Ngày 1 tháng chín: Ngày tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa
Nhân dịp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Tạo dựng, Vatican News, cùng với nhật báo Osservatore Romano, xuất bản bài xã luận của Đức cha Allwyn D’Silva, Chủ tịch Văn phòng Phát triển Con người của Liên đoàn Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC).
Mgr Allwyn D’Silva*
Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Tạo dựng diễn ra hàng năm vào ngày 1 tháng Chín. Được thúc đẩy bởi truyền thống phong phú của Giáo hội Đông phương, mà đối với họ ngày này kỷ niệm việc Tạo dựng thế giới, đây vừa là thời gian để tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa vừa là thời gian để suy nghĩ về cách chúng ta quản lý món quà vĩ đại của Công trình Tạo dựng.
Đó là nền tảng đức tin của chúng ta. Thực ra, Thánh Kinh bắt đầu với mầu nhiệm vĩ đại về Công trình Tạo dựng. Đấng Tạo Hóa đã tạo nên sự sống từ trái đất “chưa có hình dạng và trống rỗng”, một hư vô vĩ đại không có ánh sáng hay sự sống (Stk 1, 2). Quyết định của Đấng Tạo Hóa thắp lên một tia lửa giữa bóng tối này là một quyết định rộng lượng vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Mọi thứ xung quanh chúng ta, từ bàn tay của một người thân yêu cho đến những bông hoa trên cánh đồng, đều nảy sinh từ hành động yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta: “Toàn bộ vũ trụ vật chất là ngôn ngữ của tình yêu Thiên Chúa” (Laudato Si’, 84).
Công trình Tạo dựng không bị bỏ mặc cho chính nó. Chúng ta, những người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, đã được chỉ định làm người giữ gìn nó. Chúng ta là những người được ký thác, được mời “cày cấy và canh giữ” khu vườn (Stk 2, 15). Như Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã nhắc nhở chúng ta: “Trái đất là một món quà quý giá của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã thiết lập việc tổ chức nội tại của nó, từ đó ban cho chúng ta những hướng dẫn để tuân theo với tư cách là những người quản lý công trình tạo dựng của Ngài”.
Khi cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Tạo dựng, chúng ta tự hỏi: chúng ta đã sống xứng đáng với vai trò mà chúng ta đã lãnh nhận từ Đấng Tạo Hóa chưa? Câu trả lời rõ ràng và bi thảm: không. Thành phố quê hương của tôi, Mumbai, là một ví dụ điển hình về hậu quả của sự thất bại trong việc bảo vệ Công trình Tạo dựng của Thiên Chúa.
Mumbai là một siêu đô thị với gần 21 triệu người, nằm giữa núi và biển. Nó thường xuyên phải hứng chịu gió mùa, lốc xoáy và nhiệt độ cực cao. Trong quá khứ, người dân Mumbai đã đối mặt với những thách thức này. Dù khó khăn, nhưng họ đã học cách chuẩn bị cho mưa bão và bảo vệ mình khỏi thời tiết nóng.
Nhưng khí hậu Trái đất đang thay đổi và các nhà lập pháp không theo kịp nhịp độ. Những bài học kinh nghiệm trong quá khứ không còn có ích cho người dân Mumbai nữa.
Thay vào đó, nhiệt độ cực cao đang gia tăng. Kể từ đầu năm, thủ đô Mumbai đã ghi nhận nhiều ngày nắng nóng từ 39 đến 43 độ. Ngay cả buổi chiều và ban đêm giờ đây cũng ít có thời gian nghỉ ngơi hơn, điều này đặc biệt khó khăn đối với người nghèo, những người không có điều kiện tiếp cận với hệ thống làm mát.
Gió mùa khắc nghiệt và sự phát triển không kiểm soát của các khu định cư không chính thức trên sườn núi dẫn đến lở đất chết người. Đồng thời, các cơn bão đến từ biển và, với sự biến mất của rừng ngập mặn vốn làm chậm lại và suy giảm sức mạnh của chúng, người dân ven biển có nguy cơ bị mất nhà cửa.
Tôi đã làm việc ở hai khu ổ chuột ở Mumbai, Jerimeri và Dharavi, trong 21 năm. Tôi có thể chứng thực sự kiện rằng người nghèo cảm thấy những vấn đề này mãnh liệt hơn nhiều. Các gia đình ở những khu phố này đã phải đối mặt với việc thiếu cơ hội tiếp cận với giáo dục, cơ sở hạ tầng và việc làm tốt. Đơn giản là họ không có khả năng ở lại nhà họ khi thời tiết nắng nóng nguy hiểm hoặc thay đổi nhà khi bão và lở đất đe dọa.
Việc buộc những gia đình này phải đối mặt với thảm họa khí hậu hơn tất cả phần còn lại là một sự thất bại về mặt đạo đức ở mức cao nhất. Cộng đồng khoa học tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng hành động của con người đã gây ra những thay đổi về khí hậu. Tôi không thể tưởng tượng được rằng đây là điều mà Đấng Tạo Hóa đã muốn chúng ta làm với tư cách là người canh giữ Công trình Tạo dựng.
Việc cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Tạo dựng hằng năm mang đến cho chúng ta một cơ hội tuyệt vời. Đây là thời gian để chúng ta suy nghĩ về quyết định đầy yêu thương của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và xem xét lại cách chúng ta sống vai trò của chúng ta với tư cách là người canh giữ Công trình Tạo dựng.
Ngày cầu nguyện này mở ra Thời gian cho Công trình Tạo dựng vốn kéo dài một tháng. Vào ngày 1 tháng Chín và trong suốt thời gian này, chúng ta hãy cầu nguyện với Đấng Tạo Hóa và cùng nhau hành động để chăm sóc món quà thánh thiêng của Công trình Tạo dựng.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
———————————-
* Đức cha Allwyn D’Silva là chủ tịch văn phòng phát triển con người của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC).
bài liên quan mới nhất
- Sinh vật và vấn đề đạo đức môi sinh | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024
-
Môi trường nước | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Lời Kinh Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo -
Hành Tinh Xanh - Tương Lai Sáng | Chung Tay Bảo Vệ Môi Trường -
5 điều cần để chăm sóc Ngôi Nhà Chung -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Điện Hạt Nhân và Tôn Giáo tại Nhật -
Hiệp hành chăm sóc môi sinh -
Chăm sóc môi sinh theo giáo lý nhà Phật -
Chữa lành tâm hồn nếu muốn chữa lành môi trường
bài liên quan đọc nhiều
- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Tương quan giữa con người với môi trường -
Nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống -
Gia đình bảo vệ Môi trường -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Đào tạo Chủng sinh châu Á: Hội thảo về Biến đổi Khí hậu -
Một tuyệt tác vật thể của Thiên Chúa