Gia đình bảo vệ Môi trường
Thông điệp Laudato Si’
Thông điệp Laudato Si’ lấy tên từ bài ca của Thánh Phanxicô Assisi: “Laudato sí, mí Signore” (Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa). Bài ca đã nhắc đến trái đất là “ngôi nhà chung” của nhân loại: “cũng như người chị của chúng ta, chúng ta chia sẻ cuộc sống với chị ấy, và như người Mẹ tươi đẹp đón nhận chúng ta trong vòng tay của Mẹ” (Laudato sí-1).
Vâng, chúng ta thường quên rằng, chính “chúng ta là đất” (St 2,7). “Chính thân thể chúng ta được cấu thành nhờ những yếu tố của trái đất, không khí là yếu tố mang lại cho chúng ta hơi thở và nước của trái đất làm cho chúng ta được sống và được bổ dưỡng” (Laudato sí 2).
Thế nhưng, giờ đây, trái đất đã bị ngược đãi và cướp phá, đang kêu than, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Bởi lẽ, chúng ta cứ đinh ninh rằng, “chúng ta chính là chủ nhân và sỡ hữu chủ, nên được quyền tận dụng” (Laudato sí 2). Chính những tiếng than trách của trái đất hợp với những tiếng kêu la của tất cả những người bị bỏ rơi trên thế giới này, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22). Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi hãy lắng nghe họ, ngài kêu gọi tất cả và từng người - cá nhân, gia đình, địa phương, quốc gia và cộng đồng quốc tế - hãy “hoán cải về môi sinh”, theo kiểu nói của Thánh Gioan Phaolô 2, nghĩa là “đổi hướng”, đón nhận vẻ đẹp và trách nhiệm dấn thân để “săn sóc ngôi nhà chung”.
Giáo hội và môi trường
Giáo hội đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề “Bảo vệ môi trường”, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ trái đất. Đặc biệt, trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu câu hỏi trọng tâm: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, Tổng Giáo phận Sài Gòn cũng đã có buổi hội thảo về “Bảo vệ môi trường” do Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc giao cho Ban Caritas tổ chức, đã diễn ra vào sáng thứ Sáu 20-3-2015 tại phòng họp lầu hai của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (x. bản tin).
Trong thời gian gần đây, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rõ rệt đến người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ý thức “Bảo vệ môi trường” lại chưa được chú trọng một cách xác đáng, và hậu quả rõ ràng nhất là xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và hạn hán khắc nghiệt ở Tây Nguyên đang được báo động trong những ngày này. Đặc biệt, ngày 26.5.2016 vừa qua, Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu – Chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam – đã viết Thư kêu gọi giúp đồng bào nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung.
Trước tình cảnh đó và hòa chung nhịp đập của Giáo hội, chúng ta phải làm gì nhằm góp phần kêu gọi ý thức bảo vệ “Mẹ thiên nhiên” bằng những hành động thiết thực?
Bảo vệ môi trường
Tại sao phải Bảo vệ môi trường và phải bảo vệ như thế nào? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu xem có mấy loại môi trường và chức năng của môi trường là gì.
Có 2 loại môi trường, đó là môi trường thiên nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường có chức năng làm không gian sống, nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên, nơi giảm nhẹ các tác động có hại của thiên nhiên, nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người, nơi chứa đựng các chất phế thải. Ví dụ môi trường rừng: Rừng là lá phổi xanh của trái đất, rừng có tác dụng làm trong sạch không khí, rừng bảo vệ và cải tạo đất, rừng còn điều hoà dòng chảy của sông ngòi và dưới lòng đất, rừng có giá trị lớn về du lịch.
Từ những nhận thức trên đây, chúng ta mới thấy công việc “Bảo vệ môi trường” là quan trọng như thế nào. Và “Bảo vệ môi trường” là giữ cho môi trường trong lành và sạch đẹp, là cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái, ngăn chặn và khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Thực trạng về tài nguyên của Việt Nam
Theo Ông Martin Trần Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm Giá trị sống – Kỹ năng sống YMCA: Nước ta có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, giàu khoáng sản (đứng thứ 7 thế giới) với gần 12.000 loài thực vật bậc cao, có đường bờ biển dài 3.260 km. Tuy nhiên, rừng tiếp tục bị thu hẹp, trước 1945 có 14 triệu ha. rừng, đến năm 2013 còn 13.862.043 ha. rừng, chỉ có 10% là rừng nguyên sinh, phần còn lại là rừng tái sinh. Bên cạnh đó, đa dạng sinh học giảm sút, đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt, với số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản năm 2000 là 427 doanh nghiệp, và con số hiện nay là hơn 1.500 doanh nghiệp. Tài nguyên biển vùng gần bờ suy giảm đáng kể do đánh bắt bừa bãi, không hiệu quả. Đất canh tác bị thu hẹp do đô thị hóa, chất lượng đất suy giảm.
Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam
Ô nhiễm biển: Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất trên thế giới. Việc ô nhiễm này làm ảnh hưởng nặng nề đến du lịch và giao thông của tàu bè.
Ô nhiễm đất: Do sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, làm cho đất cằn cỗi, nghèo chất dinh dưỡng, làm hại đến các loài vi sinh vật có lợi, hệ sinh thái mất cân bằng. Các loại thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người nông dân, người tiêu thụ thực phẩm.
Ô nhiễm không khí: Khói xe trên đường, khói bụi từ các nhà máy trong các khu công nghiệp. Việt Nam nằm trong số 10 nước ô nhiễm không khí nhất thế giới, chưa kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Hậu quả là con người dễ mắc bệnh về đường hô hấp.
Ô nhiễm nước: Phần lớn lượng nước thải sinh hoạt (khoảng 600.000 m3 mỗi ngày, với khoảng 250 tấn rác được thải ra các sông) và nước thải công nghiệp (khoảng 260.000 m3 nhưng chỉ có 10% được xử lý) đều không được xử lý, mà đổ thẳng vào các ao hồ.
Ô nhiễm tiếng ồn: Trước năm 2008, mức tăng trung bình tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM khoảng 0,2-4 dBA nhưng từ năm đến năm 2009, độ ồn đã tăng chóng mặt bằng 14 năm trước đó cộng lại.
Ô nhiễm thực phẩm: Bò heo bơm nước tăng trọng tăng 10-15kg, làm cho động vật chết trước khi giết mổ, máu đông trong cơ thể gây hại sức khỏe cho con người. Heo phải sử dụng thuốc tạo nạc. Rau củ quả nhiễm chất độc hại, thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật. Gà, măng, dưa chua tẩm chất vàng ô… Hằng ngày con người Việt Nam phải nạp vào cơ thể biết bao chất độc hại.
Cách thế bảo vệ môi trường
Đức Thánh Cha viết rằng “vấn đề về môi trường chính là vấn đề đạo đức”. Ngài kêu gọi các Kitô hữu hãy “hoán cải về môi sinh” để bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hãy yêu quý “Mẹ thiên nhiên” bằng cách thay đổi lối sống. Cụ thể là, chúng ta hãy bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực hằng ngày với những từ khóa dễ nhớ, dễ áp dụng như sau: Giảm bớt - Tái sử dụng - Tái chế - Tiết kiệm.
Giảm bớt: Không mua nhiều hơn những gì chúng ta cần. Khi mua quần áo, giày dép, thực phẩm, chúng ta mua đủ dùng, đừng để dư thừa. Chọn các sản phẩm ít bao bì: tận dụng lại những bao bì. Chọn các sản phẩm có thể tái chế. Hạn chế dùng bao nilon. Nên tận dụng không gian để trồng rau sạch trong vườn, nên mua sản phẩm địa phương, nên dùng hết thực phẩm, tránh để dư thừa.
Tái sử dụng: Thu gom quần áo cũ, giặt ủi và đóng gói cẩn thận đem biếu tặng những ai cần đến. Thỉnh thoảng kiểm tra lại các vật dụng trong nhà không dùng đến, đem trao tặng cho những người đang thiếu thốn; đó không chỉ là hành động chia sẻ mà còn là “Bảo vệ môi trường” cách hữu hiệu và thiết thực. Sửa chữa đồ đạc hơn là bỏ đi. Dùng pin sạc hơn là pin dùng một lần. Tận dụng chai lọ, túi nilon. Sử dụng giấy 2 mặt.
Tái chế: Tham gia phân loại rác tại nguồn ở hộ gia đình, ở các siêu thị, các trung tâm thương mại, các công sở: đồ nhựa, thủy tinh, giấy, rác phân hủy. Vận động bạn bè, gia đình, mọi người trong nhà, trường học, nơi làm việc tái chế các vật dụng. Tìm cách kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng bao bì hoặc có thể tái chế được.
Tiết kiệm: Hạn chế sử dụng xe máy: đi bộ, đi xe đạp rất tốt cho sức khỏe; sử dụng các phương tiện công cộng. Chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và an toàn đến môi trường. Đối với các thiết bị điện như tivi, điều hòa, nếu để ở trạng thái chờ, vẫn tốn điện, nên khi dùng xong các thiết bị điện hãy rút hẳn phích điện ra khỏi ổ điện. Hạn chế sử dụng máy điều hòa: để nhiệt độ vừa đủ: 22-26 độ vì tăng 1 độ sẽ giảm 10% điện năng. Dùng bóng đèn tiết kiệm điện, mua các sản phẩm tiết kiệm điện. Dùng ít nước nóng lại. Tắt đèn, quạt khi không cần thiết.
Tạm kết
Trong Thông điệp Laudato Si, Đức Giáo hoàng kêu gọi một “nền sinh thái xã hội” biết nhìn nhận “sự lành mạnh của các tổ chức xã hội cũng có những tác động lên môi trường và chất lượng cuộc sống con người”. Điều này bao gồm gia đình, vốn là cộng đồng xã hội đầu tiên, và những cộng đồng rộng lớn hơn ở địa phương, quốc gia, quốc tế”. Khi những tổ chức xã hội này yếu đi, thì hậu quả sẽ là bất công, bạo lực, mất tự do, thiếu tôn trọng luật pháp – tất cả những cái đó gây hậu quả cho môi trường (Laudato Si 142).
Vì thế, nếu mỗi gia đình Việt Nam chúng ta biết “Bảo vệ môi trường” hằng ngày, thì chẳng bao lâu đất nước chúng ta sẽ giảm bớt ô nhiễm môi trường; quê hương chúng ta sẽ là dân tộc văn minh, sạch đẹp, không thua gì các nước tân tiến trên thế giới. Cụ thể là, cha mẹ luôn nhắc nhở con cái ý thức “Bảo vệ môi trường”, không xả rác bừa bãi, để thế giới này không còn là “bãi rác khổng lồ” (Laudato Si 21) mà là một bầu trời thiên nhiên trong lành cho con người. Mong sao mỗi gia đình Công giáo chúng ta luôn ý thức giáo dục mọi người trong nhà, nâng cao nhận thức và thực hành việc “Bảo vệ môi trường”. Hãy “Bảo vệ môi trường” để hành tinh của chúng ta mãi mãi là một màu xanh vĩnh cửu. “Bảo vệ môi trường” là bảo vệ sự sống của chính mình và các thế hệ mai sau. Thế nên, chúng ta hãy chung tay xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp, để “Mẹ thiên nhiên” của chúng ta ngày càng xinh đẹp, đáng yêu và đáng sống hơn.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 1 tháng chín: Ngày tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa
-
Sinh vật và vấn đề đạo đức môi sinh | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Môi trường nước | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Lời Kinh Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo -
Hành Tinh Xanh - Tương Lai Sáng | Chung Tay Bảo Vệ Môi Trường -
5 điều cần để chăm sóc Ngôi Nhà Chung -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Điện Hạt Nhân và Tôn Giáo tại Nhật -
Hiệp hành chăm sóc môi sinh -
Chăm sóc môi sinh theo giáo lý nhà Phật
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Tương quan giữa con người với môi trường -
Nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu - Văn bản Cam kết -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường