ĐHY Parolin: "Đức Gioan Phaolô I là vị Giáo hoàng sống đơn sơ theo Tin Mừng"
TGPSG / Aleteia -- Ngày 4-9-2022, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I - chỉ ở cương vị giáo hoàng 33 ngày - đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong chân phước tại Rôma. Nhân một cuộc trao đổi với thông tấn xã I.Media, Đức Hồng y Pietro Parolin (ĐHY) - Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng là Chủ tịch Quỹ Gioan Phaolô I của Vatican - đã giải thích vì sao "tầm quan trọng của Đức Gioan Phaolô I trong lịch sử Giáo Hội Công giáo lại tỷ lệ nghịch với thời gian ngài ở trên cương vị đứng đầu Giáo hội".
I.Media: ĐHY chỉ mới 23 tuổi vào ngày 26-8-1978, ngày mà vị thượng phụ thành Venise được bầu làm Giáo Hoàng. Ngài có còn nhớ gì về lúc đó không?
ĐHY Pietro Parolin: Có chứ, tôi nhớ hôm đó rất rõ. Lúc đó tôi còn là phó tế, đang học năm cuối thần học tại Chủng viện Vicence, nhưng vẫn ở lại TP Reggio Emilia suốt mùa Hè để theo học môn tâm lý học. Ngày thứ Bảy 26-8 đó, chúng tôi đi dự lễ phong chức phó tế cho một người bạn, cũng ở Reggio Emilia. Khi rời nhà thờ, tin tức loan đi: Đức Giáo hoàng đã được bầu. Một lúc sau, chúng tôi biết được tên người được bầu, đó là Đức Hồng y Albino Luciani, Thượng phụ Venise. Một sự ngạc nhiên lớn, nhất là vì sự mau chóng của cuộc bầu cử. Ngài được bầu trong thời gian ngắn, trong lúc báo chí dự báo là cuộc mật nghị bầu cử sẽ kéo dài, giằng xé và khó khăn. Mà ngài được bầu, như chúng tôi biết được sau đó, với sự đồng thuận cao. Còn về con người của Đức Luciani, mặc dù ngài là người gốc vùng này vì là thượng phụ của Venise và của thủ phủ Vénétie, tôi lại không biết rõ về ngài nhiều lắm. Chủ yếu là tôi đọc cuốn Illustrissimi của ngài (bản tiếng Pháp tựa là Với Sự Khiêm Cung, ndrl). Thực ra tôi chẳng biết căn cứ vào cái gì để đưa ra bình luận về cá nhân ngài. Lúc đó chúng tôi còn là chủng sinh, do đó đã biết gì về công việc của Vatican đâu.
Như vậy ĐHY đã tìm hiểu về ĐGH Gioan Phaolô I sau đó?
Vâng, rất lâu sau đó. Rồi tiểu sử và cái chết bất ngờ của ngài - chỉ sau 33 ngày trên cương vị Giáo hoàng - đã dấy lên sự quan tâm về ngài. Còn phải kể đến cách mà ngài bộc lộ bản thân trong 33 ngày đó, cái phong cách đặc biệt mà ngài bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng: điều đó khiến cả thế giới đánh giá cao; và tất nhiên điều này đã khiến tôi mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về nhân vật này.
Nhất là chính những người hèn mọn nhất sẽ nhớ đến Giáo hoàng Luciani. Ngài rất gần gũi với người ta.
Ngài có cùng nguyên quán với Đức Gioan Phaolô I: vùng Vénétie - một vùng rộng lớn với điểm nhấn là Thành Venise và cả dãy núi Alpes nữa. Giáo hội Công giáo chiếm vị trí nào trong cái vùng đặc biệt của Italia này, nơi cung cấp cho Giáo hội nhiều nhân vật kiệt xuất và nhiều vị thánh?
