Giao lưu với đạo diễn và biên kịch của phim “Đêm tối rực rỡ”
TGPSG – Làm phim giống như hành trình của một “con cá biết bay” (Aaron Toronto)
Các học viên khóa Mục vụ Phim Truyện của Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn (TGPSG) đã có buổi giao lưu với đạo diễn và biên kịch của phim “Đêm tối rực rỡ” tại phòng học của của họ ở Trung tâm Mục vụ TGPSG. Buổi giao lưu đặc biệt này đã diễn ra vào sáng ngày 18-3-2023.
Đúng 9g, các học viên đã có mặt để chào đón hai vợ chồng đạo diễn Aaron Toronto và biên kịch kiêm diễn viên Nhã Uyên. Hiện diện trong buổi giao lưu còn có Lm Giuse Vũ Hữu Hiền - Trưởng ban MVTT/TGPSG, Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn - Chủ nhiệm lớp, và Nữ tu Têrêsa Duyên Sa - điều hành và tổ chức khóa học.
“Đêm tối rực rỡ” (ĐTRR) là một phim truyện kể về một đêm tang lễ, tiễn biệt người ông mới qua đời của đại gia đình Xuân Thanh. Trong đêm sum họp tiễn đưa người thân quá cố ấy, bỗng bùng nổ bi kịch gia đình, bày ra trước mặt mọi người những tổn thương đầy nhức nhối do nạn bạo hành gia đình và lối sống vô trách nhiệm đã từng thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua ở nơi này.
Phim ĐTRR đã nhận được giải Cánh Diều Vàng vào tối 13-9-2021 tại Nha Trang. Trong dịp ấy, đạo diễn Aaron Toronto phát biểu: "Bộ phim được thực hiện để bảo vệ trẻ nhỏ - những thành viên vô tội nhất trong xã hội. Hãy chống lại bạo hành để chữa lành cho tất cả."
Đạo diễn Aaron người Mỹ đã sống 20 năm ở Việt Nam, rất hiểu người Việt và nói lưu loát tiếng Việt. Sau khi nghe những nhận xét và cảm xúc của các học viên về phim ĐTRR, anh đã nhận định rằng: Những người may mắn được lớn lên trong một gia đình êm đềm hạnh phúc, khi xem phim này, sẽ có dịp trải nghiệm và hiểu biết nhiều hơn về những nỗi đau khủng khiếp và những phản ứng tự hành hạ bản thân rất thảm thương của những nạn nhân bạo hành gia đình.
Anh nói thêm: Bạo hành tinh thần gây ra hậu quả còn nặng nề hơn cả bạo hành thể xác. Phim dài 1 giờ 30 phút này chỉ mô tả về một đêm tang lễ ngắn ngủi của một gia đình mà thôi, nhưng lại cho người xem thấy được thân phận của những thành viên trong quá khứ dài dằng dặc và cả tương lai đầy bấp bênh sau này. Nó giống như một tảng băng trôi, chỉ có 10% nổi trên mặt nước, còn 90% chìm ở dưới nước. Phim không muốn kết tội thế hệ nào, nhưng cho thấy hậu quả khủng khiếp... Tuy nhiên, trải qua những đau khổ, các thành viên gia đình vẫn còn đó những gắn kết, đi theo những mất mát đầy quay quắt. Đó cũng là ý nghĩa của tên phim: Đêm tối rực rỡ. Đạo diễn Aaron mong khán giả có những suy nghĩ và thông cảm giống như Chúa, vì chính Chúa cũng đã từng bị người ta tra tấn, hành hạ, nhưng Ngài đã tha thứ tất cả.
Diễn viên Nhã Uyên thì cho biết: chị rất vui vì sống được với nghề và có được đức tin. Chị chia sẻ, đã có thời chị ăn chơi bất cần, có những ý nghĩ u ám, nhưng chị đã thay đổi 180 độ khi được biết Chúa. Chị như được sinh lại trong khoảnh khắc đến nhà thờ lần đầu tiên, thật quá tuyệt vời, như một phúc lành lớn. Nhờ đó, chị sống hạnh phúc hơn, nếu không thì chị đã là một tay giang hồ, hoặc đã chết từ lâu rồi.
