Nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống
WGPSG -- Dưới đây là nội dung bài thuyết trình của tiến sĩ Maria Angel Nguyễn Thị Vân Hà trong Khoá Thường huấn linh mục năm 2016 vào sáng thứ Hai 6-6-2016 tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Bài thuyết trình "Nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống" gồm có 4 phần: (1) Các khái niệm chung; (2) Các ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu (BĐKH) đến Việt Nam - xác định đối tượng dễ tổn thương; (3) Nguyên nhân BĐKH; và (4) Chúng ta làm gì để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.
I. Các Khái niệm
Ô nhiễm là 1 quá trình tự nhiên hay nhân tạo tích lũy chất nào đó vượt quá khả năng làm sạch của môi trường (sức chịu tải của môi trường).
Dấu chân cacbon (carbon footprint), một thuật ngữ phổ biến, được định nghĩa đơn giản là: “lượng khí cacbon do cá nhân hoặc một nhóm người thải ra do nhiều hoạt động, đặc biệt là do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch”.
Năm 1990, Việt Nam phát thải 21,4 triệu tấn CO2. Năm 2004, phát thải 98,6 triệu tấn CO2, tăng gần 5 lần, bình quân đầu người 1,2 tấn/năm (trung bình của thế giới là 4,5 tấn/năm, Singapo 12,4 tấn, Malaysia 7,5 tấn, Thái Lan 4,2 tấn, Trung Quốc 3,8 tấn, Inđônêxia 1,7 tấn, Philippin 1,0 tấn, Myanma 0,2 tấn, Lào 0,2 tấn).
BIẾN ĐỐI KHÍ HẬU là hiện tượng thay đổi “xu thế chung của thời tiết” do các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người ngoài sự thay đổi khí hậu của tự nhiên. BĐKH được chứng minh qua sự khác biệt giữa các giá trị trung bình nhiều năm của các tham số thống kê khí hậu. Các biểu hiện BĐKH bao gồm:
- Nhiệt độ trung bình, tính biến động và dị thường của thời tiết cũng như khí hậu tăng lên.
- Lượng mưa thay đổi.
- Thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, giá rét, bão, lũ lụt, hạn hán…) xảy ra với tần suất, độ bất thường và có thể cường độ tăng lên.
- Mực nước biển dâng lên do tan băng ở hai cực và các đỉnh núi cao.
Cũng theo IPCC, xu thế biến đổi nhiệt độ mặt nước biển tăng lên, nhiệt độ bề mặt tăng lên 0,1oC trong 10 năm qua. Trong báo cáo của IPCC có kết luận rằng trong tương lai gần nhiệt độ sẽ tăng lên từ 0,3-0,7 oC và sẽ tăng 4 oC trong cuối thế kỷ 21. Lượng mưa sẽ có thay đổi theo xu thế nóng lên toàn cầu, mức tăng của lượng mưa ngày lớn nhất nếu nhiệt độ tăng lên 1 oC thì lượng mưa tăng 5,3%, lượng mưa cực trị sẽ tăng lớn hơn so với đánh giá trước đây”. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam đã tăng khoảng 0,5 – 0,7oC.
II. Các ảnh hưởng của BĐKH đến Việt Nam
Vào năm 2014, nhóm công tác ICPP đã báo cáo 7 áp lực ảnh hướng của biến đối khí hậu, trong đó áp lực tự 1 đến 5 được đánh giá ở mức chắc chắn cao và tác động 6 và 7 ở mức chắc chắn trung bình. Cụ thể bao gồm như sau:
- Sự nóng dần và gia tăng nhiệt độ đã được quan sát xãy ra trong khắp các vùng Châu Á ở thế kỷ vừa qua;
- Gia tăng áp lực đối với các hệ sinh thái cạn ở nhiều vùng của Châu Á bởi các thay đổi trong hiện tượng, tốc độ phát triển và phân bố các loài cây trồng và băng tan;
- Hệ sinh thái biển và ven bờ ngày càng chịu nhiều áp lực từ cả 2 động lực khí hậu và không phải yếu tố khí hậu
- Các đa áp lực từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế quá nhanh chóng, ghép với biến đổi khí hậu;
- Các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng tác động đến sức khỏe nhân loại, an ninh, sinh kế và nghèo đói, với nhiều loại và cấp độ ảnh hưởng biến động xuyên suốt cả vùng Châu Á;
- Khan hiếm được đánh giá là 1 trong những thử thách chính trong vùng dẫn đến nhu cầu nước tăng và thiếu sự quản lý tốt;
- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất lương thực và an ninh lương thực ở Châu Á sẽ thay đổi theo khu vực và nhiều khu vực sẽ giảm năng suất trong vùng.
