Các Hội đồng và Hội nghị Giám mục kêu gọi hoán cải sinh thái
TGPSG/Vatican News -- Các Hội đồng và Hội nghị Giám mục tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh (SECAM, CELAM và FABC), cùng với Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, đã công bố một tài liệu kêu gọi thực hiện công lý khí hậu và hoán cải sinh thái, hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP30 - sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Brazil.
Các Hội đồng và Hội nghị Giám mục vùng miền tại châu Á, châu Phi, cũng như Trung và Nam Mỹ, phối hợp với Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, đã cùng nhau lên tiếng kêu gọi công lý khí hậu và hoán cải sinh thái trên toàn thế giới.
Hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc - COP30 - sẽ diễn ra tại Belém, Brazil, từ ngày 10 đến 21-11-2025, các tổ chức này đã công bố một tài liệu chung mang tựa đề: “Lời kêu gọi công lý khí hậu và ngôi nhà chung: hoán cải sinh thái, biến đổi và chống lại những giải pháp giả tạo”. Tài liệu được giới thiệu vào hôm nay, ngày 1-7-2025, trong buổi họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.
Tài liệu cũng đã được trình lên Đức Giáo hoàng Lêô XIV trong cùng ngày.
Tài liệu tái khẳng định cam kết của Giáo hội đối với công lý khí hậu và kêu gọi các quốc gia cùng các chính phủ hành động, do được thôi thúc từ lời mời gọi của Đức Thánh Cha cổ võ một nền sinh thái toàn diện, phù hợp với tinh thần thông điệp Laudato Si’ của Đức Phanxicô, nhân kỷ niệm 10 năm ban hành trong năm nay.
Lời kêu gọi lương tâm
“Sứ điệp hôm nay của chúng tôi không mang tính ngoại giao; nó hoàn toàn mang chiều kích mục vụ. Đó là một lời kêu gọi lương tâm, trước một hệ thống đang đe dọa nuốt chửng công trình tạo dựng, như thể hành tinh này chỉ là một món hàng hóa khác,” Đức Hồng y Filipe Neri Ferrão, Tổng Giám mục Goa và Damao (Ấn Độ), Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) phát biểu.
Cùng hiện diện với ngài trong buổi họp báo có Đức Hồng y Jaime Spengler, Tổng Giám mục Porto Alegre (Brazil), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) và Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và Caribê (CELAM); Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo), Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM); và bà Emlice Cuda, Tổng Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh.
Bà Cuda phát biểu: “Là các tông đồ truyền giáo của một Giáo hội hiệp hành đang lên đường, chúng tôi sẽ đến COP30 để xây dựng hòa bình giữa cuộc chiến từng mảnh chống lại công trình tạo dựng - nơi mà nhiều người đang chết mòn và sẽ còn chết nhiều hơn nữa nếu chúng ta không hành động ngay.”
“Chúng tôi làm điều này vì, như Đức Giáo hoàng Lêô XIV nói, Giáo hội ‘luôn tìm cách ở cận kề, nhất là với những ai đang đau khổ’.”
Từ rừng Amazon đến châu Phi, Giáo hội cất tiếng nói
Phát biểu với tư cách đại diện châu Mỹ Latinh, Đức Hồng y Spengler nói: “Tôi đang cất lên một tiếng nói - không chỉ của riêng tôi - mà là của các dân tộc vùng Amazon, của các vị tử đạo vì đất đai - có thể nói là vì khí hậu, và của các cộng đoàn ven sông, người bản địa, người gốc Phi, nông dân và cư dân thành thị.”
“Chúng ta cần khẩn cấp nhận thức rằng: cần phải thay đổi lối sống, phương thức sản xuất và tiêu dùng.”
Ngài lên án việc che giấu lợi ích kinh tế dưới những cái tên mỹ miều như ‘chủ nghĩa tư bản xanh’ hay ‘nền kinh tế chuyển đổi’ - những mô hình chỉ đổi tên mà không thay đổi bản chất. Ngài nhấn mạnh, Giáo hội phản đối các cơ chế như việc ‘biến thiên nhiên thành công cụ đầu tư tài chính’ - nơi mà rừng, nước, khí hậu bị định giá như hàng hóa mua bán trên thị trường.”
Tương tự, Đức Hồng y Ambongo phát biểu “nhân danh các Giáo hội tại châu Phi” - lục địa đã “bị bần cùng hóa bởi hàng thế kỷ bóc lột tài nguyên, nô lệ và khai thác.”
Ngài nhấn mạnh rằng cuộc chạy đua khai thác khoáng sản chính là “nguồn cội cho sự gia tăng của các nhóm vũ trang” và kêu gọi một “nền kinh tế không dựa trên sự hy sinh của người dân châu Phi để làm giàu cho kẻ khác.”
Ngài khẳng định: “Châu Phi mong muốn góp phần vào một tương lai công bằng và hòa bình cho toàn nhân loại. Chúng tôi nói: Đủ rồi - đủ với những giải pháp giả tạo, đủ với những quyết định được đưa ra mà không lắng nghe những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu.”
Từ góc nhìn của châu Á, Đức Hồng y Ferrão cho biết: “Hàng triệu người đã và đang sống trong những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu: bão tố, di cư cưỡng bức, mất đảo, ô nhiễm sông ngòi.” Trong khi đó, “những giải pháp giả tạo lại đang gia tăng: các siêu công trình hạ tầng, việc di dời vì năng lượng ‘sạch’ mà không tôn trọng phẩm giá con người, và những hoạt động khai thác vô nhân đạo, không tôn trọng môi sinh hay con người, được biện minh bằng nhu cầu sản xuất ‘pin xanh’ thân thiện với môi trường.”
Ngài nói thêm: “Các quốc gia giàu có cần nhận ra và thanh toán món nợ sinh thái của họ, thay vì tiếp tục khiến các nước phương Nam mắc nợ thêm.” Ngài nhấn mạnh rằng Giáo hội mong muốn cổ võ những lựa chọn thay thế như: những chương trình giáo dục, những đường hướng kinh tế mới, hoặc “sự đồng hành của phụ nữ và các bé gái” thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tác giả: Isabella H. de Carvalho
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News
bài liên quan mới nhất

- Laudato si’: Ý nghĩa đích thực của sinh thái toàn diện
-
Đức Thượng Phụ Bartolomeo I nhận Giải thưởng Laudato si' -
Laudato si’: Dấu ấn sâu đậm của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đàng Thánh Giá cầu nguyện cho việc bảo vệ môi sinh -
Lời kêu gọi hoán cải sinh thái của FABC -
Ngày 1 tháng chín: Ngày tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa -
Sinh vật và vấn đề đạo đức môi sinh | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Môi trường nước | Đạo Đức Môi Sinh | Tuần lễ Giáo lý 2024 -
Lời Kinh Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo -
Hành Tinh Xanh - Tương Lai Sáng | Chung Tay Bảo Vệ Môi Trường
bài liên quan đọc nhiều

- 7 món ăn lành mạnh mà Chúa Giêsu đã dùng
-
Mẹ Thiên Nhiên -
Suy tư về phát biểu của cô bé 12 tuổi tại hội nghị về môi trường: MÔI TRƯỜNG và NGÔI LỜI -
Khủng hoảng môi trường: triệu chứng - nguyên nhân - chữa trị -
Tương quan giữa con người với môi trường -
Nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống -
Ngày 1 tháng chín: Ngày tôn vinh quyết định tạo dựng của Thiên Chúa -
Gia đình bảo vệ Môi trường -
Đạo đức môi sinh: Tham luận của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm -
Một tuyệt tác vật thể của Thiên Chúa