Linh đạo dung nạp

Linh đạo dung nạp

Linh đạo dung nạp

1. Dẫn nhập

2. Định nghĩa sự Dung nạp

3. Nguyên tắc Dung nạp mong đợi điều gì từ một Giáo hội hiệp hành?

4. Sự Dung nạp như một tiến trình hướng tới sự hiệp thông hiệp hành

5. Phụ nữ trong lý tưởng dung nạp của Giáo hội

6. Những nguyên tắc Thần học

6.1. Mô hình dung nạp Ba ngôi

6.2. Sự dung nạp “trong Đức Kitô”

7. Kết luận: Linh đạo Dung nạp

1. Dẫn nhập

Tại Đại hội Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền dòng nữ lần trước, tôi đã có cơ hội nói về “Linh đạo Hiệp hành”. Khi được mời đến với các chị em chiều nay, tôi được đề nghị là nếu có thể thì mở rộng đề tài, quan tâm đến các sự kiện của năm vừa qua.

Chúng ta đã bắt đầu với một định nghĩa về linh đạo. Linh đạo của một cá nhân, một cộng đoàn hay một dân tộc được định nghĩa là cách sống và liên hệ của họ với toàn bộ thực tại, với các khía cạnh siêu việt và lịch sử của nó.

Nói một cách cụ thể hơn, Linh đạo Kitô giáo là một cách sống Tin Mừng nhờ quyền năng của Thần Khí, nhưng nó cũng là một cách để nhận thức thực tại và, đồng thời, để đối phó với thực tại. Chính hành động của Thần Khí thúc đẩy chúng ta, một cách cụ thể, chịu trách nhiệm về thực tại.

Tóm lại, chúng ta hiểu rằng linh đạo là thái độ mà chúng ta đối diện với thực tại, QUAN TÂM ĐẾN THỰC TẠI, lịch sử mà chúng ta đang sống với tất cả sự phức tạp của nó, một thái độ phát sinh từ hoạt động của Thần Khí trong chúng ta - cả ở cấp độ cá nhân lẫn tập thể - và do đó có tầm quan trọng của việc phân định, để nhận ra hoạt động của Thần Khí, Đấng đang sai chúng ta đến để chăm sóc thực tại chúng ta đang sống và nơi chúng ta được sai đến.

Đó chính là điểm chung của các linh đạo khác nhau đã xuất hiện trong đời sống Giáo hội và mang những hình thức sống và gia đình dòng tu khác nhau, họ đã để cho Thần Khí hướng dẫn họ theo những cách thức khác nhau để “chăm sóc thực tại”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực tại trong suốt lịch sử. Khi nói về “Linh đạo hiệp hành”, chúng ta hãy định nghĩa việc “chịu trách nhiệm” đối với thực tại mang tính giáo hội của chúng ta với 5 đặc điểm sau:

a) Linh đạo Lắng nghe

b) Linh đạo Đối thoại

c) Linh đạo Phân định

d) Linh đạo Chăm sóc: dịu dàng, bảo vệ và khắc phục

e) Linh đạo Kháng cự kiên trì hay Kiên trì kháng cự.

Hôm nay tôi muốn thêm vào một khía cạnh mới cần thiết đối với Linh đạo Hiệp hành. Quan tâm đến thực tại toàn cầu của chúng ta ngày nay là đón nhận một thế giới, nơi việc không chấp nhận sự khác biệt, không tôn trọng bản sắc cá nhân cũng như của các nhóm thiểu số, đã và đang dẫn đến tình trạng chiến tranh, bạo lực và hủy diệt. Trở thành khác biệt vì khác dân tộc, khác khuynh hướng giới tính, khác suy nghĩ, khác lối sống… không phù hợp với sự đồng nhất do những người nắm quyền áp đặt và muốn duy trì quyền lực. Ngoài các cuộc chiến tranh, các tình huống chính trị ở một phần lớn các quốc gia nơi mà sự phân cực cực đoan, do sự đối đầu và chống đối ngày càng gia tăng, đang trở nên khắc nghiệt và nơi mà việc bảo vệ những gì là “của tôi”, ý tưởng và cách thức tiến hành của chúng tôi, được thực hiện bằng cách tấn công bừa bãi những người không theo đường lối của mình. Niềm tin sâu xa ngày càng tăng rằng một bước tiến tới lập trường chung hoặc ý muốn thỏa hiệp “điều gì đó” về sự thật của một người... trong việc lắng nghe và đối thoại với người khác, là không xứng đáng, không tốt, vì nó sẽ làm xói mòn bản sắc của nhóm. Chủ nghĩa dân tộc được coi là ngày càng nguy hiểm trong khi trên thực tế, những người ủng hộ chủ nghĩa này ngày càng thiếu khoan nhượng và độc đoán với sự khác biệt, chưa nói là kiêu ngạo một cách nguy hiểm. Tin rằng mình là một chủng tộc tốt hơn luôn là khúc dạo đầu cho vết thương trong thân phận con người.

Tôi sẽ không đề cập đến nhiều tình huống hơn nữa, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng các vấn đề về luật nhập cư có liên quan nhiều đến - một lần nữa - sự xuất hiện của người khác trong các xã hội của chúng ta. Một người khác biệt nào đó làm cho chúng ta thấy bất ổn, do đó chúng ta cố gắng gạt họ ra ngoài lề, cô lập, tách biệt họ vào những không gian có thể kiểm soát được... và cuối cùng, họ bị đổ lỗi cho những vấn đề và điểm yếu của chúng ta.

Xét như một cộng đồng giáo hội, chúng ta không khá hơn là bao nhiêu. Chủ nghĩa dân tộc, chính trị, tình hình dân bản địa… cũng là những vấn đề nan giải của chúng ta, đó là chưa kể đến vấn đề giới tính. Phụ nữ trong Giáo hội không cảm thấy thoải mái với một phẩm trật nam giới thường cố gắng che đậy vấn đề bằng cách áp dụng khái niệm "hệ tư tưởng giới" vào mọi thứ vốn không phù hợp với "khu biệt cư" mà trong nhiều thế kỷ nam giới đã tạo ra như những nơi thích hợp cho phụ nữ trong Giáo hội. Bản thân Đức giáo hoàng Phanxicô cũng bị chỉ trích gay gắt khi có động thái cắt đặt nữ giới vào những lãnh vực mà theo truyền thống là không được phép.

Để “giải quyết” tình trạng này, cần cố gắng xóa tan nỗi sợ hãi về sự khác biệt và xu hướng bảo vệ những gì là của riêng chúng ta, những gì là “của chúng ta”, dựng lên những hàng rào ngăn cản sự đa dạng đến với chúng ta, tác động chúng ta hoặc đi vào không gian của chúng ta ... và để Linh đạo Hiệp hành có thể trở thành một điểm quy chiếu cho tất cả những điều này, đối với tôi, dường như hoàn toàn cần thiết phải giới thiệu trong hành trình cùng nhau của chúng ta, cũng như trong nhiệm vụ mang tính giáo hội của chúng ta, điều mà tôi sẽ gọi là “NGUYÊN TẮC CỦA SỰ DUNG NẠP”[1].

