Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm B
Mc 1,7-11
(7) Ông rao giảng rằng: "Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. (8) Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần".
Ðức Giêsu chịu phép rửa và được tuyên bố là Con Thiên Chúa
(9) Hồi ấy, Ðức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. (10) Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. (11) Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."
Học hỏi:
- Đọc Mc 1,1-3. Cho biết Đức Giêsu là ai ? Trong Mc 1,2-3 từ “Ta” để chỉ ai ?”Sứ giả của Ta” và “người hô trong hoang địa” để chỉ ai ?
- Gioan Tẩy giả đang nổi tiếng và thu hút nhiều người đến với mình để chịu phép rửa sám hối của ông (Mc 1,4-5). Nhưng lời ông rao giảng ở Mc 1,7-8 lại tập trung vào ai ?
- Cởi quai dép cho một người là hành vi của ai ? Gioan nghĩ gì khi ông cho rằng ông không đáng cởi quai dép cho Đấng đến sau mình ?
- Đọc Mc 1,10. Tìm hai động từ đối nghịch trong câu này.
- Đọc Mc 1,10-11. Theo hai câu trên, Đức Giêsu đã làm những hành động nào ? Khi Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan, có sự hiện diện của những ai ?
- Đọc Mc 1,8 và 1,10. Tìm điểm chung trong hai câu trên.
- Đọc Mc 1,10. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan thì “các tầng trời bị xé ra.” Điều đó nghĩa là gì ? Đọc Is 63,19.
- Đọc Mc 1,11. Qua câu này, hãy cho thấy thái độ hiếu thảo của Con đối với Cha. Đức Giêsu thảo hiếu với Cha đặc biệt khi nào ? Đọc Mc 9,7; 10,38.
GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Chiêm ngắm Đức Giêsu đứng xếp hàng với đám đông, chờ được chịu phép rửa của ông Gioan. Chiêm ngắm lúc Ngài được dìm xuống dòng nước sông Giođan, rồi khi lên khỏi nước thì Ngài thấy và nghe những điều huyền diệu (Mc 1,10-11). Suy niệm về những điều đến với tâm hồn mình.
PHẦN TRẢ LỜI
- Qua ba câu đầu tiên của Tin Mừng Máccô, chúng ta thấy căn tính của Đức Giêsu. Ngài là Đấng Kitô (nghĩa là đấng Mêsia), là Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Trong Mc 1,2-3, thánh sử Máccô trích lại lời của ngôn sứ Malakia 3,1 và ngôn sứ Isaia 40,3, nhưng có những sửa đổi quan trọng. Trong Malakia 3,1 ĐỨC CHÚA nói đến việc Ngài sai một sứ giả đi trước để dọn đường cho Ngày của ĐỨC CHÚA (sứ giả ấy là ông Êlia theo Malakia 3,23). Còn trong Máccô, ĐỨC CHÚA sai một sứ giả đi trước để dọn đường, nhưng không phải cho ĐỨC CHÚA, mà cho một vị khác. Isaia 40,3 là lời mời gọi dân Do-thái bị lưu đày ở Babylon hãy chuẩn bị con đường cho ĐỨC CHÚA trở về.
Khi Máccô sử dụng 2 trích dẫn này, rõ ràng “sứ giả của Ta” và “người hô trong hoang địa” chính là Gioan Tẩy giả. Gioan là sứ giả được Thiên Chúa sai đi trước để làm công việc dọn đường cho Đức Giêsu. Ở Mc 1,2-3, Đức Giêsu được coi như ngang hàng với ĐỨC CHÚA.
- Qua Mc 1,4-5, ta thấy ông Gioan đã thành công trong việc gây lên một phong trào trong vùng Giuđê. Ông xuất hiện trong hoang địa, với lối ăn và mặc rất đặc biệt (Mc 1,6). Ông mời gọi người dân đến nhận phép rửa của ông, phép rửa biểu lộ lòng sám hối, để được tha thứ tội lỗi. Tiếng hô của ông, lời mời của ông đã vang vọng mạnh mẽ khiến mọi người ở Giêrusalem, ở vùng Giuđê, tuốn đến để xưng thú tội lỗi và nhận phép rửa của ông tại sông Giođan.
Trong lúc Gioan trở nên tiếng tăm lừng lẫy, thì lời rao giảng của ông lại hết sức khiêm tốn. Ông không tập trung vào mình, nhưng tập trung vào Đấng mà ông đến để làm chứng. Đấng ấy đến sau ông nhưng “quyền thế” hơn ông, nghĩa là cao trọng hơn ông (Mc 1,7). Phép rửa của Đấng ấy cũng cao trọng hơn phép rửa của ông, không phải “bằng nước” nhưng “trong Thánh Thần” (Mc 1,8).
- Gioan nói mình không xứng đáng cúi xuống và cởi quai dép cho Đấng đến sau mình (Mc 1,7). Cởi quai dép là hành vi thấp hèn chỉ dành cho các nô lệ. Gioan tự coi mình còn không đáng là nô lệ cho Đấng đến sau mình là Đấng Mêsia.
- Trong Mc 1,10 có hai động từ đối nhau. Động từ “lên” (anabainô) khỏi nước và động từ “xuống” (katabainô) trên Người. Sau khi chịu phép rửa, nghĩa là sau khi chịu dìm mình dưới sông Giođan, Đức Giêsu “lên” khỏi nước. Vào lúc ấy Thần Khí “xuống” trên Người như như một chim bồ câu.
- Trong Mc 1,10-11, Đức Giêsu đã làm những hành động sau: lên khỏi nước, thấy các tầng trời bị xé ra và Thần Khí xuống trên Người, nghe tiếng Thiên Chúa Cha từ trời phán với Người. Như thế đây là một kinh nghiệm đặc biệt, vừa nhìn thấy, vừa nghe thấy. Đây có vẻ là một trải nghiệm riêng tư của Đức Giêsu về Thần Khí và Thiên Chúa Cha. Vậy có thể nói dòng sông Giođan đã trở nên nơi hiển linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Chúa Cha và Thánh Thần đều tập trung vào Chúa Giêsu. Chúa Cha trò chuyện với Đức Giêsu như Người Con: Con là con yêu dấu của Ta (Tv 2,7; St 22,2), Ta hài lòng về con (Is 42,1). Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu nhẹ nhàng như một chim câu và Ngài đã đón nhận Thánh Thần trên mình. Như vậy Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia. Đấng được xức dầu để sai đi làm nhiệm vụ (Is 61,1).
- Trong Máccô 1,8, Gioan đã báo Đức Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Trong Mc 1,10, Đức Giêsu thấy Thần Khí (=Thánh Thần) ngự xuống trên mình. Như vậy Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần là Đấng có Thánh Thần ở lại với mình. Đức Giêsu là Đấng Mêsia tràn đầy Thần Khí của ĐỨC CHÚA như được nói đến trong Is 11,2-4. Ngài vừa gắn kết thân thiết với Thiên Chúa như Con với Cha, vừa gắn kết thân thiết với Thần Khí, để Thần Khí dẫn đưa (Mc 1,12).
- Sau khi lên khỏi nước, lập tức Đức Giêsu thấy “các tầng trời bị xé ra” (Mc 1,10). Lối nói này diễn tả việc Thiên Chúa sắp tỏ mình, sắp mặc khải. Các tầng trời là nơi Thiên Chúa ngự, bây giờ chúng được mở ra, xé ra, điều đó cho thấy Thiên Chúa muốn ngỏ lời với con người, muốn đến với con người. Quả thế, ngay sau đó Thiên Chúa đã nói với Đức Giêsu và Thần Khí đã xuống trên Ngài. Isaia 63,19 cũng nói lên ước mơ của dân Do-thái: “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống…”
- Chúa Cha đã nói với Đức Giêsu: Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con” (Mc 1,11). Lúc Chúa Cha nói câu ấy, Đức Giêsu đã trên ba mươi tuổi, đã sống một thời gian dài ở Nadarét, đã lao động vất vả, chờ đợi ngày Cha sai đi. Chúa Cha hài lòng với cuộc sống ấy của Con. Khi Đức Giêsu được biến hình, Cha lại nhắc điều này cho các môn đệ (Mc 9,7). Đức Giêsu hiếu thảo với Cha khi Ngài đón nhận phép rửa cuối đời là chính cái chết (Mc 10,38).
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 28 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm B