Lời ngỏ | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
Kính thưa quý ông bà anh chị em!
Bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro năm nay (22/02/2023), qua trang mạng của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, chúng tôi kính gửi đến quý ông bà anh chị em loạt bài tìm hiểu Kinh Thánh theo chủ đề với tên gọi DƯỚI ÁNH SÁNG LỜI CHÚA.
Đây không phải là các bài giảng như hình thức những bài chia sẻ Tin mừng hay giảng lễ theo Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật và các Đại Lễ mà quý ông bà anh chị em vẫn thường theo dõi. Thay vào đó, chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi Kinh Thánh qua các chủ đề. Các chủ đề này có thể được chọn ra từ bản văn Phụng vụ Lời Chúa của ngày Chúa Nhật và Đại Lễ, hoặc cũng có thể là một chủ đề mà chúng tôi thấy cần phải tìm hiểu, đào sâu và trình bày. Từ chủ đề được chọn, chúng tôi sẽ cùng với anh chị em đọc lại một số bản văn Kinh Thánh có liên quan đến chủ đề một cách kỹ lưỡng và chi tiết hơn. Kế đến, chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm và rút ra những bài học thực tiễn. Theo đó, mỗi bài tìm hiểu theo chủ đề sẽ được trình bày thật hàm súc, sao cho có thể diễn ra trong khoảng 15 phút, bao gồm ba phần và ứng với ba bước “lắng nghe Lời Chúa – suy niệm Lời Chúa – thực hành Lời Chúa”, hay như tiến trình căn bản của Thần Học Hệ Thống: (1) auditus fidei – lấy đức tin mà nghe, (2) intellectus fidei – nhờ đức tin mà hiểu (hoặc cogitatio fidei – dùng đức tin mà suy) và (3) praxis fidei – theo đức tin mà thực hành (x. VD 86). Cuối mỗi bài trình bày, chúng ta sẽ dành ít giây phút để cùng nhau lắng đọng trong bầu khí cầu nguyện với Lời Chúa, cách riêng với chính phần đáp ca và thánh vịnh được sử dụng trong phụng vụ thánh lễ hoặc một lời cầu nguyện do chính người hướng dẫn gợi ý.
Nhân đây, chúng tôi cũng mạn phép trình bày sơ qua một vài lý do đã thúc đẩy chúng tôi chọn lựa hình thức và nội dung thực hiện chương trình như vừa nêu:
1. Thứ nhất, Phụng Vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ chuyển tải những phần tiêu biểu nhất trong Thánh Kinh. Đặc biệt trong Phụng vụ Thánh Lễ những ngày Chúa Nhật và Đại Lễ, các bài đọc Sách Thánh và bài Tin mừng có sự liên kết chặt chẽ về nội dung. Như vậy, việc chọn lựa một chủ đề từ các Bài đọc Phụng vụ Lời Chúa hoặc một chủ đề Kinh Thánh cần phải đào sâu, tìm hiểu và học hỏi sẽ giúp chúng ta vừa có cơ hội mở rộng lối vào Thánh Kinh (x. DV 21; GLHTCG 131), vừa tiến sâu vào kho tàng Lời Chúa, kho tàng có sức khiến cho trí khôn nên sáng suốt, ý chí nên vững mạnh và trái tim con người rực lửa tình yêu Thiên Chúa (x. DV 23; SC 51).
2. Thứ hai, nỗ lực làm cho Sứ Điệp Lời Chúa được hiện tại hoá và hội nhập vào văn hoá (x. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh – 1993, số IV) sẽ tuỳ thuộc phần nhiều vào cung cách chúng ta lắng nghe và suy tư về Lời Thiên Chúa ngỏ với chúng ta ở đây và hôm nay. Vì là Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, nên các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật và Đại Lễ nói riêng, hay trọn bộ Kinh Thánh nói chung, tuy được trình bày như các phần sách riêng lẻ, nhưng lại có thể tự giải thích cho nhau, để khi đọc và suy niệm trong đức tin, chắn hẳn chúng ta sẽ tìm được mối dây liên kết chặt chẽ và mạch lạc của Sứ Điệp Lời Chúa với đời sống thực tế của mỗi người.
3. Thứ ba, từ chủ đề đã chọn, sau khi đọc lại và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn, thiết tưởng rằng, chúng ta sẽ thêm xác tín và tiếp tục công trình Tin mừng hoá qua đời sống đức tin thực hành (x. GS 44; 91) với tất cả vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay và của các môn đệ Chúa Ki-tô (x. GS 1). Và cũng chính trong tinh thần đó, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa lời Thánh Vịnh, lời cầu nguyện của Dân Thiên Chúa trải dài trong Lịch sử Cứu độ, hay chính lời cầu nguyện xuất phát từ các hoàn cảnh của chúng ta hôm nay, để xin ơn Chúa phù giúp chúng ta chu toàn phận vụ sống Tin mừng Nước Thiên Chúa giữa thế trần.
Kính thưa quý ông bà anh chị em.
Trong nỗ lực cùng nhau thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, tất cả chúng ta càng thấy mình được kêu mời hiệp lực với nhau (x. DV 23), cùng nhau trở nên những chứng nhân của sứ điệp Tin mừng bằng lời nói và bằng gương sáng đời sống Ki-tô giáo (x. Giáo Luật 759). Từ khi nảy ra ý tưởng và khởi động chương trình học hỏi Kinh Thánh theo chủ đề như thế này, chúng tôi cũng đã suy nghĩ và tìm cách để chương trình có được chiều sâu về nội dung và sự lâu bền theo thời gian. Do đó, chúng tôi đã quyết định mời gọi các anh chị em trong NHÓM PHIÊN DỊCH CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ cộng tác với chúng tôi trong việc cùng nhau tuyển chọn và biên soạn nội dung các bài học. Hy vọng loạt bài tìm hiểu Lời Chúa theo chủ đề của chúng ta sẽ trở thành một trong nhiều phương thức học hỏi để thi hành Lời Chúa thích hợp với hoàn cảnh của khán thính giả và phù hợp với nhu cầu của thời đại hôm nay (x. Giáo Luật 761; 769). Ước mong rằng, việc chúng ta cùng nhau tìm hiểu và sống Lời Chúa qua những chủ đề Kinh Thánh cũng sẽ là một trong nhiều cách thức giúp chúng ta “hiệp hành, hiệp thông, tham gia và truyền giáo” một cách cụ thể, sống động và chân thực hơn theo tinh thần của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2021-2024 và chủ đề của Kỳ Họp Toàn Thể Lần Thứ Mười của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo sẽ diễn ra tại Mar del Plata, Argentina từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 4 năm 2023: “Công Bố Lời Chúa – Ân Ban Sự Sống Cho Một Thế Giới Mong Manh (Rm 8,22-23)”.
Chân thành kính chúc quý ông bà anh chị em tràn đầy ân sủng, tình yêu và ơn thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa; Hẹn gặp lại quý ông bà anh chị em trong những ngày sắp tới!
Trước thềm lễ Tro 2023
Lm. I-nha-xi-ô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
bài liên quan mới nhất
- Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa