Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B

Ga 2,13-22

  1. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu có hay lên Giêrusalem vào các dịp lễ lớn không ? Dịp lễ nào ? Xem Gioan 2,13; 5,1; 6,4; 7,2.10.14; 10,22-23; 11,55; 12,12.
  2. Đọc Ga 2,14-16. Những người buôn bán ở đây là ai ? Họ đang hành nghề của họ ở đâu ?
  3.   3. “Nhà của Cha tôi” trong Ga 2,16 nghĩa là gì ?”Nhà của Cha tôi” trong Gioan 14,2 nghĩa là gì ?

      4. Bạn biết gì về Đền Thờ Giêrusalem qua những thăng trầm của lịch sử ?

      5. Tìm trong bài Tin Mừng này một câu Kinh thánh ám chỉ cái chết của Đức Giêsu.

      6. Tìm trong bài Tin Mừng này một câu nói của Đức Giêsu về cái chết và sự phục sinh của mình.

      7. Đọc Ga 1,19. Đức Giêsu có đòi phá Đền thờ Giêrusalem không ? Đọc Mt 26,61 và Mc 14,58.

      8. Trong bài Tin Mừng này, các môn đệ “đã nhớ lại mấy lần ? Khi nào họ mới nhớ ? Nhờ đâu mà họ

        nhớ ?

      

    Câu hỏi suy niệm:

      1. Tại sao Hội Thánh lại cho đọc bài Phúc âm này vào Mùa Chay ? Bài này có nói gì về cái chết và sự  phục sinh của Chúa chúng ta không ?

      2. Hãy ngắm nhìn cảnh Đức Giêsu giận dữ đuổi những người buôn bán trong khu vực Đền Thờ. Hãy lắng nghe câu nói của Ngài ở Ga 2,16. Bạn nghĩ Đức Giêsu sẽ làm gì, nói gì khi đến với Đền Thờ tâm hồn của chúng ta hôm nay ?

