Đức Phanxicô – Vị giáo hoàng canh tân Giáo hội không mệt mỏi
UBCLHB (22.4.2025) – Khi Hồng y Jorge Mario Bergoglio được bầu chọn làm Giáo hoàng vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài đã chọn danh hiệu "Phanxicô" – một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các vị giáo hoàng. Chính sự lựa chọn này đã gợi nên một dấu ấn đặc biệt: Đức tân giáo hoàng đã muốn đặt sứ vụ của mình dưới ánh sáng và tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi – vị thánh nổi bật của sự khó nghèo, khiêm hạ và sống theo Tin Mừng. Kể từ thời khắc ấy, thế giới Công giáo đã chứng kiến một cuộc hành trình canh tân không ngừng nghỉ, được dẫn dắt bởi một vị giáo hoàng Dòng tên với trái tim của một tu sĩ Phan Sinh Hèn Mọn.
Từ Thánh Phanxicô Assisi đến Đức Giáo hoàng Phanxicô
Vào thế kỷ XIII, trong bối cảnh Giáo hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi quyền lực và sự giàu sang thế tục, Phanxicô đã nghe tiếng Chúa phán: “Phanxicô, hãy xây lại nhà của Ta” khi ngài cầu nguyện trước Thánh Giá tại nhà thờ San Damiano, và lời mời gọi ấy đã trở thành định hướng sống cho ơn gọi của ngài.
Thánh Phanxicô chọn sống Tin Mừng một cách triệt để – bằng sự nghèo khó, khiêm hạ, tình huynh đệ và lòng yêu mến muôn loài thụ tạo. Ngài thiết lập Dòng Anh em Hèn Mọn để cùng với anh em sống lý tưởng Tin Mừng cách triệt để. Chính bằng đời sống khiêm nhu, yêu thương và không khoan nhượng với tính kiêu ngạo và quyền lực, thánh nhân đã trở thành người canh tân Giáo hội trong thời đại đầy chia rẽ, xa hoa và quyền bính thế tục.
Chính Đức Giáo hoàng Innôxentiô III trong một giấc mơ, ngài được thị kiến nhìn thấy Đại Thánh đường Latêranô, đầu và mẹ của các thánh đường, đang nghiêng về một bên sắp đổ. Giữa lúc nguy nan ấy, bỗng từ đâu chạy đến một tu sĩ nghèo. Tu sĩ nhẹ đưa vai đỡ bên mái đổ. Toàn bộ Đại Thánh đường đứng thẳng lên, giữ lại thế quân bình. Ngài chắc chắn rằng vị tu sĩ nghèo ấy là Phanxicô đang đứng trước mặt ngài đây, và ngài đã không ngần ngại chấp thuận Luật Dòng mà vị thánh nghèo đang nài xin (trích Hạnh thánh Phanxicô Assisi).
Khi chọn tông hiệu “Phanxicô”, Đức cố Giáo hoàng không chỉ để nhớ đến một vị thánh có nhiều ảnh hưởng, mà còn tiếp nối con đường canh tân đầy khó khăn nhưng khẩn thiết: xây dựng một Giáo hội “không bị ám ảnh bởi quyền lực và đặc quyền, mà biết cúi xuống để rửa chân nhân loại” (Diễn văn với Giáo triều, 22.12.2014) và với định hướng đời Giáo hoàng của ngài là: “Tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo”, và ngài đã thật sự làm được những công cuộc cải tổ đầy những thử thách và chông gai.
Trong hành trình hơn một thập niên trên ngai tòa Phêrô, ngài đã từng ngày hiện thực hóa những canh tân bằng hàng loạt những hành động và chứng tá thấm đượm Tin Mừng. Ngài đã đơn giản hóa lễ phục Giáo hoàng, ngài từ chối việc mang giày đỏ của Giáo hoàng, ngài chọn nơi ở khiêm tốn tại Nhà Thánh Mácta thay vì căn hộ Giáo hoàng sang trọng, từ chối các nghi lễ xa hoa, và xuất hiện giữa dân chúng như một mục tử thật sự gần gũi với đoàn chiên. Các tín hữu đã quen nhìn thấy một vị Giáo hoàng tay mang cặp táp đi lên máy bay trong những chuyến tông du nước ngoài. Nhưng, dấu ấn canh tân lớn lao của ngài không chỉ dừng lại ở phong cách sống, mà còn lan rộng trong các lĩnh vực then chốt của đời sống Giáo hội.