Theo tôi, mọi sự đã thay đổi sâu sắc vài thập kỷ trở lại đây. Tiến trình thế tục hóa, ảnh hưởng đến toàn Giáo Hội, toàn thế giới và nhất là đến phương Tây, đã được cảm nhận rất mạnh, rất ồ ạt trong vùng chúng tôi. Đây là vùng đất công giáo ăn sâu cắm rễ, nơi cách sống đức tin không phải là cái gì đó chồng lên cuộc sống nhưng là máu thịt thấm sâu vào trong đời sống, nơi này đức tin là một biểu hiện cao hơn chính cuộc sống. Và điều đó được thể hiện chủ yếu trong việc thực hành tôn giáo, trong tỷ lệ rất cao người dân tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, các cử hành phụng vụ... Và nhất là về mức độ ơn gọi. Trong chủng viện của tôi những năm 60 có tới 600 chủng sinh. Còn phải kể đến tinh thần truyền giáo rộng khắp trong nhiều công trình công giáo: đó cũng là một đặc điểm khác của sự hiện diện của Giáo hội trong vùng, rất gắn kết với thực tại xã hội, nhất là vào thời kỳ có sự nghèo khổ. Giáo hội rõ ràng là một nhân tố đề cao con người, gắn với gương mặt những vị linh mục chánh xứ có sáng kiến lập ra những công trình tương trợ lớn, các công ty liên hiệp - nơi người ta tập hợp lại với nhau v.v... Ngày nay, vẫn còn đó sự hiện diện của Giáo hội, nhưng đã ít đi những đặc điểm để nhận diện như đã nói, mặc dù thật ra một số giá trị, như công việc thiện nguyện, theo tôi thấy, là có xuất phát điểm từ những giá trị mà Hội Thánh đã gieo mầm, hiện đang có ở vùng Vénétie của chúng tôi.
Đức Albino Luciani đã thực thi sứ vụ phần lớn ở vùng Vénétie. Trước tiên ngài làm linh mục trong giáo phận của ngài ở Belluno, rồi giám mục của Vittorio Veneto (1958-1969) và cuối cùng là thượng phụ Venise (1969-1978). Ngài đã để lại kỷ niệm gì trong vùng đất nguyên quán của ngài?
Tôi nghĩ ngài đã để lại một kỷ niệm sống động trong vùng Vénétie. Tại Belluno, nơi ngài được thụ phong và thi hành sứ vụ, vẫn còn những linh mục đã học ngài ở chủng viện. Ở đó mọi người đều nhớ về sự rõ ràng trong cách trình bày của ngài, ngài có khả năng diễn tả cách rõ ràng, tươi mới trong bài giảng, có khiếu ăn nói đặc biệt, khiến người nghe dễ hiểu. Họ còn nhớ ngài quan tâm rất nhiều đến giáo lý. Đấy luôn là một trong những đặc điểm của Đức Luciani. Sau cùng họ còn nhớ thời kỳ ngài làm linh mục tổng đại diện, cùng với sự nghiêm túc trong cách làm việc của ngài. Và rồi những người, đứng tuổi một chút, gần như "mê" ngài vô cùng, nhớ đến ngài với rất nhiều cảm xúc.
Người ta còn nhớ như thế nào về ngài trong cương vị giám mục?
Thời điểm ngài được gọi làm Giám mục Vittorio Veneto trùng với những bước đầu tiên của Công đồng Vaticanô II - lúc Công đồng đang diễn tiến. Tại Venise, tôi tin đó là lúc khó khăn nhất cho ngài, khi ngài đang phải chịu rất nhiều áp lực. Đó là những năm có nhiều phản bác. Từ đó rất khó khăn để thực hiện Công Đồng Chung trước nhiều kiểu phản bác lộ diện lúc đó. Nhưng tôi nghĩ rằng hình ảnh đẹp nhất của thời ấy lại do vị thượng phụ đương thời của Venise đưa ra khi ngài nói rằng chính những người hèn mọn nhất là những người sẽ nhớ Luciani nhiều nhất. Ngài rất gần gũi với người dân.
Về mặt cá nhân, bài học lớn của ngài là về sự đơn sơ của Tin Mừng
Do triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I rất ngắn, nằm giữa hai triều đại "khổng lồ" là Phaolô VI và Gioan Phaolô II, nên ngày nay người ta thường không biết rõ về Đức Gioan Phaolô I. Người ta hay nói đến "Đức Giáo hoàng của nụ cười", về cái chết bất ngờ của ngài. Vậy ĐHY có thể rút ra được những bài học lớn nào từ triều đại giáo hoàng 33 ngày này?
Bài học chính, đó là bài học về Công Đồng Chung. Ngài là người của Cộng đồng Chung, chính vì vậy ngài tìm cách diễn giải bài học của Cộng Đồng Chung trong đời sống mục vụ của Hội Thánh trong đó ngài là một mục tử. Về mặt cá nhân, bài học lớn của ngài chính là về sự đơn sơ của Tin Mừng. Một sự đơn sơ đã bắt rễ trong đức tính khiêm nhường của ngài. Tôi còn nhớ những lời của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI nói về ngài: "Sự khiêm tốn có thể được xem như một di chúc thiêng liêng của ngài". Khiêm nhường là đức tính căn bản mà Chúa đã dạy chúng ta, khiến chúng ta trở nên dễ thương trước mặt Chúa và đồng thời khiến tương quan của chúng ta với người khác trở nên dễ dàng hơn, một sự khiêm cung không có nghĩa là kém cỏi nhưng là nhận biết mọi cái hay của chúng ta đều là do Chúa ban cho. Sau cùng, ngài có cái cách sống hoàn toàn theo Phúc Âm, đi đến tận điều cốt yếu của Thánh Kinh, không nửa vời, không phân chia trong những gì ngài nghĩ, nói, dạy và thực hành.
Cho đến lúc này Đức Gioan Phaolô I là vị giáo hoàng gốc Ý cuối cùng, sau 44 vị giáo hoàng đều đến từ Italia, tương đương hơn 450 năm lịch sử trong đó sự nối tiếp sứ vụ tông tòa đều nằm trong lòng nước Ý. Sau ngài, các vị Giáo hoàng đều được chọn bên ngoài "lãnh thổ hình chiếc ủng" với Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, và đến nay là Đức Phanxicô đến từ bên ngoài châu Âu. Người ta thường bình luận về sự quốc tế hóa này của Giáo Hội toàn cầu, nhưng ít khi nói về ảnh hưởng của nó trên giáo hội Italia. Vậy, ĐHY nghĩ gì về sự tiến hóa này, với tư cách là một người Ý?
Theo tôi thì những thay đổi này có thể lúc đầu đã tạo ra sự bất ngờ, ngạc nhiên nào đó sau nhiều thế kỷ giáo hoàng toàn là người Ý. Theo lẽ tự nhiên, dần dần Giáo Hội và giáo triều Rôma phải được quốc tế hóa thôi. Đó là một trong những cam kết lớn của Đức Phaolô VI, và theo đúng lôgích, cuối cùng cũng phải có vị giáo hoàng không phải người Ý. Theo tôi thì trong khuôn khổ quan niệm toàn cầu của Giáo Hội, điều đó không thành vấn đề. Chúng tôi rất hạnh phúc vì chính Chúa Thánh Thần đã tìm người kế vị Thánh Phêrô ở khắp thế giới.
Các Đức Hồng y nhìn thấy nơi Đức Gioan Phaolô I một vị mục tử gần gũi với người dân. Điều này nhắc nhớ đến chủ đề gần gũi mà Đức Giáo hòang Phanxicô thường nói đến.
Sau Đức Gioan Phaolô I, việc bầu Đức Gioan Phaolô II có lẽ đã là một khoảnh khắc đáng nhớ: lần đầu tiên từ nhiều thế kỷ, một giám mục thành Rôma đã không phải là người đến từ Italia?
Đúng vậy - nhưng ơn trời, tôi không có ý muốn ca tụng người Ý đâu nhé! - tôi thấy việc mở ra với thế giới đó, âu cũng phần nào là tinh thần Ý. Và có lẽ việc Chúa chọn Rôma như trung tâm Giáo hội của Người, nơi khoác lên mình tính công giáo, nghĩa là mang tính toàn cầu, cũng có ý nghĩa của nó... Cứ nghĩ về việc từ chức của Đức Bênêđíctô XVI đi, đó là một cú sốc chứ. Nhưng đó là những điều phải đến lúc chín muồi và chúng ta cũng biết rằng, nói cho cùng thì lịch sử vẫn được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Linh. Quả thực, với cá nhân tôi cũng như với mọi người, tôi không cảm thấy khó khăn gì khi chấp nhận những thay đổi đó.
Ngược lại, người ta lại có cảm tưởng rằng người Ý hiện đang có vẻ "thừa nhận" Đức Giáo hoàng, bất kể ngài đến từ đâu, và biến ngài thành người của họ...
