Hâm nóng lên “Bữa cơm Thiên đường”
WGPSG -- “Sự xa rời bữa cơm gia đình tưởng chừng đơn giản, vô hại, nhưng lại là khởi đầu cho sự tan vỡ hạnh phúc gia đình, kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng khác”.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP đã nêu lên vấn nạn trên trong Chương trình Chuyên đề đặc biệt số 255, được tổ chức vào lúc 08g00 thứ Bảy, ngày 07.01.2017, tại Hội trường Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn với chủ đề: “Bữa cơm Thiên đường 5”.
Đến tham dự có Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng - phụ tá TGP Sài Gòn, linh mục (Lm) Louis Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn, Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc TTMV TGP Sài Gòn, Lm Phanxicô Xaviê Bảo Lộc - Trưởng ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Sài Gòn, Lm Giuse Vũ Minh Danh - Phó ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn, Mục sư Phạm Đình Nhẫn và Phu nhân, Mục sư Dương Thị Minh Nguyệt - Hội Thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo, Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ - Giảng viên học viện Phật giáo Viện Nam, quý linh mục, tu sĩ, tăng ni, phật tử cùng đông đảo anh chị em giáo dân đến từ TGP Sài Gòn và các Giáo phận bạn.
Sau phần múa khởi động, chương trình được khởi đầu lúc 08g00 với phần cầu nguyện đầu giờ thật lắng đọng, một bầu khí thánh thiêng bao trùm cả khán phòng. Chương trình Chuyên đề 255 gồm 2 phần:
Phần 1: Thực trạng và ý nghĩa của bữa ăn gia đình
Lắng lòng theo dõi tiểu phẩm “Thực trạng bữa ăn của gia đình” do nhóm kịch Hướng Dương trình bày, tái hiện một thực trạng đau lòng đang diễn ra nơi các gia đình, đã gây xúc động cho các thành viên tham dự. Trong bữa ăn, người cha liên tục trả lời điện thoại, con trai cắm đầu vào điện thoại để bắt Pokémon, đứa khác đi nhậu về say mèm. Qua đó, nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế nhắc nhở mọi người hãy tìm lại giá trị đích thực của bữa ăn gia đình Công giáo, đó chính là khi mọi người biết cùng nhau cầu nguyện, quan tâm chăm sóc nhau và trò chuyện với nhau. Từ đó, tham dự viên đã ngộ ra rằng, bữa cơm là chất keo gắn kết mọi thành viên trong gia đình, giúp con cái trải nghiệm đời sống gia đình, gắn kết yêu thương, phát triển tài năng và giáo dục đời sống đức tin cho con cái, tiếp tục loan truyền đời sống đức tin đến các thế hệ mai sau.
Bữa ăn thần linh
Không chỉ dừng lại nơi các giá trị trần thế của bữa ăn, Đức Giám mục Giuse còn giúp mọi người hiểu về giá trị thần linh của bữa ăn qua ý nghĩa của bữa ăn vật chất và tấm bánh Thánh Thể với đề tài “Từ bữa ăn gia đình đến bữa tiệc thần linh”. Ngài nêu lên ý nghĩa chính của Thánh Thể là: Hy tế - bữa ăn hiệp thông - sự hiện diện đích thực. Trong bữa ăn gia đình cũng diễn tả 3 ý nghĩa này. Ngài diễn giảng:
- Thánh Thể là Hy tế tình yêu. Cũng vậy, bữa ăn gia đình với những thực phẩm trên bàn ăn, là kết quả của mồ hôi, nước mắt cha mẹ đổ ra để có “cơm cho gia đình”.
- Thánh Thể là bữa tiệc hiệp thông huynh đệ. Cũng chính nơi bữa ăn gia đình, mọi thành viên trong gia đình đều hiệp thông với nhau trong niềm vui của một bữa tiệc.
- Thánh Thể với sự “hiện diện đích thực” của Chúa Giêsu. Cũng vậy, bữa cơm gia đình nếu thiếu sự hiện diện của các thành viên, thì không còn là bữa cơm gia đình nữa. Riêng đối với người Công giáo, bữa cơm còn là cơ hội để cha mẹ giáo dục con cái về đức tin.
