Gặp gỡ Giáo lý viên phụ trách các lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân ngày 29-10-2022
TGPSG – “Tìm hiểu việc chỉ dẫn dạy giáo lý” là chủ đề của buổi gặp gỡ anh chị em giáo lý viên (GLV) các lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân lần thứ 5 trong năm 2022, thuộc TGP Sài Gòn, diễn ra vào lúc 8g30 sáng thứ Bảy 29-10-2022, tại Nhà Truyền thống - Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
Buổi gặp gỡ với phần trình bày của Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Giáo lý. Hiện diện trong buổi gặp gỡ có 60 tham dự viên gồm các nữ tu và các GLV phụ trách các lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân tại các giáo xứ trong Tổng giáo phận.
Theo thuyết trình viên: “Tìm hiểu chỉ dẫn việc dạy giáo lý”. Cả ba bản chỉ dẫn 1971, 1997 và 2020 tiếp nối công cuộc canh tân dạy giáo lý của Công đồng Vatican II theo hướng tách việc dạy giáo lý (catechism) khỏi việc phục vụ giáo thuyết (doctrine) được trình bày trong sách giáo lý (catechism) dưới hình thức hỏi thưa (QA: Question-Answer) hệ quả là việc dạy giáo lý đồng hóa với việc dạy bổn nghĩa là dạy hỏi thưa. Để trả lại cho việc dạy giáo lý vai trò đích thực của nó là truyền thông Mạc khải (revelation) mà trọng tâm là Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, hầu dẫn các tín hữu vào huyền nhiệm này và trở nên nhân chứng của cuộc sống trong Đức Kitô.
Nỗ lực canh tân này ngày càng rõ nét hơn trong ba bản chỉ dẫn. Chỉ dẫn 2020 lấy thời kỳ dự tòng làm kiểu mẫu và gợi hứng cho việc dạy giáo lý. Các giai đoạn của thời kỳ này (tiền dự tòng, dự tòng, thanh tẩy-chiếu sáng, và nhiệm hiệp) có mục đích dẫn người dự tòng đến cuộc gặp gỡ trọn vẹn với mầu nhiệm của Đức Kitô trong đời sống cộng đoàn, môi trường điển hình cho việc khai tâm, dạy giáo lý và nhiệm hiệp. Các nghi thức của thời kỳ này (tiếp nhận, tuyển chọn, lãnh nhận bí tích) làm nổi bật lên tính chất tiệm tiến của lộ trình huấn luyện người dự tòng. Lộ trình này khởi đi từ lời rao giảng Tin Mừng đầu tiên (kerygma), được đào sâu bởi việc dạy giáo lý, thực hiện bởi nhiệm huấn (mystagogue), và dẫn tới truyền giáo.
Sau khi đã lắng nghe ‘chỉ dẫn dạy giáo lý’’ các tham dự viên đã chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm thảo luận 1 câu hỏi trong 30 phút với các câu hỏi gợi ý sau:
1. Khi dạy giáo lý, quý anh chị học được những gì từ sư phạm của Thiên Chúa đối với dân, Chúa Giêsu đối với các môn đệ, Giáo Hội đối với các tín hữu? Sư phạm đức tin giống và khác sư phạm ở nhà trường thế nào?
2. Có những tiêu chuẩn nào giúp ta chuyển đạt nội dung của Tin Mừng mà người nghe không cảm thấy xa lạ với Tin Mừng đích thực của Đức Giêsu, cũng như thông truyền chân lý về Thiên Chúa và loài người thay vì cống hiến cho họ một thần giả tạo hoặc một lý tưởng nhân loại không thực sự là Kitô giáo không?
3. Chỉ dẫn Dạy giáo lý 2020 số 192 viết về sách GLHTCG như sau: “Sách Giáo lý có mục đích gợi lên nỗi khát khao Đức Kitô, khi trình bày Thiên Chúa đang khao khát luôn mong mỏi điều tốt lành loài người. Vì thế, Sách Giáo lý không phải là sự trình bày tĩnh về đạo lý, nhưng là công cụ năng động thích hợp để gợi hứng và nuôi dưỡng hành trình đức tin trong đời sống của mỗi người, và như thế nó vẫn có giá trị cho sự canh tân việc dạy giáo lý”. Khi sử dụng GLHTCG để dạy giáo lý, quý anh anh chị có cảm thấy như thế không? Nếu không thì tại sao?