2. Định nghĩa sự Dung nạp

Nhưng “Nguyên tắc Dung nạp” là gì?

Tôi sẽ cố gắng định nghĩa dung nạp bằng cách sử dụng những phạm trù khác mà đôi khi nó được đồng nhất và đôi khi bị phản đối. Cụ thể là hai cặp: Dung nạp - Loại trừ và Dung nạp - Hội nhập.

Dung nạp - Loại trừ

Các khái niệm Dung nạp - Loại trừ có thể được coi là những phạm trù đối cực, tạo ra một sự liên tục giữa mức độ dung nạp cao nhất, thống nhất các yếu tố và tương quan khác nhau mà vẫn duy trì sự khác biệt của chúng, và mức độ loại trừ thấp nhất, trong đó các khía cạnh bị cô lập và loại bỏ từng cái một.[2]

Cả sự dung nạp và loại trừ đều có chiều hướng cấu trúc rõ ràng, không chỉ tác động đến chủ thể và tác nhân. Thực ra, chúng ta nên nói nhiều hơn về các loại trừ và các dung nạp, vì suy cho cùng, mỗi không gian (xã hội, gia đình, văn hóa, cộng đoàn, tôn giáo...) đều có những ngưỡng loại trừ và dung nạp riêng.

Vấn đề đặt ra là chúng ta đang xử lý các quy trình hơn là các tình huống ổn định. Hơn nữa, các quy trình có hình dạng thay đổi. Nghĩa là, chúng ảnh hưởng đến mọi người và các nhóm theo cách khác nhau. Và các quá trình đa chiều, đa diện, trong đó ranh giới của loại trừ-dung nạp là linh động và linh hoạt.

Giáo hội, vừa với tư cách là một tổ chức có cấu trúc vừa là một cộng đoàn tín hữu, bị ảnh hưởng bởi các quá trình này ở các cấp độ thực tế khác nhau. Việc đánh giá chúng và tự hỏi con đường hiệp hành đang thực hiện bị ảnh hưởng ở mức độ nào và phải đưa ra những lựa chọn và quyết định dẫn đến những tình huống có tính dung nạp lớn hơn là điều không hề đơn giản.

Dung nạp và Hội nhập

Mặc dù trong ngôn ngữ hằng ngày – dung nạp và hội nhập – là những thuật ngữ mà chúng ta sử dụng theo nghĩa thực tế phần lớn có thể hoán đổi cho nhau, sự khác biệt cơ bản nhất nằm ở cách mà những gì được dung nạp nằm trong thực thể dung nạp, vốn trái ngược với những gì xảy ra trong sự hội nhập.

Ví dụ, khi nói về việc hội nhập một người nước ngoài vào xã hội của chúng ta, thì chúng ta hiểu rằng, ngoài cách tiếp cận chào đón của xã hội, đối tượng đang được hòa nhập được kỳ vọng sẽ thích nghi với phong tục của xã hội đó, với cách thức tiến hành, chuẩn mực và phong tục của xã hội ấy. Nói cách khác, người ấy được kỳ vọng phải thích nghi. Khi làm như vậy, sự hiện diện của họ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong cộng đoàn sở tại. Tuy nhiên, dung nạp một người nào đó vào một nhóm hoặc xã hội ngụ ý một nỗ lực tích cực và cam kết hơn đối với những người đón tiếp, là những người cần chấp nhận tính mới lạ của người mới đến và để mình bị ảnh hưởng và biến đổi bởi sự hiện diện làm thay đổi thực tại của cả người địa phương lẫn người nước ngoài.

Sự dung nạp hàm chứa một sự tiếp nhận tôn trọng quyền tự chủ của người được dung nạp, không làm mất chất, cũng không ấn định một không gian “đặc biệt”, mà để cho người được dung nạp “nuôi dưỡng” thực tại trong đó nó được dung nạp, và vì thế, nó có thể được đổi mới, tái tạo, và tái sinh.

Dung nạp là cho phép bản thân bị ảnh hưởng, biến đổi, mà không làm biến mất hoặc mất đi những đặc điểm thiết yếu của một người, nhưng cho phép cái “mới” xuất hiện từ sự đa dạng của những gì được dung nạp.

Hơn nữa, sự dung nạp thừa nhận rằng thực tế là hai cực và cố gắng giữ hai cực lại với nhau, nhưng lại cố gắng tránh sự phân cực độc quyền ở cực này hay cực kia.

Sự dung nạp không làm tan biến nghịch lý. Dung nạp không có nghĩa là thu hút những người được dung nạp, hoặc làm như vậy với những khía cạnh tương phản dường như gây mất ổn định cho sự dung nạp, mà là chứa đựng bằng cách “chống lại” sự căng thẳng của sự đa dạng, mà không từ bỏ những gì là của riêng mình.

Do đó, với cụm từ “nguyên tắc dung nạp”, chúng ta đề cập đến “cách thức tiến hành” mà chúng ta đã cố gắng xác định, và tạo ra một quá trình chống lại động lực của sự loại trừ, gắn kết với những người được dung nạp, để cho mình bị ảnh hưởng, tôn trọng danh tính của người ấy, trong khi vẫn trung thành với bản sắc của chính mình.

3. Nguyên tắc Dung nạp mong đợi điều gì từ một Giáo hội hiệp hành?

Nếu Linh đạo Dung nạp là một đặc điểm nổi bật của Linh đạo Hiệp hành, điều đó có nghĩa là Giáo hội nên dung nạp ít nhất 5 đặc điểm sau trong việc chăm sóc thực tại:

1/ Cởi mở đối với tính đa dạng của những câu chuyện ngắn của các nhóm thiểu số và những người khác biệt, kể cả chuyện phụ nữ. Điều này nên được thực hiện bởi “tất cả”, chấp nhận sự khác biệt và tránh sự thờ ơ mang tính chung chung, vốn có xu hướng biến những gì khác biệt thành chung chung và phổ quát, che giấu và làm cho sự tồn tại của những gì khác biệt trở nên không thể tiếp cận được. Điều này ngăn cản rất nhiều người nam và chủ yếu là phụ nữ nhận ra bản sắc và nền tảng của họ trong những khái quát hóa như vậy, do đó làm mất đi tính đặc thù mà họ có thể đóng góp như thể nó không tồn tại.

2/ “Nguyên tắc dung nạp” đòi hỏi sự hiện diện của các lý thuyết hạn chế và theo bối cảnh, để suy nghĩ theo thuật ngữ phổ quát, không chỉ dung hòa những khác biệt mà còn để mình được “chạm” vào nó.

3/ Nhận thức được điểm xuất phát của chúng ta... Đối với chúng ta, vấn đề không phải là tính hiệp hành tự động mở rộng vòng tay cho sự đa dạng đa nguyên, mà khó khăn nằm ở chỗ được kết hợp vào các nhóm quá đồng nhất mà đối với họ, việc dung nạp có thể dễ dàng dường như là một mối đe dọa.