Trong 7 áp lực trên thì 4 áp lực đã diễn tiến rất rõ rệt ở Việt Nam, cụ thể là số 1, 5, 6 và 7.
Việt Nam là quốc gia đứng hạng 4 trên cả thế giới về số lượng người bị phơi nhiễm với ngập lụt và đứng thứ 3 trên thế giới về phần trăm dân số và GDP phơi nhiễm với ngập lụt [1]. Khỏang 20% dân số phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt 30% hàng năm. Hầu hết các gia đình phải đương đầu với nguy cơ bị hạn hán. Khi xãy ra hạn hán sẽ làm thất thoát 16% mức tiêu dùng, so với 59% từ lũ lụt.
Năm 2100, nhiệt độ trung bình tăng 2-3oC, mực nước biển dự báo sẽ tăng 1 m so với những đo đạc năm 1980-1999. Khi mực nước biển dâng 1m, 30% điện tích Đồng Bằng sông Cửu Long bị ngập, 20% TpHCM và 10% ở sông Hồng. Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, so với 84 quốc gia đến từ 5 vùng, 10% dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi nước biển dâng 1 m so với mực nước biển và 30% khi nước biển dâng 5 m.
Hiện tượng khí hậu cực đoan năm 2015 như hạn hán ở Ninh Thuận, bão ở Quảng Ninh, thiếu nước và xâm nhập mặn ở Kiên Giang, Ngập lụt và trượt đất ở Bắc Cạn. Trong 2 thập niên qua, Việt Nam thiệt hại 1 đến 1,5 %GPD hàng năm cho các thảm họa thiên tai, chẳng hạn, bão Xangsane năm 2006 gây thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD ở miền trung Việt Nam [2]. Mặc dầu Việt Nam không là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều, tuy nhiên, khí thải nhà kính của Việt Nam tăng 180% từ năm 2000 đến 2010.
Năm 2015, tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra ở nhiều địa phương như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang... Ở một số nơi, nước mặn đã xâm nhập sâu từ 50 đến 60 km vào nội đồng, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại. Theo các tài liệu khoa học, khi độ mặn vượt quá 1%o là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4%o, cây không sinh trưởng được và chết. Thực tế, có thời điểm ở một số địa phương ĐBSCL, độ mặn đã lên 8 đến 9%o, thậm chí có nơi 11%o.
Năm 2016 do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km3.
Kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh Sóc Trăng... chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn. Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp, diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang hơn 54.000 ha, Cà Mau gần 50.000 ha, Bến Tre gần 14.000 ha [3].
Hạn hán xãy ra ở Daklak năm 2016 làm 37000 ha bị hạn (mất trắng 4864 ha) thiệt hại 1.110 tỉ đồng và 21.260 hộ bị thiếu nước. Tỉnh có 599 hồ chưa nhưng 118 hồ cạn hoàn toàn , các hồ còn lại 20-30% nước [4].
Tác động của biến đổi khí hậu tới vấn đề sức khỏe là rất rõ rệt thông qua các dạng thiên tai như hạn hán, sạt lở, lũ quét… Nhiều bệnh sẽ gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh, nhất là các bệnh lây truyền qua các vật trung gian như sốt rét (do muỗi truyền), sốt xuất huyết (muỗi), các bệnh lây truyền qua thực phẩm (ngộ độc thực phẩm), bệnh lây truyền qua môi trường nước (các bệnh đường ruột), bệnh lây truyền từ động vật và các bệnh khác (suy dinh dưỡng, bệnh về phổi…).
Ảnh hưởng của BĐKH đến năng lượng: Nhiệt độ tăng kèm theo lượng bốc hơi tăng kết hợp với sự thất thường trong chế độ mưa dẫn đến thay đổi lượng nước dự trữ và lưu lượng vào của các hồ thủy điện.BĐKH làm tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. BĐKH theo hướng gia tăng cường độ và lượng mưa, bão, dông sét cũng ảnh hưởng, trước hết đến hệ thống dàn khoan ngoài khơi, hệ thống vận chuyển dầu và khí vào bờ, hệ thống truyền tải và phân phối điện,…
Tóm lại, các lĩnh vực chịu tác động của BĐKH bao gồm: (1) hệ sinh thái (đới bờ, rừng và đa dạng sinh học); (2) sức khỏe cộng đồng; (3) tài nguyên nước; (4) nông nghiệp; (5) năng lượng; (6) cơ sở hạ tầng, giao thông, di tích lịch sử và văn hóa; và (7) công nghiệp và xây dựng. Hậu quả của BĐKH rõ rệt nhất là nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng.
IPCC đã nêu ra cách xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của BĐKH theo hình 1. Theo đó, những người sống ở vùng duyên hải ven biển, vùng ngập lụt và những người nghèo, phụ nữ và trẻ em…. là đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng đáng kể của BĐKH cần được hỗ trợ và bảo vệ.
Phương pháp xác định nguy cơ bị ảnh hưởng bởi BĐKH
III. Nguyên nhân BĐKH
Gia tăng đáng kể lượng khí nhà kính vào khí quyển từ các hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây nên BĐKH. Các khí hiệu ứng nhà kính bao gồm: CO2, N2O, CFCs, CH4 [5] Khi lớp khí quyển có quá nhiều khí nhà kính thì Trái đất trở thành một quả cầu giữ nhiệt, hấp thụ nhiều mà lại ít tỏa nhiệt ra.
Các nhân tố khác, trong đó có các sol khí (bụi, cacbon hữu cơ, sulphat, nitrat…) gây ra hiệu ứng âm (lạnh đi) với lượng bức xạ cưỡng bức tổng cộng trực tiếp là 0,5W/m2 và gián tiếp phản xạ của mây là 0,7W/m2; thay đổi sử dụng đất làm thay đổi suất phản xạ bề mặt, tạo ra lượng bức xạ cưỡng bức tổng cộng được xác định bằng 0,02W/m2; trái lại, sự gia tăng khí ôzôn trong tầng đối lưu do sản xuất và phát thải các hóa chất và sự thay đổi trong hoạt động của mặt trời trong thời kỳ từ năm 1750 đến nay được xác định là tạo ra hiệu ứng dương đối với tổng lượng bức xạ cưỡng bức lần lượt là 0,35 và 0,12W/m2. Như vậy, tác động tổng cộng của các nhân tố khác, ngoài khí nhà kính, đã tạo ra lượng bức xạ cưỡng bức âm. Vì thế, trên thực tế, sự tăng lên của nhiệt độ trung bình toàn cầu quan trắc được trong thời gian qua đã bị triệt tiêu một phần, nói cách khác, sự tăng lên của riêng hàm lượng khí nhà kính nhân tạo trong khí quyển làm trái đất nóng lên nhiều hơn so với những gì đã quan trắc được, và điều đó càng khẳng định sự biến đổi khí hậu hiện nay là do các hoạt động của con người chứ không phải do quá trình tự nhiên.
Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp về trước, ít nhất khoảng 10.000 năm, nồng độ các chất khí nhà kính rất ít thay đổi, trong đó nồng độ khí CO2 trong khí quyển chưa bao giờ vượt quá 280 ppm . Chỉ riêng lượng phát thải khí CO2 do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tăng hàng năm trung bình tỷ lệ từ 6,4 tỷ tấn cacbon (xấp xỉ 23,5 tỷ tấn CO2) trong những năm 1990 lên đến 7,2 tỷ tấn cacbon (xấp xỉ 45,9 tỷ tấn CO2) mỗi năm trong thời kỳ từ 2000 – 2005. Hậu quả kéo theo là nồng độ khí CO2 trong khí quyển tăng đến 387 ppm vào năm 2009.
Các hoạt động của con người gây tăng phát thải khí nhà kính bao gồm:
- Khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, khoáng sản, than đá…) phục vụ công nghiệp và giao thông.
- Canh tác lúa nước, đốt nương làm rẫy, chôn lấp rác thải, chăn thả chăn nuôi gia súc, lạm dụng phân bón… đóng góp đến 60% lượng CH4 thải vào khí quyển.
- Khai thác rừng bừa bãi, chăn thả quá mức, đốt nương làm rẫy du canh du cư… phá hủy các hợp phần tự nhiên và hệ sinh thái rừng dẫn đến sự suy giảm về khả năng hấp thụ của rừng đối với khí nhà kính.
Tỷ lệ phần trăm các hoạt động của loài người đối với sự làm tăng nhiệt độ Trái Đất: (i) Sử dụng năng lượng: 50%; (ii) Công nghiệp: 24%; (iii) Nông nghiệp: 13%; và (iv) Phá rừng: 13%.
IV. Chúng ta làm gì để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH
Ở đất nước chúng ta có nhiều nhóm người vớinhững phản ứng rất khác nhau trước BĐKH. Có nhóm người không biết tí gì về BĐKH, có nhóm người không hề quan tâm gì đến BĐKH, có nhóm người biết và quan tâm về BĐKH nhưng xem đây là nghĩa vụ của ai đó bản thân mình không thể làm được gì cả và đổ lỗi cho thiên nhiên cho Ông Trời, có nhóm người quan tâm về BĐKH muốn làm điều gì đó nhưng lại không biết làm gì, lại có nhóm người nói rất nhiều, làm rất nhiều về BĐKH nhưng chẳng đóng góp thực sự và hiệu quả mà chỉ thông qua BĐKH để có thể kiếm được nhiều tiền. Có nhóm người có đóng góp tích cực cho BĐKH song tỉ lệ nhóm người này còn rất ít. Ước gì người công giáo chúng ta phải là nhóm người có các tác động tích cực và hiệu quả đối với giảm thiểu và thích ứng BĐKH.
Phân tích ở góc độ của 1 người giáo dân, thiết nghĩ chúng ta có thể bắt đầu bằng các hoạt động đơn sơ và thiết thực, cụ thể gồm 3 hoạt động chính: (1) trước tiên phải bảo vệ bản thân trước ản hưởng của BĐKH và thiên tai; (2) tích cực tham gia các hành động giảm thiểu tác động BĐKH cho cộng đồng; và (3) tăng tính chống chịu và giảm tính dễ bị tổn thương cho cộng đồng.
Tự bảo vệ bản thân trước các ảnh hưởng BĐKH và thiên tai:
- Trang bị các kỹ năng cần thiết như bơi lội, thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe.
- Hãy mang theo quần áo ấm khi có thông báo về các đợt không khí lạnh, các đợt không khí lạnh tăng cường vì nhiệt độ không khí có thể hạ rất thấp ảnh hưởng đến sức khỏe. Những ngày trời nắng nhớ đội mũ, khi ra đường nên bôi kem chống nắng để trách tác hại của các tia nắng ban ngày.
- Khi đang đi ngoài đường, tuyệt đối không trú mưa dưới cây to, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt… vì có thể bị sét đánh.
- Khi có dịch bệnh tại nơi ở, hãy tự bảo vệ mình bằng cách cập nhập thông tin và làm theo các hướng dẫn phòng bệnh.
