Một Giáo Hoàng cho Đức Mẹ
Không ai lại không công nhận: Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng cho Đức Mẹ. Theo Cha Johann G. Roten, SM, giám đốc Thư Viện Đức Mẹ thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Maria tại Dayton, Ohio, Mỹ, Đức Gioan Phaolô được truyền thông xưng tụng như một kịch sĩ, một nhà soạn kịch, một nhà thể thao, một nhân vật thu hút quần chúng, biến Giáo Hội Công Giáo thành một giáo hội hoàn cầu, một nhà hành hương đi tới chân trời góc biển, một cầu thủ hoàn cầu trong cầu trường chính trị thế giới, một nhân vật nhiều đặc sủng và ý chí sắt thép, không sợ sệt bênh vực các truyền thống thánh thiêng của Giáo Hội Công Giáo, không mệt mỏi bênh vực quyền sống dưới nhiều hình thức của nó cũng như ưu tiên chọn người nghèo. Tóm lại, ngài là một “giáo hoàng ngoại thường”, một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất, nhất định sẽ được phong thánh nay mai để đáp ứng tiếng hô của muôn người tại quảng trường Phêrô ngày ngài về Nước Chúa “Santo subito, santo subito!”.
Nhưng có một điều ít ai để ý: mọi vĩ nhân đều có một nguồn cảm hứng độc đáo trong đời, một trung tâm linh đạo để vị này rút tỉa sức mạnh, một điểm qui chiếu thường hằng để định hướng và điều chỉnh. Ta có thể gọi nó là tính trung tâm hóa (centeredness) hay tính cá thể hóa (individuation) theo kiểu nói của một số nhà tâm lý học, hoặc cũng có thể gán cho nó một cái tên thơ mộng hơn bằng cách gọi nó là “thửa vườn bí nhiệm” một thứ “đĩa thánh” (holy grail). Tuy thế, con người và cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II vốn được lên khuôn và gợi hứng bởi một nguồn suối trao ban sự sống không hẳn dấu ẩn hay chỉ là một phương tiện tâm lý học đơn giản. Nó hết sức tỏ tường trên huy hiệu giáo hoàng của ngài, vắn ngọn nhưng đầy thách thức: “Con Hoàn Toàn Là Của Mẹ” (Totus tuus), một huy hiệu được ngài trích dẫn từ công thức tận hiến cho Đức Mẹ của Thánh Montfort.
Karol Wojtila từng tận hiến cho Đức Mẹ từ lúc 15 tuổi: “Con hoàn toàn là của Mẹ và mọi điều con sở hữu đều là của Mẹ. Con nhận Mẹ trong mọi sự thuộc về con. Ôi Maria, xin Mẹ ban cho con trái tim Mẹ”. Chiều hướng trọn vẹn của công thức tận hiến này thực sự qui hướng về Chúa Giêsu Kitô: “Chúa Giêsu Kitô cứu thế của chúng ta, Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, phải là cùng đích tối hậu cho mọi lòng sùng kính khác của ta; làm khác đi, chỉ là những lòng sung kính giả hiệu và lừa đảo” (LM Grignion de Montfort).
Tận hiến cho Đức Mẹ, do đó, trùm phủ trọn cuộc đời vị Giáo Hoàng quá cố. Sau khi giải phẫu cổ họng, lúc vừa nói được, câu “Con Hoàn Toàn Là Của Mẹ” vẫn là câu đầu tiên thoát ra từ cổ họng ngài. Quả không quá đáng khi bảo việc tận hiến cho Đức Mẹ của Đức Gioan Phaolô II vừa là một bí quyết thực sự vừa là nguồn hiển hiện tạo nên sự vĩ đại nơi ngài. Sự tận hiến ấy có một sức mạnh nối kết, nó qui tụ cả con người của ngài và điều hướng con người ấy. Nó là nguồn thường hằng của linh hứng và mục tiêu. Ngoài ra, việc tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô qua Đức Mẹ còn là trường dạy kiên tâm bền vững trong lúc gian nan thử thách, thấy rõ trong khuôn mặt Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá. Điều ấy, trên huy hiệu của Đức Gioan Phaolô II, được tượng trưng bởi chữ M mảnh mai nằm dưới xà ngang Thánh Giá lớn khổ.
