Hội thảo Giáo lý: Từ Đại Hội Dân Chúa đến Công nghị Giáo phận 2011

Hội thảo Giáo lý: Từ Đại Hội Dân Chúa đến Công nghị Giáo phận 2011

WGPSG -- Sáng thứ Bảy ngày 23/7/2011, tại Hội trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (TGP), Ban Mục vụ Giáo Lý TGP tổ chức hội thảo Giáo lý với chủ đề: Từ Đại Hội Dân Chúa 2010 đến Công nghị Giáo phận 11/2011.

Buổi hội thảo do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Mục vụ Giáo lý TGP chủ trì. Đến tham dự hội thảo có Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả - chuyên viên về Kinh Thánh và Phụng vụ, quý linh mục, tu sĩ, đại diện giáo lý viên (GLV) các giáo xứ phụ trách giảng dạy giáo lý: Phổ thông, dự tòng, hôn nhân & gia đình và hoàn cảnh đặc biệt. Tổng số tham dự viên khoảng 250 người.

Sau phần khởi động, linh mục Phêrô khai mạc hội thảo, ngài nói: “Đây là cuộc họp các đại biểu của các giáo xứ, nên buổi hội thảo hôm nay rất quan trọng đối với Ban Mục vụ Giáo lý”.
Chương trình gồm các phần sau:

Phần 1: Tham luận của GLV tại Đại Hội Dân Chúa 2010 (ĐHDC)

Khởi đầu, cha Phêrô đã giới thiệu anh Phanxicô Xaviê Nguyễn Kim Trang, GLV giáo lý dự tòng & hôn nhân, thuộc giáo xứ Hoàng Mai, hạt Xóm Mới và chị Maria Gôretti Trần Diệu Hiền, GLV giáo lý phổ thông, thuộc giáo xứ Lam Sơn, hạt Xóm Mới, là hai trong bốn Đại biểu GLV TGP đã tham dự và trình bày tham luận tại ĐHDC.

Hôm nay, chị Diệu Hiền đã nhắc lại các điểm chính bài tham luận đã trình bày tại ĐHDC. Chị cũng nêu lên được những tâm tư, khát vọng của GLV ngày hôm nay và trình bày cụ thể hơn nội dung bài tham luận. Tuy nhiên chị cũng nhìn nhận, ngoài bài tham luận tại ĐHDC, GLV cần khiêm tốn nhìn nhận những bất toàn trong đời sống của mình, để luôn quảng đại dấn thân phục vụ, đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa.

Sau cùng, cha Phêrô đúc kết lại những đề nghị của GLV TGP trong ĐHDC đã được đưa vào Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa là:

1. Dạy giáo lý không chỉ là nhiệm vụ của GLV, nhưng còn là trách nhiệm của linh mục, tu sĩ và mọi người.
2. Cần có chương trình đào tạo GLV một cách có hệ thống.

Ngoài ra, ngài cũng nhìn nhận thiếu sót khi chưa đưa giáo lý cho người có hoàn cảnh đặc biệt vào trong bài tham luận.

Phần 2: Góp ý cho Công nghị Giáo phận tháng 11/2011

Đi vào phần nội dung đóng góp cho Công nghị 2011, cha Phêrô trình bày sơ nét về hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin, gồm 3 lãnh vực cần quan tâm là văn hóa, giáo dục và tôn giáo. Ngài nhấn mạnh đến Mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện ở 3 chiều kích sau: Hiệp thông với Thiên Chúa - Hiệp thông trong Giáo hội - Hiệp thông trong yêu thương và phục vụ. Sau mỗi nội dung là phần đóng góp của tham dự viên.

Nội dung 1: Hiệp thông với Thiên Chúa.

- Câu hỏi gợi ý: Giáo lý viên quan tâm tâm củng cố và nuôi dưỡng mối hiệp thông của mình cũng như của người học giáo lý với Chúa như thế nào? Giáo lý viên có tạo điều kiện cho họ mở lòng đón nhận và tự do đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa không? Nếu không, cần sửa đổi và canh tân những gì?