Tích cực tham gia các hành động giảm thiểu tác động BĐKH cho cộng đồng bằng cách giảm dấu chân sinh thái cacbon qua các hành động:
- Thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm và mua sắm, đi du lịch
- Thay đổi hành vi thải bỏ rác (4R)
- Thay đổi hành vi giao thông
- Thay đổi hành vi sử dụng năng lượng
- Chung tay bảo vệ môi trường
- Tuyên truyền, phổ rộng thông tin về BĐKH cho cộng đồng.
Tăng chống chịu và giảm dễ tổn thương cho vùng ven biển, người nghèo, phụ nữ, trẻ em:
- Vai trò của Giám Mục, Cha xứ?
Con xin để dành để Quý Cha tự suy ngẫm và đưa ra trong các ngày tới.
- Vai trò Caritas?
Đã thực hiện cứu trợ thiên tai, phòng chống thiên tai, sinh kế người nghèo, cấp nước sạch…
Caritas Việt Nam thiết lập dự án Phòng ngừa và Phục hồi thiên tai tại khu vực miền Trung VN (gồm 7 giáo phận, từ Quy Nhơn đến Hưng Hóa): Di dời những nhà cửa sống ở nơi thường xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở lên những khu đât cao, an toàn. Lập đội cứu hộ tại các giáo xứ,…
Triển khai một số cuộc hội thảo và tập huấn liên quan đến vấn đề thiên tai và BĐKH ở miền Bắc và miền Trung VN. Các khóa tập huấn, giúp dân chúng hiểu biết hơn, biết cách phòng ngừa để giảm thiểu tối đa những thiệt hại.
- Vai trò của Giáo hội?
Đẩy mạnh việc trình bày và giáo dục cho tín hữu hiểu hơn về tông huấn Laudato Si, và khía cạnh thần học của vấn đề BĐKH và BVMT.
Triển khai 3 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng cho 3 khu vực trọng điểm bao gồm: khu vực thiên tai, khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Giáo hội Việt Nam trong thời gian trước chưa quan tâm nhiều đến biến đổi khí hậu (BĐKH) và các ảnh hưởng của chúng. Chưa có các phối hợp với chính quyền trong công tác này. Tuy nhiên cách tiếp cận của Tôn giáo đối với BĐKH khác với cách của các tiếp cận khác. Cách tiếp cận của công giáo đối với bảo vệ môi trường và BĐKH là cách tiếp cận của đức tin (theo tình thần Laudato Si) và việc gây ý thức trong dân chúng/giáo dân sâu rộng và hiệu quả hơn và bền vững.
Trong những năm gần đây, với sự soi sáng của đức tin và dẫn dắt của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, cộng đồng công giáo có nhiều thay đổi tích cực trong quan điểm bảo vệ môi trường, phòng ngừa và thích ứng BĐKH theo phương châm: Xây dựng hàng chuỗi các hoạt động, nỗ lực và quá trình nhằm thay đổi các hành vi xấu gây ảnh hưởng đến môi trường của giáo dân và xây dựng phương cách sống mới của người công giáo ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn đối với bảo vệ môi trường và các giá trị thiên nhiên trong niềm tin vào Thiên Chúa. Người công giáo sống hài hòa với đức tin, với anh em, và với thiên nhiên.
Dự án gây ý thức và thay đổi hành vi trứơc hiện tượng Biến đổi Khí hậu được triển khai tại tổng giáo phận Sài Gòn. Tại một số giáo xứ đã thành lập được nhiều “Nhóm thu gom ve chai”, rác sạch, bán đi, dùng tiền để giúp người nghèo; “Nhóm giáo họ không rác”...
