Nạn nhân Chiến tranh và việc Cứu trợ Người di cư trong chương trình nghị sự của Thượng Hội Đồng
NẠN NHÂN CHIẾN TRANH VÀ VIỆC CỨU TRỢ NGƯỜI DI CƯ TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG
Salvatore Cernuzio
Nghèo đói, di cư, các vụ lạm dụng, vai trò của phụ nữ và căn tính giới tính là trọng tâm công việc của Thượng hội đồng trong những giờ gần đây. Paolo Ruffini cho biết trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 10, không có “sự phân cực”, nhưng có “trải nghiệm chia sẻ”.
Phiên họp chung thứ sáu của Thượng hội đồng đang diễn ra tại Vatican đã bắt đầu bằng bài suy niệm của Đức Hồng Y Arthur Roche. Ngài đã nói về “sự nguy hiểm của một cuộc chiến tranh đẫm máu” khi lưu ý đến cuộc xung đột ở Israel và Gaza. Tiếp theo đó là một loạt các tham luận và trao đổi về các chủ đề như chiến tranh, nghèo đói, các vụ lạm dụng, căn tính giới tính, Chủ tịch Ủy ban Thông tin, Paolo Ruffini, cùng với thư ký Sheila Pires, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư 11/10/2023.
Trong số các thành viên của Thượng hội đồng có mặt, Đức Hồng Y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám mục Québec, đã chia sẻ kinh nghiệm về việc mình được “làm phong phú” thêm nhờ việc lắng nghe các tham luận và chứng từ khác nhau. Grace Wrakia, chứng tá về tiến trình hiệp hành ở Châu Đại Dương, về phần mình đã khiến tiếng nói của các cộng đồng Papouasie-Nouvelle-Guinée được lắng nghe. Luca Casarini, nhà hoạt động và người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mediterranea Saving Humans, bày tỏ sự “phẫn nộ” trước hàng nghìn cái chết của những người di cư khi cố gắng vượt Địa Trung Hải. Là khách mời đặc biệt của Thượng hội đồng, Luca Casarini đã đưa ra một chứng từ sâu sắc về hoạt động của tổ chức phi chính phủ của mình, gợi lên cuộc gặp gỡ giữa hai cảnh nghèo: sự nghèo khó về vật chất của những người bị buộc phải rời bỏ “của cải duy nhất mà họ sở hữu”, đất đai của chính họ, và sự nghèo nàn về tinh thần của một phương Tây dường như đã mất đi khả năng xúc động và từ chối “sự kinh hoàng”.
Một nhóm nhỏ tại Nhà Thánh Mátta
Paolo Ruffini tiết lộ với các nhà báo rằng một “nhóm nhỏ” đã có mặt không xa hội trường Phaolô VI, tại Nhà Thánh Mátta nơi Đức Giáo Hoàng cư trú. Đức Thánh Cha đã tập hợp một số người nghèo từ thủ đô đến ăn trưa cùng với Đức Hồng Y Konrad Krajewski, đặc trách dịch vụ từ thiện của Đức Thánh Cha. Một câu hỏi được đặt ra cho các vị khách tại bàn của Đức Thánh Cha: “Các bạn mong đợi điều gì từ Giáo hội?” Câu hỏi mà họ trả lời: “Tình yêu, không có gì ngoài tình yêu”.
Theo bước Công đồng
339 thành viên đã có mặt tại phiên họp chung vào chiều thứ Ba. Có 345 người hiện diện vào sáng thứ Tư khi Đức Hồng Y Matteo Zuppi mời họ cùng đọc kinh Truyền Tin. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý đã cầu xin sự chuyển cầu của Thánh Gioan XXIII, nhân ngày lễ kính nhớ ngài vào ngày 11 tháng 10; cũng là ngày khai mạc Công đồng Vatican II (11/10/1962). Trở lại một chút với sự kiện lịch sử này của Giáo hội, Đức Hồng Y Gérald Cyprien Lacroix khẳng định rằng Thượng hội đồng về tính hiệp hành là sự tiếp nối của nguồn cảm hứng “ngôn sứ” của Đức Gioan XXII, ngài vốn già yếu nhưng để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn về sự cần thiết phải “sống một Công đồng đại kết”, một công đồng mà ngài sẽ không nhìn thấy kết thúc của nó.
