Lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh và kỷ niệm 800 năm ngày thành lập Dòng Clara

Lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh và kỷ niệm 800 năm ngày thành lập Dòng Clara

WGPSG -- “Kính trọng các Đấng bậc trong Hội Thánh. Nhưng không bỏ con đường ơn gọi”. Đó là quy tắc sống và nên thánh của Thánh nữ Clara.

Trong bầu khí trầm lắng, không kèn trống, không băng rôn cờ xí, nhưng những đoạn nhạc Taizé Latinh du dương đã đón chào quý khách đến tham dự Thánh lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh của Dòng Clara, kỷ niệm 800 năm ngày thành lập Dòng (1212 – 2012).

Vào lúc 8g30 ngày 11/8/2012, Cha Giám tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn FX Vũ Phan Long đã đến chủ sự Thánh lễ tạ ơn bế mạc Năm Thánh. Đồng tế với ngài có cha Hạt trưởng hạt Thủ Thiêm và 12 cha trong và ngoài Giáo phận. Quý tu sỹ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân và quý khách gần xa ước khoảng trên 600 người. Ca đoàn hát lễ hôm nay là của giáo xứ Hà Nội Hố Nai phụ trách.

Trong phần giảng lễ, cha chủ tế đã nói: Từ ngày khai mạc NămThánh của Dòng Clara cho đến nay, biết bao thành quả của Năm Thánh mà Dòng đã đạt được. Ngài trình bày cuộc đời của Thánh nữ Clara như là một mầu nhiệm: Thánh nữ đã làm cho ĐGH cùng thời phải suy nghĩ và chuẩn nhận luật Dòng. Cuối cùng, để kết thúc, cha chủ tế đã đọc lá thư thứ 2 của Thánh nữ gởi cho Thánh Agnes, và ngài mời gọi toàn thể cộng đoàn hãy tập sống nên thánh.

Sau phần hiệp lễ, soeur Bề trên Dòng Clara đã đọc lời cảm tạ lên cha Giám tỉnh, cha Hạt trưởng hạt Thủ Thiêm cùng quý cha đồng tế, quý tu sỹ nam nữ, quý ân nhân, thân nhân và cộng đoàn. Sau đó, cha Giám tỉnh có đôi lời chia sẻ ngắn.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g00, mọi người ra về trong hân hoan.

Đôi nét về Dòng Clara Việt Nam

Ngay từ thế kỷ thứ 14, Chân phước Odoric de Perdenone, trên đường sang Trung Hoa, đã dừng chân lại bờ biển Bình Định, lúc đó còn là đất Chiêm Thành. Nhưng phải đợi đến thế kỷ thứ 16 con cái vị thánh nghèo mới thật sự tổ chức những phái đoàn truyền giáo tại Việt Nam, phát xuất từ các tu viện Mani và Macao. Hai người tiên phong nổi tiếng này là Cha Pêdrô d’Alfarô, nguyên bề trên tu viện tại Macao. (Áo Môn) và Cha Bathôlômêô Ruiz.

Năm 1645 bốn nữ tu dòng Thánh Clara đã có mặt trên mảnh đất Việt Nam. Năm 1645 một phái đoàn truyền giáo Phanxicô gồm ba tu sỹ và năm nữ tu Dòng Clara, tất cả là người Tây Ban Nha, định sang Macao lập Dòng nhưng trên đường tàu bị bão đánh dạt vào cửa Hàn.

Năm 1719 Tỉnh Dòng Phi Luật Tân gởi sang 15 anh em tu sỹ. Hoạt động của họ gặt hái được nhiều thành công. Hàng ngàn người trở lại đạo. Nhưng vào năm 1750 có lệnh cấm đạo, khiến cho các giáo đoàn trên bị tan rã.

Đầu thế kỷ thứ 19, Cha Odoric de Collodi là tu sỹ cuối cùng trên đất Việt cho đến khi cha Maurice Bertin người Pháp thành lập Hạt Dòng năm 1929.
Và cũng chính Cha Bertin đã xây cất đan viện Thánh Clara đầu tiên tại Vinh năm 1935.

