Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại

Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại

Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại

WHĐ (21/8/2024) - Trong bài diễn giải này về Tin Mừng Gioan 19:25-27, Don Dolindo Ruotolo suy ngẫm về ý nghĩa tâm linh của việc Chúa Giêsu trao phó mẹ của Ngài cho thánh Gioan dưới chân thập giá. Don Dolindo thấy trong hành động này việc thiết lập chức vụ làm Mẹ phổ quát của Mẹ Maria đối với Giáo hội và toàn thể nhân loại. Don Dolindo nhấn mạnh rằng lòng sùng kính đối với Mẹ Maria, không những không làm giảm đi lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu, mà còn là điều cần thiết để đến gần Ngài và các nguồn thánh thiện hơn. Don Dolindo khuyên các tín hữu noi gương thánh Gioan bằng cách đón nhận Mẹ Maria vào cõi lòng họ, hiến dâng cuộc sống của họ cho Mẹ và để Mẹ dẫn họ đến với Chúa Giêsu. (Ghi chú của tác giả)

Bị treo lơ lửng bằng ba chiếc đinh, quằn quại trong nỗi đau đớn không thể diễn tả thành lời, toàn thân đầy thương tích, với một cơ thể bất lực tột độ, đau đớn tột cùng, Chúa Giêsu đã đối mặt với các lực lượng địa ngục và đánh bại chúng bằng sự vâng phục, bằng sự khiêm nhường và bằng tình yêu của Ngài.

Satan cảm thấy sự kiêu ngạo của chính nó đang yếu đi, nó là kẻ đã nói “non serviam - chúng tôi sẽ không phục vụ”, nó không thể chống chịu nổi trước sự vâng phục hoàn toàn đó, sự vâng phục vốn đã không được thực hiện trọn vẹn giữa những niềm vui ngây ngất của tình yêu, nhưng giữa sự chối bỏ và sự sỉ nhục tột cùng. Hành vi vâng phục đó là của Thiên Chúa; làm cho Satan cảm thấy sự thắng thế của Thiên Chúa, hắn bối rối, cảm thấy trong ánh sáng đó tất cả nỗi kinh hoàng của tội lỗi, xấu hổ về vương quốc tối tăm mà hắn khoe khoang, hắn đầu hàng, chìm xuống cùng với những tên tay sai của hắn, chìm xuống, xuống mãi trong bóng tối khủng khiếp của thần trí tối tăm của hắn! Lần đầu tiên, hắn hiểu rằng hắn không phải là ánh sáng, rằng hắn không phải là người cai trị, rằng hắn không phải là vua, và lần đầu tiên, hắn đo lường được sự chật hẹp của vương quốc đổ nát của hắn cân xứng với thần trí của hắn vốn luôn căng thẳng muốn nhắm tới những ranh giới vô hạn của Đấng Vô biên!

Thật là một khoảnh khắc lạ thường! Chúa Giêsu thở hổn hển; Đôi mắt của Ngài bị cơn hấp hối che khuất, Ngài bị bao phủ bởi lòng căm thù của tất cả những kẻ gian ác, nhưng Ngài lại đang lan tỏa tình yêu. Satan, thần căm thù, đã bị nghiền nát. “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Satan đã nghe thấy điều đó, và ngay lập tức hắn nhìn thấy một khoảng trống trơn mở ra trong dòng lũ căm thù mà hắn đã đổ xuống trái đất. Hắn đã bị đánh bại bởi tình yêu thương xót, và sau đó hắn lại nhìn thấy một trong những tên trộm bị kết án thoát khỏi hắn, người mà hắn đã găm những móng vuốt có móc của mình vào. Hắn run rẩy trước lời yêu thương đó: “Xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42), Satan run rẩy khi nghe: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Vì vậy, Thiên đàng, mà hắn tin rằng hắn đã đóng cửa mãi mãi với nhân loại, đang mở ra.

Satan nhìn thấy dưới chân thập giá Người Mẹ của Đấng đã đánh bại hắn: đó là Đấng Vô Nhiễm, Đấng chưa bao giờ nằm dưới quyền thống trị quỷ thần của hắn, và đó là đòn giáng cuối cùng. Hắn giận dữ khi nghe Mẹ được gọi là Mẹ phổ quát: Mẹ Maria là Nữ Vương của thế giới, tỏa sáng như một ngôi sao sáng, là ánh sáng của tình yêu, bởi vì giống như một tấm gương sáng của công lý, Mẹ đã gom lại tất cả các tia sáng của lòng thương xót của Đấng là Hy tế Thần linh. Và Chúa Giêsu đang chiến đấu giữa bóng tối của bầu khí nặng nề và giữa bóng tối của Trái tim thống khổ của Ngài… Ngài đang chiến đấu một mình, đơn độc, bị bỏ rơi, nhưng trong sự bỏ rơi đó, Ngài đã đưa ra lời chứng vĩ đại nhất về tình yêu, cháy bỏng vì khát khao, với tình yêu dành cho Chúa Cha và cho các linh hồn… Satan đứng đó như thể choáng váng; một lần nữa, hắn đã bị đánh bại, và ngay khi linh hồn thần linh của Chúa Giêsu lìa khỏi Thân xác của Ngài, trong tiếng kêu yêu thương cuối cùng, Satan chìm xuống vực sâu, như thể bị hủy diệt bởi tia sét, khiến trái đất rung chuyển. Tình yêu đã chiến thắng!

Đây là chiến thắng của Chúa Giêsu, một chiến thắng huy hoàng, vì tội lỗi đã được chuộc lại, công lý đã được đền bù, vương quốc của sự dữ đã bị hủy diệt mãi mãi, và từ đó trở đi, qua từng thế kỷ, nó sẽ tan rã, cho đến ngày phán xét cuối cùng, khi đó Đấng bị đóng đinh, trong vinh quang và chiến thắng, sẽ đày nó xuống Địa ngục mãi mãi.

Trên đồi Canvê, những người phụ nữ đạo hạnh đứng đó, các bà vừa khóc vừa đi theo Chúa Giêsu đến nơi hành quyết. Lúc đầu, các bà phải giữ khoảng cách, như những thánh sử khác nói, vì những người lính không cho các bà đến gần cây thập giá; nhưng khi bầu trời tối sầm lại và nỗi sợ hãi lan rộng giữa những người trên đồi Golgotha, các bà trở nên bạo dạn hơn và tiến lại gần hơn. Ngược lại, những người lính, sau khi hoàn thành nhiệm vụ buồn thảm của mình, đã không ngăn cản các bà nữa, bởi vì sau khi đám đông lúc đầu như làn sóng tụ tập tò mò để xem cảnh đóng đinh như Thánh Luca đã nói (23:48), như thể đó là một màn kịch, một sự tĩnh lặng nhất định đã ngự trị trên ngọn núi.

Thánh Gioan liệt kê những người phụ nữ quan trọng đứng cạnh thập giá; đầu tiên và quan trọng nhất là Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ Đấng Cứu Chuộc, và chị của Mẹ, một người họ hàng, là bà Maria, vợ của ông Clêôpha, và bà Maria Mađalêna, một tội nhân đã được Chúa Giêsu hoán cải. Cũng có những người phụ nữ đạo hạnh khác, nhưng ba người phụ nữ này đứng ngay cạnh thập giá. Các bà đại diện cho tất cả phụ nữ: Mẹ Maria, đại diện các trinh nữ; bà Maria vợ của ông Clêôpha, đại diện những người phụ nữ đã kết hôn; bà Maria Mađalêna, đại diện những người hoán cải. Mẹ Maria Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, và cực đối lập, bà Maria Mađalêna, một tội nhân ăn năn – và ở giữa hai thái cực này là bà Maria vợ của ông Clêôpha.

Các bà đứng bất động, như thể bị hóa đá vì đau buồn, với ánh mắt hướng về Chúa Giêsu theo dõi nỗi thống khổ của Ngài, và với trái tim tan nát vì nỗi đau không thể diễn tả thành lời.

