Laudato si’: Dấu ấn sâu đậm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Laudato si’: Dấu ấn sâu đậm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Laudato si’: Dấu ấn sâu đậm của Đức Thánh Cha Phanxicô

TGPSG / Vatican News --- Trong số nhiều thông điệp, tông huấn và thư mục vụ được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành trong suốt 12 năm triều đại giáo hoàng của ngài, Laudato si’ có lẽ là văn kiện để lại dấu ấn sâu đậm và lâu dài nhất.

Công bố năm 2015, đây là thông điệp đầu tiên của một vị Giáo hoàng dành riêng cho vấn đề môi trường - và nó đã tạo nên tiếng vang mạnh mẽ, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ca ngợi thông điệp này vì tiếng nói luân lý mạnh mẽ của nó, trong khi tiểu thuyết gia Ấn Độ Pankaj Mishra mô tả đây là “có lẽ là tác phẩm phê bình trí thưc quan trọng nhất của thời đại chúng ta.”

Laudato si’ cũng có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách toàn cầu. Văn kiện này thường được ghi nhận là yếu tố góp phần xây dựng sự đồng thuận quốc tế trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc năm 2015 tại Paris, nơi 196 quốc gia đã ký kết hiệp định cam kết giới hạn mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C.

Từ chiêm niệm đến hành động

Laudato si’ là sự kết hợp sâu sắc giữa những suy tư thần học - đôi khi mang chất thi ca - về ý nghĩa của việc chăm sóc thiên nhiên, với những lời kêu gọi hành động chính trị rõ ràng, mạnh mẽ và cấp tiến.

Đức Thánh Cha viết: “Vũ trụ triển nở trong Thiên Chúa, Đấng hiện diện trọn vẹn trong đó. Do đó, có thể khám phá một ý nghĩa thần thiêng nơi chiếc lá, lối mòn trên núi, giọt sương, hay gương mặt của người nghèo. Khi đứng ngỡ ngàng trước một ngọn núi, chúng ta không thể tách rời trải nghiệm ấy khỏi Thiên Chúa” (số 233).

Từ những suy tư này, ngài lên án thứ chính trị vụ lợi, chỉ chăm chăm đến kết quả ngắn hạn, bị chi phối bởi văn hóa tiêu dùng và những động cơ kinh tế thiển cận.

Ngài nhấn mạnh rằng thế giới hôm nay cần đến “một cách nhìn mới về con người, sự sống, xã hội và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên” (số 178).

Hướng tới một phát triển toàn diện

Trọng tâm của Laudato si’ là khái niệm “sinh thái toàn diện” - một lối tiếp cận đặt nền tảng trên xác tín rằng cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay gắn bó mật thiết với các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế, và không thể được giải quyết cách riêng rẽ.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Chúng ta không đang đối diện với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một về môi trường và một về xã hội, mà là một cuộc khủng hoảng phức hợp, vừa mang tính xã hội vừa mang tính môi trường.”

Vì thế, ngài kêu gọi một “cách tiếp cận tích hợp trong việc xóa đói giảm nghèo,” đồng thời bảo vệ thiên nhiên và phục hồi phẩm giá cho những người bị gạt ra bên lề xã hội (số 139).

Từ đó, Đức Thánh Cha đề xuất một tầm nhìn về “phát triển nhân bản toàn diện” - một mô hình phát triển không lấy tăng trưởng kinh tế hay tiến bộ kỹ thuật làm thước đo tối hậu. Tuy không phủ nhận tầm quan trọng của tăng trưởng, ngài nhấn mạnh rằng điều ấy phải song hành với các giá trị nền tảng như bảo vệ thiên nhiên, duy trì di sản văn hóa, nâng đỡ người nghèo và chăm lo cho những sinh vật mong manh, dễ bị tổn thương.

Laudato si’ và hành động cụ thể

Một trong những hệ quả rõ nét nhất của Laudato si’ là sự bùng nổ các sáng kiến môi trường trong lòng Giáo hội Công giáo.

Nhiều tổ chức mới đã được thành lập, như Phong trào Laudato Si’ Toàn cầu và Viện Nghiên cứu Laudato Si’ tại Đại học Oxford.

Các tổ chức Công giáo lâu đời như Caritas Internationalis - Cánh tay bác ái của Giáo hội - cũng mở rộng sứ mạng sang lĩnh vực sinh thái, lồng ghép vấn đề môi trường vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo và phát triển bền vững.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Biological Conservation năm 2019 còn cho thấy Laudato si’ đã góp phần nâng cao nhận thức toàn cầu về các vấn đề môi trường, đặc biệt tại những quốc gia có đông tín hữu Công giáo, nhưng không chỉ giới hạn trong phạm vi đó.

Khí hậu, bất ổn và chiến tranh

Trong những năm gần đây, vấn đề môi trường có xu hướng rút lui khỏi chương trình nghị sự toàn cầu. Nhiều quốc gia đang ưu tiên phục hồi tăng trưởng kinh tế hoặc tái vũ trang, gạt sang một bên các cam kết khí hậu.

Tuy nhiên, như Đức Thánh Cha cảnh báo, các nhà lãnh đạo cần ghi nhớ rằng: “hòa bình, công lý và việc bảo vệ công trình sáng tạo là ba thực tại gắn bó mật thiết, không thể tách biệt hay được giải quyết cách riêng rẽ” (số 92).

Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu bị xem nhẹ, hậu quả sẽ là sự cạn kiệt tài nguyên, gia tăng di cư, bất bình đẳng sâu sắc - tất cả đều là mầm mống dẫn đến bất ổn và xung đột.

Hay nói cách khác, theo lời Đức Thánh Cha, được xem là tinh thần cốt lõi của toàn bộ thông điệp: “Mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau.”

Tác giả: Joseph Tulloch
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News

Top