Linh mục là người biết nhớ (Lễ Dầu 2020)
Hai tuần nay, từ 26/3, các linh mục dâng thánh lễ âm thầm, vắng bóng giáo dân. Không phải chỉ có đoàn chiên nhớ thánh lễ, nhớ chủ chăn, mà cả chủ chăn nhớ đoàn chiên.
Đáng quí biết bao khi linh mục nhớ giáo dân. Linh mục phải là người biết nhớ. Nhưng cái nhớ của linh mục không chỉ là tình cảm nhớ thương, cũng không chỉ là ký ức hồi tưởng quá khứ, nhưng là cái nhớ làm nên căn tính của linh mục, cái nhớ gắn liền với ơn thánh hiến linh mục. Nhớ ở đây là nhớ đến, nhớ đến ai, nhớ đến cái gì, và cái nhớ này gắn liền với căn tính linh mục và làm nên điểm qui chiếu hướng dẫn toàn bộ đời sống và thừa tác vụ linh mục. Không có cái nhớ này, đời sống linh mục sẽ bị lạc hướng và mất ý nghĩa.
- Nhớ Dân Chúa
- Nhớ mình được làm linh mục là vì Dân Chúa
“Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, … Người sai tôi đi…”. Được thánh hiến làm linh mục chính là “được sai đi để thi hành một sứ mạng trong Hội Thánh và cho thế giới”. Ý nghĩa của đời linh mục hệ tại ở chỗ được sai đi để tận tụy hiến mình phục vụ tha nhân. Chức linh mục không phải là một danh dự, một chức tước hay một uy quyền để hãnh diện, tự hào và tự mãn, nhưng là một sứ mệnh phục vụ.
Linh mục không được quên Dân Chúa. Chính vì Dân Chúa mới có mình. Không có Dân Chúa thì cũng chẳng có mình. Ngày nào quên Dân Chúa, linh mục sẽ chỉ sống cho mình, lo tích trữ cho bản thân, sống hưởng thụ an nhàn, ngại gian khổ hy sinh, dễ rơi vào não trạng giáo sĩ trị, lạm dụng quyền bính và coi thường giáo dân.
Cũng như Chúa Giêsu, linh mục được sai đi để phục vụ và hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, phục vụ như một đầy tớ khiêm tốn, biết hạ mình, biết quì xuống để rửa chân người khác.
- Nhớ đến người nghèo
Như Chúa Giêsu, linh mục “được sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, kẻ bị giam cầm, người mù, người bị áp bức”.
Linh mục nhớ đặc biệt đến người nghèo. Nghèo mang nhiều ý nghĩa, không phải chỉ về phương diện kinh tế: không có tiền ; mà còn nghèo về sức khỏe: ốm đau bệnh tật ; nghèo về nhân phẩm: bị giam cầm, áp bức, nô lệ các tệ nạn xã hội ; nghèo về văn hóa: không được học, trình độ văn hóa thấp ; nghèo về tình thương: bị bỏ rơi, cô độc, bị phản bội, hôn nhân tan vỡ ; nghèo về sự sống siêu nhiên: tội lỗi, chưa biết Chúa.
Lo cho người nghèo là dấu chỉ chứng tỏ tính xác thực của một tông đồ (x. Gl 2, 9-10). Đó là điều các thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, cột trụ của Giáo hội, đã căn dặn Phaolô khi ngài mới được gọi làm tông đồ.
Người nghèo phải là sự chọn lựa ưu tiên của Giáo hội. Linh mục ưu tiên nhớ đến người nghèo.
ĐGH Phanxicô: “Trong cuộc bầu Giáo hoàng, tôi ngồi bên cạnh Đức Hồng y Claudio Hummes, nguyên Tổng Giám mục Sao Paulo, một người bạn rất thân với tôi, khi tình huống trở nên ‘nguy hiểm’, ngài an ủi tôi, không sao đâu! Nhưng khi số phiếu bầu lên đến 2/3, mọi người vỗ tay vì đã bầu được giáo hoàng. Ngài ôm hôn tôi và nói: ‘Đừng quên người nghèo’. Lời này đi vào sâu thẳm trái tim tôi: người nghèo, người nghèo. Liên hệ đến người nghèo, gần như ngay lập tức tôi nghĩ về thánh Phanxicô Assisi”.
- Nhớ Chúa
Linh mục luôn nhớ đến Chúa Giêsu, “Đấng đã yêu mến chúng ta và làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế” (Bài đọc 2), bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa xức dầu tấn phong tôi”.
Lời này áp dụng cho chức tư tế chung nhưng nhất là chức tư tế thừa tác. Linh mục luôn nhớ đến việc mình đã được Chúa Giêsu xức dầu bằng Thánh Thần.
Trước khi được thánh hiến cho một sứ mạng, chính con người linh mục đã được thánh hiến.
Trước khi làm việc của Chúa, linh mục là người của Chúa, vì đã được xức dầu Thánh Thần. Linh mục là người đầy Chúa, đầy chất Chúa, đầy chất Phúc Âm.
Trước khi Phúc Âm hóa người khác, chính bản thân linh mục cần được Phúc Âm hóa.
Linh mục là người hằng ngày nhớ đến Chúa. Mỗi khi cử hành Thánh Thể, linh mục làm lại cử chỉ của Chúa để thánh hiến bánh và rượu, và nhắc lại lệnh truyền: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Nhớ đến Chúa là dấu chỉ của một tình yêu lớn lao dành cho Chúa. Chỉ người nào yêu nhiều mới nhớ. Không nhớ là vì không yêu. Ngược lại, khi đã yêu say mê, có muốn quên cũng không được.
Không những nhớ đến Chúa, mà còn phải nhớ cuộc đời và lối sống của Chúa, nhớ lời Chúa dạy để sống và hành động như Chúa. Một người luôn nhớ đến Chúa không thể hành động và ứng xử khác Chúa. Linh mục là alter Christus, một Đức Kitô khác, chứ không phải là một người sống khác Đức Kitô.
Nếu không nhớ đến Chúa, linh mục sẽ bị cuốn hút vào công việc và có nguy cơ bị vong thân, chỉ biết làm nhưng làm không đúng ý Chúa. Càng làm càng sai. Nếu tâm tư linh mục không đầy Chúa và đầy chất Phúc Âm, thì càng nhiệt thành bao nhiêu, càng tạo nên những trục trặc rắc rối và gây biết bao thiệt hại cho Dân Chúa bấy nhiêu.
- Nhớ đến linh mục đoàn và sự hiệp thông Giáo hội
Sách Khải huyền nói tới “hàng tư tế”. Giáo hội là Dân tư tế. Người có chức linh mục thừa tác không đứng trên hay ngoài Dân Chúa, nhưng ở trong Dân Chúa. Các năng quyền của linh mục không phải là quyền của cá nhân tự nó độc lập để thực thi cách tùy tiện, trái lại, năng quyền đó chỉ hữu hiệu khi linh mục hiệp thông với Giáo hội. Tách rời khỏi sự hiệp thông với Giáo hội, linh mục cũng hết quyền dâng lễ, giải tội, giảng dạy. Vì thế linh mục luôn nhớ đến Giáo hội để mọi hoạt động đều được thực hiện trong sự hiệp thông với Giáo hội.
Cách đặc biệt, linh mục luôn nhớ và hiệp thông với linh mục đoàn. Linh mục không phải là người đơn độc. Được phong chức chính là được thánh hiến để gia nhập “hàng linh mục”, “linh mục đoàn”.
Linh mục đoàn không phải là một hội ái hữu linh mục, một tổ chức nhiệm ý, tùy nghi gia nhập theo sở thích, nhưng là điều thiết yếu của căn tính linh mục. Chúng ta trở nên linh mục là vì được thánh hiến để gia nhập linh mục đoàn vốn đã có trước.
Chức linh mục không bao giờ mang tính cá nhân, nhưng tự bản chất mang tính hiệp đoàn (collegium). Ngày nào tách rời khỏi linh mục đoàn, chúng ta không còn là linh mục trong Giáo hội nữa.
Đừng bao giờ quên anh em linh mục đoàn. Mỗi linh mục hãy nhớ đến anh em linh mục của mình, nhớ trong tâm tình yêu thương hiệp nhất, nhớ để chia sẻ giúp đỡ nhau, đặc biệt nhớ để thống nhất trong sứ vụ tông đồ. Linh mục không bao giờ được quên sự hiệp thông Giáo hội. Hãy nhớ mình là thành viên của linh mục đoàn để không bao giờ có những việc làm đi ra ngoài đường lối mục vụ chung của giáo phận. Những gì chúng ta làm cùng với anh em linh mục thì quan trọng hơn những việc mình làm theo ý riêng. Việc làm theo ý riêng vẫn chỉ là việc của cá nhân. Chỉ việc nào làm trong sự hiệp thông với Giáo hội mới là việc của Chúa và chắc chắn sẽ trổ sinh hoa trái.
Linh mục là người phải biết nhớ. Nhưng trí nhớ chúng ta nhiều lúc không tốt. Làm sao để nhớ ? “Chúa Thánh Thần là trí nhớ sống động của Giáo hội” (GLHTCG 1099). Xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã giúp các Tông đồ nhớ lại lời Chúa Giêsu, giúp chúng ta nhớ Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài, nhớ Dân Chúa và người nghèo, để hình ảnh của Chúa Giêsu luôn sống động và rõ nét qua cuộc đời chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Những người thợ thầm lặng bên “nôi hèn”
-
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19