Cha Phêrô nhắc nhở, Hội Đồng Giám Mục luôn nhấn mạnh đến việc củng cố đời sống nội tâm của chúng ta.

- Góp ý: Có 6 ý kiến đóng góp, tập trung vào phương pháp dạy giáo lý. Để việc dạy giáo lý đạt hiệu quả cao, GLV phải yêu thương các em, cần thường xuyên gặp gỡ, hiệp thông và cầu nguyện với Chúa, và làm chứng nhân Tin Mừng bằng chính đời sống của mình.

Nội dung 2: Hiệp thông trong Giáo hội.

- Câu hỏi gợi ý: Dạy giáo lý không chỉ là việc riêng của giáo lý viên, mà còn là công việc của toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Làm thế nào để mọi người trong cộng đoàn ý thức được trách nhiệm tham gia vào việc dạy và học giáo lý? Ngược lại, việc dạy giáo lý có mang lại cho người học khả năng sống cộng đoàn, tham gia tích cực vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội không? Nếu không, cần sửa đổi và canh tân những gì?

Cha Phêrô nêu lên ưu việt của giáo dân Việt Nam rất nhiệt tình tham gia gắn bó với giáo xứ, đây là truyền thống quý giá không nên đánh mất.

- Góp ý: Có 7 ý kiến đóng góp, xoay quanh các vấn đề:

Nên sử dụng một chương trình và một bộ giáo lý chung; Nữ giới cần được tôn trọng và tạo điều kiện để thăng tiến; Giới trẻ cần được khuyến khích tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng; Việc giảng dạy giáo lý cho thanh niên cũng cần được quan tâm vì thế có thêm khái niệm “Giáo lý thanh niên”.

Nội dung 3: Hiệp thông trong yêu thương và phục vụ

- Câu hỏi gợi ý: Việc dạy giáo lý có giúp người tín hữu dấn thân cho việc rao giảng Tin Mừng và làm cho họ biết hiện diện với tư cách là Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp, văn hóa và xã hội không? Cụ thể, việc dạy giáo lý có mang lại cho người tín hữu khả năng trả lời cho những đòi hỏi hiện nay và hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các tôn giáo khác không? Nếu không, thì cần sửa đổi và canh tân những gì?

Cha Phêrô đưa ra những gợi ý cơ bản: Loan báo Tin Mừng là hoạt động của toàn Giáo hội, tất cả hoạt động của Giáo hội phải mang tính loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng có tính cách duy nhất và toàn diện. Vì thế, mối liên kết mật thiết giữa việc phục vụ sự sống và phát triển con người toàn diện, không thể tách rời đức tin và sự sống. Dạy giáo lý phải chan hòa với xã hội, phải giúp cho người học giáo lý sống với tính cách là Kitô hữu giữa đời.

- Góp ý: Có 3 góp ý tập trung vào việc GLV phải có kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kế hoạch cụ thể. Phải thể hiện lối sống cộng đồng và có tấm lòng yêu thương.

Kết thúc phần 2, Đức ông Phanxicô Borgia đã đóng góp ý kiến:

- Khi tham gia dạy giáo lý là tham dự vào sứ vụ giáo huấn của Giáo hội. GLV khi dạy giáo lý là loan báo Lời Chúa, là truyền bá vẻ đẹp Tin mừng để lôi cuốn mọi người đến với Thiên Chúa.
- Chúa Giêsu là vị giáo lý viên đầu tiên, là gương mẫu cho các GLV. Vì thế, GLV cần đặt Lời Chúa lên trên hết.
- Gia đình là trường học dạy giáo lý hữu hiệu nhất, thể hiện bằng đời sống của cha mẹ, bằng sự chăm lo việc học giáo lý của con cái, bằng sự liên kết giữa gia đình và Ban Giáo lý của giáo xứ.