Đặc biệt, đạo diễn Aaron và Biên kịch Nhã Uyên đã chỉ cho các học viên cách làm phim có ý nghĩa:
- Yếu tố quyết định của việc làm phim, đó là phải có tiền. Đây là hành trình đầy chông gai, giống như hành trình của một “con cá biết bay”. Trước tiên, “con cá phải biết đi”, phải học biết về đạo diễn, diễn viên, biên kịch, biết tổ chức, có quan hệ và giao thiệp tốt... Giai đoạn tiếp theo, “con cá phải leo cây”, biết cách mở công ty phim ảnh, tìm nhà sản xuất, phát hành… Cuối cùng, “con cá phải biết bay”, biết tự PR cho mình, biết xin giấy phép… Làm như thế là thực hiện được sự cân bằng Âm Dương, có Âm (nghệ thuật) và có Dương (con người, tiền) trong từng hoàn cảnh làm phim khác nhau.
- Muốn có tiền làm phim thì phải biết “Gọi vốn”, phải biết nói chuyện với giới doanh nhân bằng ngôn ngữ kinh doanh (qua các con số), biết trình bày cách chia doanh thu, trình bày kế hoạch kinh doanh chi tiết, chuẩn bị tốt cho tác phẩm đầu tiên để cho giới doanh nhân biết khả năng của mình, biết làm trailer để khách hàng dễ cảm nhận…
- Muốn người ta góp vốn thì phải có uy tín, có đạo đức: Các nhà đầu tư nhìn vào nhân cách và nỗ lực của mình để tin tưởng góp vốn.
- Cần theo sự hướng dẫn của Chúa và phó thác cho Chúa: Chúa ban cho sức khỏe và sắp xếp để phim được phát hành đúng hoàn cảnh thuận lợi.
Trong phần giao lưu, hai ông bà Aaron và Nhã Uyên đã giúp cho các học viên hiểu thêm về các chi tiết và kỹ thuật các cảnh quay. Phải chuẩn bị từ sớm. Biên kịch giỏi phải làm sao cho bối cảnh đan xen nhau. Đạo diễn phải nghe nhạc rồi vẽ từng khuôn hình cho khớp để ra phim. Để không bị lố, phải dựa trên sự thật. Làm phim nhiều sẽ hiểu theo trải nghiệm riêng và thực hiện theo bản năng nghệ sĩ. Sử dụng từng yếu tố kể chuyện. Chuẩn bị kỹ ánh sáng. Các ý tưởng làm phim phải có mối quan hệ từ trước. Phim liên hoan và phim thương mại khác nhau. Không mượn nợ để làm phim. Muốn sử dụng nhạc phải mua tác quyền...
Các học viên còn nhiều câu hỏi muốn đặt ra, nhưng vì đã 11g45, nên buổi giao lưu phải tạm ngưng. Aaron và Nhã Uyên đã hẹn gặp lại các học viên vào một dịp khác. Cả hai đã chụp hình lưu niệm với mọi người trước khi tạm biệt lúc 12g.
Tóc Ngắn & Biên Toàn (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Mở án phong chân phước cho Sơ Clare Crockett
-
Phim ngắn ‘Hãy cho tôi vào’: Tiếng cầu cứu nhức nhối -
Gặp gỡ vị linh mục đóng vai Chúa Giêsu trong phim ngắn ‘The Word’ của Ấn Độ -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
"Kinh Dâng Hiến": Hành trình trở về từ vực sâu -
Tình bạn với Chúa và với nhau trong Phim ngắn “Sứ mệnh 2” -
Giải tỏa nỗi niềm cùng với Đức Giêsu trong phim ngắn “Sứ Mệnh 1” -
Phim “Bức Tượng”: Hành trình dẫn đến niềm tin -
Cấu trúc phim “Cuộc Gọi” và hình ảnh Đức Mẹ -
Giới thiệu loạt phim ngắn ‘Những Nẻo Đường Phục Vụ’: Trailer ‘Sứ Mệnh’
bài liên quan đọc nhiều
- Trong sương mù của “vỏ kén vàng”
-
Sức mạnh của Điện ảnh: 10 bộ phim làm thay đổi thế giới -
Đạo đàm mùa Chay 2023 với Phim ảnh -
Thập niên 2010: Những bộ phim tốt nhất cho người Công Giáo xem để chiêm niệm -
Video hay nhất về sự sống trong bụng mẹ -
Phim “For Love Alone - Chỉ vì yêu thương” -
Tình bạn trong phim ngắn “Sứ Mệnh 2” -
Bộ phim 'Linh mục Stu' phát hành vào cuối tuần Phục Sinh 2022 -
Chuỗi Mân Côi và MV “Giêsu, Chúa bên con” -
Phim ngắn 2 phút mô tả sức mạnh từ gương sáng của người cha