Mẹ Maria Rất Thánh đã ở đó và cầu nguyện cho các linh hồn của mọi thế kỷ, kết hợp với sự hy sinh của Con mình. Mẹ là Đấng dự phần vào công trình Cứu Chuộc và đã hoàn thành nhiệm vụ cao quý nhất này bằng cách cầu xin lòng thương xót cho những tội nhân. Bấy giờ, nhìn thấy Mẹ của Ngài, và gần Mẹ là người môn đệ yêu dấu, Chúa Giêsu nói với Mẹ của Ngài: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19:26). Ngài đã nhìn thấy Mẹ của Ngài không chỉ bằng cái nhìn bên ngoài mà còn bằng cái nhìn từ trong thâm tâm; Ngài đã nhìn thấy Mẹ là Mẹ của Ngài trong khoảnh khắc đó khi Ngài đại diện cho toàn thể nhân loại tội lỗi; Ngài đã nhìn thấy Mẹ là người phụ nữ, là Eva mới, Mẹ của tất cả những người sống, và vì Ngài là Vua trong sự hy sinh của mình, Ngài đã nhìn thấy Mẹ là Nữ Hoàng của vũ trụ. Do đó, Ngài đã gọi Mẹ là “Thưa Bà” chứ không phải là MẹThưa Bà tương đương với Thưa người phụ nữ cao quý nhất, và đó là một thuật ngữ kính trọng nơi những người Do Thái; tuy nhiên, Chúa Giêsu đã gọi Mẹ của Ngài như vậy vì một lý do lớn hơn, và coi Mẹ là Đức Bà và Nữ Hoàng của những người được cứu chuộc, coi Mẹ là Mẹ của họ.

Giữa những cơn co giật của Chúa Giêsu, Ngài yêu nhân loại, yêu vô cùng, và tình yêu của Ngài muốn chỉ định cho họ một Người Mẹ thiêng liêng, để qua Bà, họ có thể dễ dàng tiếp cận hơn với kho báu mà Ngài ban tặng để cứu chuộc họ. Đây là nghĩa đen của những lời long trọng của Chúa Giêsu; chúng ta không ngần ngại khẳng định điều đó; đây là điều mà Ngài chủ yếu muốn nói khi giao phó thánh Gioan cho Mẹ Maria. Nếu nghĩ rằng Ngài chỉ muốn ban cho Mẹ Maria một nơi ẩn náu trong nhà của một môn đệ yêu dấu, hoặc cho người môn đệ ấy một người đồng hành giúp đỡ, thì không đáp ứng với văn bản và bối cảnh của Tin Mừng.

Trước tiên, Chúa Giêsu quay sang Mẹ Maria, hướng về Gioan và nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19:26). Nếu Ngài muốn hỗ trợ và an ủi Mẹ Maria thông qua Gioan, thì theo logic, trước tiên Ngài phải quay sang Gioan, bảo ông hãy coi bà như Mẹ và chăm sóc bà như vậy. Mẹ Maria sẽ không cần điều đó vì Mẹ đã có một ngôi nhà hoặc một nơi chào đón kể từ khi Chúa Giêsu rời xa Mẹ để bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài.

Ngài chỉ định Mẹ Maria làm mẹ của Gioan, và quay sang người môn đệ nói thêm: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19:27). Ngài làm điều này để Gioan nhận ra, tôn vinh và yêu thương Mẹ như vậy. Gioan còn trẻ, có nghề đánh cá mà ông vẫn hành nghề, có một ngôi nhà và một người anh trai, Giacôbê; ông không phải là một người nghèo khổ hay bị bỏ rơi mà Chúa Giêsu muốn giao phó cho Mẹ của Ngài để chăm sóc vật chất cho ông. Do đó, rõ ràng là những lời đó có một mục đích lớn hơn rất nhiều: Thưa Bà, đây là con của Bà ... Đây là mẹ của anh... và có lẽ đó là lý do tại sao, bên cạnh việc xưng hô với Mẹ Maria với một biểu hiện tôn vinh, Ngài gọi Mẹ là Thưa Bà chứ không phải Mẹ.

Thật là một mầu nhiệm cao cả ẩn chứa trong những lời của Chúa Giêsu, đơn giản và tác động như những lời thánh hiến!

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã xây dựng Hội Thánh của Ngài, và đã ban sự sống cho Hội Thánh từ Trái tim rộng mở của Ngài, giống như từ cạnh sườn rộng mở của Ađam, người phụ nữ đã được hình thành. Mẹ Maria, người đã trao cho Chúa Giêsu Thân thể thực sự của Ngài, cũng phải trao cho Ngài Thân thể huyền nhiệm của Ngài, và do đó Ngài đã thiết lập Mẹ làm Mẹ của tất cả những người được cứu chuộc, làm Mẹ của chức tư tế theo cách đặc biệt nhất, và làm Mẹ của Hội Thánh.

