Dòng Don Bosco Việt Nam: Ngày Truyền giáo Sa-lê-diêng
WGPSG -- Ban Truyền giáo Tỉnh dòng Sa-lê-diêng Don Bosco Việt Nam đã tổ chức ngày Sinh động Truyền giáo năm 2012 dành cho các cộng đoàn Sa-lê-diêng và gia đình Sa-lê-diêng thuộc các vùng phía Nam đã được tổ chức tại Học viện Thần học Sa-lê-diêng Don Rinaldi - Xuân Hiệp, Thủ Đức lúc 08g00 sáng thứ Bảy ngày 17/11/2012.
Ngày Sinh động Truyền giáo
Đến tham dự có Cha phó giám tỉnh Tôma Vũ Kim Long, kiêm Trưởng ban Truyền giáo tỉnh dòng, quý cha, quý thầy Sa-lê-diêng, quý ông bà cố các thầy truyền giáo, cùng các thành phần khác trong gia đình Sa-lê-diêng.
Trong phần phát biểu khai mạc, cha phó giám tỉnh đã nêu lên những thành quả tốt đẹp trong lãnh vực truyền giáo mà tỉnh dòng đã đạt được: Với 12 lần xuất phát truyền giáo, tỉnh dòng SDB Việt Nam hiện có 82 hội viên đang phục vụ tại 32 quốc gia trên thế giới. Lần xuất phát truyền giáo thứ 143, vào ngày Chúa nhật 30/9/2012 tại Torino, tỉnh dòng Việt Nam cũng đã gửi 17 hội viên trẻ tình nguyện dấn thân loan báo Tin Mừng cho người trẻ, giúp họ nhận biết, yêu mến Chúa Giêsu để được ơn cứu rỗi.
Tiếp theo, Cha Phanxicô K'Brel, dân tộc K'Hor, một Dân tộc đã được đón nhận ánh sáng Tin Mừng, và bản thân ngài hiện nay đang truyền giáo cho chính dân tộc mình. Ngài bộc bạch:
Nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, cánh đồng truyền giáo tại vùng Lâm Đồng là vùng đất thật mầu mỡ và rộng lớn đang chờ đợi những thợ gặt lành nghề. Tuy nhiên, nhà truyền giáo phải hiện diện với họ, phải hội nhập: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và nói tiếng nói của họ, tôn trọng tín ngưỡng cổ truyền của họ... chỉ khi đó nhà truyền giáo mới tạo được niềm tin và loan báo Tin Mừng của Chúa đến với họ.
Tuy nhiên, việc truyền giáo tại Lâm Đồng vẫn còn đó những khó khăn và thách đố, khi đa số họ đang theo đạo Tin Lành. Người dân tộc họ sống cộng đồng, theo đạo cũng mang tính cộng đồng nên cũng dễ dàng bỏ đạo, đặc biệt là giới trẻ khi có điều kiện ăn học, có công ăn việc làm. Đặc biệt, người truyền giáo cần quan tâm giáo dục đồng bộ giữa giáo dục đức tin và giáo dục văn hóa, giúp họ thực sự cảm nghiệm và kín múc được tình yêu Thiên Chúa, để họ giữ vững đức tin họ đã lãnh nhận.
Cuối cùng, ngài đi đến kết luận: Ơn gọi truyền giáo cần gắn liền với tình yêu của Chúa Giêsu và cùng với Ngài vượt qua những khó khăn, những thách đố trên con đường đem Chúa đến cho muôn dân. Trong việc dấn thân truyền giáo, nhà truyền giáo phải luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa và nỗ lực biến mình trở thành dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay của Thiên Chúa.