4. Theo kinh nghiệm dạy giáo lý của quý anh anh chị, làm thế nào để nối kết giữa sứ điệp Lời Chúa và kinh nghiệm cũng như ký ức của con người, giữa nội dung và hình thức trình bày, giữa lời nói và hành động? Đối với quý anh chị, sư phạm và phương pháp nào là sư phạm và phương pháp hay nhất?
5. Để giúp cho người ta hiểu và sống đức tin, quý anh chị thường truyền đạt đức bằng ngôn ngữ nào? Truyền đạt qua Sách Thánh (ngôn ngữ Thánh Kinh: kể chuyện), qua các biểu tượng và các nghi lễ phụng vụ (ngôn ngữ phụng vụ - biểu tượng: nghệ thuật), qua tác phẩm của các giáo phụ, các Tín biểu, những công thức của Huấn Quyền (ngôn ngữ giáo thuyết), qua chứng từ của các thánh và các vị tử đạo (ngôn ngữ huấn luyện), và qua các ngôn ngữ trên kết hợp với công cụ kỹ thuật số, năng động nhóm và khung cảnh nơi chốn?
6. Đối tượng của Giáo lý Hôn nhân & Dự tòng phần đông là những người trẻ và người trưởng thành. Làm thế nào để chuyển dịch sứ điệp của Đức Giêsu sang ngôn ngữ của họ? Chúng ta có thể học hỏi những gì từ cách đồng hành của Chúa Giêsu và Giáo Hội?
Sau khi thảo luận, các nhóm đã trở lại hội trường để chia sẻ và lắng nghe đúc kết của thuyết trình viên.
Đỉnh cao của buổi gặp gỡ là thánh lễ do Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền chủ tế. Nhân dịp này, các tham dự viên đã chúc mừng 37 năm Hồng ân Linh mục của ngài.
Buổi gặp gỡ kết thúc với bữa cơm huynh đệ tại căn tin của Trung tâm Mục vụ.
Các tham dự viên ra về với niềm vui và hẹn gặp lại nhau trong buổi gặp gỡ lần tới sẽ được tổ chức vào ngày 31-12-2022.
Thành Tài (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Thánh lễ khai giảng - Học để hiểu hơn Mầu Nhiệm của Chúa
-
Học viện Mục vụ TGPSG: Họp Tổng kết và Thánh lễ Bế giảng năm học 2023-2024 -
Đêm Thánh nhạc: Đấng Mêsia - Tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa -
Khai giảng khóa đào tạo Giáo lý viên và Huynh trưởng đặc cách -
Sinh hoạt Chuyên đề: Đạo đàm Mùa Chay 2024 với Phim và Kịch -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Tĩnh nguyện mùa Chay ngày 06-03-2024 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Thông báo Tuyển sinh Học kỳ II nk. 2023-2024 -
Thi Ca Trong Trải Nghiệm và Biểu Đạt Đời Sống Tâm Linh -
Cuộc thi sáng tác mừng 20 năm thành lập Trung Tâm Mục Vụ -
Lễ kính Thánh Gioan Phaolô II: Bổn mạng Trung tâm Mục vụ và Học viện Mục vụ TGPSG
bài liên quan đọc nhiều
- Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2019
-
Tân linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J. dâng lễ Tạ ơn -
Học viện Mục vụ: thông báo chiêu sinh các khóa học mới (Niên học 2022-2023) -
Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn: Thăm Mái ấm 'Tình Mẹ' -
Thông báo về các lớp nhạc và Thánh nhạc HKI năm học 2020-2021 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn sinh hoạt trở lại từ 4-5-2020 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Thông báo Tuyển sinh Học kỳ I nk. 2023-2024 -
Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn: Bế giảng năm học 2018-2019 -
Thông báo: Học viện Mục vụ tạm ngừng sinh hoạt từ ngày 2.2.2021 -
Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 1-3-2020