Lễ hội Giáng sinh 2011: Vun vén ước mơ cho trẻ em nghèo
WGPSG -- Hơn 4.000 người kém may mắn đã đến tham dự Lễ hội Giáng Sinh lần thứ 11 do Nhóm Đức tin Văn hóa tổ chức vào ngày 17-12 tại TTMV Giáo phận. Tòa lâu đài rực rỡ cùng với những dây cờ treo tỏa về các phía; sự náo nhiệt pha lẫn tiếng cười, lời mời chào ở các gian hàng, các quầy ẩm thực; cùng với tiếng nhạc lúc sôi nổi khi du dương trên sân khấu khiến cho không khí ngày lễ hội thêm rộn ràng và náo nức. Đến đây, họ mang theo những ước mơ về mái nhà hạnh phúc, về cuộc sống bình an và được yêu thương.
Đong đầy mơ ước của trẻ em nghèo
Sống lang thang, không nhà cửa, không mẹ cha vì cha mẹ em đều đang ở tù, cậu bé tên Thảo, 12 tuổi, sống qua ngày bằng việc lượm ve chai, chọn bài hát “Đứa Bé” như để kể về cuộc sống mưu sinh vất vả, không biết đi đâu về đâu của em trong chương trình văn nghệ tại Lễ hội Giáng sinh.
“Trong đêm một bàn chân bước, Bé xíu lang thang trên đường, Ánh mắt buồn mệt nhoài của em, Em rất buồn vì em không biết đi, đi về đâu!?” Đêm đó, nhiều khán giả trầm trồ khen cậu bé mới có 12 tuổi mà hát tự tin như một ca sĩ thực thụ, nhưng có nhiều người khác lại lấy tay quẹt nước mắt khi cảm được hoàn cảnh thương tâm của em qua từng lời hát, qua vẻ mặt nhăn nhó điệu nghệ đến xót xa mà Thảo đã dùng để diễn tả tâm trạng của bài hát, mà cũng là tâm trạng của chính bản thân mình.
Niềm hạnh phúc duy nhất của Thảo bây giờ, là được học chữ ở lớp tình thương dành cho trẻ em nghèo, mồ côi tại giáo xứ Phú Trung. Thảo nói như ao ước: “Em mong cha mẹ trở về với em, em cũng cầu nguyện cho các bạn sống lang thang khác cũng có cha mẹ và có cuộc sống hạnh phúc như gia đình em bé Chúa có đủ cả cha và mẹ.”
Mải mê tô ngôi nhà với nhiều màu sắc sặc sỡ trong gian hàng tô tượng, em Nguyễn Chân Tâm lại mong có một “ngôi nhà mơ ước” như trong ti vi vẫn có: “Con mơ nhà con có ngôi nhà đẹp như vầy, cho cả nhà con không phải ở nhà thuê nữa”.
Cậu bé 8 tuổi, học lớp 3 của lớp tình thương giáo xứ Thủ Thiêm rất thích học vẽ, ở nhà em hay vẽ lên tường nhà trọ hoặc vẽ lên bất kỳ tờ giấy cũ nào em tìm được. Cậu bé nói rằng bây giờ em cố gắng học giỏi và khi lớn lên sẽ làm họa sĩ, kiếm tiền mua nhà cho ba mẹ và chị hai ở cùng.
Cơ hội “tìm đầu ra” cho các mái ấm
Cũng như mọi năm, Lễ hội Giáng Sinh là cơ hội cho các mái ấm “quảng bá” những sản phẩm thủ công do các em tận tụy làm ra.
Mái ấm Dân tộc Lái Thiêu, Mái ấm Mai Tâm, Trường Chuyên biệt Gia Định, cơ sở Mùa Xuân… đua nhau trưng bày cơ man nào là giỏ xách, móc chìa khóa, bình hoa voan – hoa làm bằng hạt cườm, quần áo, thú nhồi bông… Những sản phẩm đẹp và không kém phần sắc sảo đã được đông đảo khách hàng đón nhận bằng cả tấm lòng cộng với tình yêu thương cùng lòng mộ mến.
Thầy Nguyễn Toàn Thông, “nhân viên” nhiệt tình của gian hàng thuộc Trường chuyên biệt Gia Định, mồ hôi nhễ nhại vì luôn tất bật chào mời khách mua hàng, thỉnh thoảng thầy lại sắp xếp lại giỏ xách, ví bằng thổ cẩm, móc chìa khóa hoặc bình hoa voan cho tươm tất.
Thầy nói rằng: “Lễ hội Giáng Sinh là cơ hội duy nhất trong năm để trường chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình đến cộng đồng. Bạn biết đấy, một phút quảng cáo trên truyền hình phải tốn vài chục triệu đồng, thật là ngoài khả năng của chúng tôi”.