Hộp 1 – Ví dụ giáo họ không rác |
Đến nay các tuyến hẻm luôn luôn khang trang sạch sẽ và thông thoáng. |
Chuẩn bị phát động 4 chương trình dự kiến trong giáo dân địa phận Sài gòn:
- Ô nhiễm, rác rưởi và văn hóa thải bỏ
- Tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước
- Tiết kiệm năng lượng
- Tiêu dùng xanh
Thông điệp cuối cùngxin gửi đến trong bài thuyết trình hôm nay là:
Hãy chung tay bảo vệ môi trường, giảm nhẹ tác động của Biến đối khí hậu! Không chỉ 1 người mà hàng tỷ người cùng thay đổi và tham gia cho thế hệ hôm nay và mãi về sau…
*** Tài liệu tham khảo:
- Bài giảng Biến đổi khí hậu (cập nhật 10/2014). Khoa Môi trường – Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Tài liệu lưu hành nội bộ
- Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tài liệu hướng dẫn dạy và học về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ban hành theo quyết định 1612/QĐ-BGDĐT ngày 27/04/2012 về việc phê duyệt bộ tài liệu tham khảo về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
- Climate change 2014: Impacts, Adaptation and Vulnerability https://www.youtube.com/watch?v=S7jpMG5DS4Q
- Đánh giá và phân tích tác động của các kịch bản nước biển dâng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp ứng phó. Bảo Thạnh. Phân viện khí tượng thủy văn và môi trường phí nam. 2012.
- Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng (2013). Các kiên thức cơ bản về tác động Biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng trong xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Sóc Trăng.
- GRET Việt Nam (08/2012). Sổ tay hướng dẫn thực hành Tập huấn và truyền thông môi trường & Biến đổi khí hậu tại cộng đồng. Tài liệu được biên soạn bởi Dự án SYNERGIES (Hỗ trợ mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự địa phương nâng cao năng lực cộng đồng để lồng ghép môi trường vào các chương trình phát triển kinh tế -xã hội).
- Laodato Si’ – Bản dịch của Ủy Ban Bác Ái xã hội
- Lê Anh Tuấn. Bài giảng khóa tập huấn Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu qua thông điệp Laudato Si’ (03 - 06/05/2016).
- Nguyễn Thị Vân Hà. Bài giảng khóa tập huấn Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu qua thông điệp Laudato Si’ (03 - 06/05/2016).
- Project report of the Mekong Delta Integrated Climate Resilience and sustainable livelihood. WB, 2014
- Report 1. Climate change and economic policies in APEC Economics. Systhesis report. WB.
- The impacts of climate change https://www.youtube.com/watch?v=lhkgmKXOM1A
- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto - Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (12/2003). Thông báo quốc gia lần thứ nhất cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu .
- What you can do about climate change https://www.youtube.com/watch?v=VTfgNFz1DBM.
[1] Ngân hàng thế giới, 2012, Báo cáo 1. Biến đổi khí hậu và chính sách kinh tế trong kinh tế APEC – Báo cáo Tổng hợp.
[2] VietnamNet - 25/03/2014. Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của chúng đến Việt Nam.
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/trung-quoc-tuyen-bo-xa-nuoc-xuong-ha-luu-song-mekong-3370533.html (2016).
[4] Quay cuồng trong đỉnh hạn. Báo Lao động (11.4.2016).
[5] Tiềm năng nóng lên toàn cầu (Global Warming Potential) của CH4 là 34 lần so với CO2; của N2O là 298 lần; của CFC là 5350 lần (IPCC AR5, 2013).
[6] Bức xạ cưỡng bức (radiative forcing capacity (RF)) là lượng năng lượng được hấp thụ bởi khí nhà kính trên 1 đơn vị diện tích và 1 đơn vị thời gian thay vì thoát vào không gian.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 1 tháng chín: Ngày tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa
-
Sinh vật và vấn đề đạo đức môi sinh | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Môi trường nước | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Lời Kinh Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo -
Hành Tinh Xanh - Tương Lai Sáng | Chung Tay Bảo Vệ Môi Trường -
5 điều cần để chăm sóc Ngôi Nhà Chung -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Điện Hạt Nhân và Tôn Giáo tại Nhật -
Hiệp hành chăm sóc môi sinh -
Chăm sóc môi sinh theo giáo lý nhà Phật
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Tương quan giữa con người với môi trường -
Gia đình bảo vệ Môi trường -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu - Văn bản Cam kết -
Caritas Việt Nam: Đi xe đạp vì môi trường