4/ Đọc lại truyền thống của chúng ta với lăng kính “dung nạp” để nhận ra sự phong phú trên thực tế, đã xảy ra trong suốt lịch sử khi chúng ta có thể kết hợp “sự khác biệt”, bất chấp những biến đổi mà điều này đã mang lại (văn hóa Hy Lạp, tư tưởng triết học, những người ngoại giáo... Công đồng Nicaea) và bất chấp những rủi ro và nguy hiểm... Bằng cách nào đó, Đời tu có thể tự hào nhìn lại và khám phá ra trong nguồn gốc của các Hội Dòng của chúng ta có sức mạnh tổng hợp của những người tiên phong, những nỗ lực to lớn của họ trong việc hội nhập văn hóa… điều mà chúng ta chắc chắn đã đánh mất trong quá trình lịch sử, và ngày nay chúng ta đang cố gắng khôi phục lại.

5/ Hãy để cho những động lực dung nạp thực hiện chức năng của chúng như một đối trọng với các xu hướng phân cực, ngay cả trong Giáo hội của chúng ta.

4. Sự Dung nạp như một tiến trình hướng tới sự hiệp thông hiệp hành

Trong hành trình hiệp hành, không phải “chỉ đơn giản là vấn đề cùng đi với nhau” mà đúng hơn là hành trình này tự do, có ý thức, và giúp có thể lắng nghe Thần Khí đang nói từ trên cao, và từ những lời chuyển cầu - không chỉ từ những gì định chế, mà còn qua sự hiện diện của Thần Khí nơi mọi “người khác” cũng được cùng một Thần Khí cư ngụ -, đối thoại (suy nghĩ, nói chuyện cùng nhau) giữa những người cùng đồng hành với nhau, để phân định sứ điệp của Thần Khí và hướng tới một “sự hiệp thông” vốn là mục tiêu tối hậu của tiến trình và hành trình này.

Trước hết, tôi muốn lưu ý đến thực tế là việc lắng nghe, đối thoại, phân định và hiệp thông này sẽ không chân thực, nếu không dung nạp, nếu không có khả năng tạo ra một cái “chúng ta” ngày càng lớn hơn và huynh đệ hơn.[3]

Chính giáo hội học về hiệp thông mà Giáo hội đã tự định nghĩa về mình kể từ Công đồng Vatican II[4] dường như khuyến khích “sự dung nạp” như một trong những phương thế thích hợp nhất để cổ võ tính hiệp hành (Christus Dominus, I, 10). Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) cũng nói theo cùng một đường hướng (Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, 118).

Đưa vận hành của “tính dung nạp” vào việc “cùng nhau bước đi” của chúng ta với tư cách là một Giáo hội hiệp hành theo như sứ mạng được giao phó[5] cho chúng ta, điều đó nhấn mạnh nhiều hơn đến cái “tất cả” cũng như sự hiện diện hữu cơ và năng động hơn, ít tĩnh tại và chức năng hơn. Do đó, nó làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của sự hiệp thông trong Thần Khí, vốn là huyết mạch mang tính hiệp hành, làm sinh động và hiệp nhất cộng đoàn giáo hội.

Sự hiệp thông này thường được hiểu theo các phạm trù - chẳng hạn như Thân thể Đức Kitô, Dân Chúa, Nhiệm thể - vốn không liên quan trực tiếp đến phạm trù “dung nạp”, nhưng đúng hơn là hướng tới các khía cạnh giúp thực hiện sự dung nạp của các thành viên được mời gọi hiệp thông trong một cơ cấu hữu cơ khác biệt và có thứ bậc trở nên khả thi. Sự hội nhập như vậy ngụ ý rằng - như chúng ta đã thấy trong định nghĩa - mỗi người cần tìm ra vị trí và chức năng phù hợp với mình, để có thể đóng góp và làm phong phú tổng thể, mà không làm mất ổn định, cũng như tìm ra cách phát triển nó mà không làm thay đổi cấu trúc hoặc các chức năng đã được xác định trước, sẽ có giá trị và gia tăng sự hiệp thông được mong đợi.

Tuy nhiên, chiến lược này - trên thực tế - cuối cùng đã trở thành một cấu trúc kim tự tháp có thứ bậc quá mức - không còn chỗ cho sự đồng trách nhiệm mà nó rao giảng - và trong đó giá trị và phẩm giá của mỗi thành viên được hiểu về mặt lý thuyết dưới góc độ “phục vụ” và trên thực tế, được đo lường bằng các tiêu chí điển hình của một xã hội dựa trên mô hình thành công - quyền lực hơn là dựa trên các tiêu chí Phúc âm.

Lời kêu gọi phải có “những không gian lớn hơn để tham gia vào sứ mạng của Giáo hội, đã được các Thượng Hội đồng Giám mục năm 2018 và 2019 nhấn mạnh” và được mở rộng và nhấn mạnh thêm trong Episcopalis communio (15/09/2018, EC), là một bước tiến, nhưng vẫn chưa đủ.

Cũng không đủ khi khẳng định rằng chúng ta đang “yêu cầu đánh giá cao hơn đối với phụ nữ” (CMP 30), những người xuất hiện như một nhóm “riêng biệt” (điều được gọi là sự dung nạp độc quyền), bao gồm giáo dân và những người thánh hiến. Nhân danh ơn gọi của họ, và trong trường hợp của phụ nữ, không chỉ có sự phân biệt chức năng nhằm xác định “từ bên trên và từ bên ngoài” những sứ mạng mà chúng ta có thể hoặc không thể đảm nhận trong Giáo hội – độc lập với ơn gọi của chúng ta – mà sự loại trừ này cũng là do bản chất của chúng ta.

Do đó, cơ hội cho thấy tới mức độ nào phạm trù dung nạp có thể bày tỏ một cách thức thuộc về và tham gia mới của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là của phụ nữ trong Giáo hội, phù hợp hơn nhiều với Thánh Phaolô “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gl 3,28). Vì “sự dung nạp” loại bỏ những khác biệt về chủng tộc, vai trò, cấp bậc và giới tính giữa con người với nhau, vì chìa khóa của sự dung nạp là mối tương quan với Đức Kitô.

Nếu đề xuất về tính hiệp hành có thể giúp nam giới và nữ giới tham gia nhiều hơn vào Giáo hội, thì nguyên tắc “dung nạp” có thể chiếu tỏa ánh sáng cần thiết trên sự loại trừ trong thực tế và làm cho diễn ngôn và hành trình Thượng Hội đồng trở nên dung nạp hơn (không chỉ đối với phụ nữ, mà còn dành cho phụ nữ).

5. Phụ nữ trong lý tưởng dung nạp của Giáo hội

Vì vậy, thay vì tập trung vào tình trạng loại trừ, tôi muốn nhìn vào những khả năng mà việc áp dụng nguyên tắc “dung nạp” mang lại cho chúng ta bằng cách cho thấy một trải nghiệm về tính dung nạp, gắn kết sâu xa với hoàn cảnh của phụ nữ có thể làm phong phú và sinh động hành trình Thượng Hội đồng ra sao. Nghĩa là, sự đóng góp của phụ nữ vào lý tưởng dung nạp của Giáo hội.