Cũng theo Thầy Thông: “Lễ hội Giáng Sinh góp phần quan trọng quyết định “đầu ra” cho các sản phẩm thủ công của “các thành viên trong nhà mình”. Nhờ vậy, trường chúng tôi có thêm kinh phí để duy trì, hoạt động và mong trong tương lai ngày càng phát triển hơn”.
Những người thầm lặng “khai sinh” lễ hội
Tôi còn nhớ rất rõ, trước khi lễ hội diễn ra chưa đầy một tuần, tôi gặp chị Madalena Nguyễn Kim Thị Tuyết Nhung, thành viên trong Ban Tổ chức lễ hội, một bác sĩ nha khoa, nhưng chị bỏ phòng khám, “vất vưởng” ở sân TTMV, đến quên cả giờ cơm trưa, chỉ để chờ người đến bàn bạc việc thiết kế tòa lâu đài ngay gốc hai cây me lớn trước nhà nguyện Đại Chủng viện sao cho thật đẹp, “cho không khí thêm rộn ràng, cho các em có chỗ chụp hình thật lý tưởng để làm kỷ niệm…”.
Người phụ nữ có gương mặt khả ái, như lúc nào cũng tươi cười với người đối diện, nói rằng Ban Tổ chức nỗ lực lo liệu mọi việc để tổ chức chương trình thật chu đáo, hầu mong mang niềm vui và hơi ấm Giáng Sinh đến với những người kém may mắn.
Ông Giuse Phạm Khắc Thiện, trưởng nhóm Đức tin Văn hóa, Trưởng ban tổ chức cho UCA News biết, mục đích của dạ hội Giáng sinh nhằm “đem đến niềm vui Giáng Sinh cho người kém may mắn, giúp họ bớt cô đơn khi được giao lưu với những người cùng cảnh ngộ, đồng thời tạo điều kiện cho họ sống hòa nhập với cộng đồng”.
Ông Thiện cho biết thêm, có khoảng 70 mái ấm tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số mái ấm ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương tham dự dạ hội năm nay. Tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng, được trích từ quỹ của nhóm và do các nhà hảo tâm đóng góp.
Trong nghi thức khai mạc lễ hội, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, người thành lập nhóm Đức tin Văn hóa nói rằng: “Dạ hội Giáng sinh là lễ hội đặc biệt của chúng ta”.
Với nụ cười rạng rỡ và gương mặt vui tươi, vị giám mục 66 tuổi nhắn nhủ: “Trong tinh thần đặc biệt, chúng ta hãy cùng chơi với nhau, hát với nhau và hãy cùng chia sẻ tình yêu thương với nhau.”
Chương trình Lễ hội Giáng Sinh kết thúc trong không khí se lạnh của tiết trời Sài Gòn, nhưng hơn 4.000 người ra về mang theo niềm vui, niềm hy vọng, sự ấm áp cùng với sự đón chờ. Đón chờ ngày Hài Nhi Giêsu giáng trần trong an bình, thánh thiện. Cùng một Năm Mới hạnh phúc, khang an!
bài liên quan mới nhất
- Đức Giáo hoàng Phanxicô: "Vốn liếng lớn" chính là "Tình yêu Thiên Chúa"
-
Đức Thánh Cha: bác ái thì khiêm tốn và không hiếu chiến -
Khai mạc Đại hội Caritas Việt Nam năm 2023 -
Đại hội Caritas Việt Nam năm 2023 -
Ao ước được mặc đẹp như thế! -
Hoa Huệ -
Những bữa ăn nghĩa tình -
Món quà Giáng Sinh -
Những triệu chứng hậu Covid-19 và thuốc chữa -
Thư ngỏ về việc tổ chức Ngày Thế giới Người nghèo 2020
bài liên quan đọc nhiều
- Những triệu chứng hậu Covid-19 và thuốc chữa
-
Caritas Việt Nam: Khai mạc Hội nghị Thường niên 2019 -
Nhà Dưỡng Lão Tân Thông: Nơi trao ban niềm vui -
Nhóm Bác ái Thiện Tâm: Thăm giáo xứ Cái Mơn -
Đêm nhạc gây quỹ 'Nhịp cầu Caritas 6' -
Ban Mục Vụ Bác Ái Xã Hội Caritas -
Caritas Việt Nam: Thư ngỏ chương trình Nhịp Tim Yêu Thương -
Tin mừng cho người khuyết tật -
Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn tĩnh tâm Mùa Chay -
Trường Chuyên Biệt Gia Định: Ngày Thế giới Hội chứng Down