Tám nữ tu đến lập Dòng ở Vinh đều thuộc tu viện Roubaix (Bắc Pháp). Chị Bề trên là Marie Thérèse de l’Enfant Jesus. Chị đã nảy ra ý định đi lập Dòng từ năm 1927. Nguyện vọng của chị bắt đầu được xác định rõ ràng khi Đức cha Eloy, Địa phận Vinh, đến thăm viếng nhà Dòng Roubaix ngỏ ý muốn có một Dòng nữ Thánh Clara trong địa phận ngài. Chị viết thư cho Đức Khâm mạng Dreyer, một tu sỹ Phanxicô, và ngài đã hoan hỷ chấp thuận. Với sự giúp đỡ của Cha Maurice Bertin, việc chuẩn bị thật sự bắt đầu năm 1931 nhưng còn phải chờ đợi khá lâu và vượt qua rất nhiều khó khăn.

Đoàn nữ tu đến Vinh ngày 14/11/1935, hai tuần sau, Đức cha Eloy đến làm phép tu viện. Cuộc đời cầu nguyện hy sinh cho các linh hồn thực sự bắt đầu từ đây dưới sự hướng dẫn của Cha Maurice Bertin, người sáng lập Hạt Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.

Ơn gọi “Bản xứ” đến chậm. Mãi đến 3/10/1939 mới có lễ mặc áo cho hai dự tu Việt Nam đầu tiên.

Lánh Cư:

Năm 1946 chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ngày 19/6/1946 các nữ tu phải lánh cư ra Hà Nội ở trong nhà kín Carmen (Cát Minh) cho đến cuối năm 1950, tất cả các chị phải trở về Pháp. Trong số ấy có bốn chị Việt Nam đã khấn Dòng cùng đi theo.

Năm 1972: Dòng Clara tái lập tại Việt Nam.

Sau bao nhiêu năm chờ đợi, ngày 27/9/1972, một đoàn bốn chị Việt Nam và một chị Pháp đã vui mừng đến Sài Gòn. Buổi trưa hôm ấy, Đức Tổng Giám mục và Đức cha phụ tá đã đích thân đến tu viện các cha ở Dakao và chào hỏi các nữ tu.

Sau đó, các chị đã đến tạm trú trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở Thủ Đức để chờ xây cất một Đan viện chính thức. Năm 1974 khởi công xây cất Đan viện, chẳng bao lâu sau một Đan viện xinh xắn đã hoàn tất. Đúng lúc ấy, biến cố năm 1975 cũng đến với dân tộc. Chị em lựa chọn ở lại với quê hương để đồng hành với dân Chúa.

Nói đến tình hình của Đan viện trong thời điểm này là nói đến tình hình chung của Giáo hội Việt Nam. Mọi dòng tu, mọi cơ sở của Giáo hội đều phải kinh qua biến cố đổi thay, chị em cũng chấp nhận làm việc trong các tổ sản xuất, các hợp tác xã, và khuôn viên bên ngoài Đan viện trở thành phân xưởng chế biến mây tre lá, chị em trở thành xã viên hay tổ viên.

Mãi đến năm 1989, vì tình hình đất nước có nhiều biến chuyển, chị em đã từ từ lấy lại ổn định của đời sống đan tu và lựa chọn những công việc khiêm tốn như: chăn nuôi, trồng tỉa, đồng thời phục vụ Giáo hội như: công tác làm bánh lễ, may, giặt khăn thánh.

Với thời gian, số chị em đã tăng thêm nhiều và con đường Thánh nữ Clara đã đi cũng là con đường chị em bước theo, trong sự hướng dẫn của Thánh Thần, để mỗi ngày mỗi chị em nỗ lực làm cho đoàn sủng Dòng được kiện toàn hơn trong sự hy sinh tất cả và tự nguyện sống cho một mình Chúa Kitô.

(Nguồn: Jean Ancelet - Hustache. Nguyễn Hồng Giáo “Thánh Clara”

tái bản năm 1993 từ trang 91 đến trang 99).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top