Gioan chắc chắn là người con đầu tiên được yêu thương của Mẹ Maria; người đầu tiên nhận ra Mẹ Maria là Mẹ và hết lòng tận tụy với Mẹ, nhưng ông không phải là người duy nhất trực tiếp được nhận làm con của Mẹ, có thể nói như vậy, và việc ông được nhận làm dưỡng tử cũng không phải là duy nhất, nhưng chỉ là biểu tượng của việc nhân loại được nhận làm dưỡng tử; thay vào đó, ông đại diện cho tất cả nhân loại, và lời của Chúa Giêsu ám chỉ đến tình mẫu tử phổ quát của Mẹ Maria. Chúng ta nhắc lại, đó là một chân lý, vốn rõ ràng là kết quả khởi phát từ văn bản và bối cảnh của Tin Mừng, và khiến chúng ta cảm thấy mình có mặt trên đồi Canvê dưới chân thập giá và dưới chân Mẹ Maria.

Mẹ là món quà mà Chúa Giêsu tặng ban cho chúng ta, sau khi Ngài đã hiến dâng trọn vẹn chính mình, điều mà vẫn chưa được nhân loại hiểu hết và trân quí đầy đủ. Ảnh hưởng xấu xa của các giáo phái, vốn tách biệt khỏi Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Giêsu và cũng tách biệt khỏi Mẹ Maria Rất Thánh, đã ngày càng thấm nhuần vào trái tim của những Kitô hữu, đặc biệt là trong thời hiện đại, dẫn đến lòng sùng kính Mẹ Maria ngày càng suy yếu. Có một xu hướng giảm sút ngày càng nhiều lòng sùng kính này, gần như chỉ để tránh đụng chạm đến những kẻ lạc giáo, và có một nỗi sợ ngấm ngầm rằng việc tôn vinh Mẹ Rất Thánh của Ngài sẽ làm ô danh Ngài, mà không để ý tới việc nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, Hội Thánh luôn sống trong sự ấm áp của Trái tim từ mẫu của Mẹ Maria, và các giáo phụ và tiến sĩ của Hội Thánh đã viết ra những lời ca ngợi, thánh ca và thực hiện các hành vi yêu thương con thảo tuyệt vời dành cho Người Mẹ dịu dàng nhất này. Thực vậy, lời nói của các ngài biểu lộ sự dạn dĩ, sống động và tràn đầy đức tin. Thế giới sẽ không tìm thấy bình an và sẽ không thấy được chiến thắng trọn vẹn của Chúa Giêsu nếu trước tiên không nhìn thấy chiến thắng và sự ngự trị của Mẹ Maria. Chiến thắng của Chúa Giêsu sẽ giống như sự đổi mới và tái sinh công trình cứu chuộc của Ngài, và vì Ngài đã bắt đầu công trình đó nhờ Mẹ Maria, thì Ngài cũng sẽ đổi mới công trình đó nhờ Mẹ Maria. Một sự thật đã được xác lập trong lịch sử là các vị thánh vĩ đại nhất, trong mọi thời đại của Hội Thánh, luôn là những người dành cho Mẹ Maria lòng sùng kính lớn lao nhất; đây là một dấu hiệu chắc chắn nhất rằng lòng sùng kính như vậy, không hề khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa hoặc xa rời Đấng Cứu Thế, nhưng đưa chúng ta đến gần hơn với chính nguồn gốc của sự thánh thiện.

Chúng ta hãy noi gương Thánh Gioan, người đã đón nhận Mẹ Maria làm Mẹ, đã rước bà về nhà mình (Ga 19:27). Chúng ta hãy để Mẹ ngự trị trong tâm hồn chúng ta, công bố Mẹ là Nữ Vương các hoạt động của chúng ta, hiến dâng cuộc sống chúng ta cho Mẹ để Mẹ đổi mới và xây dựng lại cuộc sống đó dành cho Chúa. Chúng ta hãy trao mọi sự qua tay Mẹ, để mọi sự được Mẹ thánh hiến và chúc phúc, và dưới áo choàng từ mẫu của Mẹ, chúng ta có thể tự tin hơn khi đến trước ngai vàng và tòa phán xét của Chúa Giêsu Kitô.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Từ: catholicexchange.com (14/8/2024)

Hình: Allori, A. (1593). Lễ đăng quang của Đức Trinh Nữ [bức tranh]. Lấy từ Galleria Dell'Accademia di Firenze. 

Top