Tương quan giữa con người với môi trường

Tương quan giữa con người với môi trường

Sáng Thế, quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh Kitô giáo, đã diễn tả mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên qua những hình ảnh và biểu trưng sống động: Thiên nhiên là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và là ân huệ Người ban cho con người. Chính Người đã tạo dựng vạn sự từ hư vô và khi nhìn lại từng tạo vật “Người đều thấy nó tốt đẹp” (x. St 1,4…). Do đó, thiên nhiên không những không phải là sức mạnh thù địch ghê gớm, mà còn là “cách thế biểu lộ chương trình yêu thương và sự thật” (1) của Thiên Chúa đối với loài người.

Thật vậy, đối với Đức Bênêđictô XVI, “thiên nhiên xuất hiện trước con người và được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta làm không gian sống. Thiên nhiên nói với chúng ta về Đấng Tạo Hóa (x. Rm 1,20) cũng như về tình Người yêu thương nhân loại (…). Bởi thế, thiên nhiên cũng là một “ơn gọi”. Thiên nhiên được đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta không phải như “một đống phế thải bừa bãi”, mà là một tặng vật của Tạo Hóa, Đấng đã quy định cho chúng những cơ cấu nội tại để con người có thể khám phá ra những định hướng phải tuân thủ nhằm “bảo vệ và canh tác” chúng” (2).

Trong viễn cảnh đó, mọi chương trình phát triển đều phải duy trì mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên và “sự phát triển toàn diện của con người luôn nối kết chặt chẽ với những nghĩa vụ phát xuất từ mối tương quan của con người với môi trường tự nhiên” (3). Dưới cái nhìn của Giáo huấn xã hội, “mối tương quan của con người với thế giới là một yếu tố cấu thành căn tính của con người. Đây là thành quả của mối tương quan sâu xa hơn nối kết con người với Thiên Chúa” (4). Từ căn bản đó, thông điệp “Tình yêu trong chân lý” đưa ra một kết luận quan trọng: “Cách thức con người đối xử với môi trường ảnh hưởng đến cách thức con người đối xử với chính mình và ngược lại” (5).

Chính vì thế, Kitô giáo phản đối chủ trương “kỹ thuật hóa toàn diện” vũ trụ, bởi vì “môi trường thiên nhiên không chỉ là vật chất mà chúng ta có quyền sắp xếp theo sở thích, mà còn là công trình kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa. Nó mang trong mình một “quy luật” chỉ dẫn mục đích và tiêu chuẩn cần phải sử dụng một cách khôn ngoan, chứ không thể khai thác một cách độc đoán”. Nhưng, ngược lại, Giáo Hội cũng không thể chấp nhận chủ trương “duy thiên nhiên”, đặt vạn vật trên con người, bởi vì “quan điểm này dẫn đến thái độ tân ngoại giáo hay tân phiếm thần: ơn cứu độ mà con người lãnh nhận không thể nào chỉ phát xuất từ thiên nhiên, được hiểu theo nghĩa thuần túy tự nhiên” (6)

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn đề cao vai trò trung tâm của con người trong vũ trụ và phủ nhận cái “hào quang thần thánh” mà một số tôn giáo đã phủ lên vũ trụ vạn vật. Theo Kinh Thánh, ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm quản trị toàn thể vạn vật để giúp chúng sinh sôi nẩy nở và phát triển hài hòa (x. St 1,26-30). Nhờ chủ trương “giải thoại” này, nhân loại mạnh dạn khám phá và chế ngự thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học hình thành và phát triển. Với ý thức sâu xa về phẩm giá đặc biệt của mình -vì được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên Chúa” và vì được cộng tác với Người trong công trình quản trị vũ trụ- và hơn nữa nhờ sự tiếp tay của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng mở rộng chủ quyền của mình trên toàn thể vũ trụ.

