Dạy Giáo lý là thông truyền kinh nghiệm sống Đức tin Công giáo

Dạy Giáo lý là thông truyền kinh nghiệm sống Đức tin Công giáo

Dạy Giáo lý là thông truyền kinh nghiệm sống Đức tin Công giáo

TGPSG -- “Dạy giáo lý không chỉ là dạy giáo thuyết, mà còn là thông truyền kinh nghiệm sống đức tin Công giáo của mình.”

Cùng với một số giáo dân và tu sĩ - tôi được linh mục chánh xứ Hà Đông giao nhiệm vụ cộng tác với ngài hướng dẫn lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân.

Vì hiểu rằng dạy giáo lý cũng là thông truyền kinh nghiệm sống đức tin Công giáo của mình, và mỗi giờ giáo lý là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, trước mỗi giờ dạy giáo lý Dự tòng và Hôn nhân, chúng tôi thường đọc một đoạn Lời Chúa cho cả lớp nghe, rồi chia sẻ ngắn gọn Lời Chúa, giúp các học viên cầu nguyện với Chúa, sau đó dẫn ý vào bài học. Ngoài việc truyền đạt chân lý đức tin, tôi còn chia sẻ cách tham dự và sống Thánh lễ, cầu nguyện hằng ngày…

Vì “không ai có thể cho cái mình không có”, để tích lũy thêm kinh nghiệm sống về Thiên Chúa, tôi tham gia các đoàn thể, như Legio Mariae, giáo lý viên và truyền thông. Mỗi ngày tôi dành thời gian đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, rồi lưu lại nơi địa chỉ blog https://giadinhsongloichuagia-dinhsongloichua.blogspot.com (còn được gọi là “tủ sách online”) để chia sẻ với các học viên, cùng cầu nguyện với Lời Chúa mỗi ngày. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian viếng Thánh Thể cách riêng tư như là giây phút nạp thêm Ơn Chúa, vì lời nói của con người thì chỉ như gió lung lay, chỉ sức mạnh của Chúa mới có thể lôi kéo…

Với những nỗ lực này, công việc dạy giáo lý của chúng tôi có những biến chuyển qua dòng thời gian từ thời Covid đến nay:

Giai đoạn dịch Covid (2020 - 2021)

Trong thời gian dịch bệnh này, tôi được cộng tác với linh mục GB. Vũ Mạnh Hùng - chánh xứ Hà Đông, kiêm hạt Trưởng giáo hạt Xóm Mới. Cùng với ngài, chúng tôi - gồm nữ tu Nga, thầy Tuyến, thầy Toản, thầy Dũng và tôi - hướng dẫn lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân.

Trong giai đoạn Covid, các học viên đã gặp phải những khó khăn do vướng vào dịch bệnh. Một lớp giáo lý Dự tòng, dù đã học xong chương trình, có khi phải tổ chức cử hành các nghi thức bí tích rửa tội vào 3 lần khác nhau. Như trường hợp của em Đỗ Anh Khoa, tối thứ Sáu tôi tập nghi thức cho cả lớp để chiều thứ Bảy hôm sau lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm, thì sáng thứ Bảy em ấy gọi điện báo với tôi: cha đỡ đầu của con bị nhiễm F0, con bị F1 phải cách ly, nên không thể tham dự lễ Rửa tội.

Cũng vậy, em Nguyễn Tuấn Anh, cả 2 lần, cứ gần đến ngày Rửa tội thì bị nhiễm F1 và F0 phải cách ly, nên phải đợi đến khóa sau em mới được rửa tội.

Tương tự, trong lớp giáo lý hôn nhân, các em đã học xong chương trình giáo lý, đã đăng ký ngày lễ cưới với linh mục chánh xứ, và đã đặt tiệc nhà hàng. Nhưng gần đến ngày cưới, cả đôi bạn bị nhiễm F0, phải đi cách ly. Linh mục chánh xứ, lúc bấy giờ rất thương các đôi bạn; ngài sẵn sàng cử hành bí tích Rửa tội, Hôn phối, chuẩn khác đạo... vào bất kỳ thời điểm nào, miễn sao các đôi bạn khỏe mạnh không nhiễm Covid là được.

