Đúng hơn là sống lòng biết ơn
TGPSG -- Cuộc sống của chúng ta nếu chỉ dừng lại ở những việc đền ơn thì có lẽ đến khi chết đi thì chúng ta cũng không thể nào đền lại được tất cả những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận được trong cuộc đời.
Từ khi lọt lòng cho đến giây phút này, chắc chắn mỗi người trong chúng ta ít nhiều cũng cảm nếm được mùi vị của “ơn” đã được lãnh nhận. Thế nhưng, có đôi lúc chúng ta đã để cho mùi vị ấy chìm vào trong dĩ vãng mà không kịp lấy lại. Để rồi chúng ta chỉ biết sống cho bản thân mình mà thôi, và cứ thế dần dần “bữa tiệc cuộc đời” của chúng ta sao vô nghĩa, vô vị, nhạt nhẽo đến thế.
Lướt qua một số thông tin trên các trang báo, dường như trong những ngày này, lòng biết ơn cũng được tạm quên đi để thay vào đó cho những thông tin về dịch bệnh. Điều đó cũng phải lẽ, bởi vì trường học đã được đóng cửa từ mấy tháng nay, học sinh với giáo viên chỉ gặp nhau trên màn hình online mà thôi. Chắc chắn không gặp nhau thì làm sao có được những ngày lễ hội để tỏ lòng biết ơn hay là có dịp để biếu hoa tặng quà cho quý thầy cô. Năm nay coi như là không có lễ hội 20-11. Thế nhưng, không có ngày lễ 20-11 thì không có nghĩa là không thể sống lòng biết ơn được.
Quả vậy, trong thế giới ngày nay, con người chúng ta dường như bị rơi vào lối sống của sự sòng phẳng và cũng không đẹp chút nào nếu lòng biết ơn cũng chỉ là “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” mà thôi. Và cũng thật tệ hại biết bao khi mọi thứ cũng chỉ được đánh giá trên những giá trị kinh tế, vật chất mà quên đi giá trị thiêng liêng hay tình yêu cao đẹp.
Có ổn không nếu như một đứa con chỉ đưa cho bố mẹ căn nhà, xe hơi… rồi nói với bố mẹ là con đã xong việc đền ơn? Có ổn hay không nếu việc tặng quà cho quý thầy cô giáo trong ngày 20/11 chỉ mang ý nghĩa trả công sòng phẳng mà chẳng có một chút tấm lòng nào? Có ổn không nếu lòng biết ơn chỉ được nói trên môi miệng mà không xuất phát từ tâm hồn quý mến? Có ổn không nếu trong xã hội có những người chưa bao giờ bày tỏ một sự biết ơn dù là một lời nói “Thank you”. Đây không phải là những vấn đề giả thiết nhưng thật sự nó đang tồn tại cách nào đó trong thế giới của chúng ta.
Từ những góc nhìn về một số sự kiện như thế, tôi lại thấy được rằng có điều gì đó quả thật không ổn. Có cái gì đó đe doạ thế giới, xã hội chúng ta, đe doạ đến tương lai của chúng ta và đe doạ đến chúng ta: từ những thiếu nhi cho đến những cụ già, từ những học sinh cho đến giáo viên, từ những người nghèo cho đến những người giàu có. Hoá ra chúng ta đang ngụp lặn trong một thế giới của những giá trị vật chất thôi sao? Lòng biết ơn của chúng ta cũng mang ý nghĩa là trả lại cái gì đó cho người đã làm ơn cho mình thôi sao?
Trên phương diện khoa học tâm lý, thì lòng biết ơn sẽ giúp con người có nhiều năng lượng trong cuộc sống. Theo một nghiên cứu từ Harvard Medical School thì lòng biết ơn đem lại cho con người hạnh phúc hơn. “Gratitude helps people feel more positive emotions, relish good experiences, improve their health, deal with adversity, and build strong relationships.” (Tạm dịch: Lòng biết ơn giúp cho con người có được những cảm xúc tích cực hơn, nếm trải những kinh nghiệm cuộc sống thú vị, cải thiện về sức khoẻ, ứng phó với những nghịch cảnh cuộc sống và xây dựng những mối tương quan thật chắc chắn) (Nguồn https://www.health.harvard.edu/healthbeat/giving-thanks-can-make-you-happier).
Điều cao quý ở đây chính là khi sống lòng biết ơn thì bản thân mình được hạnh phúc và rồi hạnh phúc đó cũng lan toả đến cho những người xung quanh.
Quả thật là lòng biết ơn đâu phải chỉ là để “trao lại”, “trả lại” những gì mình đã nhận được nhưng có thể lòng biết ơn còn mang đến sự hạnh phúc cho chính bản thân của người đó nữa. Tuy nhiên, còn một điều quan trọng hơn những thứ này rất nhiều đó chính là một Con Người Giêsu đã sống tâm tình tạ ơn sâu thẳm. Mọi nơi, mọi lúc trong cuộc đời của Ngài đó là tâm tình tạ ơn hướng về Cha của Ngài. Khi Ngài rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã sống lời tạ ơn. Vào bữa Tiệc Ly, khi lập bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ (Lc 22, 19). Lời tạ ơn của Chúa đã được tiếp nối trong Giáo Hội và giờ đây được cử hành hằng ngày, đó chính là thánh lễ tạ ơn. Lời tạ ơn của Chúa Giêsu không đơn giản chỉ là lời nói hay là sự đền đáp công ơn nhưng đúng hơn đó chính là một tâm tình, một lối sống của Người trong suốt cả cuộc đời.
Một người nữ nổi bật về thái độ sống lòng biết ơn đó chính là Mẹ Maria, Mẹ được đặt tên là “Đấng đầy ân sủng” mà mỗi người tín hữu thường cất lên trong lời kinh Kính Mừng “Kính mừng Maria đầy ơn phước Đức Chúa Trời”. Tâm tình biết ơn của Mẹ không phải là một chặng đường đầy tin yêu, phó thác liên lỉ trong ân sủng của Chúa đó sao?
Thánh Phaolo cũng đã bắt chước người Thầy của mình: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh (1 Tx 5, 18). “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Ngài đã ban cho anh em nơi Đức Kitô” (Plm 1, 4). Đây không chỉ một, hai, hay ba việc làm biết ơn mà thôi nhưng hơn thế nữa đó chính là một tâm tình mà vị tông đồ này đã ôm ấp suốt cuộc đời và sống trọn vẹn tâm tình đó. Không đơn giản để có được tâm tình tạ ơn khi ngài bị giam tù, đánh đập, vu oan…; không đơn giản để tạ ơn trong những giây phút ngài bị đau khổ xâu xé cực độ. Tuy vậy, thánh Phaolô đã sống và đã dạy cho các tín hữu tâm tình đó.
Chúng ta sẽ không hiểu được Chúa Giêsu và các thánh sống tâm tình tạ ơn như thế nào nếu không suy nghĩ về tình yêu của các ngài đã dành cho Đấng hằng yêu thương và ban ơn cho các ngài. Cuộc đời của các Ngài chính là sự chìm ngập trong ơn của Chúa. Tâm tình mà các ngài đã sống đó chính là cảm nếm được ơn huệ của Thiên Chúa luôn ở với các Ngài dù trong bất cứ ở đâu, làm gì hay trong hoàn cảnh nào đi nữa. Điều đó có thể được gọi là một lối sống trong tình yêu tạ ơn.
Tôi thiết rằng, cuộc sống của chúng ta nếu chỉ dừng lại ở những việc đền ơn thì có lẽ đến khi chết đi thì chúng ta cũng không thể nào đền lại được tất cả những ân huệ mà chúng ta đã lãnh nhận được trong cuộc đời. Từ ngữ “Gratitude” có nguồn gốc từ chữ Latinh “Gratia” (ân sủng) đã diễn tả phần nào ý nghĩa của tâm tình biết ơn là như thế nào. Đó chính là một thái độ cảm nếm sự hạnh phúc khi sống trong ân sủng, ơn huệ mình đã nhận được, đang nhận được và rồi còn sẽ nhận được nhiều nữa chứ không đơn thuần chỉ là lối sống sòng phẳng qua lại mà thôi.
Những hình ảnh thật đẹp hiện lên cho tôi đó chính là những người cha, người mẹ đã lam lũ suốt cuộc đời để lo cho con cái và rồi ước ao chỉ mong muốn cho con cái được hạnh phúc; hay là hình ảnh của những người con yêu mến bố mẹ của mình với một tâm hồn chân thành, không vụ lợi, không toan tính để mong sao cho bố mẹ luôn bình an, tươi vui trong những tháng ngày già yếu; hoặc hình ảnh của những người thầy cô đã ân cần dạy dỗ cho những học trò thân yêu của mình mà không nghĩ ngợi về chuyện lương bỗng, tiền nong; hình ảnh của những người học sinh thân yêu nếm cảm được tấm lòng nhiệt huyết của những người lái đò để rồi gắng sức học hành để xây dựng tương lai cho một xã hội tốt đẹp; và tôi tin chắc rằng, trong những ngày tháng khốn khổ vì dịch bệnh vừa qua, đã có rất nhiều người mang lấy những hình ảnh thật đẹp của lối sống biết ơn này qua việc phục vụ, cho đi mà không có một chút tính toán nào.
Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta chỉ muốn nghĩ đến việc trao qua đổi lại mà thôi.
Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta chỉ muốn oán trách hơn là biết ơn.
Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta khư khư giữ lấy cho bản thân mình mà không biết trao ban ơn lành cho người khác.
Có người bảo “thời nay rồi mà!” nhưng dù gì đi nữa thì: Hãy nói lời cám ơn. Hãy mang tâm tình biết ơn. Hãy sống tâm tình tạ ơn. Vì đơn giản đó chính là những gì thuộc về bản chất của con người đúng nghĩa.
(Bài cảm nghiệm nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2021)
Đaminh Trường Sơn SDB (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui nào?
-
Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành -
Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện -
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19