Kỹ năng truyền đạt trong đời sống gia đình

Kỹ năng truyền đạt trong đời sống gia đình

WGPSG -- “Đối với thế giới này, bạn không là gì cả. Nhưng bạn là cả một thế giới đối với một ai đó”.

Người đó có thể là cha mẹ, bạn bè, người thân; có thể là chính chồng, vợ hoặc con của bạn. Và mong muốn của bạn là làm cho họ thật hạnh phúc. Để làm được điều đó, mong muốn thôi chưa đủ, bạn phải thực hiện nó một cách trọn vẹn. Do đó, “Kỹ năng truyền đạt trong đời sống gia đình” là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công và hạnh phúc trong việc thực hiện mong muốn này.

Nhằm giúp mọi người có thêm kiến thức và những kỹ năng cần thiết, vào lúc 14g30 chiều thứ Bảy ngày 4/5/2013, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục đã tổ chức chuyên đề “Kỹ năng truyền đạt trong đời sống gia đình” với sự chia sẻ của Mục sư Đoàn Trung Tín - Hội Truyền Giảng Phúc Âm Việt Nam - cùng sự hiện diện của hơn 100 tham dự viên mà phần lớn là các cặp vợ chồng và những người sắp bước vào đời sống gia đình tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM.

Với mái tóc bạc, khuôn mặt phúc hậu, cùng ánh mắt trìu mến của một người cha, một người anh, một người bạn, diễn giả như đã gắn kết được sự thân tình, gần gũi với cộng đoàn.

Chuyện tình đầu tiên

Mở đầu buổi nói chuyện, mục sư giới thiệu với mọi người về cuộc hôn nhân đầu tiên của loài người trong sách Sáng Thế:

Khi Adam cô đơn, Chúa không ban cho ông một người bạn, nhưng ban cho ông một người vợ (x. St 2,22).

Cuộc hôn nhân này vừa có niềm vui, hạnh phúc của thuở ban đầu, vừa có những nan đề mà con người ngày nay cũng gặp phải: những bất hòa, cãi vã, xung đột, chia rẽ, thù địch…

Đi tìm nguyên nhân cho vấn nạn này, có thể thấy mấu chốt chính là sự truyền thông giữ 2 người không đạt hiệu quả. Qua đó, dẫn đến những đổ vỡ.

Vậy phải làm thế nào để sự truyền thông đạt được hiệu quả?

Một vài ghi nhớ được mục sư nhấn mạnh:

Ghi nhớ 1: Bạn phải trở nên vợ chồng đúng nghĩa:

- Thay đổi chính mình: Thành công trong hôn nhân không phải là tìm được đúng người nhưng là khả năng tự điều chỉnh con người thật của cả vợ lẫn chồng khi quyết định lấy nhau.

- Yêu nhau như thuở đầu tiên:

1. Luôn là bạn của nhau: Tâm tình, chia sẻ và tránh tranh luận: “Tranh luận là cuộc cãi lộn của hai người điếc”

2. Luôn là người yêu của nhau: Bạn phải đáp ứng những ngôn ngữ tình yêu của đối tượng. Nếu vợ chồng tiếp tục những sinh hoạt đã đưa họ đến với nhau thì họ sẽ hạnh phúc.

3. 5 ngôn ngữ tình yêu:

a. Lời khẳng định: “Anh yêu em, em yêu anh”

b. Thời gian chất lượng

c. Quà tặng

d. Hành động phục vụ

e. Truyền cảm bằng xúc giác

4. Luôn là vợ chồng đúng nghĩa của nhau: Các sinh hoạt vợ chồng như sự chăm sóc, bao dung, tha thứ, nhẫn nhục, chân thật, lãng mạn… cần phải được duy trì và thực hiện.

Ghi nhớ 2: Bạn phải học và thực hành những kỹ năng truyền thông

- Kỹ năng nghe (85% thông điệp)

1. Các loại nghe:

a. Nghe giả tạo: Giả bộ lắng nghe nhưng thực sự chẳng nghe gì cả mà đang nghĩ đến chuyện khác.

b. Nghe phòng thủ: Không muốn nghe những lời có tính đe dọa.

c. Nghe hời hợt: Nghe có lựa chọn: Chỉ tập trung nghe đủ để tiếp tục nói chuyện, nhưng không nghe đủ để thực sự hiểu người phối ngẫu của mình.

d. Nghe thụ động: Nghe hết thông điệp nhưng không chú tâm.

e. Nghe có lựa chọn: Chỉ lắng nghe những gì muốn nghe, chờ đợi người phối ngẫu lý luận yếu thì sẽ hạ gục đối thủ.

2. Lắng nghe: là sự tiếp thu tất cả những thông điệp với thái độ thích thú để mang đến sự truyền thông với đối tượng.

- Kỹ năng nói (15% thông điệp)

1. Các loại nói

a. Nói cô lập: Không muốn truyền thông, gây hụt hẫng, xa cách.

b. Nói trả đũa: Phá hủy sự truyền thông và sỉ nhục người khác.

c. Nói chi phối: Gây khó chịu, phá vỡ truyền thông và có ý đe dọa.

d. Nói hợp tác: Phát triển sự truyền thông và khích lệ lẫn nhau.

2. 7 nguyên tắc nói hiệu quả

a. Bạn là ai?

b. Bạn nói với ai?

c. Bạn nói ở đâu?

d. Bạn nói khi nào?

e. Vì sao bạn nói?

f. Bạn nói điều gì?

g. Bạn nói như thế nào?

3. 16 điều cần nhớ khi cãi vã:

- Tấn công vào nan đề chứ không tấn công vào con người.

- Cùng làm chuyện chung vì lợi ích.

- Không ai đúng, không ai sai, chỉ bày tỏ quan điểm.

- Quyền tự do.

- Bắt đầu ngừng bắn cảm xúc.

- Giọng nói trầm, yếu.

- Mục tiêu xây dựng (không nói thì viết, không nên im lặng).

- Nói đúng nơi, đúng lúc.

- Không dùng đạn sát thương.

- Cần nghe đầy đủ và hiểu đúng.

- Cụ thể hóa những hành động cách thận trọng.

- Thái độ cho và nhận.

- Lắng nghe – lắng lòng – trò chuyện.

- Kết thúc xung đột, không nhắc lại.

- Tha thứ - quên.

- Trò chuyện thân mật.

Ghi nhớ 3: Đừng đánh mất sự truyền thông trong gia đình

- Áp dụng thực tế:

1. Dành thời gian để truyền thông, duy trì mối quan hệ, không ép buộc, không trừng phạt nhưng nhằm cung cấp thông tin.

2. Sử dụng kỹ năng nói & nghe hiệu quả: nói đề tài người kia quan tâm, yêu thích.

3. Kích thích việc truyền thông, truyện trò thân mật.

Ghi nhớ 4 (quan trọng nhất): Đừng để tội lỗi vào trong gia đình bạn

- Tình yêu không bao giờ chết. Trong hầu hết các trường hợp, tình yêu chỉ “đang ngủ”. Bạn PHẢI góp sức đánh thức nó.

- Sống Lời Chúa: Chúa đã tha thứ chúng ta thể nào, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như vậy.

Sống yêu thương

Trả lời vắn một vài câu hỏi của khán giả, có thể thấy nhu cầu yêu và được yêu của mỗi người là hoàn toàn chính đáng. Chỉ có điều ngôn ngữ yêu thương của mỗi người lại khác nhau. Có người chỉ cần một lời khẳng định; có người cần sự quan tâm, phục vụ; có người cần quà tặng và cũng có người cần cả 5 ngôn ngữ tình yêu. Nhu cầu là thế, nhưng kết quả đáp ứng thực tế từ đối tác gần như không trọn vẹn.

Phỏng vấn ngắn trong giờ giải lao có một trường hợp: Người vợ gần như không dám đòi hỏi dù chỉ một trong số những nhu cầu cơ bản ấy.

Để trả lời cho câu hỏi này, mục sư dẫn chứng những trường hợp đã từng gặp phải: “Có người chồng đến lúc hấp hối mới thật sự cảm thấy có lỗi và yêu thương vợ”. Như thế, việc quan trọng là người vợ, hoặc người chồng phải yêu thương và cùng với ơn Chúa giúp yêu thương hơn nữa đối tác của mình. Kết quả chắc chắn sẽ được trả công. Có thể người đối tác sẽ hoán cải và yêu thương mình hoặc kết quả có thể là mình trở thành mẫu gương yêu thương cho con cái mình sau này.

Tình yêu đáp trả tình yêu

Buổi chia sẻ của mục sư không chỉ là những lý thuyết, những kỹ năng giúp ứng xử nhưng còn là những kinh nghiệm đúc kết từ cuộc sống 47 năm gắn bó với người vợ, người bạn đời. Cũng có những thăng trầm, cãi vã, ly thân do ngục tù… nhưng hoa trái của tình yêu sẽ còn ghi mãi trong cuộc đời của mục sư như biến cố sau khi ra tù: “Em là người bất tài, em không dạy các con được chu đáo. Anh ra tù rồi, anh thay em dạy các con cho tốt. Còn những việc khác, em lo...”

Và sau buổi chia sẻ này, dù là Công giáo hay Tin lành, dù là người sống độc thân, đi tu hay đã lập gia đình, điều thật sự nối kết mọi người với nhau chỉ còn là tình yêu. Tình yêu cho đi và sẽ được nhận lại. Chính trong tình yêu ấy mà “Người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top