Phần 3: Các tiểu ban thảo luận và sinh hoạt riêng

Sau giờ giải lao, bốn tiểu ban giáo lý: Phổ thông, dự tòng, hôn nhân & gia đình, và hoàn cảnh đặc biệt đã tập trung về địa điểm ấn định để sinh hoạt, thảo luận và góp ý cho Công nghị Giáo phận.

Các tiểu ban đã thảo luận sôi nổi, đóng góp thêm nhiều ý kiến bổ ích gửi về Ban Tổ chức, đồng thời cũng hoàn thiện cơ cấu tổ chức cho mỗi tiểu ban.

Phần 4: Kết thúc

Đúng 11g15, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến gặp gỡ GLV, cùng đi với ngài có Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, cha Tổng Đại diện và cha phụ trách Liên Tôn TGP. Đặc biệt, có sự hiện diện của Đức cha Giuse Võ Đức Minh - Giám mục Giáo phận Nha Trang, ngài đã hướng dẫn đoàn gồm 1 Giám mục và 3 linh mục người Thụy Sĩ cũng đến thăm toàn thể tham dự viên.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền báo cáo sơ nét về ngày GLV Việt Nam, là ngày Giáo hội mừng kính Thánh Anrê Phú Yên. Riêng GLV TGP TPHCM đang sinh hoạt với “Tuần lễ Giáo Lý”, và hôm nay là ngày hội thảo của đại diện GLV từ 200 giáo xứ. Cha Phêrô đã giới thiệu từng tiểu ban GLV với đoàn.

Đức cha Giuse Võ Đức Minh giới thiệu thành phần đoàn đến thăm, đặc biệt Đức cha người Thụy Sĩ học cùng lớp với ngài, và năm nay cùng kỷ niệm 40 năm linh mục. Ngài dí dỏm truyền cho các bạn trẻ liều thuốc trẻ mãi không già, đó là: “Lời Chúa không bao giờ già. Ai nuôi dưỡng bằng Lời Chúa không bao giờ già”.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã có lời cám ơn phái đoàn Giám mục và linh mục Thụy Sĩ: “Sau nhiều năm Giáo hội Việt Nam bị cô lập với thế giới bên ngoài, nên ít có sự hiệp thông với Giáo hội Rôma. Thời gian gần đây Giáo hội Việt Nam đã có nhiều điều kiện hiệp thông với Giáo hội toàn cầu, vì thế sự hiện diện của Đức cha với quý cha người Thụy Sĩ mang lại những niềm vui và tình thương của Chúa đến với mọi người, mang lại sinh khí mới cho Giáo hội Việt Nam”.

Đối với anh chị giáo lý viên, ngài nhắn nhủ:

- Đại Hội Dân Chúa 2010 kêu gọi sự đổi mới, vì thế liên hệ với Công nghị 2011 sắp tới, chúng ta hãy mạnh dạn góp ý cho sự đổi mới, dựa theo nội dung Lời Chủ Chăn: “Con đường đổi mới hiện trạng đời sống Giáo hội”.
- Với chủ đề: Tôi chọn Giêsu của “Tuần lễ Giáo Lý”, đã thể hiện sự lựa chọn mật thiết, gần gũi với Chúa Giêsu như là người thầy, người bạn, vì thế GLV phải năng gặp gỡ Chúa Giêsu.
Buổi hội thảo kết thúc trong bầu khí thật sống động, hiệp thông và tràn đầy tình yêu thương. Đức Hồng y, Đức Giám mục và toàn thể tham dự viên cùng hát vang và thể hiện cử điệu bài hát “Thập Giá Tình Yêu”.

Cuối buổi hội thảo, Đức Hồng Y, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và các GLV cùng tham dự bữa cơm huynh đệ, hiệp thông trong gia đình Giáo phận.

Hội nghị kết thúc, hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và thiết thực, góp phần xây dựng Giáo hội ngày càng đổi mới, thăng tiến và hiệp thông như long Chúa mong ước.

Top