Người thầy đầu tiên

Người thầy đầu tiên

Người thầy đầu tiên

TGPSG -- Sự lam lũ, vất vả của nghề nông đã khiến gương mặt của ông Hùng sớm điểm tô những nếp nhăn của sự khắc khổ. Tuy nhiên, những khó khăn trong cuộc sống gia đình ông cũng như số phận chung của những người dân nơi vùng quê thanh bình này gặp phải không thể dập tắt hạnh phúc nhỏ bé mà ông đang có. Bởi, bên ông là một người vợ hiền hậu, đảm đang chịu thương chịu khó luôn cùng ông tần tảo sớm hôm chăm lo cho đàn con thơ.

Hạnh phúc, với ông là ngày ngày nhìn thấy những đứa con chăm ngoan ngày càng khôn lớn, gia đình sớm tối quây quần bên nhau, cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Chính vì thế, giờ kinh sáng tối của gia đình ông luôn luôn đều đặn và đầy đủ, có những lúc còn được “pha thêm” tiếng quạt mo ông dành cho thằng con út và mấy thằng anh có tật mê ngủ mà quên đọc kinh, đôi khi có cả những tiếng thúc giục, kêu gọi các con tỉnh giấc để thưa kinh.

Vào một ngày đẹp trời hôm nay, tạm gác lại công việc đồng áng, ông Hùng quyết định dẫn thằng út vào gặp cha xứ để xin cho nó gia nhập đội giúp lễ của Giáo xứ cha mới lập. Đó là điều ông mong ước và cũng là ước nguyện của thằng út con ông nữa.

Thoáng nhìn bố con ông ngoài cửa phòng khách, cha xứ ôn tồn hỏi:

  • Bố con ông Hùng vào thăm cha hay có chuyện gì thế ?
  • Dạ, thưa cha, con... con...

Cổ họng ông bỗng dưng cứng lại như có một tảng đá lớn chèn ngang khiến ông không thể truyền tải tới cha xứ một “bài diễn văn” mà ông đã “soạn sẵn” từ nhà.

Đáp lại cử chỉ lúng túng của ông, cha xứ nở nụ cười thật tươi rồi nhẹ nhàng nói:

 - Thôi hai bố con vào phòng, cha mời ly nước rồi có chuyện gì nói sau.

Đón ly trà còn ấm nóng từ tay cha xứ, ông nhấp một ngụp nhỏ lấy lại bình tĩnh rồi sau đó mới nhỏ nhẹ thưa:

  • Dạ thưa cha, hôm nay con dẫn thằng út nhà con vào đây để xin cha cho cháu gia nhập đội giúp lễ của giáo xứ có được không ạ?

Nghe xong, cha xứ mỉm cười nhìn thằng út rồi nói:

  • Ờ, ờ… Vào giúp lễ thì tốt đấy, nhưng cháu còn nhỏ quá, chưa giúp được gì đâu?

Câu trả lời của cha xứ như một gáo nước dập tắt tia hy vọng của ông, khiến ông chỉ có thể đáp lại bằng một tiếng dạ vâng nhỏ nhẹ cùng nụ cười gượng gạo.

Còn thằng út, khuôn mặt nó ỉu xìu như bánh tráng gặp trời mưa. Thế nhưng sự thất vọng của bố con ông đã lọt vào đôi tinh tế của cha xứ, nên ngài ôn tồn nói: 

  • Thôi, chưa mặc áo giúp lễ được thì con vào phụ các anh lớn những việc nho nhỏ. Khi nào lớn thêm chút nữa con giúp lễ cũng được.

Câu nói của cha xứ làm cho ánh mắt của hai bố con sáng lên. Cả hai cảm ơn cha xứ rồi lễ phép chào ra về, trong lòng âm thầm mừng vui.

Kể từ đó, thằng út cũng có tên trong đội giúp lễ của giáo xứ. Tuy “hữu danh vô thực” nhưng với nó như thế cũng đủ hãnh diện với đám bạn. Hơn thế nữa đây là cơ hội để nó bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Do thấp bé nên nó thắp nến không được, trải khăn bàn thờ cũng không xong. Nó chỉ được các anh lớn trong đội giúp lễ “sử dụng” vào mỗi dịp lễ trọng với một nhiệm vụ thật cao cả đó là quạt than cho các anh lớn xông hương. Và như thế, mỗi dịp lễ trọng lại mở ra cho nó một cơ hội quý giá để thực thi nhiệm vụ phía sau phòng thánh…

Với sự nhạy bén của người từng trải, ông Hùng, bố nó, dường như sợ công việc nhỏ bé đó sẽ khiến nó nhàm chán mà bỏ cuộc nên ông thường động viên khích lệ nó rằng:

  • Đốt than tuy là công việc nhỏ bé nhưng cũng làm Chúa vui lòng đấy, con ạ, vì chính Chúa nói: Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn.

Và quả thực, những lời khích lệ ấy đã tiếp thêm cho nó động lực và sự kiên trì trong ba năm “thử việc” với vai trò của một “chú đốt than”. Nó vẫn kiên trì, miệt mài với công việc có vẻ vô vị, tẻ nhạt ấy.

Rồi, sau bao tháng ngày mòn mỏi đợi chờ, nó cũng đã được cha xứ cho khoác chiếc áo giúp lễ trắng tinh, để cùng cha tiến lên bàn thánh trong tiếng nhạc trầm hùng. Một cảm giác lâng lâng không thể nào diễn tả được đã dâng lên trong tâm hồn nó khi ấy.

Phía dưới bậc thềm cung thánh, ông Hùng vẫn không ngớt dõi theo từng cử chỉ, điệu bộ của thằng út. Ánh mắt ông như muốn “chụp lại” từng cử chỉ vụng về của nó để uốn nắn ngay.

Thằng út của ông vẫn miệt mài với công việc bàn thánh qua tháng này năm nọ. Và ông vẫn như một người thầy nghiêm khắc dạy nó từng lời ăn tiếng nói đối nhân xử thế sao cho phải phép. Ông vẫn âm thầm tiếp thêm cho nó động lực phc vụ nhà Chúa bằng những lời động viên và bằng chính đời sống âm thầm phục vụ của ông.

Thấm thoát thằng Út đã tốt nghiệp Phổ thông Trung học và ông đang chờ nơi nó một quyết định chọn lựa cho cuộc đời. Tuy nhiên, trong thâm tâm ông vẫn muốn nó thi vào chủng viện, ông muốn nó trở thành Linh mục để phục vụ Giáo hội. Tất cả những gì ông cố gắng làm cho nó từ trước đến nay đều hướng tới mục đích cao đẹp ấy. Ông vẫn đang miên man suy nghĩ thì từ phía ngoài cổng, thằng Út gọi lớn:

  •  Bố ơi! Con đậu Đại học rồi.

Nhìn nó vui mừng hớn hở cầm trên tay tờ giấy báo nhập học mà khuôn mặt ông xuất hiện nhiều cung bậc biểu cảm. Ông mừng vì nó đạt kết quả học tập thật tốt. Nhưng, khuôn mặt ông bỗng hiện lên thoáng lo lắng. Ông lo cho tương lai phía trước của nó, ông lo cho ước vọng trở thành Linh mục của con ông sẽ biến mất sau những năm bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng, ông biết làm phải làm gì, ông vẫn phải tôn trọng quyết định của nó.

Ngày ông tiễn nó lên đường nhập học, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên gương mặt khắc khổ của ông. Ông thương nó từ nay phải một thân một mình tự lập cuộc sống nơi phương trời xa lạ Ông thương vì nó còn quá non nớt để đối chọi với sóng gió cuộc đời và biết đâu, những sóng gió ấy sẽ vùi lấp ước mơ cao đẹp đang chớm nở trong tâm hồn nó. Những suy nghĩ của ông chỉ bừng tỉnh khi tiếng còi xe đổ liên hồi báo hiệu giờ chuyển bánh đã tới khiến ông chỉ nhắn nhủ nó một câu thật ngắn gọn:

  •  Cố gắng mỗi ngày con nhé, nhớ đừng bỏ đọc kinh sáng tối đấy. Bố mẹ tin tưởng và hy vọng nơi con rất nhiều.

Vậy là nó rời xa gia đình để bước vào ngôi trường mới với biết bao hoài bão, nhưng cũng không thiếu những phân vân lo lắng cho hành trình phía trước.  Những cạm bẫy thử thách phía sau giảng đường khiến nhiều khi nó cảm thấy chới với tưởng chừng quỵ ngã. Nhưng, trong những lúc gian nan ấy thì lời nhắn nhủ của bố nó như kim chỉ nam giúp nó không ngủ quên trong men vui trần thế.

Cuối cùng, sau biết bao gian truân và cố gắng nó cũng đã hoàn thành những dòng cuối cùng của bài luận văn tốt nghiệp. Nó đang miên man nghĩ về bầu khí long trọng của buổi lễ trao bằng tốt nghiệp mà trong lòng ngập tràn niềm vui, thì chợt tiếng điện thoại của nó reo lên:

  • Reng...reng...reng …

Tiếng chuông điện thoại đã kéo nó về với thực tại: là tiếng bố nó gọi.

  • Alô, con nghe ạ!
  • Con khỏe không? Khi nào con tốt nghiệp? Con định thế nào sau khi học xong? Đi làm hay về thi vào Chủng viện ?...

Một loạt câu hỏi được bố nó đặt ra đã khiến nó không kịp trả lời. Và thực sự nó cũng đang phải đối diện với những chọn lựa mà các câu hỏi của bố vừa nêu.

Quả thực, trở về thi vào Chủng viện để sống và theo đuổi ước mơ trở thành linh mục vẫn còn in sâu trong tâm trí nó. Nhưng, nếu chọn lựa như thế, nó không thể đáp đền công ơn mà suốt bao năm qua bố mẹ nó đã khó nhọc dành dụm từng đồng để nuôi nó ăn học, khôn lớn nên người.

Bao nhiêu câu hỏi gợi lên khiến nó như bị cuốn vào vòng xoáy không thể thoát ra. Nó như bị rơi vào cái hố sâu tối tăm và rất cần một tia sáng chiếu soi hướng đi cho nó. Nó đang ở cực điểm cho lối rẽ cuộc đời. Nó cần phải trở về bên gia đình để tìm lại sự bình an trong vòng tay yêu thương của bố mẹ nó.

Trên bộ sa-lông vốn đã bị thời gian bào mòn làm cho phai màu, ông Hùng vẫn chăm chú lắng nghe những thao thức, băn khoăn của nó. Ấm trà nóng vẫn đều đặn tỏa hương thơm khắp gian nhà vốn chẳng có đồ đạc gì quý giá. Ông kiên nhẫn lắng nghe tiếng lòng của thằng út. Ông không thể nóng vội đưa ra một lời khuyên cho đứa con ông rất mực yêu thương, hy vọng.

 Sau cùng, ông Hùng mới nói những tâm tình mà suốt bao năm ông vẫn âm thầm ấp ủ và dành trọn tình thương cho nó. Ông nói với nó:

  • Con à! Suốt bao năm qua bố mẹ khó nhọc nuôi con ăn học chỉ với một mục đích mong con được hạnh phúc. Bố mẹ không muốn con từ bỏ ước mơ sống đời tận hiến của con để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Con hãy cứ vững tâm đáp lại tiếng gọi của Chúa. Hãy tín thác mọi sự cho Chúa. Bố tin rằng Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta đâu con ạ! Con đi tu không thể đáp đền bố mẹ bằng tiền tài danh vọng như người đờ,i nhưng thứ quý giá hơn con có thể đáp đền bố mẹ, đó chính là lời cầu nguyện. Còn tất cả những chuyện khác, Chúa sẽ có cách lo liệu cho gia đình. Đó là điều quý giá mà tiền không mua được đâu con ạ!

Câu nói của bố nó như một tia nắng xóa tan lớp sương mù vốn đang vây kín trong tâm hồn, giúp nó mạnh dạn từ bỏ tất cả những lắng lo cho gia đình để theo đuổi ước mơ cao đẹp mà bấy lâu vẫn ấp ủ.

Một ngày mới đã bắt đầu, những tia nắng yếu ớt đang đua nhau chiếu qua khe hở của những tán lá xanh mướt. Hôm nay, một ngày thật đặc biệt với gia đình ông vì thằng út sẽ chính thức bước vào một hành trình mới, hành trình mà bấy lâu ông vẫn âm thầm mong chờ và cầu nguyện xin Chúa dẫn đường, chỉ lối cho nó.

Chủng viện Lê Bảo Tịnh, là bến đỗ để thằng út của ông vun trồng ước mơ trở thành linh mục. Miên man suy nghĩ như thế khiến ông nhận thấy một niềm vui và sự an nhiên lạ thường.

Sau những tháng ngày học tập, tu luyện trong mái trường Chủng viện Lê Bảo Tịnh, thằng út giờ đây đã trở thành một Đại chủng sinh. Chiếc áo chùng thâm mà nó mang trên mình là một minh chứng cho quyết tâm, sự chết đi từng ngày của người môn đệ trên đường theo Chúa. Tấm áo ấy đã và đang được thêu dệt nên từ công sức, mồ hôi và cả những giọt nước mắt của biết bao ân nhân, thân nhân, trong đó có sự hy sinh lặng thầm của bố nó.

