Hội Bác ái Phanxicô- Cứu trợ miền trung: Cảm nghĩ sau chuyến cứu trợ miền Trung

Hội Bác ái Phanxicô- Cứu trợ miền trung: Cảm nghĩ sau chuyến cứu trợ miền Trung

Ngày 25 tháng 10 năm 2010, những cộng tác viên của Hội Bác ái Phanxicô gồm hai miền Nam - Bắc cùng nhau tiến về miền Trung thân yêu và đã gặp nhau tại GX Vạn Hạnh - Hà Tĩnh. SàiGòn có các Sr Dòng Nữ Tì Chúa Giêsu Linh Mục, miền Bắc có tôi là một Người được may mắn cùng hội Bác Ái Phanxicô đi cứu trợ nhiều lần. 20g ngày 25.10, chúng tôi được cha Nguyễn Văn Vinh quản Hạt, đồng thời cha cũng là Giám đốc Caritats của Gíao phận Vinh đã kể về cơn bão và hai trận siêu lũ (lụt thế kỷ) một cách kinh hoàng. Khi nói về những người dân bị chết và bị mất nhà cửa, tôi trộm nhìn thấy mắt ngài đã rưng rưng ngấn lệ. Cha đã liệt kê một số nơi bị thiệt hại nặng nề do cơn bão.

Thổ Hoàng được coi như là rốn của lũ. Cha nói cơn bão và trận lũ thứ nhất đổ vào miền Trung ngày mùng 2 tháng 10 vừa qua đã lấy đi tất cả những gì người dân ở đây có: trâu bò, lợn gà, thóc lúa, đồ ăn thức uống, quần áo và cả sách vở của các em học sinh, và cơn lũ cũng không ngần ngại cướp đi hàng trăm ngôi nhà. Trận lũ thứ nhất chưa kịp ổn định thì trận lũ thứ hai lại ập tới vào ngày 16 tháng 10 - không còn gì lấy đi nữa ngoại trừ cướp đi 162 sinh mạng, đó là con số thông kê chưa đầy đủ. Ngài nói một cách rất hài hước nhưng rất thực tế.

Cha lên kế hoạch cho chuyến cứu trợ của Hội Bác Ái vào ngày mai, mọi người đi nghỉ để lấy lại sức cho chuyến đi dài và cũng để có sức cho hai ngày tới.

Sáng ngày 26 lúc 6g30. Sau khi dâng Thánh lễ, ngài đã đồng hành với phái đoàn tiến về những ngôi làng bị hai trận lũ hoành hành trong tháng 10 vừa qua.

Đầu tiên, ngài đưa chúng tôi tới là gia đình của chị Nguyễn Thị Huyền - xóm Vạn Long – xã Can Lộc – huyện Can Lộc - Tỉnh Hà Tĩnh. Chị chết trong một hoàn cảnh rất tội nghiệp: Trong cơn lũ, chị phải chèo thuyền đi lấy thuốc cho chồng đang bệnh nặng, chị đã bị lũ cuốn đi và không bao giờ trở lại, cái chết của chị đã làm mất đi nơi nương tựa của chồng và 4 đứa con thơ. Mỗi người chúng tôi cảm thấy trĩu nặng một nỗi buồn khi nghe biết về hoàn cảnh gia đình anh chị.

Sau khi chia sẻ, phân ưu cùng gia đình của chị, cha Giám đốc Caritats tiếp tục đưa chúng tôi tới thăm gia đình anh Đào Duy Thắng cũng sống tại xóm Vạn long – xã Can Lộc – huyện Can Lộc - Tỉnh Hà Tĩnh. Anh cũng là một nạn nhân chết trong trận lũ lụt. Chị Diễm, vợ của anh kể lại - chồng của chị, anh Đào Duy Thắng đang đi đánh cá để mưu sinh, thấy nước lên nhanh, cơn lũ ập tới anh đã vội cho thuyền vào nhưng không kịp nữa, cơn lũ quá mạnh và nhanh đã cuốn trôi cả thuyền và người, cướp đi số phận của anh. Và để lại một người vợ và 2 con nhỏ. Chúng tôi đến với gia đình anh sau khi anh mất được 10 ngày. Chúng tôi vẫn nhìn thấy chị, người vợ ốm yếu đang ôm di ảnh của anh khóc lóc, than trách số phận.

