Ngày Lễ Vinh Danh Bố ( Father's Day)
Hàng năm tại Hoa-Kỳ có ngày Lễ dành cho Mẹ (Mother’s Day) vào tháng năm và ngày Lễ dành cho Bố (Father’s Day) vào tháng sáu dương-lịch.
Nói về lịch-sử Lễ Father’s Day thì một trong những người dầu tiên có sáng kiến để cử hành ngày Lễ này là bà Sonora Louis Smart Dodd ở tiểu-bang Washington. Bà đã suy nghĩ về ngày Lễ dành cho Bố lúc bà ngồi lắng nghe lời giảng trong một buổi Lễ dành cho Mẹ vào năm 1909. Bà Sonora muốn có một ngày đặc biệt dành cho Bố mình, đó là ông William Jackson Smarth.
Ông William Jackson Smarthlà một cựu-chiến-binh của cuộc nội-chiến (Civil-War), vợ của ông Smart đã mất trong lúc bà lâm-bồn hạ sanh người con thứ sáu của họ. Một mình đơn độc, ông Smarth đã nuôi đứa trẻ sơ-sinh và năm người con của ông ở một trang-trại hoang-vu thuộc miền đông, tiểu-bang Washington . Khi bà Sonora trưởng thành, bà cảm nhận sâu xa ơn hy-sinh tận tụy một đời của Bố mình đã nuôi dưỡng một đàn con đơn thân, độc mã. Dưới mắt bà, người Bố là một tấm gương can đảm, vô-vị-kỷ và tràn đầy tình yêu thương. Vì thân-phụ của bà Sonora sanh vào tháng sáu, nên bà đã chọn ngày 19, tháng 6, năm 1910, để cử hành ngày Lễ dành cho Bố đầu tiên tại thành phố Spokane, thuộc tiểu-bang Washington, Hoa-Kỳ.
Thực ra, trước bà Sonora đã có ý kiến dành một ngày vinh-danh cho những người Bố, người ta cho rằng Tiến-Sĩ Robert Webb là người cử hành Lễ dành cho Bố đầu tiên tại Thánh-Đường Trung-Ương thuộc thành-phố Fairmont, Tiểu-Bang West Virginia, Hoa-Kỳ vào năm 1908. Nhưng chính nhờ vào những nỗ-lực của bà Sonora, dần dần ngày Lễ dành cho Bố đã được công-nhận trên toàn quốc Hoa-Kỳ.
Đến năm 1924, Tổng-Thống Calvin Coolidge, ủng hộ ý kiến công-nhận một ngày Lễ dành cho Bố trong toàn quốc.
Sau đó đến năm 1966, Tổng-Thống Lynden Johnson đã ký một sắc lệnh tuyên-bố công nhận ngày Chúa-Nhật thứ ba, trong tháng sáu hằng năm là ngày Lễ dành cho Bố, tức là: Father’s Day!
Ngay từ lúc đầu tiên, bà Sonora Dodd là người có sáng kiến dành cho những ai còn Bố được tặng bông hồng đỏ và những ai không còn Bố được tặng bông hồng trắng trong ngày Lễ Father’s Day, tập tục này vẫn lưu truyền đến ngày nay. (Có lẽ Thiền-Sư Nhất-Hạnh đã sưu tầm được mẩu truyện này và lấy ý làm nên bài thơ “Bông Hồng Cài Áo” được phổ nhạc bởi nhạc-sĩ Phạm-Thế-Mỹ).
Đó là lịch-sử ngày Lễ Father’s Day tại Hoa-Kỳ. Thế còn vai trò người Bố trong gia-đình Việt-Nam chúng ta thì sao?