Một số các đức tính ngoại hạng trong nhân cách của ngài rõ ràng bắt nguồn từ sự tận hiến cho Đức Mẹ. Đầu tiên, là tính một tâm một trí, một lòng một dạ (single-mindedness), một thiên hướng và một thái độ của một con người chỉ có một mục tiêu duy nhất trong đời. Đức tính này có thể diễn dịch thành niềm tin vào một mình Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn cho thánh ý Người và hoàn toàn hiến mình cho công việc của Người. Đó chính là khuôn dung hết sức bản vị của Đức Mẹ với một cuộc đời hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa. Đức Gioan Phaolô II là quán quân của Tân Phúc Âm Hóa, của Tân Ngũ Tuần trong lòng tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa. Đó chính là mục tiêu trên hết các mục tiêu, một mục tiêu lúc nào cũng hiện diện trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, một mục tiêu được ngài theo đuổi một lòng một dạ bằng một năng lực không bao giờ cạn kiệt.
Cũng còn một đức tính thứ hai hết sức đặc trưng nơi con người có tên Wojtyla. Đó là tấm lòng đại lượng. Trái tim ta an ổn và ẩn sâu trong Thiên Chúa sẽ mở rộng cho những hiểu biết và cam kết mới. Được tình yêu Chúa thúc đẩy, trái tim ta vươn tới càng nhiều người khác bao nhiêu càng hay theo lòng đại lượng của ta. Trái tim Đức Gioan Phaolô II có một lòng đại lượng bao la. Ngài vươn tới cả bạn lẫn thù. Ngài tặng họ sự cảm thông, cầu xin họ tha thứ, bắc các nhịp cầu và thực hành tinh thần hiệp đoàn với mọi người thiện chí. Sự đại lượng trong tâm hồn vốn là nhân đức đặc thù của Đức Mẹ. Nó có nguồn gốc tối hậu nơi Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng để Đức Mẹ nói lên lời tuyên xưng đức tin hết sứ bản vị và đại lượng này: “Tôi là nữ tỳ Thiên Chúa”.
Thứ ba, ta nên làm nổi bật chiều hướng vâng lời của Đức Gioan Phaolô II. Vốn thừa hưởng sứ mệnh của Chúa Kitô và là khí cụ của Chúa Thánh Thần, không vị giáo hoàng nào là ông chủ của mình cả. Đức Gioan Phaolô II biết rằng ngài là người gìn giữ Thánh Truyền, một gánh nặng vừa có tính thiêng liêng vừa có tính luân lý, và là dòng sống của Mạc Khải. Bạn không được coi nhẹ gia tài Chúa Kitô để lại, nhưng vì là một con người sống trong thời gian, bạn cũng phải lắng nghe tiếng nói của hiện tại nữa. Đức Gioan Phaolô II đã làm cả hai và ngài đã làm chúng dưới sự soi sáng của điều ngài nhận ra là ý muốn của Thiên Chúa, được phát biểu qua chính Lời của Người là Chúa Giêsu Kitô, và được trân quí lưu giữ trong Giáo Hội, vốn được Chúa Thánh Thần sinh động. Vâng lời là không ngừng lắng nghe và suy xét ngôn ngữ của cứu độ. Nó cũng là sự lặp đi lặp lại liên tục và tận đáy lòng lời kinh của Đức Mẹ: “Xin vâng như ý ngài”. Chỉ khi nào hai ý ấy kết hợp với nhau thì vâng lời mới trở thành nguồn suối của tự do đích thực, biết nhìn quá bên kia việc làm vui lòng ý kiến của lúc này và lời hối thúc của các nhãn hiệu.
Đấy chính là lý do tạo nên sức mạnh can đảm nơi Đức Gioan Phaolô II, một đức tính nữa trong nhân cách của ngài. Lòng can đảm mạnh mẽ là cách Đức Gioan Phaolô II sống và công bố Kinh Ngợi Khen của Đức Mẹ. Ngài biết rõ Thiên Chúa là Đấng “thu thập những người không ai muốn” và ngài lớn tiếng và rõ ràng nói lên điều ấy. Ngài có lòng can đảm đi ngược lại nền văn hóa đương thịnh, khi cần. Ngài có được sức mạnh và sự kiên vững chống lại chủ nghĩa cộng sản cho tới lúc nó sụp đổ. Ngài tự coi mình là người lãnh đạo và là tụ điểm cho tất cả những ai tranh đấu cho các giá trị của Chúa Thánh Thần đối mặt với chủ nghĩa duy vật đang lồng lộn. Quả thực, Đức Maria của Kinh Ngợi Khen là hình ảnh thu nhỏ của sức mạnh và lòng can đảm bắt rễ sâu trong lời Thiên Chúa hứa. Mà Đức Gioan Phaolô II chính là môn đệ trung thành của Đức Mẹ. Ngài chia sẻ với Đức Mẹ sự hãnh diện trong khiêm hạ của những người được Thiên Chúa chúc phúc.
Nhiều người trong số những người đơn sơ thành thật chứng minh ngài có một tính nhân đạo (humanness) hết sức sâu sắc. Ngài nổi tiếng về lòng đơn sơ, phong thái dễ dãi, sẵn sàng khôi hài, và âu yếm vươn tới cả người thấp hèn lẫn người danh tiếng. Tước hiệu “tôi tớ các tôi tớ” của ngài quả mang một ý nghĩa đặc biệt và sống động khi ngài qùy xuống hôn đất bất cứ quốc gia nào ngài tới viếng thăm, hay khi hôn bế các trẻ thơ cũng như ôm hôn người cô đơn và đau khổ. Lòng hãnh diện trong khiêm hạ là đức tính của những người biết rằng họ đang chia sẻ sự “cao cả của Thiên Chúa”, trong đó hãnh diện là hồng ân mà khiêm hạ là đáp ứng, đáp ứng trong hân hoan và biết ơn, vì hồng ân nhận được.
Sau cùng, và không kém quan trọng, Đức Gioan Phaolô II là người yêu đời. Không có hạn từ nào đủ tư cách nói về Đức Mẹ đúng bằng hạn từ “sự sống”. Là Trinh Nữ, Đức Mẹ mừng vui sự sống vì Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Là mẹ, Đức Mẹ tiếp nhận sự sống và trao ban cho người khác, bằng tinh thần và thể xác. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã trở nên người cổ vũ cho văn hóa sự sống: một sự sống được coi như quyền bất khả nhượng, một sự sống được coi như lời hứa, một sự sống được coi như một khởi đầu mới. Ngài đấu tranh cho sự sống, chống lại bạo lực và chiến tranh. Ngài cử hành sự sống với nhiều người, bằng nhiều ngôn ngữ và với nhiều nền văn hóa. Cuộc đời và công việc của vị giáo hoàng ngoại thường này cho thấy Đức Mẹ khá hợp thời trang. Chắc chắn nó muốn chứng tỏ Đức Mẹ không phải dành cho các phòng mặc áo lễ (sacristy). Ngài không ủng hộ việc bị lầm tưởng chỉ là những vật trang trí treo toòng teng trên vè cửa xe hơi. Ngài là mẹ, nhưng không phải là người canh giữ cái tính trẻ nít (infantilism) thiêng liêng của ta. Ngài là trinh nữ, nhưng không phải là đền đài của tính cô lập lộng lẫy. Được chào đón là nữ vương xinh đẹp, ngài muốn là nữ vương các tâm hồn. Được tôn kính là Nữ Vương Thiên Đàng, ngài vẫn chú tâm tới những người đang lữ thứ trên trần gian. Ngài muốn đứng lên vì người nghèo và người bé nhỏ, nhưng không đứng lên vì những người yếu lòng và hèn nhát. Sứ mệnh của Đức Mẹ vươn trải đến tận cùng thế gian và thời gian vì ngài vốn là người cổ vũ tối hậu của Con mình, là sự tái tạo mọi người và mọi sự trong Chúa Kitô. Ngài là sao sáng cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan Phaolô II là giáo hoàng cho Đức Mẹ.
bài liên quan mới nhất
bài liên quan đọc nhiều
- Giới trẻ trước căn bệnh "vô cảm"
-
Quan điểm về Ăn chay của Phật giáo Nguyên Thủy -
Bạn nghĩ thế nào về lời xin lỗi -
Ngày 01/10: Têrêsa HĐGS: Con đường thơ ấu thiêng liêng -
Hành trình cuộc đời -
Một linh đạo tu thân: con đường nước -
Chúa nhật: Ngày của niềm vui -
Têrêsa Hài Đồng Giêsu: Hoa hồng nhỏ -
Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con -
Yoga - Thiền trên thế giới và với Kitô giáo ngày nay (2)