Một năm học nữa lại kết thúc, quý thầy chủng viện ai cũng lên cho mình kế hoạch nghỉ hè thật ý nghĩa và bổ ích. Nó cũng thế, nó muốn trở lại Sài Gòn để thăm lại những người bạn xưa. Ngày nó đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, biết bao kỷ niệm lại ùa về. Nó nhớ tới những người bạn, tới những kỷ niệm của thời sinh viên... Nhưng giây phút hoài niệm ấy chợt bị cắt ngang bởi tiếng điện thoại reo vang, là anh nó gọi:

  • Em về ngay đi, bố gặp chuyện rồi.

Như một tiếng sét ngang tai, như một cơn ác mộng, nhưng nó vẫn đủ bình tĩnh để làm thủ tục trở về trong chuyến bay sớm nhất.

Nó trở về, nó không tin cảnh tượng trước mắt của nó. Bố nó, đang khó nhọc trong từng hơi thở nặng nề, khắp thân thể đầy những dây truyền, bình oxy… Những người thân yêu đã xum vầy bên ông, chỉ còn thiếu mình nó.

Nhìn thấy nó, đôi mắt ông sáng lên niềm hạnh phúc. Còn nó, nó lặng đi mà chẳng thể nói được lời nào ngoài mấy lời động viên bố gắng sức chống chọi với bệnh tật. Xin Chúa và Đức Mẹ thêm sức cho bố.

Ông nhìn nó, rồi nhẹ nhàng nhắn nhủ nó những lời tâm nguyện, đó cũng chính là những lời cuối cùng nó được nghe bố nó nói:

  • Bây giờ Chúa gọi bố về thì bố cũng sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa. Bố chỉ tiếc là bố chưa lo cho con trọn vẹn, không được nhìn thấy con trong ngày con lãnh chức linh mục. Nhưng đó là ước muốn trần thế thôi con ạ, con hãy cố gắng lên nhé. Chúa sẽ lo liệu cho con, hãy cố gắng lo việc Nhà Chúa nhé!

Dường như đó là một ước mơ cháy bỏng của ông và cũng chỉ khi sắp lìa xa đứa con ông yêu quý nhất, ông mới nói ra điều ấy. Nó biết là thế và nó đáp lại lời bố nó như một sự đoan quyết:

  • Bố yên tâm, con sẽ đi trọn con đường tận hiến.

Ông nhìn nó với ánh mắt đầy niềm cảm thương, hy vọng rồi nói :

  • Đường con đi không cậy vào sức riêng bản thân con được đâu, phải luôn cậy dựa vào ơn Chúa con ạ!

Dẫu đã chuẩn bị tâm lý đón nhận tất cả, nhưng nó cũng không dám tin đó là di ngôn sau hết ông dành cho nó tại dương thế. Cũng từ đó, nó đã mất đi một người cha, người thầy đầu tiên đã dạy nó về đức tin, về cuộc sống và đặc biệt, là người đã dẫn nó tới con đường huyền nhiệm mang tên Giêsu.

Những lời nhắn nhủ thật sâu lắng và ngắn gọn của người thầy ấy đã trở nên hành trang quý giá giúp nó vững bước trên con đường tận hiến. Hình ảnh “người thầy đầu tiên” ấy vẫn mãi in sâu trong trái tim, trong lời cầu nguyện thường ngày của nó, nó vẫn vững tâm tiến bước trong niềm tin và tín thác. Bởi, bên nó vẫn còn biết bao người Cha, người thầy trong mái trường Chúa Thánh Thần. Những người cha, người thầy ấy đã và đang âm thầm dẫn dắt, đồng hành với nó. Cách đặc biệt, nó vẫn không ngừng đón nhận biết bao ân sủng, sự đỡ nâng từ vị Thầy Chí Thánh mang tên Giêsu. Chính người Thầy ấy đã viết cuộc đời nó bằng những than hồng rất ư tầm thường ngay từ tấm bé.

Cảm tạ Chúa, Người Thầy Vĩ Đại của cuộc đời đã ban cho con người thầy đầu tiên để nhờ người thầy đó mà con biết Chúa, biết yêu Chúa.

Cảm tạ Ngài, đã và đang dùng những người thầy trong mái trường mang tên Lê Bảo Tịnh để cùng con viết trọn khuông nhạc của đời thánh hiến.

In Sinu Jesus

 

Top