Kết luận, ĐGM Giuse nhắn nhủ: “Thánh Thể được lưu giữ là để phân phát cho bệnh nhân và những người vắng mặt. Vì thế, khi dùng cơm gia đình, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và nghĩ đến người nghèo, những người vắng mặt. Thật vậy, nếu không có bữa tiệc Thần linh thì không có Giáo hội; nếu không còn bữa cơm gia đình, thì cũng không còn gia đình”.
Ăn trong chánh niệm
Ngay sau đó, Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ - Giảng viên học viện Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Thiên Quang, Bình Dương - giới thiệu với khán thính giả đề tài “Ăn trong chánh niệm”. Sư cô trình bày:
- Hạnh phúc trong gia đình là bữa cơm. Thực phẩm giúp nuôi sống con người, kể cả tu sĩ. Vì thế, yếu tố chánh niệm là yếu tố hàng đầu, cùng với trí tuệ giúp con người biết ăn đúng cách, biết cảm ơn trời và cảm ơn người, biết nghĩ đến mọi người chung quanh, biết bỏ qua mọi vấn vương sự đời để “ăn trong chánh niệm”. Thế nhưng, khi con người để tivi, điện thoại trở thành nhu cầu tinh thần thay thế cho bữa cơm gia đình, lúc đó, bữa cơm gia đình sẽ tẻ nhạt, hạnh phúc gia đình khó bền chặt.
- Trước, trong và sau khi ăn, mỗi người cần minh định “Hạt gạo là hạt ngọc”. Vì thế, mỗi người hãy giữ tâm hồn thanh tịnh, dâng cùng với các Đấng đã Giác ngộ, nghĩ đến người nghèo khổ, quan tâm đến thế giới vô hình hầu cảm hóa và giúp thế giới ngày một tốt đẹp hơn.
Kết luận, nhắc lại đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu thăm chị em Matta và Maria (Lc, 10,38-42), Sư cô nhắn nhủ: Chúng ta ăn là để sống. Nhưng ăn như thế nào để bữa cơm mang một giá trị tinh thần đích thực là điều chúng ta phải quan tâm. Vì thế, ý nghĩa tinh thần rất quan trọng, giúp ta biết ăn trong chánh niệm và phát triển tâm trí con người.
Hãy giữ lấy hạnh phúc gia đình
Sau phần trình bày của vũ đoàn Rồng Việt ca ngợi mái ấm gia đình, chương trình được tiếp nối với phần hướng dẫn trải nghiệm của Anh Luca Nguyễn Võ Minh Tâm - Chuyên gia huấn luyện và đào tạo. Anh đưa ra 3 thông điệp:
- Hãy chú tâm và sống với chủ thể trong giây phút hiện tại, để bữa cơm gia đình trở nên đầm ấm và hạnh phúc.
- Hãy sống cho nhau, vì nhau, và “cam kết” không sử dụng các phương tiện thông tin trong bữa ăn, để mọi thành viên trong gia đình có sự đồng cảm và gắn kết với nhau hơn.
- Mọi người hãy sẻ chia công việc của nhau trước, trong và sau khi dùng bữa cơm gia đình.
Cuối cùng, thông điệp mà anh đã trao gửi đến các tham dự viên, đó là “Hãy giữ lấy hạnh phúc gia đình”.
Trải nghiệm “Đôi bàn tay”
Cả hội trường như lắng đọng, khi đại gia đình Ông Bà Gioakim Nguyễn Đăng Biết, đến từ giáo xứ Tân Bắc, Phú Thịnh, Xuân Lộc cùng với con trai, con gái và hai cháu nội (Tam đại đồng đường) được mời lên khán đài. Qua sự diễn tả truyền cảm của Nữ tu Hồng Quế và anh Minh Tâm về đôi bàn tay cha, bàn tay mẹ, những người con, người cháu đã rửa tay và xức dầu thơm lên đôi bàn tay chai sạn của ông bà, cha mẹ. Đỉnh cao của lời tri ân Thiên Chúa và cảm ơn bàn tay mẹ cha là điểm tựa cho con bám víu và lớn lên từng ngày, đã cho chúng con có những hạt gạo trắng ngần... khi ĐGM Giuse chúc phúc lành cho đôi bàn tay cha mẹ.
Phần 2: Trải nghiệm “Bữa cơm Thiên đường”
Phần 2 của Chuyên đề đặc biệt hôm nay đã cho các tham dự viên có được những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ với “Bữa cơm Thiên đường” theo tinh thần Kitô giáo.
Trong vui tươi, cả khán phòng cùng di chuyển xuống tầng trệt. Các bàn ăn đã được dọn sẵn, mỗi người tự ngồi vào bàn và kết bạn với những người trong mâm cơm. Ban Tổ chức đã khéo léo sắp xếp để mỗi bàn đều có các cộng tác viên giúp mọi người “thực tập” bài học mới tiếp thu, và cầu nguyện trước và sau bữa ăn tùy theo đối tượng tham dự viên hiện diện.
Bữa ăn kết thúc, mọi người cùng trở lại hội trường. Sau khi tham dự viên nhận quyển sách “Lời nguyện thánh hóa trước bữa ăn”, Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh đã nhiệt tình hướng dẫn các tham dự viên biết cách sử dụng cuốn sách này trong những bữa cơm gia đình.
Trước khi kết thúc, một số tham dự viên đã chia sẻ trải nghiệm của bản thân sau khi tham dự chương trình. Đây là chương trình rất ích lợi, và mọi người đều xác tín trong “bữa ăn gia đình” cùng với việc “thánh hóa bữa ăn” có một giá trị to lớn, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình.
Sau đó, Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn - đã đúc kết Chuyên đề “Bữa cơm Thiên đường 5”. Ngài nhắc nhở: “Thiên Chúa cho ta sự sống thông qua cha mẹ. Nhờ bàn tay mẹ cha, chúng ta có một mái ấm gia đình và lương thực ta dùng hằng ngày. Vì thế, chúng ta hãy truyền cảm hứng tích cực cho những người chung quanh và tâm tình cần có trong bữa ăn gia đình là “lòng biết ơn”.
Sau cùng, trong tiếng nhạc rộn ràng của bài hát “Trong Giêsu, chúng ta là tấm bánh” với những cử điệu nhịp nhàng như thắt chặt hơn tình thân giữa các tham dự viên, ĐGM, quý linh mục, tu sĩ, sư cô… đã chuyền các túi gạo đến từng người, như phần nào diễn tả tâm tình cần có của người Công giáo là hãy chia sẻ lương thực cho nhau và cho những người nghèo đói.
Kết thúc
Trước khi chia tay, Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh, đại diện cho Ban Tổ chức, đã bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến Đức cha Giuse, quý cha, quý mục sư, quý soeur, quý sư cô và toàn thể quý khách đã hân hoan đến tham dự “Bữa cơm Thiên đường” hết sức ý nghĩa và tràn đầy niềm vui hôm nay. Thầy nói: “Bữa cơm gia đình” vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình, đó là nơi “trở về” của các thành viên trong gia đình, là nơi để mọi người quan tâm, chia sẻ, gắn kết yêu thương, để gia đình “vẫn mãi là gia đình”. Hơn nữa, việc thánh hoá “Bữa cơm gia đình” còn là phương thế để Chúa hiện diện một cách sống động trong gia đình: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Với tầm quan trọng như thế, “Bữa cơm gia đình” xứng đáng được gọi là “Bữa cơm Thiên đường”, cần được duy trì và phát huy mãi mãi qua muôn thế hệ.
Cuối cùng, nhân dịp Năm Mới Đinh Dậu sắp đến, Thầy Giuse đã hân hoan kính chúc mọi người vui hưởng một năm mới: An khang, Hạnh phúc và tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa.
Trong tâm tình tạ ơn Chúa và biết ơn nhau, Chuyên đề “Bữa cơm Thiên đường” đã khép lại lúc 12g15 với bài hát “Kinh Hòa Bình”.
bài liên quan mới nhất
- Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
-
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại -
6 lời khuyên của Đức Giáo Hoàng giúp giao tiếp trong gia đình bạn
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