Theo Công đồng Vatican II, nhờ lý trí và nhờ khoa học kỹ thuật, con người đã đạt được những kết quả phi thường trong việc khám phá cũng như chế ngự thế giới vật chất: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng, để rồi, khi nhìn nhận Thiên Chúa như Tạo Hóa của mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục vạn sự thì danh của Thiên Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (7). Nhìn từ góc độ đó, tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và tất cả mọi cố gắng của con người để cải thiện thế giới không những không chống đối quyền năng của Thiên Chúa, mà còn nối tiếp công trình tạo dựng của Người. Thậm chí, chúng ta phải coi “khoa học và kỹ thuật là một sản phẩm kỳ diệu của óc sáng tạo mà Thiên Chúa đã ban cho con người” (8).

Giáo huấn xã hội Công giáo đánh giá cao những đóng góp của khoa học – kỹ thuật trong các lãnh vực của cuộc sống như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, thông tin, giáo dục… Hôm nay, mọi người đều công nhận việc áp dụng đúng đắn khoa học kỹ thuật là “một công cụ vô giá để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng, trước tiên là vấn đề nghèo đói và bệnh tật, bằng cách sản xuất những loại dược thảo cao cấp và mạnh mẽ hơn, cũng như các dược phẩm có giá trị” (9).

Nhưng thách đố lớn lao nhất của thời đại chúng ta nằm ở chỗ làm sao khi sử dụng khoa học – kỹ thuật tân tiến vào việc thám hiểm và khai thác thiên nhiên, con người biết tuân thủ những quy tắc đạo đức, bảo vệ môi trường và các sinh vật khác. Vấn đề không do bản chất của khoa học – kỹ thuật, mà nằm ở tiêu chuẩn và định hướng mà con người sử dụng để chọn lựa công nghệ và giải pháp kỹ thuật cụ thể cho mỗi trường hợp. Chính vì vậy, Giáo Hội luôn yêu cầu các nhà khoa học biết sử dụng một cách tốt nhất các nghiên cứu khoa học và khả năng kỹ thuật để phục vụ nhân loại. Ngỏ lời với công nhân của Olivetti tại Ivrea, (Bắc Ý), Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến nghĩa vụ “cần phải tận dụng nghiên cứu khoa học và khả năng kỹ thuật một cách trung thực để phục vụ nhân loại” (10).

Rất tiếc trong mấy thế kỷ vừa qua con người không những không tôn trọng những quy tắc nền tảng nói trên, mà trái lại đã khai thác thiên nhiên một cách tùy tiện, ích kỷ và tàn bạo. Kết quả bi thảm là đã phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa con người với môi trường sinh thái và đẩy trái đất đến bờ vực thẳm của diệt vong! Càng cố gắng chinh phục trái đất và chế ngự nó theo quan điểm duy kỹ thuật, con người càng ô nhiễm hóa vũ trụ và tạo nên những gánh quá nặng cho môi trường. Thay vì cộng tác với Tạo Hóa để giúp thiên nhiên phát triển hài hòa, phải chăng con người đã “hành hạ” và “bức tử” thiên nhiên, do đó đang bị thiên nhiên phản lại?

—————————————————————

(*) Bài viết trích trong cuốn “Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo” của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, NXB Phương Đông, 2010

(1) Bênêđictô XVI, Tình yêu trong chân lý, số 48.

(2) Ibidem.

(3) Bênêđictô XVI, Sứ điệp ngày thế giới hòa bình lần thứ 43 (2010), số 2.

(4Tóm lược Học thuyết xã hội…, số 452.

(5) Tình yêu trong chân lý, số 51.

(6) Ibidem, số 48.

(7) Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 34.

(8) Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học và đại diện Đại học Liên Hiệp Quốc tại Hiroshima, ngày 25.02.1981.

(9) Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc trước tham dự viên Hội nghị do Học viện Khoa học Quốc gia tổ chức, ngày 21.9.1982.

(10Diễn văn ngày 19.3.1990.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top