    PHẦN TRẢ LỜI

  4. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường lên Đền thờ Giêrusalem vào các dịp lễ lớn: Lễ Vượt Qua đầu tiên (2,13); một Lễ lớn không rõ (5,1); Lễ Lều (7,2.10.14); Lễ Cung Hiến Đền thờ (10,22-23); Lễ Vượt Qua cuối cùng (11,55; 12,12). Ngoài ra, còn một lễ Vượt Qua nữa được nhắc đến ở Ga 6,4. Các Tin Mừng Nhất Lãm đôi khi làm cho chúng ta có cảm tưởng Đức Giêsu chỉ lên Giêrusalem có một lần, rồi chịu Khổ nạn, thí dụ Lc 9,51-19,27. Trên nguyên tắc, hằng năm mọi người Do-thái phái nam phải đi hành hương Giêrusalem vào ba lễ lớn: lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều.
  5. Đây là những người buôn bán các con vật được phép dùng cho việc tế lễ trong Đền thờ, như bò, chiên hay bồ câu. Mua chiên ở đây để ăn mừng lễ Vượt Qua thì thuận tiện hơn là đem một con chiên từ nhà xa đến. Ngoài những người buôn bán, còn có những người đổi tiền để dâng cúng Đền Thờ. Vì đồng tiền của Rôma có mang hình của hoàng đế, nên muốn dâng cho Đền thờ, tiền của Rôma phải được đổi sang một loại tiền khác hợp pháp ở Giêrusalem. Như thế những người trên đây đang phục vụ cho việc phụng tự ở Đền thờ. Hầu chắc họ hành nghề tại khu vực tiền đình dành cho dân ngoại. Đây là nơi họ không được phép buôn bán, và đây vẫn nằm trong khu vực thuộc phạm vi Đền Thờ (hieron, Ga 2,14.15), được bao quanh bởi bốn bức tường lớn và dài cả nửa cây số. Họ chỉ được buôn bán, đổi tiền, ngoài Đền Thờ mà thôi. Đức Giêsu không muốn họ biến Đền thờ, là nhà của Cha Ngài, thành nơi buôn bán (Ga 2,16).
  6. Trong Ga 2,16, “nhà của Cha Tôi” là Đền thờ Giêrusalem dưới đất. Còn trong Ga 14,2, “nhà của Cha Thầy” lại để chỉ nơi Cha ngự trên trời. Nói chung, trời cao hay Đền thờ đều là nơi Thiên Chúa Cha ngự, đều là nhà của Chúa Cha.
  7. Đền thờ Giêrusalem được vua Salomon xây cất xong khoảng 957 trước công nguyên (tr CN). Đền Thờ này bị quân Babylon phá hủy năm 587 trCN. Sau khi lưu đày ở Babylon trở về, người Do-thái xây lại Đền Thờ Thứ Hai nhỏ hơn, khoảng 520-515 trCN. Vào năm 20 hay 19 trCN, vua Hêrôđê Cả bắt đầu trùng tu Đền Thờ Thứ Hai. Công việc trùng tu hoành tráng này kéo dài mãi đến tận năm 63 sau công nguyên. Nhưng vào năm 70 sau công nguyên, quân Rôma đã phá hủy toàn bộ ngôi Đền Thờ này, bây giờ chỉ còn lại Bức Tường phía Tây.
  8. Câu Kinh thánh ám chỉ cái chết của Đức Giêsu nằm ở Ga 2,17: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.” Câu này cũng có thể dịch là: “Lòng nhiệt thành lo việc nhà Ngài sẽ nghiền nát tôi.” Đây là câu trong Thánh vịnh 69,10 mà các môn đệ nhớ lại sau khi Đức Giêsu đã chết và được phục sinh. Đức Giêsu mạnh mẽ đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, điều đó cho thấy lòng nhiệt thành của Ngài đối với nhà của Thiên Chúa Cha. Lòng nhiệt thành đó có thể đưa Ngài đến cái chết (xem Mc 11,18).
  9. Đó là câu nói của Đức Giêsu ở Ga 2,19: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ nâng dậy (egerô).” Người Do-thái đã hiểu lầm câu nói trên đây. Gioan 2,21 giải thích cho biết Đền Thờ này không phải là Đền thờ Giêrusalem đang được thi công, nhưng là chính thân thể của Đức Giêsu: thân thể bị phá hủy nghĩa là bị giết chết, nhưng sẽ được Thiên Chúa nâng dậy (êgerthê, Ga 2,22), nghĩa là được phục sinh.
  10. Như thế ta thấy Đức Giêsu không đòi phá Đền Thờ Giêrusalem. Ngài chỉ thách người Do-thái phá hủy ngôi Đền Thờ là chính thân thể của Ngài (Ga 2,21), và Ngài sẽ dựng lại (Ga 2,19). Thân thể (sôma) của Đức Giêsu là nơi Thiên Chúa hiện diện trên mặt đất. Thân thể phục sinh của Ngài là ngôi Đền Thờ mới, nơi diễn ra việc thờ phụng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Ga 4,23-24). Theo Mt 26,61 và Mc 14,58, trước Thượng Hội Đồng Do-thái giáo, Đức Giêsu bị tố cáo là đã nói mình có thể phá Đền Thờ Giêrusalem, rồi xây lại trong ba ngày. Đây là điều Ngài không hề nói.
  11. Các môn đệ không hiểu ngay ý nghĩa của biến cố Đức Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ. Phải đợi đến sau khi Đức Giêsu đã được phục sinh, họ mới nhớ lại và hiểu ra ý nghĩa của nó. Trong bài Tin Mừng này, hai lần các môn đệ “đã nhớ lại” lời đã chép trong Kinh Thánh hay lời Đức Giêsu đã nói (Ga 2,17.22). Cả hai lần này đều xảy ra sau phục sinh (Ga 2,22). Dưới ánh sáng phục sinh, Thánh Thần giúp họ nhớ lại (Ga 14,26) và hiểu ý nghĩa sâu xa của lời Kinh Thánh và lời Thầy Giêsu đã nói trước đó.

Top