Thừa tác vụ dung nạp của Chúa Giêsu đã thách thức nhiều định kiến về giới tính phổ biến thời bấy giờ, cũng như những lời chỉ trích thường lệ đối với phụ nữ. Và mặc dù Giáo hội sơ khai đã kết hợp những dấu tích của “bộ luật gia đình” theo chế độ phụ hệ Hy Lạp vào Kinh thánh, nhưng lý tưởng dung nạp của nó vẫn tiếp tục tỏa sáng, như chúng ta đã đề cập[6] (Gl 3,28). Thực ra, trong thế giới ngoại giáo, “trở thành một Kitô hữu” là một lợi thế đối với phụ nữ.

Sự “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, mà tất cả chúng ta được kêu gọi và phải trở thành, cùng với “việc tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa”, một trong những trụ cột rõ ràng nhất của nguyên tắc dung nạp, được suy ngẫm một cách kỳ lạ khi đặt vấn đề về khả năng đại diện của phụ nữ, bị loại trừ một cách không thể giải thích được khỏi khả năng đại diện cho Đức Kitô - hành động với tư cách là Đức Kitô - vì thân phận của họ là phụ nữ, như thể sự đồng hình đồng dạng này ám chỉ họ là đàn ông, hoặc như thể “điều gì đó” nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa mà chỉ đàn ông mới có thể đại diện? sức mạnh, quyền lực, thẩm quyền...? Bởi vì chắc chắn rằng khả năng sinh sản của Thiên Chúa được thể hiện trực tiếp nơi người nữ hơn là nơi người nam... (Có nhiều câu trích dẫn trong Kinh thánh: Ngài bồng ẵm trẻ em trên tay, vuốt ve chúng, ôm chúng vào lòng, cho chúng ăn ... có nhiều đoạn tham chiếu trong Kinh thánh).

Khi đề cập đến hành động “trong tư cách của Đức Kitô”, có vẻ như yêu cầu đầu tiên và thiết yếu là chia sẻ tình trạng giới tính của Chúa Giêsu thành Nazareth, mà không biết rằng việc chúng ta đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, điều được hiện thực hóa trong Bí tích Thánh Thể, là thân xác phục sinh của Ngài, và sự dung nạp mà chúng ta hướng tới là trong Thân xác Vinh Quang của Ngài, chứ không chỉ trong thân xác thể lý của người đàn ông ở Nazareth.

Việc Đức Kitô hiến thân mình để ban sự sống bằng chính mạng sống của Người, và việc Người ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể như của ăn, là một biểu tượng vô song và là dấu chỉ của sự dung nạp, trong cơ thể phụ nữ và trong quá trình mang thai, ở đó người ta thấy được việc đón nhận điều khác biệt đã trở thành sự sống như thế nào, và sự sống mới này, được hình thành nơi một thân thể, lại cho thấy tiến trình dung nạp diễn biến ra sao:

- sự dung nạp cho phép bản thân nó bị ảnh hưởng bởi những gì được dung nạp, và làm như vậy đến mức đặt mạng sống của chính bạn vào tình thế nguy hiểm để một sự sống khác xuất hiện;

- nó cho đi chính mình, mất đi những gì của mình để nuôi người khác;

- một tiến trình hàm chứa một quyết định tự do mà không kiểm soát người khác, người được dung nạp, nhưng thể hiện một cách thức qua đó sự tự do đang hình thành sẽ ngày càng đạt tới mức độ tự chủ và bản sắc lớn hơn.

Do đó, một biểu tượng của sự dung nạp, thông qua việc tự hiến.

Từ quan điểm hiện tượng học hơn, phụ nữ cũng có thể đóng góp lớn lao cho lý tưởng dung nạp của Giáo hội. Trong mọi nền văn hóa và trong hầu hết các bối cảnh, phụ nữ thể hiện khả năng lớn hơn trong việc thiết lập các mạng lưới gặp gỡ và cộng tác, tình bạn và hỗ trợ, đấu tranh chung. Những mối tương quan như vậy đương nhiên mang tính dung nạp hơn những mối tương quan do nam giới tạo ra. Nếu trong các cơ cấu truyền thống do nam giới thống trị, cần phải đưa ra “hạn ngạch hiện diện” để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận, thì các nhóm phụ nữ - trong hầu hết các trường hợp - đã có tầm nhìn xa hơn trong việc thừa nhận giá trị của sự tương hỗ và phong phú mà sự hiện diện của “tất cả mọi người” có thể mang lại.

Trong nhiều thế kỷ, phụ nữ đã trải qua nhiều mức độ bị loại trừ khác nhau trong vô số lĩnh vực của cuộc sống. Quá trình hội nhập từ từ và chậm rãi của chúng ta, dưới sự phấn đấu và cống hiến hết mình của nhiều phụ nữ đi trước, rõ ràng là theo mô hình “hội nhập” hơn là “dung nạp”. Nói cách khác, chúng ta “được phép” tham gia để điều chỉnh cho phù hợp với “cách làm và cách tiến hành” của thực tế mà chúng ta đang hội nhập, nhưng hầu như không có sự thay đổi nào. Hội nhập, không dung nạp. Một chiến thuật khác là giao cho phụ nữ các chức năng, nhiệm vụ, hoạt động để bổ sung cho những người khác – nhất là nam giới – để họ không cần phải sửa đổi các chức năng, nhiệm vụ của họ. Một lần nữa, hội nhập và không dung nạp.

Lộ trình hiệp hành kêu gọi thực hiện các tiến trình dung nạp, vượt xa sự hiện diện đơn thuần của phụ nữ trong các hội đồng tham gia (trong thực tế, nếu chúng ta đang nói về dân Chúa nói chung, chúng ta rõ ràng là chiếm đa số). Cũng không hệ tại việc tìm kiếm “một vị trí” trong không gian giáo hội, nơi phụ nữ có thể thực hiện các nhiệm vụ bổ sung. Thậm chí không phải là mở ra “một số khả năng”, ở “các vị trí quyền lực và ra quyết định”, nơi chúng ta có thể... Trước hết, vì chúng ta không có khả năng quyết định xem mình muốn hoặc cảm thấy được kêu gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội ở đâu. Thứ đến, vì cách thức tiến hành này tiếp tục làm cho sự hiện diện của chúng ta trong đời sống Giáo hội không mang tính dung nạp đủ, để biến đổi nó và đồng thời để cho chính chúng ta được nó biến đổi. Nếu không vượt thắng nỗi sợ thay đổi liên quan đến tính mới mẻ của những sự hiện diện mới cũng như những cách cảm nhận và hành động khác nhau, chúng ta sẽ không thể tiến lên trên lộ trình của tính hiệp hành dung nạp.

6. Những nguyên tắc Thần học

Tới đây, chúng ta đã nói về Nguyên tắc Dung nạp từ góc độ ngữ nghĩa, giáo hội học và nữ tính. Nhưng nền tảng tối hậu của nguyên tắc này hoàn toàn mang tính Kitô học và Ba Ngôi.