Những cuộc canh tân
Ngay từ đầu triều đại, Đức Giáo hoàng Phanxicô xác định: “Canh tân không nhằm làm đẹp hình thức mà là để phục vụ Tin Mừng cách hữu hiệu hơn.” Với Tông hiến Praedicate Evangelium (2022), ngài đã cải tổ cơ cấu Giáo triều Rôma nhằm đặt sứ mạng truyền giáo làm trung tâm, thay thế mô hình quản trị cứng nhắc bằng tinh thần phục vụ, chính vì thế mà Đức Giáo Hoàng chính là người đứng đầu Bộ Loan Báo Tin Mừng, ngài nhấn mạnh: “Mọi cơ cấu phải quy hướng về việc loan báo Tin Mừng”.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng không ngần ngại đối diện với những vụ tai tiếng trong Giáo hội, đặc biệt trong vấn đề lạm dụng tính dục, với những biện pháp cụ thể, minh bạch và quyết liệt hơn bao giờ hết.
Một canh tân then chốt là việc làm sạch hệ thống tài chính Tòa Thánh. Ngài can đảm chấn chỉnh Ngân hàng Vatican, công bố các báo cáo tài chính định kỳ, tăng cường cơ chế kiểm soát nội bộ. Đây không chỉ là chuyện tài chính, mà là hành động mục vụ để Giáo hội trở nên đáng tin trong một thế giới đang hoài nghi mọi hình thức quyền lực.
Không chỉ canh tân cơ chế, Đức Giáo hoàng Phanxicô còn thúc đẩy canh tân đời sống thiêng liêng nơi mọi Kitô hữu. Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate (2018), ngài nói: “Chúa muốn chúng ta nên thánh và đừng mãn nguyện với một đời sống trung bình, nhạt nhẽo” (số 1). Ngài cổ võ một sự thánh thiện giữa lòng đời, nơi các bà mẹ đơn thân, các công nhân, người cao tuổi, và mọi ai sống âm thầm mà trung tín. Thánh thiện không phải là chuyện của những anh hùng, nhưng là hành trình bước theo Đức Kitô mỗi ngày trong đời sống thường nhật. Tông huấn này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng thương xót và cảnh giác trước Chủ nghĩa Ngộ Giáo và Pelagian mới – những nguy cơ khiến người Kitô hữu trở nên khép kín, tự mãn và xa rời Tin Mừng.
Đức Giáo hoàng Phanxicô còn xây dựng một Giáo hội biết lắng nghe, biết hòa giải, và biết sống liên đới với thế giới được thể hiện nơi các Thượng Hội đồng Giám mục dưới thời ngài – về gia đình, giới trẻ, Amazon và đặc biệt là tiến trình Thượng Hội đồng về Hiệp hành vừa qua – đều mang tinh thần này: một Giáo hội biết bước đi cùng nhau, chứ không áp đặt từ trên xuống. Với ngài, tiến trình Thượng Hội đồng về Hiệp hành (2021–2024) mà ngài khởi xướng không chỉ là một sự kiện, mà là một định hướng lâu dài cho đời sống Giáo hội. Ngài khẳng định: “Lắng nghe không phải là chiến lược, mà là phong cách của chính Thiên Chúa.”
Bên cạnh đó, Đức cố Giáo hoàng còn thúc đẩy một Giáo hội cởi mở với thế giới. Trong Laudato Si’ (2015), ngài kêu gọi “một cuộc hoán cải sinh thái toàn diện,” nhấn mạnh rằng “mọi sự đều có liên hệ với nhau,” và rằng chăm sóc Trái đất là một phần của đời sống đức tin. Ngài viết: “Tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo là một và không thể tách rời” (Laudato Si’, số 49). “Tất cả chúng ta có thể cộng tác như khí cụ của Thiên Chúa để chăm sóc công trình sáng tạo, mỗi người từ nền văn hóa, kinh nghiệm và khả năng riêng” (số 14). Thông điệp ấy đã mở đường cho một phong trào Công giáo hành động vì môi sinh trên khắp toàn cầu.
Đặc biệt, trong Tông huấn Laudate Deum (04/10/2023), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ và khẩn thiết hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu COP30, dự kiến tổ chức tại Belém, Brazil vào năm 2025 sắp tới. Ngài kêu gọi các quốc gia tham gia hội nghị này cam kết mạnh mẽ hơn trong việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ quyền lợi của họ .
Tiếp nối đó, trong Fratelli Tutti (2020), Đức Giáo hoàng kêu gọi nhân loại sống tình huynh đệ, vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi và hận thù. Ngài viết: “Không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ được cứu khi cùng nhau” (Fratelli Tutti, số 32). Ngài kêu gọi Giáo hội trở nên người xây cầu – chứ không dựng tường – trong một thế giới đầy đổ vỡ. Đây là lời cảnh tỉnh cho thế giới và cũng là định hướng mục vụ cho Giáo hội: trở nên khí cụ hiệp thông và hòa bình trong một thế giới đầy chia rẽ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn tiếp tục sống tinh thần “đi ra” mà ngài từng rao giảng. Những chuyến viếng thăm các nước Hồi giáo, gặp gỡ người tị nạn, cầu nguyện nơi vùng chiến sự… đều nói lên một điều: canh tân không chỉ là cải cách cơ cấu mà còn là thái độ sống Tin Mừng. Ngài đã đến với mọi nơi trên thế giới – từ trại tị nạn ở Lesbos, nhà tù, bệnh viện, đến những khu vực chiến sự hay bị bỏ quên – như một dấu chỉ sống động của lòng thương xót và sự gần gũi. Những cử chỉ nhỏ nhưng giàu ý nghĩa ấy chính là cách ngài “xây lại” Giáo hội trong thời đại hôm nay – không bằng quyền lực, nhưng bằng sự cảm thông và phục vụ. Nhà tù là nơi quen thuộc của ngài vào những ngày Thứ Năm Tuần Thánh và nhà tù Regina Coeli - Nữ Vương Thiên Đàng là nơi mà ngài đã viếng thăm vào ngày 17/4, năm ngày trước khi qua đời.
Điểm nổi bật nơi Đức Giáo hoàng Phanxicô là ngài không chỉ nói về canh tân, mà còn sống điều đó trong từng ngày sống. Ngài thường xuyên gặp gỡ người di dân, tù nhân, người nghèo; viếng thăm các vùng ngoại vi của thế giới, trả lời thư của các tín hữu gửi đến ngài, đó không phải là những thể hiện cá nhân, mà là những ưu tiên mục vụ: “Người mục tử phải mang mùi chiên.” Ngài đã không ngừng kêu gọi Giáo hội “đi ra,” dấn thân đến những vùng ngoại vi hiện sinh – nơi con người đang bị tổn thương, bị lãng quên và cần được đụng chạm bởi lòng thương xót. Hình ảnh vị Giáo hoàng ngồi xe lăn, cúi mình rửa chân tù nhân, hay đứng bên những nấm mộ vô danh của người di dân, là những biểu tượng sống động của một Giáo hội phục vụ – một Giáo hội đang canh tân bằng lòng thương xót và hy vọng, và các tín hữu vẫn luôn nhớ hình ảnh của một vị Giáo hoàng của người nghèo đầy tình phụ tử và thân thiện.
Lời mời gọi
Tựa như Thánh Phanxicô Assisi ngày xưa, Đức Giáo hoàng Phanxicô không cải tổ Giáo hội bằng vũ khí hay khẩu hiệu, mà bằng đời sống dấn thân, lòng yêu thương và một đức tin luôn chuyển động. Ngài là vị Giáo hoàng canh tân Giáo hội không mệt mỏi, bởi canh tân nơi ngài không phải là chiến lược, mà là ơn gọi. Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nói: “Tôi mơ ước một Giáo hội nghèo cho người nghèo” nhưng để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, ngài cần đến mỗi người chúng ta. Ngài cần các giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể Dân Thiên Chúa tiếp tục sống những giá trị của Tin Mừng và những gì mà ngài đã làm và gợi hứng cho chúng ta.
(Nguồn: ubclhb.com)
bài liên quan mới nhất

- 6 năm đầu triều đại Giáo hoàng Phanxicô: Triều đại của lòng thương xót
-
Đức Thánh Cha Phanxicô hết lòng cho hòa bình thế giới -
Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông có ý nghĩa gì đối với chúng ta? -
Đêm của Ánh Sáng, Hy Vọng và Sự Sống -
Phòng Tiệc Ly: Nơi thế giới mãi mãi đổi thay -
Ở Nhà - Ở Bệnh viện: Có gì khác? -
Chiếc khăn tinh tuyền -
Những quả bong bóng và tình yêu không mỏi giữa Mùa Chay -
Thánh Phaolô: Hành trình từ tội lỗi đến ân sủng -
Cải thiện sức khỏe tâm linh
bài liên quan đọc nhiều

- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Khôn ba năm - Dại một giờ -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái