Một giá trị lớn nhất của đời người
WGPSG -- Trong khoảng thời gian có giới hạn và xác định, chúng ta buộc phải đưa ra các lựa chọn. Một đời người qua nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ lại trải qua các lựa chọn. Có lựa chọn quan trọng, và cũng có lựa chọn ít quan trọng. Có lựa chọn dễ thay đổi, cũng có lựa chọn khó thay đổi. Người càng có tri thức càng có nhiều thuận lợi khi ra quyết định để lựa chọn đúng hơn. Nếu xem mỗi lựa chọn sẽ dẫn đến một con đường, chúng ta cần biết đích đến và các đặc trưng của con đường ấy. Tôn giáo là một lựa chọn quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống tâm linh, và ảnh hưởng gián tiếp đến nhân cách, quan điểm về giá trị vật chất của mỗi chúng ta.
Vậy, nếu chúng ta chọn lựa trở thành một Kitô hữu thì đặc trưng của con đường Kitô giáo là gì? Đó là: tình yêu và bình an.
Tình yêu ở đây gồm 3 thuộc tính, không chỉ giới hạn ở tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, mà còn là tình yêu với đức tin mà ta chọn lựa. Và khi yêu đến mức như thế, thì bình an nội tại là một hệ quả tất yếu. Khi chúng ta mất bình an trong một thời điểm, một giai đoạn nào đó trong đời sống, nghĩa là chúng ta bị lung lay, bị quên, thậm chí mất đi tình yêu hàm chứa 3 giá trị vừa trình bày phần trên.
Có một chú ý nhỏ, các Kitô hữu dễ quên hoặc tự đánh mất hoặc không nhận thức một cách rõ ràng là, bản thân đang được sở hữu một tài sản rất lớn trong cuộc sống dương thế, tài sản vô giá này chính là sự an bình.
Khi chúng ta đã bước qua một cuộc sống đủ dài về thời gian, đủ sâu về việc nếm trải các mùi vị của cuộc đời: vui, buồn, lo âu, hy vọng, thất vọng… Khi ấy, chúng ta dễ trả lời cho câu hỏi: giá trị nào là quan trọng nhất trong cuộc sống đời này. Tiền bạc, sự nghiệp, gia đình cho dù quan trọng nhưng chưa phải là số một, mà sự an bình chính là giá trị mà con người mong muốn nhất.
Bình an của một Kitô hữu là sự bình an do hiểu biết và thực thi việc tựa vào Thiên Chúa - một điểm tựa vững chắc và vĩnh cửu. Bình an ở đây là một ân phúc nhưng không, mà Thiên Chúa ban tặng cho những ai biết Tin-Cậy-Mến vào Ngài.
Đối lập với bình an bao gồm nhiều trạng thái: hận thù, tranh chấp, lỗi lầm, lăng nhục, nghi nan, thất vọng, tối tăm, u sầu.
Nếu chúng ta đạt được trạng thái bình an đích thực, thì các trạng thái đối lập kể trên quá khó để có thể tồn tại trong tâm trí của chúng ta.
Không những thế, người sở hữu trạng thái bình an còn dùng giá trị của mình có để san sẻ cho đồng loại - những người còn thiếu hay mất sự bình an. Khi tham dự Thánh lễ, câu nói của vị chủ tế “Anh em hãy chúc bình an cho nhau”, là có hàm ý: Sau khi Kitô hữu đón nhận được sự bình an từ người Cha nhân hậu, thì hãy đem sự bình an ấy chia sẻ cho những người khác - những người không có hoặc thiếu nó trong cuộc sống.
Bài hát Kinh Hòa Bình trở thành một bài hát bất hủ, được rất nhiều Kitô hữu mến mộ, nội dung của bài hát này cũng khai thác quanh hai chủ để: tình yêu và sự an bình. Và nó trở nên vĩ đại, vì tình yêu và sự an bình đều hướng đến tha nhân, hướng đến việc cho đi chứ không chỉ để tự thụ hưởng.
Có lần tiếp xúc với một người Nhật, một cao thủ trong làng Karatedo thế giới - đai đen 8 đẳng, như nhiều người khác nhận định, ông ấy luôn toát ra vẻ an bình, điềm tĩnh. Sự an bình mà vị này có được là kết quả của 40 năm khổ luyện. Karatedo là một con đường nhỏ, giúp các võ sinh hoàn thiện thể xác và tinh thần. Và đâu là sự khác biệt bình an của một Kitô hữu với vị võ sư trên? Vẻ an bình mà võ sư có được là do quá trình tự luyện. Nó được hình thành, lớn lên qua những thăng trầm, những vinh nhục của cả đời người và sự an bình ấy khi có được lại quay về phục vụ trở lại cho chủ thể. Sự an bình kiểu này không thể cho đi, nó buộc người sở hữu phải trả giá bằng thời gian, thể xác và khối óc. Trong khi đó, sự an bình của Kitô hữu có được là do cậy trông vào sự quan phòng và tình yêu bao la của Thiên Chúa. Sự bình an sau khi nhận được, người Kitô hữu phải tiếp nối công việc của Cha trên Trời là hãy đem đến sự an bình ấy cho những người quanh họ.
Tinh túy của linh đạo dòng Phanxicô, được thánh Phanxicô Assisi kết luận: “Những ai chịu đựng mọi gian khổ trên đời vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn giữ được tâm hồn và thân xác bình an. Họ mới thật là người xây dựng hòa bình”.
Bình an là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần (1Cr 13, 1): tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ). Bạn muốn sở hữu sự bình an? Hãy chạy đến Chúa Thánh Thần, Ngài là giải pháp duy nhất. Khi nói đến sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng” “Khi ra tay can thiệp, Chúa Thánh Thần luôn làm cho con người sửng sốt kinh ngạc. Ngài khơi dậy những biến cố mới mẻ gây ngạc nhiên và thay đổi tận gốc rễ con người và lịch sử”.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy chỉ và trợ lực cho chúng con biết làm thế nào có được sự bình an, không phải sự bình an tạm thời mà là sự bình an vĩnh cửu.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19