Trước giờ giải lao, cha phó giám tỉnh đã thay mặt tỉnh dòng cảm ơn sự hiện diện của Cha Phanxicô K'Brel, của quý ông bà cố và mọi người. Ngài đã trao đến quý ông bà cố một phần quà để nói lên lòng biết ơn của tỉnh dòng, bởi lẽ như Bà cố Maria Vũ Thị Kim Dung, thân mẫu Thầy Giuse Lưu Vũ Quốc Gia đang truyền giáo tại Paraguay tâm sự: “Người mẹ nào mà chẳng thương con. Khi nghe tin Thầy Giuse đăng ký đi truyền giáo, gia đình rất buồn. Thế nhưng, qua sự giải thích và sự quyết tâm của thầy, gia đình chỉ biết trông chờ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế rồi, chỉ một thời gian ngắn, niềm vui đã trở lại với gia đình, và luôn cảm tạ Chúa, vì từ đó gia đình đã đón nhận được nhiều hồng ân của Thiên Chúa”.
Cha Phêrô Phạm Văn Chính - Trưởng ban Truyền Thông SDB cho biết: Tỉnh dòng gọi là “Ngày Sinh động Truyền giáo Sa-lê-diêng”. Bởi lẽ, để công cuộc truyền giáo được phát triển, tỉnh dòng cần phải phát động, mời gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các cộng đoàn, tu sĩ... là những người tích cực và trực tiếp thực hiện công cuộc truyền giáo trong và ngoài nước.
Thánh lễ tạ ơn
Sau giờ giải lao, lúc 10g30, Cha phó giám tỉnh Tôma đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Xuân hiệp. Đồng tế với ngài có quý cha Sa-lê-diêng thuộc vùng phía Nam.
Chia sẻ Tin Mừng, Cha Phêrô Phạm Văn Chính đã nhắc lại bản chất truyền giáo của Dòng Don Bosco. Ngài diễn giảng: “Sứ vụ truyền giáo là ơn gọi của mỗi người và nằm trong lòng Giáo hội, tu hội. Sứ vụ truyền giáo Sa-lê-diêng là loan báo Tin Mừng cho thanh thiếu niên ở mọi nước, mọi dân tộc. Người truyền giáo Sa-lê-diêng phải tự tu luyện từ những việc làm bình thường mỗi ngày để trở thành người thánh thiện, để với gương sáng của bản thân, ta mới tạo được niềm tin để dễ dàng loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho muôn dân, đặc biệt là giới trẻ”.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g30, mọi người cùng tham dự bữa cơm gia đình, hàn huyên tâm sự với quý cha, quý sư huynh, quý ông bà cố và các hội viên.
bài liên quan mới nhất
- Giáo chức hạt Sàigòn - Chợ Quán hành hương và họp mặt mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam
-
Tĩnh tâm Mùa Vọng & Giáng Sinh của giới Nghệ sĩ Công giáo -
Tháng 11 là tháng báo hiếu -
Ban bác ái Doanh nhân Công giáo thăm quý nữ tu Dòng Kín và Mái ấm -
Gia đình Chăm Sóc Bệnh Nhân liên xứ Sài Gòn cầu nguyện cho các linh hồn -
Ca đoàn Hương Chiều, 49 năm một chặng đường đầy ơn Chúa -
Chuyến đi tĩnh tâm của ca đoàn Cécilia giáo xứ Thánh Linh, Thủ Đức - Kỷ niệm 50 năm thành lập (1974 – 2024) -
Thánh lễ cầu nguyện cho các Linh hồn và an táng các thai nhi -
Giáo Chức Công Giáo sinh hoạt chuyên đề và mừng Ngày Nhà Giáo Việt Nam -
Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cầu nguyện cho Các Đẳng Linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo dân trong mùa dịch: Những điều Nên và Không Nên
-
MV “Tình Ngài Thôi Thúc Ta” - một món quà từ người trẻ Việt Nam dành cho Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 -
Dòng Đa Minh Việt Nam -
Giáo hạt Xóm Mới: Thánh lễ luân phiên Hội Lòng Chúa Thương Xót 2023 -
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng thăm Hội nghị Toàn quốc Tuyên úy - Huynh Trưởng -
Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể - cấp I (Vươn Lên 53) -
Doanh nhân Công giáo trẻ: Bữa ăn Yêu thương ngày 13.11.2023 -
Chuyên đề 185: Tư duy phản biện, nhân tố phát triển xã hội -
Mái ấm Thiên Ân -
Bổ nhiệm cha Tân Giám đốc Caritas Việt Nam và tri ân cha nguyên giám đốc