6.1. Mô hình dung nạp Ba ngôi

6.1.a. Dung nạp trong đời sống Ba ngôi (ad intra)

Hiểu như một yêu cầu để tiến tới trên lộ trình hiệp hành hướng đến sự hiệp thông, “sự dung nạp” then chốt có mô hình căn bản nhất là mô hình Ba Ngôi.[7]

Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa “bản chất là Tình yêu, thì Tình yêu giả định một Đấng (Cha), Đấng khác (Con) và Sự kết hợp của các ngài (Chúa Thánh Thần)”[8]. Sự hiệp nhất và đa dạng xuất hiện như những chiều kích cấu thành của Ba Ngôi.

Và nếu nơi Thiên Chúa có Một Đấng, Đấng Khác, và Sự Hợp Nhất giữa hai Đấng, thì đó là vì “Đấng khác” và “sự khác biệt” không những không bị loại trừ nơi Thiên Chúa, mà còn là những yếu tố tạo nên một Thiên Chúa là sự hiệp thông của Tình Yêu. Một sự hiệp thông hướng tới một mô hình dung nạp tự mạc khải trong thực tế là mỗi ngôi vị hiện hữu, trong khi các ngài từ bỏ việc chỉ hiện hữu cho chính mình, để Đấng khác có thể hiện hữu. Chúa Cha không còn là Thiên Chúa một mình và tự trút bỏ thần tính của mình khi sinh ra Chúa Con; Chúa Con trong sự chấp nhận tuyệt đối tất cả những gì Chúa Cha ban cho mình, theo mức độ Người cho phép Chúa Cha trở thành như vậy, và đưa mọi sự trở về cội nguồn của nó trong lời tạ ơn. Và Chúa Thánh Thần chính là ngôi vị thần linh, Đấng chỉ hiện hữu để có Chúa Cha và Chúa Con.

Thiên Chúa Ba ngôi là vị Thiên Chúa dung nạp trong chính mình, Đấng cho thấy rằng sự phong phú lớn nhất không đến từ sự đồng nhất, cũng không đến từ sự hợp nhất của các bộ phận, mà thông qua việc “dung nạp” trong sự hiệp nhất vượt trội của sự đa dạng và trong một vận hành được ghi dấu bằng việc cho và nhận, trong đó tất cả đều bị ảnh hưởng và đều được phong phú hóa.

Mặt khác, mỗi ngôi vị hoàn toàn tự do, nhưng để cho ngôi vị kia được tự do, mở ra những không gian cho sự tự do của mình, để ngôi vị kia được tự do. Nếu việc cho đi và đón nhận trong tự do “để người khác trở nên khác biệt” chính là yếu tính của Thiên Chúa Ba Ngôi, và là mẫu mực trong đó sự dung nạp được sống trong sự sống thần linh, thì rõ ràng đây phải là mô hình để xem xét và sử dụng như là “hình thức dung nạp” mà hành trình Thượng Hội đồng phải tuân theo. Sự dung nạp có hai đặc điểm thiết yếu:

– SỰ KHÁC BIỆT. Chấp nhận và tự hiến cho “người khác mình

– TỰ DO. Tự do sẵn sàng “để mình” trở thành người khác như một cách để trở thành chính mình hơn.

6.1. b. Dự án Dung nạp phổ quát (ad extra)

Vì trong đời sống nội tại Ba Ngôi, chúng ta đã nói rằng có Một Đấng, Đấng Khác, và Sự Hiệp Nhất, nên “Đấng Khác” - là Chúa Con - sẽ là con đường mà qua đó Thiên Chúa, Đấng theo định nghĩa là không-khác, có thể ra khỏi chính mình... và tạo ra “Đấng khác” (tách biệt với chính mình): thế giới (không phải Thiên Chúa). Do đó, tạo dựng là sự phóng chiếu Đấng Khác của Thiên Chúa, của Chúa Con, bên ngoài Thiên Chúa.

Khi đó, có vẻ như mối tương quan giữa Thiên Chúa - sáng tạo được xác định chính xác bằng sự loại trừ (không phải Thiên Chúa), thay vì sự dung nạp (trong Thiên Chúa).

Nhưng nếu đằng sau việc tạo dựng có một kế hoạch cứu độ phổ quát từ Thiên Chúa, thì chúng ta khám phá ra rằng vận mệnh của “cái khác” được tạo dựng là hiệp thông sự sống với Thiên Chúa, mà không đánh mất căn tính của mình bằng cách tan biến vào hư vô hoặc hòa nhập vào sự sống thần linh. Điều này chỉ có thể thực hiện được và hình dung được trên cơ sở tín điều Nhập thể. Nghĩa là, chỉ khi chính Thiên Chúa quyết định ra khỏi chính mình, và đảm nhận bản chất thụ tạo (trong Chúa Con), thì khi Người phục sinh để trở lại hiệp thông với Thiên Chúa, mới có thể có một “chỗ” trong Thiên Chúa, ở đó thụ tạo có thể được hội nhập, không phải như kẻ xa lạ có thể làm thay đổi sự sống thần linh, mà là “trong Đức Kitô”. “Trong Đức Kitô” chúng ta có thể được dung nạp trong Thiên Chúa mà không đánh mất thân phận thụ tạo của mình, nhưng được thông phần vào tình trạng vinh hiển của Người.

Nhưng để nói về sự dung nạp chứ không chỉ sự hòa nhập, cần phải chứng tỏ rằng dự án này cũng ảnh hưởng đến Thiên Chúa. Đó là bằng cách dung nạp cả chúng ta, Ngài có liên quan và điều đó trở nên phức tạp hơn đối với Ngài. Và nó xảy ra như vậy.

Trước hết, chuyển động hướng ngoại kép này trong sự Sáng tạo và Nhập thể có nghĩa là không có Thiên Chúa nào khác ngoài Đấng đã nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô (Rahner). Thứ đến, bởi vì trong dự án cứu độ mà Thiên Chúa khởi xướng bằng công cuộc Sáng tạo, Ngài chấp nhận “rủi ro của một công trình sáng tạo tự do”, và cùng với đó là khả năng thụ tạo từ chối lời đề nghị cứu độ và hiệp thông của Ngài. Khi chấp nhận “rủi ro” này, theo một cách nào đó, Thiên Chúa tự làm cho mình trở nên dễ bị tổn thương. Chúng ta thấy một biểu hiện rất cụ thể về nguy cơ bị khước từ, thờ ơ hoặc giải thích sai lầm này ở cuối Thập giá, khi trong Đức Kitô, chính Ngài phải gánh lấy toàn bộ sức nặng của những hậu quả do sự tự do được trao ban và sự rủi ro bao trùm này.

Do đó, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta dự án đưa điều hoàn toàn khác biệt (là thụ tạo) vào trong sự sống nội tại thần linh. Dự án này có tầm vóc phổ quát vì về phần Thiên Chúa, mọi thứ đã được tạo ra đều được cứu rỗi. Giáo hội, bí tích cứu độ phổ quát, kế thừa dự án này và do đó mang tính Công giáo một cách cơ bản.

