha xứ nên siêng năng thăm viếng giúp giáo dân gắn bó với giáo xứ. Có thể kết nghĩa giữa các gia đình, trình với Giám mục hoặc Linh mục để được hướng dẫn
4. Việc đào tạo linh mục tương lai 6 năm ít quá, tránh áp đặt theo ý mình, nếu được nên cho con cháu sống bầu khí chủng viện tại giáo xứ, lấy mẫu gương Gioan Vianey cho các cha. Tuy nhiên quý cha cũng cần kỹ năng lãnh đạo, tránh các tương quan có thể gây hiểu lầm…
5. Cần huấn luyện chuyên nghiệp cho giáo lý viên, chú ý các anh em dân tộc.
Liên Nhóm 1 (nhóm 1-2-3-4): Cha Phanxicô Xaviê Vũ Phan Long, ofm
Liên nhóm đặt ra hai câu hỏi:
- Thời đại ảnh hưởng khoa học kỹ thuật, gia đình có nhiều thay đổi, giáo xứ và Giáo phận phải đổi cách lãnh đạo thế nào?
- Có những chỉ trích phê bình, phải chăng phát xuất từ phản ứng chống lại kiểu giáo sĩ trị?
1. Nhận thức chung: Để đi đến hiệp thông, cần phát huy những điểm chung trong Giáo hội, nhưng đồng thời cũng tôn trọng các yếu tố riêng và giúp đi về hướng chung. Để ý các yếu tố cụ thể về văn hoá (kính trọng nhau, biết ơn, khiêm tốn…) hoặc phản văn hoá (bằng mặt không bằng lòng, giả dối…).
2. Phương thức: giáo dục bằng lời nói và gương sáng, đào tạo cảm thức thuộc về Giáo hội, giáo dục văn hoá đối thoại, tận dụng các dịp lễ để giáo dục cảm thức chung cho cộng đoàn
3. Hành động: giáo dục nhân bản và đức tin. Gia đình phải quan tâm giáo dục con em. Cha xứ và giáo lý viên hướng dẫn để giáo xứ thành 1 đại gia đình và 1 tiểu chủng viện cho các em. Quan tâm giáo dục lương tâm luân lý đúng đắn (nay méo mó nhiều). Cần giúp mọi người biết cầu nguyện và gặp được chính Thiên Chúa, có đức tin ngã vị, sống được với Thiên Chúa theo cách của mình. Mỗi giới nên nhấn mạnh một điểm: bạn trẻ cần được giúp giáo lý hôn nhân, sau hôn nhân có những chương trình bồi dưỡng đời sống trong gia đình, bồi dưỡng liên tục cho giáo lý viên, có cách chiếu cố họ cách phù hợp. Giúp linh mục có đời sống nhân bản vững, làm việc với giáo dân tránh lấn sân (ví dụ: “giao chức không giao quyền, giao quyền không giao tiền!”).
4. Đề nghị: thống nhất cách gọi các cơ cấu Giáo hội. Thành lập Hội đồng Giáo dân, tổ chức Đại Hội Dân Chúa 5 năm 1 lần. Các cha cần thống nhất về đường hướng hướng dẫn giáo dân. Cần lưu ý một số tu hội chiêu sinh để đi giúp các tu sĩ già, không được đào tạo đúng mức.
18g15: Đức Hồng Y tổng kết ngày làm việc, Ngài nêu lên 3 ý:
1. Cảm nghĩ riêng: rất vui mừng vì mọi người đều thấy ngôi nhà Giáo Hội là của mình và góp phần xây dựng rất tích cực.
2. Các đề xuất rõ hơn hôm qua: canh tân thống nhất truyền thống thói quen sống đạo cho đến cơ cấu tổ chức ở các cấp vì thời gian qua nhiều giới hạn. Chúng ta có niềm tin; bản năng tự vệ làm chúng ta được như hôm nay, nhưng có những nhu cầu mới đòi hỏi đổi mới nếp sống đạo, đổi mới chương trình đào tạo linh mục tu sĩ giáo dân, cải tiến cách thức sống đức tin và mục vụ.
3. Nhận xét góp ý: muốn canh tân đổi mới, nâng cao kiến thức đức tin mục vụ, cần có nhân sự được đào tạo (không chỉ học chuyên môn mà cần gắn bó cầu nguyện để bước đi trong ánh sáng Đức Kitô), và phải cộng tác với Chúa Thánh Thần vì ta không có khả năng làm gì cả. Chúa Giêsu cũng phải vất vả huấn luyện các tông đồ suốt 3 năm, sau đó 1 ông bán Chúa, 1 ông chối Chúa, các ông kia bỏ chạy hết... Phải nhờ Chúa Thánh Thần các vị mới trở nên nhà truyền giáo. Thánh Phaolô cũng dạy ta cần kiên nhẫn cầu nguyện, nhờ đó chúng ta mới có thể nhiệt tâm xây dựng Giáo hội.
Sau phần đúc kết, tất cả các đại biểu ra sân khấu ngoài trời, giữa Trung Tâm Mục vụ và nhà nguyện Đại chủng viện, để chụp hình lưu niệm.
- 18g30: Chầu Thánh Thể chung tại nhà nguyện Đại chủng viện thánh Giuse. Tất cả các thành phần dân Chúa trong Đại hội đều sốt sắng cảm tạ ơn Chúa và hiệp lòng cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam trở thành một Giáo hội hiệp thông thực sự.
- 19g00: Cơm tối. Sau đó các đại biểu lại có thời gian thong dong để suy tư về tài liệu làm việc cho ngày hôm sau. Cảm tạ Chúa vì một ngày tốt lành!
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 3 (1): Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Tài liệu học hỏi Năm Thánh: bài 6(1): Vai trò của Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: Việt Nam Hình Thành, Phát Triển và Trưởng Thành (phần mở 2) -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (2): Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam