Giờ kinh Mân Côi gia đình tháng 10 năm 2022
TGPSG - Ngót nghét tròn 13 năm tôi rời xa gia đình lên Sài Gòn học hành và làm việc. Tuy thi thoảng có về thăm nhà, nhưng ít khi tôi có dịp cùng người thân và xóm làng đọc kinh Mân Côi gia đình. Hôm nay, trong không khí đọc kinh liên gia tại quê nhà, vào đúng dịp tháng Mân Côi, bao kỉ niệm thời thơ bé chợt ùa về.
Thuở bé, lúc còn sống với ngoại, bà thường khuyên bảo tôi đi lễ 4g sáng mỗi ngày. Vào tháng Mân Côi, tôi phải đi đọc kinh luân phiên mỗi gia đình trong khu. Vì ngoại rất nghiêm túc trong việc giáo dục Đức Tin cho con cháu nên không có chuyện bỏ kinh, bỏ lễ vì những lý do không hợp lý.
Tôi được kể lại, vào năm 1997, thuở tôi lên năm, gia đình tôi chuyển đến sinh sống trong một xứ đạo thuộc giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai. Giáo dân nơi này đa phần là người gốc Cù Và, Quảng Ngãi di cư vào đây hồi sau giải phóng, dưới sự dẫn dắt của các linh mục.
Giáo dân ở đây có truyền thống giữ đạo sâu sắc và có lòng mộ mến Đức Mẹ cách đặc biệt: tháng Năm thì dâng hoa ở nhà thờ, tháng Mười thì đi đọc kinh Mân Côi từng gia đình (liên gia) theo từng khu nhỏ. Cũng nhờ thế mà gia đình tôi gắn bó với đời sống Đức Tin sâu đậm hơn.
Khi trưởng thành, tôi rời xa gia đình vào Sài Gòn học hành. Với khoảng cách 130 km, tôi ít về thăm nhà. Vì thế, bao mùa Mân Côi trôi qua, tôi đã không tham dự giờ kinh chung, nhất là những dịp đọc kinh tới phiên lượt tại gia đình tôi. Và cứ thế, 13 năm đã trôi qua thiếu vắng lời kinh nguyện nơi quê nhà.
Sau khi học xong, tôi tiếp tục ở lại Sài Gòn làm việc. Hiện nay, tôi đã lập gia đình và có một bé trai gần tròn hai tuổi. Vợ chồng tôi ở lại Sài Gòn làm việc, gởi con trai về quê nhà nhờ nội chăm sóc. Hằng tuần hai vợ chồng tôi về thăm con. Vì lẽ đó, mà khi mùa Mân Côi năm nay đến, tôi lại có dịp được hưởng ân sủng của giờ kinh chung này.
Tôi nhờ mẹ xin phép trong xóm đạo cho được "nhảy cóc", dời lịch đọc kinh nhà tôi vào ngày cuối tuần, để khi hai vợ chồng tôi về thăm nhà được tham dự giờ đạo đức truyền thống này. Vợ tôi là người đạo theo nên đây là dịp để cô ấy hiểu thêm về những việc đạo đức bình dân của người Công giáo Việt Nam.
Để chuẩn bị cho giờ kinh thêm phần sốt mến, tốt đẹp, gia đình tôi đã sắp xếp lại bàn thờ, trang trí hoa nến, dọn dẹp sân nhà để cộng đoàn ngồi thoải mái khi nguyện kinh và trà nước bánh kẹo chuyện trò sau khi kết thúc. Trong khi chuẩn bị, những ký ức ngày xưa lại ùa về trong tôi.
Ngày đó, bọn trẻ chúng tôi hay đi khắp xóm để xin hoa vì nhà ai cũng có trồng vài cây trước nhà. Chỉ cần rảo bước qua vài nhà là chúng tôi đã có một bó hoa đầy đủ sắc màu. Nay nhìn lại, hầu như không còn mấy nhà trồng hoa nữa. Ai cần mua hoa gì thì cứ ra chợ.
Rồi chuyện đi mượn ghế. Tuy là một nhóm nhỏ nhưng cũng đến vài ba chục gia đình nên số lượng người đọc kinh có khi đến 50 người. Không nhà nào mua đủ ghế như thế nên mỗi khi nhà nào tổ chức đọc kinh cũng phải đi gom mượn ghế trong xóm.