Sau gia đình của chị, chúng tôi tiếp tục đi tới những gia đình có người thiệt mạng do trận lũ lụ tháng 10. Chúng tôi đến em Trần Văn Hoài. Gia đình em kể lại về cái chết của em mà những người đi trong đoàn ai ai cũng phải rơi lệ. Em Hoài, khi đi học về thấy một người bạn bị nước lũ quấn trôi, em đã lao mình ra để cứu bạn, nhưng cơn lũ hung dữ kia đã cuốn trôi em, cái chết đã đến với em khi mới 18 tuổi. Khi những người dân xung quanh thấy thế, họ chạy vội ra thì nước lũ đã cuốn trôi em rồi. Và người dân chỉ còn kịp cứu được người bạn của em. Thế là cuộc sống của em đã kết thúc. Nhưng tấm lòng quảng đại, hy sinh của em vẫn còn mãi trong lòng những ai đã chứng kiến về việc làm anh hùng của em. Em đã hy sinh mạng sống của mình để bạn được sống. Em mất đi nhưng em đã để lại một tấm gương sáng.

Sau khi chia sẻ với gia đình em, có ông nội và ba mẹ em, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi vào gíao xứ Thổ Hoàng xã Phương Mỹ huyện Hương Khê - Tỉnh Hà Tĩnh. Khi đến đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh mà dù có nghe kể lại, cũng không thể hình dung ra được. Chúng tôi đến với Gx. dù trời vẫn mưa nặng hạt nhưng cha cũng không có nhà vì ngài phải tiếp tục đi cứu trợ những người dân ở nơi đây, không phân biệt tôn giáo và người dân tộc. Cha Vinh vẫn tiếp tục đưa chúng tôi đi vì cha nói rằng vì đây là một vùng rốn lũ, do vậy, một tuần qua cha đã đi vào đây 6 lần để tiếp tế, cứu trợ cho người dân ở đây, nhưng như cát bỏ biển. Họ đã mất hết nhà cửa, họ không còn chỗ ở. Những bãi đất nhô cao cha chỉ cho chúng tôi, đó là những ngôi nhà giờ chỉ là một bãi đất bình địa. Người dân bây giờ họ tá túc trong nhà thờ, nhà thờ nhờ được xây dựng trên cao, nên nước lũ chưa dâng tới. Không phân biệt lương giáo, ai ai cũng có thể về đây để trú tạm, một số gia đình lại chọn ở những gốc cây to còn lại sau cơn lũ, một số người khác lại chọn sống ở chân núi. Và ngày ngày, người dân ở nơi đây chỉ biết chờ hàng cứu trợ của quý ân nhân, những tấm lòng quảng đại chia sẻ “Một miếng kho đói bằng một gói khi no”.

Sau khi chia sẻ với những người dân ở đây, chúng tôi lại bắt đầu lên xe tiếp tục đến những người dân thuộc Gx. Ninh Cường và giáo họ Gia Phổ xã Gia Phổ, huyện Hương khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cha Vinh giới thiệu, đây cũng là vùng trọng tâm của lũ nhưng ở nơi đây không có thiệt hại về người mà về vật chất. Giờ đây, không còn gì ngoài những đống cây của những ngôi nhà bị lũ đánh sập. Tất cả nhà cửa và ruộng vườn hoa màu đã bị chìm trong nước hết. Họ chỉ còn biết trông mong vào sự cứu trợ của quý ân nhân, những tấm lòng quảng đại của mà thôi.

Những hạt gạo, những gói mì, những chai nước uống, mùng mền và quần áo chia sẻ trong lúc này thật là quý giá. Khi gặp họan nạn họ mới cảm nhận thật thấm thía về tình người.

Chắc rằng trong lòng họ ghi ơn tất cả những người đã giúp họ. Ai cho người khốn khổ này chỉ một chén nước lã thôi là trao ban cho chính Chúa, là giơ tay đón nhận Người.

Ước mong rằng, những người anh em đang gặp thiên tai sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quý ân nhân để họ có lại được cuộc sống bình an và hạnh phúc.

Lời cuối, xin thay mặt cho những người gặp nạn, chân thành cám ơn quý ân nhân, kính chúc quý vị nhiều sức khỏe và niềm vui.

Top