Mô hình “vận hành dung nạp” mà đời sống Ba Ngôi mang lại cho phép chúng ta rút ra một số nét đặc trưng của tiến trình dung nạp:

a) mọi tiến trình dung nạp đều bao hàm sự thừa nhận các quyền tự do đang bị đe dọa, trong đó mỗi bên phải dành không gian cho quyền tự do của bên kia: đề nghị và chấp nhận hoặc từ chối;

b) tiến trình dung nạp được xác định bởi tính năng động của việc cho và nhận giữa các bên liên quan;

c) dung nạp là luôn để cho người khác được khác biệt; và

d) theo cách nào đó, sự dung nạp ảnh hưởng đến cả người dung nạp và người được dung nạp.

TẤT CẢ ĐIỀU NÀY ĐƯỢC MẠC KHẢI CHO CHÚNG TA Ở ĐÂU? Trong Đức Kitô. Vậy chúng ta hãy đào sâu việc “dung nạp trong Đức Kitô”.

6.2. Sự dung nạp “trong Đức Kitô”

Cả Phaolô (Ep 1, Cl 1) và Gioan (Ga 1) đều sử dụng từ ngữ “dung nạp” khi nói đến việc dung nạp tạo vật, lịch sử và toàn thể nhân loại “trong Đức Kitô”. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải làm rõ ý nghĩa của sự dung nạp này.

6.2.a. Sự sáng tạo “trong Đức Kitô”: Sức mạnh dung nạp của Sáng tạo

Điểm khởi đầu được tìm thấy trong “sự sáng tạo trong Đức Kitô”. Người là nguyên mẫu và hình mẫu theo đó mọi thứ được tạo ra (Alpha). Nhưng Người cũng là hình ảnh tối hậu của Chúa Cha, và theo nghĩa đó là omega mà tất cả chúng ta được mời gọi, sự hoàn thành trong đó mọi thứ sẽ được quy tụ lại. Vì thế, việc dung nạp thế giới và lịch sử này trong Đức Kitô (alpha và omega) lần lượt làm cho việc dung nạp thế giới vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi có thể thực hiện được (không có sự nhầm lẫn hay tách biệt). Đức Kitô là khởi nguyên và kết thúc của lịch sử, là khởi đầu và nền tảng trong đó vạn vật được tạo thành và là cùng đích trong đó chúng được hoàn thành.

Chúng ta có thể nghĩ đến sự dung nạp qua 2 trục: trục ngang và trục dọc. Có một sự dung nạp theo chiều ngang chạy từ Đức Kitô alpha (nguyên mẫu mà theo đó mọi thứ đã được tạo dựng) đến Đức Kitô omega, nơi mọi thứ sẽ được hoàn thành. Đó là một không gian được đánh dấu bằng dòng thời gian bao trùm toàn bộ lịch sử với tư cách là lịch sử cứu độ (Balthasar).

Có một sự dung nạp theo chiều dọc khác, mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Kitô như là “nơi chốn”, trong đó mở ra không gian của mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Với sự nhập thể, sự chết và sự phục sinh, Đức Kitô đảm nhận và đón nhận mọi khả năng trong mối tương quan của con người với Thiên Chúa: từ sự gần gũi nhất (trong đời sống nội tại Ba Ngôi của Ngài), đến khoảng cách lớn nhất (trở thành tội lỗi vì chúng ta, xuống địa ngục...), đi qua những nơi trung gian của nhập thể, khổ nạn và Thập giá, trong một chuyển động kenotic (tự hủy để dung nạp), chuyển động này trở thành ơn cứu độ (bởi vì chỉ những gì được đưa vào/dung nạp mới có thể được cứu độ). Một chuyển động từ bên dưới, từ khoảng cách sâu xa nhất, bao trùm toàn thể nhân loại và trả lại cho Chúa Cha trong một cái ôm, dung nạp và đi lên dứt khoát (Balthasar).

Kế hoạch cứu độ hệ tại ở việc “quy tụ muôn loài trong Đức Kitô”, nghĩa là: việc quy tụ muôn loài trong Đức Kitô cũng bao hàm việc đưa mọi sự về với Chúa Cha. Nơi đâu có nhiều quyền năng trong “mọi sự” cho bằng “trong Đức Kitô”.

6.2.b. Sự dung nạp nhân loại “trong Đức Kitô

Nhưng làm sao chúng ta có thể hình dung được việc dung nạp toàn thể nhân loại “trong Đức Kitô”?

Thánh Phaolô coi việc “sống trong Đức Kitô” vừa có ý nói đến “chúng ta ở trong Đức Kitô” vừa ám chỉ “Đức Kitô ở trong chúng ta”. Thánh Irenaeus cho chúng ta một manh mối khác khi tuyên bố rằng “Ngôi Lời của Thiên Chúa đã trở thành con người của chúng ta, để chúng ta có thể trở thành con Thiên Chúa” (Adversus haereses V, Praef.), nhưng việc dung nạp nhân loại trong Đức Kitô về cơ bản ngụ ý rằng con người được dung nạp trong sứ mạng và ngôi vị của Đức Kitô. Sứ mạng và ngôi vị, bởi vì trong Đức Kitô, cả hai đều trùng khớp với nhau. Tuy nhiên, sự dung nạp như vậy sẽ phải duy trì tính tự do và nhất quán của cái được bao hàm trong sự dung nạp. Đồng thời, cái được dung nạp, trong khi duy trì quyền tự do và bản sắc của mình, sẽ được xác định bởi người dung nạp nó.

Không gian dung nạp theo chiều ngang trở thành nơi Đức Kitô mời gọi chúng ta tham gia vào dự án của Thiên Chúa, trao cho chúng ta những sứ mạng, không chỉ làm cho chúng ta trở thành những người tham gia vào sứ mạng của Người mà còn ban cho chúng ta căn tính.

Nhưng chúng ta có thể được dung nạp bởi vì trước đó Người đã dung nạp chính mình trong bản chất con người của chúng ta (Người đã trở thành “một trong số nhiều người”), và do đó có thể đảm nhận tất cả những gì là con người từ bên trong.

Mặt khác, vì là Logos, Người có thể là Đấng mang tất cả những gì thuộc về chúng ta theo một “cách gián tiếp” và đẩy nó tới mức viên mãn.

Do đó, điều kiện để có thể dung nạp tạo vật và nhân loại trong Đức Kitô dựa trên sự kiện là chính Đức Kitô được dung nạp trong công trình sáng tạo và lịch sử nhân loại.

Và việc dung nạp thế giới và nhân loại trong Đức Kitô làm việc “dung nạp” thế giới vào đời sống Ba Ngôi của Thiên Chúa trở thành khả thi. Vì một khi được tôn vinh, Đức Kitô là không gian trong đó thụ tạo có thể được dung nạp trong sự hiệp thông với sự sống thần linh.

Sau sự vinh hiển của Đức Kitô, chúng ta có thể được dung nạp trong Thân thể của Ngài như thế nào? Qua trung gian mang tính bí tích của Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo hội, và đặc biệt hơn qua nguyên tắc dung nạp trong Thánh Thể.

6.2.c. Sự dung nạp trong Nhiệm Thể Đức Kitô

Hình ảnh của Thánh Phaolô về Giáo hội là Nhiệm Thể Đức Kitô (1 Cr 12,12f: 1 Cr 10,15-17; 1 Cr 6,15; 1 Cr 12,26; Ep 1,23; Ep 4,12; 5,30; Cl 1,18; Cl 1,24; Cl 2,19) diễn tả cả sự hiệp nhất của tổ chức lẫn sự đa dạng của các thành viên, nhu cầu của tất cả thành viên, phẩm giá bình đẳng và các chức năng khác nhau của họ. Câu hỏi cuối cùng này có thể trở thành vấn đề khi đánh giá các thành viên khác nhau và dẫn đến cách hiểu duy yếu tính về họ, theo đó dường như một người được sinh ra trong cơ thể với một số phận chức năng không thể thay đổi vì nó được tạo hóa ban tặng. Mỗi bộ phận phải điều chỉnh cho phù hợp với chức năng của mình. Nếu tôi là tay, tôi không phải là chân, nếu tôi đi giỏi... thì tôi không ăn giỏi... Vì vậy, mặc dù tất cả các thành viên đều cần thiết và hữu ích, nhưng giữa họ có một hệ thống phân cấp tự nhiên, vì một số có thể không cần thiết, và một số khác thì quan trọng, một số trung thực hơn, hiệu quả hơn hoặc được nhìn nhận nhiều hơn...

Chỉ khi nào hình ảnh này theo mô hình Thánh Thể thì người ta mới có thể nghĩ đến việc thuộc về một cơ thể theo nghĩa dung nạp chứ không chỉ đơn thuần là sự hợp nhất các bộ phận.

Nhờ được dung nạp, với tư cách là chi thể, trong Nhiệm thể Giáo hội của Đức Kitô, tất cả chúng ta trở thành không phải một sự vật nhưng là “nên một” (Gl 3,28); “một ngôi vị duy nhất, của Đức Kitô”, Đấng không hòa tan mỗi chủ thể vào chính mình Ngài, nhưng ban cho chủ thể ấy một sứ mạng và - theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi - làm cho chủ thể ấy có khả năng đặt các ân sủng và năng lực của mình để phục vụ người khác và cũng nhận lại được từ người khác.

Khi đó, mầu nhiệm Thánh Thể xuất hiện như sự trung gian giữa khía cạnh nhân loại và thần linh của việc dung nạp vào Đức Kitô. Trong Thánh Thể, chúng ta có thể chiêm ngắm vận hành dung nạp trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mầu nhiệm Vượt qua được nên trọn nơi tấm bánh Thánh Thể được bẻ ra và trong rượu được rót ra. Sự “bẻ ra” của Chúa Giêsu mở ra khả thể của một “sự hiệp thông dứt khoát”, “sự bẻ ra” tạo ra một không gian dung nạp không giới hạn, nơi mà mọi sự đều được đón nhận, nơi tất cả đều tìm được một chỗ đứng, đều được khẳng định và nhìn nhận trong phẩm giá của mình như là con cái. Bánh bẻ ra và chia sẻ, máu đổ ra... được dâng hiến như của ăn thức uống và còn hơn là của ăn, là những người mang một “nội tâm hỗ tương chưa từng có”: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Chẳng ai có thể nghĩ đến một sự kết hợp mật thiết và gần gũi hơn tính nội tâm hỗ tương này. Chúng ta được dung nạp trong Người và Người được dung nạp trong chúng ta. Việc dung nạp Người vào trong chúng ta (vì chúng ta ăn Người) làm cho chúng ta nên một với Người, với thân thể của Người.

Trong tấm bánh mà giờ đây được bẻ ra, bẻ ra và phân phát, chúng ta đang nói đến một chuyển động dung nạp “mọi sự trong Đức Kitô”, vốn tương ứng với việc đưa mọi sự vào trong vận mệnh của Đức Kitô. Chúng ta được dung nạp trong Người... và Người được dung nạp trong chúng ta. Bởi vì Người mang lấy tất cả chúng ta, chúng ta có thể được đưa vào trong vận mệnh của Người.

Sự dung nạp kép này cho phép chúng ta tham gia vào sự sống của Đức Kitô. Nhưng vì trong hy tế mà chúng ta cử hành, sự tự hiến và sự sống của Người được tuôn đổ “cho tất cả mọi người”, nên sự hiệp nhất và mối liên kết này được phổ quát hóa và mở ra “cho tất cả mọi người” bởi vì tất cả chúng ta đều được mời tham dự vào một thân thể duy nhất của Đức Kitô. Sự “dung nạp” làm cho sự tham gia trở nên khả thi, và điều này rộng hơn nhiều so với việc xem xét việc hội nhập của chúng ta vào thân thể Đức Kitô với tư cách là thành viên. Nó chỉ ra rằng đó không chỉ là sự tái phân chia các chức năng, cũng không phải là vấn đề đặt mối tương quan độc quyền “đầu-thân thể” (Cl 2,19; 1,18; Ep 5; 1,23; 1 Cr 11,3) lên trên tất cả các hình thức liên kết khác. Dù không làm mất đi bất kỳ sức mạnh, giá trị, tính hợp pháp và sự đóng góp nào đối với sự hiểu biết về việc chúng ta thuộc về Thân thể của Đức Kitô, cách hiểu đó không nói lên tất cả. [Và bằng cách sử dụng ẩn dụ theo nghĩa đen trong bối cảnh văn hóa mà Thánh Phaolô xây dựng, cách hiểu đó đã dẫn đến việc trong Giáo hội hợp pháp hóa việc nam giới lạm dụng nữ giới trong các mối tương quan hôn nhân].

Có sự tham gia vào cuộc sống và số phận, vốn đã bắt đầu từ đây và được kêu gọi thực hiện trọn vẹn trong cánh chung, vốn cần được hiểu theo nghĩa “dung nạp”.

Việc dung nạp Thánh Thể kép có một số hệ quả hợp lý.

(1) Trở thành Kitô hữu không gì khác hơn là để cho chính mình được tác động “từ bên trong” bởi cùng một động lực Thánh Thể của sự dung nạp, gần gũi và liên đới với anh chị em của mình, vốn là đặc nét của đời sống Giáo hội trong đề xuất hiệp hành. Vì nếu Đức Kitô đã hiến mình “vì mọi người” -  dung nạp tất cả mọi người trong Đức Kitô - thì hành động cứu độ và sự tự hiến đền thay của Người chỉ là “có vẻ như loại trừ” - ở vị trí của chúng ta - bởi vì về cơ bản, Người dung nạp chúng ta trong động lực tự hiến của chính Người.