Ngày đó, hầu như nhà nào cũng ghế ván hay ghế gỗ tự đóng lấy. Một băng ghế ngồi tầm năm người, nên việc đi mượn ghế cũng khá vất vả, hai người khiêng một ghế và phải khiêng nhiều lượt mới đủ. Ngày nay đã khác, nhà nào cũng có ghế nhựa đủ loại nên tiện lợi hơn rất nhiều.
Ngày ấy, đường thôn quê là đường đất nên mỗi khi trời mưa là đường xá sình lầy, trơn trượt, gây nhiều trở ngại. Thời điểm tháng Mười trời hay mưa nên nhiều khi đang đọc kinh yên lành bổng dang dở, kéo nhau vào trong nhà trú mưa, đứng ngồi chật ních. Giờ thì không còn thấy cảnh ấy nữa vì mọi thứ đã hiện đại hoá, nhà nào cũng có mái che vững chãi, đường xá được bê tông hóa.
Ngày ấy, tuy khó khăn là thế, nhưng giờ kinh luôn sốt mến, trang nghiêm.
Hôm nay, ở vai trò là trưởng trong gia đình, tôi phải đảm nhận mọi việc như: tiếp đón cộng đoàn, chuẩn bị nhang đèn, chọn bài Tin Mừng, khởi động giờ kinh, đọc Tin Mừng, ... Nhớ ngày xưa bé ấy, anh em tôi hay luân phiên nhau đọc sách và khi đi đọc kinh từng gia đình, tôi hay hăng hái xung phong đọc nếu như gia đình nào đó không có người đọc.
Tuy bao năm xa vắng nhưng trong suốt giờ kinh, sự quen thuộc từng chút từng chút lại chợt về với tôi. Nào là lời kinh cầu Đức Bà, nào là lời Kinh thơ Mân Côi quen thuộc mà năm nào tôi hay đọc huyên thuyên.
"Hôm nay lớn mọn đều chầu,
Cảm ơn trọng Đức Bà thương đoái,
Truyền phép Mân Côi,
Cách nhiệm hết loài người"
(Kinh Thơ Mân Côi).
Cuộc sống xa quê đã làm cho tôi trễ nải, thờ ơ trong việc đạo đức kinh nguyện, nên đây cũng là dịp tôi nhìn lại đời sống thiêng liêng của chính mình. Tôi phải luôn ý thức và nhắc nhở bản thân: mình không chỉ là trụ cột trong gia đình về đời sống xã hội, mà còn trong đời sống thiêng liêng nữa. Luôn có Chúa và Mẹ Maria trong đời sống sẽ giúp gia đình chúng tôi tìm thấy nguồn sức mạnh vô biên giúp chúng tôi vượt qua biển đời đầy bão táp này.
Paul Hữu Nghĩa (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Nét đẹp của giờ kinh Mân côi
-
Bảy loài hoa trong Ca vãn cổ truyền dâng hoa Đức Bà -
Món quà Thiên Chúa dành cho nhân loại -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 11 - Đón nhận tính dễ bị tổn thương -
Đức Mẹ Hồn xác lên Trời -
Đức Trinh Nữ Maria có giọng nói như thế nào ? -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 10 - Nhận biết những nhu cầu -
Cầu nguyện với Nữ Vương Hòa Bình tại Sài Gòn -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 09 - Được người cao niên chúc phúc -
Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành: Bài 08 - Suy đi nghĩ lại trong lòng
bài liên quan đọc nhiều
- Mười cách để nhận biết Đức Maria là Mẹ của chúng ta
-
Đức Mẹ sông Mê-Kông: Hương thơm đồn xa -
Niềm Vui Cùng Mẹ Maria đón mừng Chúa Giáng Sinh -
Đức Mẹ hồn xác lên trời & Đức Mẹ ngủ -
Hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu -
“Hãy để Mẹ ngủ” là cảnh Giáng Sinh Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu thích -
Ngày Đức Mẹ hiện ra ở Mỹ -
Mẹ Maria dạy ta cách cầu nguyện -
Tràng Chuỗi Mân Côi của Má -
Đọc kinh Mân Côi liên gia, nối kết tình nghĩa gia đình, bà con lối xóm