ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm giới thiệu Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 và hướng đến Công nghị Giáo phận 2011
WGPSG -- Vào ngày 30-3-2011, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã tiếp xúc và nói chuyện với Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo về Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 và Công nghị Giáo phận 2011. Sau đây là toàn văn bài thuyết trình:
GIỚI THIỆU SỨ ĐIỆP ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010
HƯỚNG TỚI CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN 2011
I. Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa, kết quả của một quá trình
1. Nói theo cách làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, Đại hội Dân Chúa cũng được thực hiện qua một tiến trình lâu dài:
- Chọn chủ đề: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam quyết định chọn chủ đề cho Năm Thánh 2010, cũng là chủ đề của Đại hội Dân Chúa: Giáo Hội tại Việt Nam: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ.
- Đề cương: Ban Thư ký Đại hội tiến hành việc biên soạn Đề cương (lineamenta) của Đại hội. Khi đã được Hội Đồng Giám Mục chuẩn y, đề cương này được gửi đến toàn thể Dân Chúa tại Việt Nam, trở thành một tài liệu học hỏi và trao đổi suy nghĩ về Giáo Hội trong các giáo phận. Nhiều giáo phận, nhiều đoàn thể tông đồ có những sáng kiến trong việc học hỏi và trao đổi này, ví dụ, biên soạn bản hỏi-thưa, tổ chức thi đố vui, trắc nghiệm…
- Tài liệu làm việc: sau khi nhận góp ý từ các giáo phận, dòng tu cũng như những đoàn thể hoặc cá nhân, Ban thư ký biên soạn Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) là tài liệu nền tảng cho Đại hội Dân Chúa.
- Đại hội Dân Chúa (21-26/11/2010): Đại hội được tiến hành với sự tham dự của Hội Đồng Giám Mục, các đại biểu của mọi thành phần Dân Chúa trong Gíao Hội, cùng nhau cầu nguyện, lắng nghe, thảo luận và góp ý cho việc xây dựng Gíao Hội.
- Sứ điệp: được biên soạn như tiếng nói chung của Đại hội sau những ngày làm việc. Sứ điệp cố gắng phản ánh trung thực những suy tư và góp ý của Đại hội, cho nên được đem ra trình bày cho cả đại hội và chỉnh sửa nhiều lần, kể cả vào phút chót. Ví dụ, lời mời gọi các linh mục canh tân đời sống…
2. Một vài ghi nhận
- Sứ điệp không phải là tài liệu tự nhiên mà có nhưng là kết quả của cả một quá trình làm việc, không những trong thời gian đại hội mà đã được chuẩn bị ngay từ khởi đầu Năm Thánh 2010.
- Sứ điệp là tiếng nói phản ánh trung thực những suy tư và góp ý của toàn thể các đại biểu tham dự Đại hội.
- Sứ điệp không phải là dấu chấm hết nhưng chỉ phác họa những đường nét chính. Góp ý của các đại biểu được đúc kết thành những đề nghị (propositiones), làm nền tảng cho việc biên soạn Thư Chung hậu đại hội. Cả hai tài liệu này cần được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn, sau đó sẽ phổ biến cho toàn thể Dân Chúa.
II. Nội dung chính của Sứ điệp
Sứ điệp được trình bày theo nhịp điệu quen thuộc trong Năm Thánh 2010: GiáoHội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. Tuy nhiên có những điểm nhấn khi bàn về từng chiều kích.
1. Mầu nhiệm: nhấn mạnh đến Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam theo khuôn mẫu của mầu nhiệm nhập thể. Khi Thiên Chúa làm người, Ngài đã làm người cụ thể trong một bối cảnh cụ thể: địa lý, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ… Cũng vậy, Giáo Hội Chúa Kitô là Giáo Hội phổ quát, vượt mọi ranh giới địa lý, chủng tộc và văn hóa; đồng thời Giáo Hội ấy nhập thể trong từng dân tộc với những nét đặc trưng của dân tộc đó: địa lý, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ. Giáo Hội Việt Nam cũng nhập thể trong lòng dân tộc của mình với những nét đặc thù của Việt Nam (con người, văn hóa, ngôn ngữ). Do đó Giáo Hội phải tìm cách diễn đạt chân lý đức tin sao cho gần gũi với con người và văn hóa VN, phải tiến hành cuộc đối thoại giữa văn hóa Tin Mừng và văn hóa Việt Nam, phải tìm cách đem tinh thần Phúc âm thấm nhập vào đời sống con người cũng như xã hội, cùng nhau xây dựng vương quốc sự thật và sự sống, vương quốc công chính, yêu thương và an bình, cũng chính là khát vọng sâu xa nhất của mọi người dân Việt.
2. Hiệp thông: Đại hội muốn trình bày Giáo Hội như một gia đình. Thật ra đây không phải là sáng kiến thuần túy Việt Nam vì Giáo Hội tại châu Phi cũng đã từng đề nghị như thế. Đồng thời cũng có những dè dặt về việc trình bày Giáo Hội như một gia đình vì hình ảnh gia đình ngày nay đang mất đi sự tinh tuyền thưở ban đầu: gia đình chỉ có mẹ-con hoặc cha-con vì vợ chồng ly dị, cái-gọi-là-gia-đình của những cặp đồng tính, tính gia trưởng, nạn bạo hành trong gia đình… Tuy nhiên nhìn chung các đại biểu vẫn cảm thấy gia đình là hình ảnh rất gần gũi thân thương với người Việt Nam và việc diễn tả Giáo Hội như một gia đình giúp cho mọi người cảm nhận mầu nhiệm Giáo Hội gần gũi hơn. Một vài ghi nhận cần quan tâm:
- Hình ảnh Giáo Hội như một gia đình đề cao tình yêu thương như sự sống cần thấm vào mọi mối tương quan trong đời sống Giáo Hội, giữa giáo dân với nhau, với các linh mục và giám mục.
- Trong gia đình, tình yêu thương này có được vì anh chị em có chung cha mẹ. Cũng vậy, mối quan hệ với Thiên Chúa là tương quan nền tảng trong đời sống Giáo Hội và mỗi thành viên cần phải quan tâm vun trồng mối tương quan này.
- Hình ảnh Giáo Hội như một gia đình cũng muốn đề cao tầm quan trọng của ơn gọi hôn nhân và đời sống gia đình. Gia đình là tế bào căn bản của Giáo Hội, vì thế Giáo Hội chỉ phát triển mạnh mẽ nếu các gia đình công giáo sống đúng ơn gọi và chức năng của mình.
3. Sứ vụ: Sứ vụ duy nhất của Giáo Hội, sứ vụ làm nên lý do hiện hữu của Giáo Hội là loan báo Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Loan báo bằng lời nói và hành động. Loan báo bằng suy tư lý thuyết và dấn thân thực tiễn để đem tinh thần Phúc âm thấm nhập mọi thực tại đời sống con người. Trong bối cảnh cụ thể ngày nay của Việt Nam, có những dấu hiệu phổ biến của văn hóa sự chết như phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, bạo lực, tham nhũng, ô nhiễm môi sinh… Trong bối cảnh đó, Đại hội Dân Chúa nhấn mạnh sứ vụ xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương. Sứ vụ này cần được thực hiện ở mọi cấp độ: cá nhân, gia đình, giáo xứ, địa bàn và môi trường địa phương; đồng thời mời gọi sự cộng tác và tham gia của mọi thành phần Dân Chúa.
III. Hướng tới Công nghị giáo phận
1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ ban hành Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa (dự trù vào khóa họp cuối tháng 4 – 2011). Thư Chung này là tài liệu căn bản cung cấp định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội Việt Nam trong những năm sắp tới. Các giáo phận sẽ căn cứ trên Thư Chung này để triển khai và áp dụng những định hướng trên vào hoàn cảnh cụ thể của mình.
2. Tại Tổng giáo phận Thành phố, sau khi Hội Đồng Giám Mục ban hành Thư Chung, giáo phận sẽ thành lập Ban Trù bị (gồm ban tổ chức và ban thư ký) để lên kế hoạch chuẩn bị cho Công nghị giáo phận (dự trù vào cuối tháng 11 năm 2011). Một vài nét có thể phác họa:
- Công nghị giáo phận không nhắm đến việc triển khai lý thuyết nhưng nhằm đưa tinh thần Thư Chung vào đời sống mục vụ cụ thể của giáo phận. Vì thế, ước mong công nghị sẽ đưa ra những kế hoạch mục vụ cho những năm sắp tới, “mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội, hòa nhập vào đời sống văn hóa xã hội, vì sứ vụ loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vì sự sống của gia đình nhân loại, trên đất nước hôm nay” (Đức Hồng y Tổng giám mục TGP).
- Công nghị muốn lắng nghe ý kiến của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, từ cấp giáo xứ đến giáo hạt. Do đó làm thế nào để trong giai đoạn chuẩn bị, mọi thành phần Dân Chúa có cơ hội góp ý cho công nghị qua các đại biểu của mình.
IV. Vai trò người giáo dân trong dấn thân xã hội
1. Lãnh vực trần thế là đặc tính riêng của ơn gọi Kitô hữu giáo dân, vì thế người giáo dân nên dấn thân vào đời sống chính trị xã hội hơn là để cho các linh mục phải cáng đáng. “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối cho đời” (Hiến chế Giáo Hội, số 33).
2. Để chu toàn sứ mạng này, người giáo dân phải giữ gìn và củng cố căn tính “công giáo” của mình, bằng cách củng cố mối tương quan sống động với Thiên Chúa trong đời sống thờ phượng và đời sống luân lý, đồng thời củng cố sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội: với Đức Thánh Cha và Giáo Hội phổ quát cũng như với các chủ chăn và Giáo Hội địa phương. “Với tinh thần vâng phục của người Kitô hữu, giáo dân hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thày dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội. Làm như thế, họ theo gương Chúa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do nơi con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người” (Hiến chế Giáo Hội, số 37).
3. Đóng góp nét đặc thù của mình vào việc xây dựng xã hội trần thế: “Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi các tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp hai loại bổn phận và nghĩa vụ đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa” (Hiến chế Giáo Hội, số 36).
Ngày 30-3-2011
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
bài liên quan mới nhất
- Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011)
-
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011 -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Cảm nhận sau năm ngày tham dự Công nghị Giáo phận -
Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận -
Nhật ký Công nghị 26.11.2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2) -
Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (1) -
Công nghị Giáo phận TP.HCM ngày 25.11.2011: Bản tin 6
bài liên quan đọc nhiều
- Giáo điểm Tin Mừng với hậu Công Nghị Giáo Phận
-
Những đề nghị của Công nghị Giáo phận (20-26/11/2011) -
Tam nhật cầu nguyện cho Công nghị Giáo phận -
Những câu hỏi giúp suy nghĩ và góp ý cho Công nghị Giáo phận -
Công nghị Giáo phận trong truyền thống Giáo luật -
Kinh, Bài hát và Logo Công nghị Giáo phận TPHCM -
Tổ chức Công nghị giáo phận TGP.TPHCM -
Phóng sự: Giáo dân & Tân chánh xứ Giuse Thợ trong bối cảnh hậu Công nghị Giáo phận 2011 -
Công nghị Giáo phận TPHCM: Bản tin 6 -
Thường huấn linh mục TGP.TPHCM 14.12.2011