Vâng đúng thế thật. Chúng ta đã thấy sự tiếp đón dành cho đức Gioan Phaolô II, một gương mặt đã nổi bật từ mật nghị năm 1978. Quả là một điều đẹp đẽ.
Triều đại của Đức Gioan Phaolô I diễn ra vào lúc có những thay đổi lớn lao trong Giáo Hội, cả sự căng thẳng nữa, đã khiến những vị giáo hoàng kế tiếp nhau phải hành động để tạo sự đoàn kết. Trong bối cảnh đó, theo ĐHY, thì đâu là những phẩm chất của Đức Gioan Phaolô I đã lôi cuốn lá phiếu các vị Hồng y cử tri?
Tôi nghĩ điều này quá rõ ràng. Các vị Hồng y đã thấy ở ngài một mục tử rất gần gũi với dân chúng. Điều này nhắc nhớ đến chủ đề gần gũi mà Đức Giáo hoàng Phanxicô hay nói tới. Các vị ấy đã nhìn thấy một mục tử đi đến tận cùng bản chất của đức tin, nhưng cũng rất quan tâm đến những năng động xã hội, những khó khăn của người ta.
Mỗi vị Giáo hoàng lại có tính cách riêng của mình. Theo tôi thì thật nguy hiểm khi so sánh vì chúng ta biết rằng mỗi vị Giáo hoàng đều được Chúa Thánh Linh mời gọi vào chức vụ của mình.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về Đức Gioan Phaolô I, đặc biệt là bà Stefania Falasca, đã so sánh vị giáo hoàng thứ 263 với Đức Phanxicô. ĐHY có nghĩ rằng có cái gì đó riêng trong tính cách của Đức Giáo hoàng Luciani đang có ở nơi vị Giáo hoàng đương nhiệm hay không?
Mỗi vị Giáo hoàng đều có tính cách riêng của mình. Theo tôi, thì luôn có nguy cơ khi so sánh, vì chúng ta đều biết là mỗi vị Giáo hoàng đều được Chúa Thánh Linh mời gọi vào chức vụ thông qua việc bầu cử của các Đức Hồng y, và mỗi vị Giáo hoàng đều đáp ứng những đòi hỏi đương thời của Giáo Hội. Tuy nhiên tôi vẫn thấy có sự giống nhau. Bà Stefania Falasca đã tuyên bố rằng, trước khi Đức Giáo hoàng Phanxicô được bầu, bà đã đi thăm ngài khi bà viết luận án về Illustrissimi. Đức Hồng y Bergoglio đã cho bà thấy là ngài biết rõ những trước tác của Đức Hồng y Luciani. Hai vị Giáo Hoàng có những điểm tương đồng. Đức Phanxicô, giống người tiền nhiệm của mình, rất lưu tâm đến sự đơn sơ. Hai vị đều có khả năng lớn về truyền thông - Đức Luciani là một nhà truyền thông giỏi. Hai vị cũng đều có mong muốn tiếp thừa di sản của Công đồng Vaticanô II. Tôi nhìn thấy trong điểm cuối này là sự tương đồng căn bản của hai vị.
Một sự tương đồng mà người ta tìm thấy trong thông điệp Urbi và Orbi được Đức Gioan Phaolô I công bố ngày 27-8-1978, khi ngài mô tả 6 ước nguyện của ngài cho Giáo Hội: tiếp tục thực hiện Công Đồng Vaticanô II, duy trì kỷ luật trong lòng Giáo Hội, loan báo Tin Mừng, đại kết, đối thoại liên tôn và hòa bình. Phải chăng với diễn văn này, ngài đã chỉ hướng cho các vị kế tục ngài?
Vâng, đó chính là đường hướng mà các vị giáo hoàng đều đi theo. Hướng đi này đặc biệt quan trọng với Đức Albino Luciani vì ngài là người trực tiếp kế tục Đức Phaolô VI là vị giáo hoàng đã bế mạc Công Đồng Vatican II và bắt đầu giai đoạn áp dụng. Một giai đoạn mà ngài từng cho là dễ dàng nhưng cuối cùng lại tỏ ra rất phức tạp. Ngay việc chọn cái tên Gioan Phaolô, là tên của hai vị giáo hòang của Công Đồng Chung cũng có ý nghĩa. Đức Gioan 23 đã phong ngài làm Giám mục còn đức Phaolô 6 thì phong ngài làm Hồng y, nhưng cái tên này chủ yếu là liên quan đến việc tiếp tục Công Đồng Chung. Và về điểm nay, ngài đã đưa ra định hướng cho người kế tục ngài, và tôi tin rằng cả Đức Gioan Phaolô II cũng như Đức Phanxicô đều đã lấy lại 6 điểm đã được lập trình này để hội nhập những chọn lựa của Công Đồng Chung cách sâu sắc và mạnh mẽ.
Với việc từ trần quá đột ngột, phải chăng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I đã nhắc chúng ta rằng việc lãnh đạo Giáo hội theo phẩm trật không phải được giao cho những siêu nhân mà là cho những nhà lãnh đạo từng trải nghiệm sự mỏng manh? Và như thế, dưới một góc nhìn khác, điều đó cho thấy ý nghĩa của phẩm trật trong Giáo Hội Công giáo?
Điều này cho chúng ta thấy chính Thiên Chúa đang dẫn dắt Giáo hội. Một con đường đôi khi huyền bí, khó hiểu đối với chúng ta! Tôi còn nhớ đến sự ngỡ ngàng. Lúc đó là sau thánh lễ buổi sáng ở chủng viện. Chúng tôi được tin Đức Giáo hoàng mới qua đời. Chúng tôi đã thốt lên: "Nhưng sao lại thế, Đức Giáo hoàng mới mất ư? Mới làm giáo hoàng được một tháng mà đã qua đời rồi!" Nhưng chẳng may lại đúng là như vậy. Tất nhiên điều đó cho thấy Đức Giáo hoàng cũng là một con người và ngài cũng có những giới hạn của con người, trong đó có giới hạn về sức khoẻ. Điều đó cũng có nghĩa là dù trong thời gian ngắn ngủi, người ta cũng có thể để lại những dấu vết không thể xóa nhòa. Chúng ta có thể nói rằng tầm quan trọng của Đức Gioan Phaolô I trong lịch sử Giáo hội thì tỷ lệ nghịch với thời gian tại vị của ngài. Kể cả với thời gian ngắn như vậy, người ta vẫn làm được rất nhiều điều, làm người của Phúc Âm, làm người tìm cách sống trong chiều sâu của sứ vụ.
Camille Dalmas (I. Media - Aleteia) ghi nhận.
Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ
bài liên quan mới nhất
- Nữ tu Công giáo Nigeria được trao giải thưởng Opus trị giá 1,2 triệu đô la
-
Bà Nancy và ông Patrick, triệu phú Canada bỏ tất cả để trở thành thừa sai tại đền thánh Mễ Du -
Di chúc đức tin của Sammy Basso, thanh niên bị bệnh lão hoá sớm -
Đức cha François Pallu: Chứng nhân của tình yêu -
Chứng tá truyền giáo của cha Ignazio Lastrico ở Brazil: Điều quan trọng là luôn hiện diện và ở mọi nơi -
Những nữ thừa sai ở bang Meghalaya, Ấn Độ -
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến, vị giám mục phá tan băng giá -
Khi đức tin là sự lan toả nhen lại tâm hồn chán nản -
Trung tâm y tế Đức Mẹ Thương Xót ở Sudan -
Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024
bài liên quan đọc nhiều
- Cuộc hội nhập văn hóa của Giáo hội Công Giáo Việt Nam (1533-2019)
-
Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cha Pierre Lambert de La Motte, những thành quả truyền giáo và tiến trình xin phong thánh -
Phong thánh: Chỉ cần một phép lạ thôi -
Đức cha Pierre Lambert De La Motte người môn đệ yêu mến “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” -
Đức Gioan Phaolô II: Vị Giáo hoàng của giới trẻ -
Cỗ tràng hạt quý chôn theo Công nương Diana -
Gia đình có một Hồng y, một Giám mục, hai Linh mục và bốn Tu sĩ -
Đời sống tâm linh của Đức Gioan Phaolô II -
"Hãy theo Thầy": Trở về với đức tin nhờ các vị Giáo Hoàng đương đại -
400 năm ngày sinh Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục đầu tiên Việt Nam