Đức Hồng Y người Québec đã đọc bài phát biểu khai mạc Công đồng do Đức Gioan XXIII đọc khi đó, nói rằng nó cực kỳ phù hợp trong thời gian Thượng hội đồng này mà Giáo hội đang trải qua kể từ tháng 10 năm 2021. “Phương pháp mà chúng ta sử dụng là hướng tới việc lắng nghe Chúa, Lời của Ngài, sự hiện diện của Ngài nơi mỗi người đã được rửa tội, và điều này cho phép chúng ta cởi mở với người khác và với những người khác.” Bằng cách lắng nghe Lời Chúa, “chúng ta có thể tìm thấy những sắc thái, thay đổi cách suy nghĩ của mình, và từ đó nhìn thấy công trình và công việc của Chúa nơi mọi người,” Đức Tổng Giám mục giáo phận Québec tuyên bố và đồng thời cho thấy rằng việc trải qua tất cả những điều đó ở cấp độ cá nhân khiến ngài phải “điều chỉnh, tinh chỉnh, xem xét lại cách suy nghĩ của mình một chút”.
Tiếng nói của những hòn đảo “nhỏ” ở Châu Đại Dương
Ý tưởng ban đầu của Thượng hội đồng này về tính hiệp hành “là để mình được chấn vấn bởi những gì nảy sinh trong các bài tham luận khác một cách tự do”. Và cũng mang lại tiếng nói cho những người còn ở lại phía sau. Về vấn đề này, Grace Wrackia bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha đã mời các đại diện từ Quần đảo Solomon và Papouasie-Nouvelle-Guinée tới Thượng hội đồng. Bà nói trong một bài phát biểu đầy cảm xúc: “Trong nhiều năm, chúng con đã lắng nghe và bây giờ chúng con muốn nói và chúng con muốn anh chị em lắng nghe, bởi vì chúng con có một thứ gì đó để cống hiến cho thế giới: cách sống của chúng con, cách sống hiệp thông, cách sống cùng nhau và xây dựng các mối quan hệ”.
Lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình
Liệt kê các chủ đề được thảo luận trong các nhóm nhỏ và các phiên họp, Paolo Ruffini giải thích rằng nhiều bài phát biểu tập trung vào chủ đề hòa bình và các nạn nhân của chiến tranh: “Chúng tôi đã nói về cách mà các Kitô hữu có thể trở thành dấu chỉ của hòa bình và hòa giải trong một thế giới bị biến dạng bởi chiến tranh và bạo lực”. “Những lời kêu gọi mạnh mẽ” được đưa ra đối với các quốc gia đang xung đột và đối với “sự đau khổ của một số Giáo hội Đông phương”.
Một Giáo hội khiêm nhường dành cho người nghèo
Sheila Pires nhấn mạnh một chủ đề khác được đề cập trong các cuộc thảo luận: “Mong muốn về một Giáo hội ưu ái người nghèo, khiêm nhường, bước đi, đồng hành với người nghèo”. Những người nghèo “có nhiều khuôn mặt”: những người bị loại trừ, những người di cư, những nạn nhân của biến đổi khí hậu, thậm chí bao gồm cả phụ nữ và các nữ tu ở một số nơi trên thế giới bị coi là “công dân hạng hai”. Sheila Pires giải thích: “Người ta nói rằng những người này cần được bảo vệ khỏi sự lạm dụng”.
Không có sự phân cực
Các vụ lạm dụng cũng được nói đến. Paolo Ruffini tuyên bố: “Chúng tôi đã nói về việc uy tín của chúng tôi đang bị nghi ngờ bởi các vụ bê bối như lạm dụng tình dục và sự cần thiết phải xóa bỏ mọi lạm dụng: tình dục, quyền lực, tinh thần, và làm mọi thứ, tiếp tục làm mọi thứ, để gần gũi với các nạn nhân”.