Ngày xưa trong Gia-Huấn, nước chúng ta chịu ảnh-hưởng bởi nước Tàu, do đó ở một quốc-gia quyền hành nằm trong tay nhà Vua, vì Vua là người lãnh-đạo, trong gia-đình thì quyền-hành tập trung vào người đàn ông, tức là gia-trưởng, hệ-thống trong xã-hội Việt-Nam xưa theo thứ tự: Quân, Sư, Phụ (Vua, Thầy, Bố). Vua và Bố có quyền xử tội chết! “Vua xử: Thần tử. Phụ xử: Tử vong”. Có nghĩa là Vua xử tội: Tôi - Thần phải chết, Cha xử tội: con cũng phải chết. Thần không chết, con không chết khi bị xử tội sẽ là bất-trung và bất-hiếu. Điều này cho thấy về quyền hành của một vị Vua trong một quốc-gia cũng tương tự như quyền hành của một người Bố trong gia-đình.
Gia-Huấn ngày xưa cũng thường đề cập tới lòng hiếu thảo như truyện “Nhị Thập Tứ Hiếu” (gương của hai mươi bốn người con hiếu thảo), đây là những bài học gia-huấn có giá trị, đã tồn tại trong gia-đình và học-đường nước Việt-Nam rất từ lâu, dù rằng đây là hai mươi bốn tấm gương hiếu-thảo của truyện nước Tàu. Những truyện này đã được một Học-giả sống vào thời nhà Nguyên, đó là ông: Quách-Cư-Nghiệp, ông đã viết kể bằng chữ Hán.
Sau đó, một Công-Thần nước Việt-Nam của chúng ta, thời nhà Nguyễn: ông Lý-Văn-Phức, (đã trải qua ba triều Vua: Minh-Mạng, Thiệu-Trị và Tự-Đức), ông đã diễn ra bằng Quốc-Âm thành một truyện thơ viết theo thể song-thất-lục-bát, rất phổ biến trong dân gian.
Thí dụ như truyện của Hoàng-Hương là người Đông-Hán, Hoàng-Hương mất Mẹ lúc lên chín tuổi. Hoàng-Hương được người trong làng khen là một người con vô cùng hiếu-thảo. Hoàng-Hương thờ Bố rất mực cung-kính, sớm khuya hầu hạ, không dám xao-lãng. Vào mùa Đông, Hoàng-Hương nằm ủ vào chăn chiếu của Bố mình, để truyền hơi ấm cho Bố khỏi rét lạnh. Đến mùa Hè thì quạt màn gối của Bố cho mát mẻ. Nhờ đó mà Bố của Hoàng-Hương được ăn ngon, ngủ yên. Quanh năm vui vẻ, không biết có mùa Đông hay mùa Hè. Quan Thái-Thú ở quận sở tại. Nhân thấy họ Hoàng là người con hiếu-thảo, bèn làm sớ tâu lên Vua nhà Hán ban cho Hoàng-Hương tấm biển vàng đề chữ là: “Người Con Hiếu-Thảo”. Nguyên văn của bản chữ Hán như sau:
“Đông nhật ôn khâm noãn.
Viêm thiên phiến chẩm hương,
Nhi-đồng tri tử chức.
Thiên cổ nhất Hoàng-Hương”
Dịch nghĩa là:
“Mùa Đông thì ủ cho ấm chăn,
Mùa nực thì quạt cho mát gối,
Trẻ thơ đã biết đạo làm con,
Ngàn năm chỉ có một Hoàng-Hương”.
Và được diễn Quốc-Âm ra như sau:
“Đời Đông-Hán, Hoàng-Hương chín tuổi,
Khuất bóng từ dõi dõi nhớ thương,
Hạt châu khôn ráo hai hàng,
Tiếng đồn vang dậy trong làng đều khen,
Thờ Nghiêm-Phụ cần chuyên khuya sớm,
Đạo làm con chẳng dám chút khuây,
Trời khi nắng Hạ chầy chầy.
Quạt cho màn gối hơi bay mát rầm,
Trời Đông buổi sương đầm tuyết thắm,
Ấp hơi mình cho ấm chiếu chăn,
Nhờ con Cha đươc yên thân,
Bốn mùa không biết có phần Hạ, Đông,
Tiếng Hiếu-Hạnh cảm lòng Quận-Thú,
Biển nên treo chói đỏ vàng son,
Cho hay tuổi trẻ mà khôn,
Nghìn thu biết đạo làm con mấy người?”
Ngoài ra trong “Nhị Thập tứ Hiếu” còn có những gương hiếu thảo như của: Văn-Đế, Tăng-Tử, Mẫn-Tử-Khiên, Tử-Lộ, Diễm-Tử, Lão-Lai-Tử, Thái-Thuận, Giang-Cách, Vương-Thôi, Ngô-Mãnh, Dương-Hương, Châu-Thọ-Xương, Hoàng-Đình-Kiên v.v…
Trong khi đó, lịch-sử của đời sống người Việt có rất nhiều gương hiếu-thảo, thí dụ như ông Nguyển-Trãi, người đã làm Quân-Sư, viết bài: “Bình Ngô Đại Cáo” sau khi giúp cho Vua Lê-Lợi dánh thắng được quân xâm lược nhà Minh ở phương Bắc tràn xuống nước ta. Khi Bình-Định-Vương Lê-Lợi về đánh ở Lỗi-Giang thì Nguyển-Trãi vào yết kiến và dâng bài sách, Vua xem khen hay và dùng Nguyễn-Trãi làm Tham-Mưu cho Vua. Ông Nguyễn-Trãi là con của ông Bảng-Nhãn: Nguyễn-Phi-Khanh, (thuộc đời nhà Hồ). Ông thi đỗ Tiến-Sĩ vào năm 1400. Khi ông Nguyễn-Phi-Khanh bị quan quân nhà Minh bắt dẫn về Kim-Lăng thì Nguyễn-Trãi chạy theo khóc lóc, lên đến cửa Nam-Quan, Nguyễn-Trãi không chịu trở lại. Ông Nguyễn-Phi-Khanh đã nói rằng:
“Con! Con phải trở về mà lo báo hiếu cho Cha, rửa hận cho nước. Chứ đi theo khóc lóc làm gì!!!”
Khi ấy, nghe lời Bố, Nguyễn-Trãi trở lại, ngày đêm lo việc nước, giúp Bình-Định-Vương, bày mưu kế để đánh giặc ngoại-xâm.
Một gương hiếu-thảo nữa cần nhắc đến đó là ông Đồ-Chiểu. Đang khi ra kinh-thành ứng thí, giữa đường nghe tin thân-mẫu ông qua đời tại quê nhà, ông Nguyễn-Đình-Chiểu phải quay về thọ tang, đành bỏ kỳ thi, vì thương Mẹ, ông khóc đến mù mắt. Câu truyện này chúng ta biết được qua tác-phẩm Lục-Vân-Tiên mà tác giả chính là Cụ Đồ-Chiểu.
Trong cuốn sách “Đất lề quê thói”, nhà văn Nhất-Thanh Vũ-Văn-Khiếu đã nhận định về Đạo-Hiếu là lửa thiêng, hun đúc tinh thần gia tộc: Hiếu đầu trăm nết:
“Chữ Hiếu niệm cho tròn một tiết,
Thời suy ra trăm nết đều nên.”
(Theo diễn âm của ông Lý-Văn-Phức –1785-1894- Nhi Thập Tứ Hiếu)
Xét cho cùng, kẻ bất-hiếu, tức là không đối xử tốt với Bố-Mẹ, chắc hẳn sẽ không thể nào đối xử tốt với người khác.
Tất cả con người chúng ta đều được tạo thành từ giọt máu Cha và được cưu mang từ bụng Mẹ. Người xưa có câu: “Ẩm Hà, Tư Nguyên”. Có nghĩa là: “Uống Nước, Nhớ Nguồn”:
“Công Cha như núi Thái-Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ, kính Cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”.
bài liên quan mới nhất
- Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
-
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại -
6 lời khuyên của Đức Giáo Hoàng giúp giao tiếp trong gia đình bạn
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