(2) Việc dung nạp nhân loại vào sự tự hiến “cho người khác” của Đức Kitô là duy nhất. Nhưng bất cứ ai tham dự Thánh Thể, nghĩa là ăn và uống Chúa như là “Đấng được trao tặng”, đều được lôi kéo ra khỏi giới hạn của chính mình, và “từ bên trong” nhờ được Đức Kitô ngự trị, được đưa vào không gian của “sự dung nạp” là thân xác của Người, sẵn sàng chịu đựng và gánh lấy mọi sự dữ, đau đớn, thống khổ và đổ vỡ của thế gian để biến đổi nó. Hiệp thông với thân mình Đức Kitô, Đấng đã hiến mình, là đồng ý cư ngụ trong cùng động lực tự hiến này, nhờ đó tham dự vào Thánh Thể mà Đức Kitô dâng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần.

(3) Do đó, “Sự dung nạp trong Đức Kitô” là dung nạp trong hiến tế, trong sự tự hiến Thánh Thể của Người. Trong Thánh Thể, chúng ta dâng mình “với Đức Kitô, nhờ Người và trong Người... lên Chúa Cha”: đó là sự dung nạp trong sự trở lại đầy yêu thương của Đức Kitô với Chúa Cha, trong Sứ mạng mà Chúa Con đã lãnh nhận để thâu tóm mọi sự, quy tụ tất cả những gì đã phân tán nơi Chúa Cha... để “dung nạp”.

7. Kết luận: Linh đạo Dung nạp

Chúng ta đã nói rằng linh đạo có liên quan đến từ tinh thần, từ này ám chỉ những gì thúc đẩy công việc của chúng ta, khuyến khích sự cống hiến của chúng ta, và thúc đẩy chúng ta mỗi sáng. Đó là vị trí của chúng ta trong cuộc sống và là điều định hình mọi thứ chúng ta làm trong cuộc sống hằng ngày: làm việc, ăn uống, hiện diện, tương quan... nhưng linh đạo cũng mô tả cách chúng ta đặt mình vào thế giới, chiêm nghiệm và quan tâm đến thực tại. Vì vậy, Hiệp hành, khi được hiểu như một cách thế đặc biệt để đặt mình vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội, thực ra là một linh đạo. Và Linh đạo Hiệp hành này mời gọi phải được sống như một Linh đạo Dung nạp.

Một Linh đạo Dung nạp như vậy đòi hỏi phải quan tâm đến thực tại, trước hết, bằng việc nhận ra một tình trạng bị loại trừ, ảnh hưởng đến mọi người và các nhóm xã hội, và trong Giáo hội, nó ảnh hưởng đặc biệt đến phụ nữ (họ không phải là những người duy nhất bị loại trừ, nhưng họ nằm trong số những nhóm được gọi là loại trừ) và như một lời kêu gọi hãy tập trung vào cuộc sống, vào sứ mạng, và vào các dòng tu mà chúng ta thuộc về, để mọi việc chúng ta làm đều được tô điểm bởi ước muốn “dung nạp”.

Thứ đến, Linh đạo Dung nạp mời gọi chúng ta bước đi và xây dựng bằng việc:

a) hoan nghênh các yếu tố, suy nghĩ, phương thức, cách thức tiến hành khác với chúng ta, như một nguồn của sự phong phú;

b) ước muốn hợp nhất mọi sự thành một thể thống nhất lớn hơn, hiệu quả hơn, viên mãn hơn... làm cho chúng ta mỗi ngày trở thành một “chúng ta vĩ đại hơn”;

c) và trong sự sẵn sàng chấp nhận bị tách ra khỏi những không gian quen thuộc của chúng ta, khỏi những vùng thoải mái trong Giáo hội, khỏi những chuẩn mực mang lại cho chúng ta sự an toàn, để được bảo vệ khỏi những cuộc tìm kiếm và những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp..., “chống lại nỗi lo lắng” không có giải pháp cuối cùng và có sẵn.

Thứ ba, sống Linh đạo Dung nạp có nghĩa là sống theo mô hình dung nạp của sự sống thần linh mà chúng ta được định sẵn để chia sẻ và đã được Đức Kitô mạc khải cho chúng ta.

Phương thức dung nạp Ba Ngôi đã nói với chúng ta về mối tương quan liên vị trong đời sống thần linh được đánh dấu bởi:

– Tính năng động của việc cho đi và nhận lại từ người khác, giúp cho con người trở nên viên mãn;

– Tính năng động của việc duy trì sự tồn tại chỉ cho chính mình để người khác có thể;

– Một trò chơi tự do trong đó mỗi người có thể mở ra một không gian để cho phép người khác được tự do.

– Một sự năng động “tác động” và khiến chúng ta dễ bị tổn thương (tự giới hạn).

Mặt khác, mối tương quan của Thiên Chúa với thế giới thụ tạo làm nổi bật rằng tính năng động dung nạp được thể hiện trong sự sống thần linh được phản ánh trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa, định hướng thế giới đến sự hiệp thông trong sự sống và vinh quang của Ngài, tuân theo nguyên tắc dung nạp này, vốn xảy ra thông qua việc “dung nạp trong Đức Kitô” và được mạc khải cho chúng ta:

– Dung nạp như là “rủi ro” nhường không gian cho tự do của người khác.

– Dung nạp như sự năng động của việc chào đón sự khác biệt, từ bên dưới và từ bên trong...

– Một sự dung nạp kép trong đó dung nạp người khác là chưa đủ, mà là chính mình được kêu gọi để dung nạp trong cái khác biệt...

– Một sự dung nạp mang tính tự hiến... đến mức hiến mạng sống mình...

– Một sự dung nạp trong đó cả cái được dung nạp và người được dung nạp đều bị ảnh hưởng...

– Một sự dung nạp mang tính biến đổi...

Chịu trách nhiệm thế giới theo cách thế này là điều tạo nên một linh đạo dung nạp thực sự.

Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: Sr. Nurya Martínez-Gayol, ACI, The Spirituality of Inclusion uisg.org

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)

 

[1] Những gì liên quan đến nguyên tắc dung nạp và tính hiệp hành, tham khảo thêm: Ventanas a la sinodalidad, Elisa Estevez và Paula Depalma (eds.), Verbo Divino, Madrid 2023.

[2] Joan Subirats i Humet (Dir.) Ricard Gomà Carmona and Joaquim Brugué Torruella (Coords.) Análisis de los factores de exclusión social, Institut de Govern i Polítiques Públiques (UAB), 2005, 176.

[3] X. Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng 2021-2023: Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ, 9

[4] Communion as “ecclesiological guiding principle of the Council Vatican II”, cf. W. Kasper, The Church and Jesus Christ, Maliaño 2013, 405-425.

[5] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng 2021-2023: Hướng tới một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, và Sứ vụ, 2.

[6] Editorial, Concilium 347 (2012) 479 (15).

[7] Trong phần này chúng ta dựa vào thần học của von Balthasar, một trong những tác giả đã phát triển phạm trù “dung nạp” nhiều nhất, và áp dụng kiến thức Kitô học vào nền tảng Ba Ngôi của chính ông.

[8] X. Cf. H.U. von Balthasar, “Attempt to summarise my thinking”: “In the Trinitarian dogma God is one, good, true and beautiful because He is essentially Love and Love supposes the One, the Other and their Union.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top