Tổng trưởng phụ trách truyền thông giải thích: Trong các nhóm và bài phát biểu, vấn đề về căn tính giới tính cũng được đề cập, “với trách nhiệm và sự hiểu biết, đồng thời vẫn trung thành với Tin Mừng và những giáo huấn của Giáo hội”. Một số người đã kêu gọi có “sự phân định nhiều hơn về giáo huấn của Giáo hội về tính dục”; trái lại, đối với những người khác, sự phân định bổ sung này dường như không cần thiết. Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Paolo Ruffini giải thích rằng trong các bài tham luận, “không có yếu tố nào có thể bị đóng khung trong sự phân cực”. Thượng hội đồng đang sống “một kinh nghiệm chia sẻ”.
Câu hỏi mà các tham dự viên Thượng hội đồng tự hỏi là: “Làm thế nào thể hiện việc mục vụ yêu thương đối với các cặp đồng tính, đối với những người ly dị trong khi vẫn trung thành với giáo huấn của Giáo hội?” “Hầu hết tất cả những người nói về những vấn đề này đều nói rằng chúng ta phải bác bỏ mọi hình thức kỳ thị người đồng tính,” chủ tịch Ủy ban Thông tin nhận xét và giải thích rằng đối với một số thành viên của Thượng hội đồng, “nhiều khó khăn đến từ sự thiếu hiểu biết về thực tế và hành trình cá nhân của các cá nhân”.
Vấn đề người di cư
Liên quan đến người di cư, một số Giám mục – điều này đã được giải thích trong cuộc họp báo – đã “yêu cầu sự giúp đỡ từ các Hội đồng Giám mục khác”, vốn ở trong hoàn cảnh tốt hơn từ quan điểm hội nhập và tiếp nhận, để “có thể được hưởng lợi” từ các kỹ năng được phát triển để đảm bảo sự hội nhập của những người được chào đón trong xã hội. Cũng được nhấn mạnh việc “người di cư và người tỵ nạn cần phải tôn trọng luật pháp của các quốc gia mà họ sinh sống.
Luca Casarini (bên phải)
Chứng tá của Luca Casarini
Vẫn về chủ đề dòng người di cư, chứng tá của Luca Casarini đã gây xúc động cho hầu hết những người có mặt tại Phòng Báo chí Tòa Thánh. Người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mediterranean Saving Humans trước tiên tự mô tả mình là “một người được ưu đãi“, bởi vì “trong một thế giới nơi chúng ta quan sát thấy một cuộc chạy đua tìm ra kẻ sẽ giết nhiều người nhất, một thế giới bị thống trị bởi sự thù hận, thì việc đến trợ giúp một cuộc sống, ôm lấy anh chị em giữa biển cả, đó là một món quà vô hạn làm thay đổi cuộc sống”, điều đó đã thay đổi cuộc sống của ông.
Nhà hoạt động này cũng đề cập đến vấn đề nghèo đói: “Trên biển cả, chúng tôi gặp các anh chị em, và ở đó, hai hình thức nghèo đói gần kề nhau”. Một mặt, tình trạng nghèo đói về kinh tế và xã hội buộc người dân phải “rời bỏ đất đai, gia đình, ký ức”, những tài sản duy nhất của họ; mặt khác, sự nghèo đói hoang tàn của một phần thế giới mà ngày nay coi “sự ghê tởm là chuyện bình thường”. Luca Casarini than thở: “Chúng ta không còn khả năng khóc thương cái chết của một đứa trẻ nữa”. “Hai sự nghèo đói này hỗ trợ lẫn nhau và nhường chỗ cho thứ mà ngày nay chúng ta tìm kiếm cách tuyệt vọng trong thế giới hận thù: tình yêu. Chính như thế mà tôi đã gặp Chúa Giêsu và Thiên Chúa.”
Với lòng tốt và không phải không mỉa mai, vị khách mời đặc biệt này đã trả lời câu hỏi của những người hỏi ông rằng liệu ông có cảm thấy “lạc lõng” trong một sự kiện như Thượng hội đồng, được đánh dấu bởi nhiều nghi lễ và khoảnh khắc thiêng liêng khác nhau hay không. “Tôi luôn cảm thấy lạc lõng và không phù hợp trong mọi hoàn cảnh,” ông cười đáp lại. “Tôi thực sự coi tất cả mọi người có mặt tại Thượng hội đồng như anh chị em của mình, tôi đang học cách biến sự oán giận và hận thù thành lòng thương xót”. Bí quyết là điều “tôi cố gắng học hỏi là đặt mình vào vị trí của người khác. Chúng ta không được tham vọng là có thể tự mình giải quyết được, nhưng chính Chúa Thánh Thần đang hành động. Đây là cách mà những điều điên rồ có thể xảy ra… giống như việc tôi có mặt tại Thượng hội đồng vậy.”
Người sáng lập Tổ chức Mediterranean Saving Humans đã được hỏi về “sự ăn năn” của ông về hành động của mình ở G8 tại Genoa năm 2001 và về cáo buộc hỗ trợ nhập cư lậu. “Đối với Genoa, tôi đã trải qua 8 năm xét xử và tôi được trắng án,” Luca Casarini trả lời, trong khi “tôi không thể hiểu được” cáo buộc còn lại. Ông giải thích thêm: “Đối với tôi, không có con người nào là lậu…. Tôi hiểu rằng mình đang bị điều tra vì đã cứu được 38 người trong 38 ngày giữa biển. Đây là cuộc thử thách sức mạnh lớn nhất mà Châu Âu từng biết đến. Trong số những người này có một cô gái bị 5 lính canh Libya cưỡng hiếp trước khi ra biển và thậm chí không có bác sĩ trong 38 ngày. Tôi có phạm tội không? Hãy dừng tôi lại, tôi rất vui vì đã làm điều đó”.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo Vatican News (12.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (12.10.2023)
Đọc thêm dòng sự kiện Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành khóa I – tháng 10.2023:
bài liên quan mới nhất
- Tài liệu Chung kết Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI
-
Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi -
Sơ lược Văn kiện Chung kết của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành -
Đức Thánh Cha Phanxicô: Văn kiện của Thượng Hội đồng là quà tặng cho Dân Chúa -
Tính hiệp hành, một sự hoán cải để trở nên truyền giáo hơn -
Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô đưa Giáo hội vào thiên niên kỷ thứ ba -
Tài liệu Cuối cùng của Thượng Hội đồng có giá trị Huấn quyền -
Suy niệm của cha Timothy Racliffe về dự thảo văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng -
Phỏng vấn Đức cha Mạnh Hùng và Đức cha Anh Tuấn về Thượng Hội Đồng -
Buổi họp báo về Thượng Hội đồng – Ngày 23/10: Đang tiến đến giai đoạn kết thúc
bài liên quan đọc nhiều
- Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh
-
Từ Roma, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ về Thượng Hội đồng Giám mục -
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta tiến đến hòa hợp và tôn trọng lắng nghe nhau -
Thư gửi dân Chúa của Đại hội Thường kỳ lần thứ XVI - Thượng Hội đồng Giám mục -
Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa -
Phỏng vấn linh mục Việt Nam tham gia Cuộc gặp gỡ quốc tế các cha xứ với Thượng hội đồng -
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục sẽ công bố “Thư gửi Dân Chúa” vào ngày 25/10/2023 -
Hướng tới việc xây dựng Cộng đoàn Giáo hội tại Giáo xứ theo mô hình Giáo hội hiệp thông - tham gia - sứ vụ -
Giáo hội hiệp hành: Suy tư về một tinh thần hay linh hồn của tham gia -
Kinh cầu cho Thượng Hội đồng Giám mục 2023