ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg

ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg

ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg

Sau khi thăm hữu nghị Đại công tước của Luxembourg tại Dinh thự Đại Công Tước và gặp Thủ tướng tại Dinh Đại Công Tước, vào lúc 11 giờ 50’, Đức Thánh Cha đến Phòng hội của Dinh Cercle Cité để gặp khoảng 300 đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Thủ tướng chào mừng Đức Thánh Cha

Thủ tướng chào mừng ĐTC

Thủ tướng chào mừng ĐTC

Buổi gặp gỡ được bắt đầu với bài chào mừng Đức Thánh Cha của Thủ tướng. Ông bày tỏ niềm vui và vinh dự được Đức Thánh Cha - một nguyên thủ quốc gia và trên hết là một lãnh đạo có thẩm quyền về luân lý được công nhận trên toàn thế giới -  đến viếng thăm đất nước.

Trong bài diễn văn chào mừng, Thủ tướng nhìn nhận rằng thế giới, châu Âu và Luxembourg đã thay đổi nhiều, nhưng theo ông điều không thay đổi, và không bao giờ được thay đổi là sứ điệp hoà bình, tình thương tha nhân và phẩm giá cho mọi tôn giáo. Và ông bảo đảm với tư cách là Thủ tướng sẽ luôn bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ được bảo vệ và duy trì.

Đề cập đến tương quan giữa nhà nước và tôn giáo, Thủ tướng nói: “Trong khi các tương quan giữa Giáo hội và nhà nước đã phát triển theo hướng tách biệt rõ ràng hơn, và trong lúc sự tục hoá đang diễn ra, các tôn giáo vẫn không hiện diện bên ngoài giới hạn của xã hội. Các tôn giáo là một phần của xã hội, và đóng góp, trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để làm phong phú thêm các cuộc tranh luận của chúng ta về các vấn đề đạo đức, xã hội và môi trường. Một xã hội không thể tồn tại mà không có các giá trị và nguyên tắc”.

Đức Thánh Cha gặp chính quyền dân sự

Đức Thánh Cha gặp chính quyền dân sự

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong bài diễn văn liền sau đó, trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui được đến viếng thăm Luxembourg, chân thành cảm ơn Hoàng thân và Thủ tướng vì sự chào đón nồng nhiệt đã dành cho ngài.

Tiếp đến, từ vị trí địa lý đặc biệt nằm trên biên giới của các khu vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, Đức Thánh Cha nói Luxembourg nằm ở ngã tư của các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của châu Âu. Hai lần, trong nửa đầu thế kỷ trước, quốc gia đã phải chịu sự xâm lược và tước đoạt tự do và độc lập.

Thay thế chống đối bằng sự hợp tác, sẽ có kỷ nguyên hòa bình mới

Ngài nói: “Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước quý vị đã được huấn luyện từ lịch sử của mình, nổi bật trong sự dấn thân xây dựng một châu Âu thống nhất và liên đới, trong đó mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có vai trò riêng của mình, bỏ lại phía sau sự chia rẽ, xung đột và chiến tranh gây ra bởi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng nguy hiểm”.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha thừa nhận khi lý luận đối đầu và chống đối bạo lực chiếm ưu thế, các khu vực ở biên giới giữa các cường quốc xung đột cuối cùng sẽ bị liên luỵ rất nhiều trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, khi cuối cùng họ tái khám phá những con đường khôn ngoan và thay thế sự chống đối bằng sự hợp tác, thì chính những nơi này lại trở thành nơi thích hợp nhất để chỉ ra, không chỉ mang tính biểu tượng, sự cần thiết về một kỷ nguyên hòa bình mới và những con đường phải đi theo.

Luxembourg cũng không ngoại lệ với nguyên tắc này, là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu và các Cộng đồng trước đó, nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức châu Âu, bao gồm Tòa án Công lý Liên minh, Tòa án Kiểm toán và Ngân hàng Đầu tư.

Kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan là điều quan trọng của một đất nước

Hơn nữa, cơ cấu dân chủ vững chắc của đất nước này, vốn đặt trọng tâm vào nhân phẩm và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, là tiền đề không thể thiếu cho một vai trò quan trọng như vậy trong bối cảnh lục địa. Thực vậy, không phải việc mở rộng lãnh thổ hoặc số lượng dân cư làm nên điều kiện tất yếu để một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên bình diện quốc tế hoặc để trở thành một trung ương thần kinh ở cấp độ kinh tế và tài chính. Trái lại, đó là việc kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan, bằng cách điều chỉnh cuộc sống của công dân theo tiêu chí công bằng và tôn trọng pháp quyền, đặt con người và công ích vào trung tâm, ngăn ngừa và chống lại những nguy hiểm phân biệt đối xử và loại trừ.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Luxembourg năm 1985 mà theo ngài vẫn còn phù hợp: “Đất nước của quý vị, ở ngã tư quan trọng của các nền văn minh, vẫn trung thành với ơn gọi của mình là trở thành một nơi trao đổi và sự hợp tác năng động giữa các quốc gia với số lượng ngày càng tăng. Tôi tha thiết hy vọng rằng mong muốn liên đới này sẽ ngày càng hiệp nhất các cộng đồng quốc gia và mở rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những quốc gia nghèo nhất”.

Phát triển xác thực và toàn diện bao gồm cả chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ

Đức Thánh Cha khẳng định học thuyết xã hội của Giáo hội chỉ ra những đặc điểm của sự tiến bộ như vậy và những cách thức để đạt được nó. Về phần Đức Thánh Cha, ngài đã đi theo con đường của huấn quyền này bằng cách đào sâu vào hai chủ đề lớn: chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ. Thực vậy, để sự phát triển trở nên xác thực và toàn diện, chúng ta không được cướp phá và làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta, đồng thời không được bỏ rơi các dân tộc hoặc các nhóm xã hội bên lề.

Ngài nói: “Chúng ta đừng quên rằng sự giàu có là một trách nhiệm. Do đó, tôi yêu cầu luôn chú ý, đừng bỏ bê những quốc gia thiệt thòi nhất, nhưng giúp họ phục hồi khỏi tình trạng nghèo đói. Đây là cách quan trọng để đảm bảo giảm số người bị buộc phải di cư, thường trong điều kiện vô nhân đạo và nguy hiểm. Với lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt, với gần nửa dân số đến từ các vùng khác của châu Âu và thế giới, Luxembourg có thể là một sự trợ giúp và mẫu gương trong việc chỉ ra con đường phải theo để chào đón và hội nhập những người di cư và người tị nạn”.

Đức Thánh Cha nhận xét, thật không may, chúng ta đang chứng kiến sự tái xuất hiện, ngay cả trên lục địa châu Âu, những rạn nứt và thù địch, thay vì được giải quyết trên cơ sở thiện chí chung, các cuộc đàm phán và nỗ lực ngoại giao, lại dẫn đến những hành động thù địch công khai, đưa đến sự huỷ diệt và cái chết. Dường như trái tim con người không phải lúc nào cũng biết cách gìn giữ ký ức của mình nhưng thỉnh thoảng lại lạc lối và quay trở lại con đường bi thảm của chiến tranh. Để chữa lành hội chứng nguy hiểm, khiến các quốc gia bị bệnh nặng và có nguy cơ đẩy họ vào những cuộc mạo hiểm với cái giá phải trả to lớn về nhân mạng, và những cuộc thảm sát vô ích, chúng ta cần phải hướng tầm nhìn lên trên. Điều cần thiết là cuộc sống hàng ngày của người dân và những người lãnh đạo phải được thúc đẩy bởi những giá trị tinh thần cao cả và sâu sắc. Điều này sẽ ngăn chặn sự điên rồ của lý trí và sự vô trách nhiệm quay lại mắc những sai lầm tương tự trong quá khứ, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi sức mạnh kỹ thuật lớn hơn mà con người ngày nay đang sở hữu.

Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội

Và ngài nói thêm: “Với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, nhân danh Giáo hội, chuyên gia về nhân loại, tôi cũng được sai đến đây để làm chứng rằng Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội. Chỉ có Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, khiến tâm hồn có khả năng làm điều thiện ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, dập tắt hận thù và hòa giải các bên xung đột. Ước gì mọi người, trong sự tự do hoàn toàn, biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng đã hòa giải Thiên Chúa và con người trong Ngôi Vị Thiên Chúa và là Đấng, nhờ biết những gì ở trong trái tim con người, có thể chữa lành những vết thương của nó”.

Đức Thánh Cha nhận xét, Luxembourg có thể cho mọi người thấy những lợi thế của hòa bình so với nỗi kinh hoàng của chiến tranh, của sự hội nhập và thúc đẩy người di cư so với sự phân biệt đối xử, lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia trước những hậu quả tai hại của việc củng cố vị trí và theo đuổi ích kỷ và thiển cận hoặc thậm chí bạo lực vì lợi ích riêng của họ.

Thật vậy, những người có thẩm quyền cần phải kiên trì và kiên nhẫn tham gia vào các cuộc đàm phán trung thực để giải quyết xung đột, với thiện chí tìm ra những thỏa hiệp danh dự, không làm tổn hại điều gì và thay vào đó có thể xây dựng an ninh và hoà bình cho tất cả.

Đức Thánh Cha kết thúc diễn văn nhắc lại khẩu hiệu của chuyến tông du “Để phục vụ”. Khẩu hiệu đề cập trực tiếp đến sứ vụ của Giáo hội, đã được Chúa Kitô, Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ, sai đến thế gian như Chúa Cha đã sai Người. Đối với tất cả chúng ta, lời kêu gọi “phục vụ” này là danh hiệu cao quý nhất, là nhiệm vụ chính, là cách sống cần phải đảm nhận hàng ngày.

Ngài nói: “Xin Thiên Chúa nhân lành ban cho anh chị em luôn làm việc phục vụ với một trái tim vui vẻ và quảng đại. Xin Mẹ Maria  trông coi Luxembourg và thế giới, và xin Chúa Giêsu Con Mẹ ban cho chúng ta bình an và mọi điều tốt lành”.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha ký sổ lưu niệm và chào tạm biệt mọi người và trở về nhà của Tổng Giám Mục để nghỉ trưa.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top