Với tình hình dịch bệnh, các học viên giáo lý đã gặp phải những khó khăn về tiền bạc, sức khỏe, và thời gian gián đoạn... Nhưng nhờ ơn Chúa giúp sức - như lời Thánh Phaolô: "trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta" (Rm 8, 37) - tất cả các em đã được lãnh nhận các Bí tích Khai tâm và được linh mục chánh xứ cử hành Thánh lễ Hôn phối.

Kết quả tính tới ngày 04.12.2021, có 35 tân tòng được Rửa tội, 84 học viên hoàn thành chương trình giáo lý Hôn nhân, 3 đôi hôn phối được hợp thức hoá và 1 đôi nhận được phép chuẩn khác đạo.

Giai đoạn sau dịch Covid (2022-2024)

Năm 2022, Lm Giuse Đỗ Quang Khả về nhận chánh xứ Hà Đông. Ngài đã có những điều chỉnh cho lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân.

Các giảng viên lớp giáo lý “Dự tòng và Hôn nhân” gồm có: cha xứ cùng cộng tác viên là linh mục phó xứ và thầy Tài. Lớp giáo lý “Hôn nhân” có các giảng viên là: linh mục phó xứ, thầy Tài, thầy Toản, và thầy Luận.

Thời gian học vào lúc 19g15, thứ Hai và thứ Tư hằng tuần.

Chương trình dạy và học là 6 tháng: 3 tháng giáo lý dự tòng và 3 tháng giáo lý hôn nhân.

Sau mỗi khóa học giáo lý Hôn nhân, linh mục chánh xứ sẽ dâng Thánh lễ bế giảng và trao chứng chỉ giáo lý Hôn nhân cho các học viên.

Cũng vậy, sau mỗi khóa học giáo lý Dự tòng, linh mục chánh xứ sẽ gặp riêng từng người để khảo kinh, và có những lời khuyên dạy trước khi cử hành các Bí tích Khai tâm cho các Dự tòng.  

Tính đến ngày 06.03.2024, đã có 41 tân tòng được Rửa tội và 91 anh chị hoàn thành chương trình giáo lý Hôn nhân. Trong đó, 1 đôi xin phép chuẩn khác đạo, 2 đôi hợp thức hóa hôn phối, và 1 đôi trước đây có phép chuẩn khác đạo - nay người chồng đã tự nguyện xin học giáo lý và được rửa tội.

Gần đây, vào lúc 19g15 thứ Hai ngày 11-3-2024, Lm Giuse Đỗ Quang Khả đã khai giảng khóa mới lớp giáo lý dự tòng có 25 hoc viên trong đó có 12 nam và 13 nữ.

Cảm nhận của học viên

Sau hơn một tháng học lớp Dự tòng khóa I năm 2024 tại giáo xứ Hà Đông, chị Giáp Nguyễn Vũ Anh, đến từ Hạnh Thông Tây Quận Gò Vấp, chia sẻ:

“Thành thật mà nói, trước đây con chưa từng nghĩ đến việc bản thân mình sẽ đến lớp giáo lý Dự tòng. Tuy nhiên, như một ‘cơ duyên’, con gặp được anh bạn có bác cả là linh mục. Ông bà của anh đều đi nhà thờ mỗi ngày. Cha mẹ, cô dì, chú bác của anh luôn cùng ông bà đọc kinh mỗi tối. Từ khi đến với anh, con thường được anh đưa đi tham dự Thánh lễ. Anh cũng mời con cùng tham gia đọc kinh cầu nguyện cho những linh hồn vào ngày giỗ. Anh thường chia sẻ cho con những đoạn clip cha giảng về nhiều khía cạnh trong cuộc sống… Dần dần, con bắt đầu yêu thích và tin tưởng nhiều hơn vào Chúa.”

Cùng chung suy nghĩ, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (Khánh Hòa) tâm sự:

“Trước khi đến với lớp giáo lý Dự tòng con không có niềm tin về tôn giáo. Ban đầu con đến với lớp giáo lý nhà đạo vì tình cảm cá nhân. Nhưng sau một thời gian được học và hiểu rõ hơn về tình yêu của Chúa, con từ từ tin rằng Chúa luôn hiện hữu xung quanh chúng ta. Con may mắn được tham dự Thánh lễ Vọng Phục sinh, trải qua nhiều cảm xúc và cảm nhận được sự thiêng liêng từ Chúa. Từ đó con cũng cảm nhận được đức tin trong lòng mình, con đã bắt đầu dành thời gian vào cuối tuần để dự lễ Chúa nhật. Con mong Ngài soi sáng giúp đức tin của con ngày càng vững vàng và con thầm biết ơn vì Ngài.”

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (Nam Định) bộc bạch:

“Bản thân con là một người ngoại đạo, chưa từng nghĩ một ngày nào đó bản thân mình sẽ học giáo lý Công giáo. Nhưng bạn trai của con là người Công giáo, đã chia sẻ với về đời sống đạo và đưa con ra mắt gia đình anh. Là một dự tòng đang tìm hiểu giáo lý Công giáo, con đã không ngừng trau dồi các kiến thức đức tin từng ngày và bây giờ đang nuôi dưỡng đức tin của mình để trở thành một Kitô hữu biết sống Lời Chúa mỗi ngày.”

Điều thôi thúc các anh chị học viên đến với lớp giáo lý Dự tòng là qua cách sống đạo của những người thân, như chia sẻ của chị Lương Hồng Lan Nhi đến từ Đồng Tháp:

“Lúc đầu, thật sự con chưa có niềm tin và cảm nhận được gì từ Thiên Chúa. Con nghe những người họ hàng bảo rằng "Đạo Công giáo là không có thờ Ông bà" nên con cũng phân vân. Hiện tại con đã có niềm tin hơn vì con được anh dẫn đi lễ vào mùng 2 Tết năm ngoái - Thánh lễ ‘Kính nhớ Tổ Tiên Ông bà’. Qua những buổi học với cha xứ, cha phó, và thầy, con đã hiểu Chúa nhiều hơn, biết yêu Chúa và biết cầu nguyện. Xin Chúa ban ơn cho con và những người con yêu thương được bình an và sức khoẻ, và được ở lại trong tình Chúa.”

Với cùng một cảm nhận tương tự, chị Trần Diễm Sương (Tiền Giang) cho biết:

“Là một người ngoại đạo, ban đầu chưa biết gì về Chúa nói chung và đạo Công Giáo nói riêng, bản thân con chỉ nghĩ đơn giản rằng Chúa cũng như những Đấng khác, sẽ cứu độ chúng sinh, ban bình an cho con người. Nhưng cơ duyên cho con một người bạn, có thể tạm gọi là bạn đời tương lai. Anh ấy là người Công giáo, thi thoảng vẫn chia sẻ những điều về Chúa cho con nghe, và chúng con cùng đi tham dự Thánh lễ, cùng cầu nguyện mỗi khi hai đứa gặp khó khăn trong công việc. Con chỉ vừa mới đến với lớp giáo lý Dự tòng được vài buổi học. Qua lời giảng của cha, của thầy, con đã được biết nhiều hơn về Chúa, cũng như được biết Chúa là Đấng toàn năng. Ngài luôn tha tội cho những ai mắc sai lầm biết sửa đổi và ban bình an đến con người cũng như vạn vật xung quanh.”

Đến với lớp giáo lý Dự tòng, mỗi anh chị đều có những cảm nhận khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là mong ước trở thành con cái của Chúa như bộc bạch của anh Nguyễn Văn Nghĩa, một học viên đến từ Bình Thuận:

“Con là kẻ ngoại đạo. Trước khi đến với người bạn đời của mình, con đã có nghe về Chúa, có xem phim ảnh về nhà thờ, và lúc ấy con cũng muốn được vào đó khi buồn để tâm sự với Chúa. Tuy nhiên, thời điểm đó, động lực của con không đủ mạnh, và rồi vì cái duyên, con có bạn gái Công giáo ngoan đạo. Nhà bạn gái đã hướng dẫn con đọc kinh, đi lễ. Dần dần con cảm thấy khá là thích và thoải mái. Ấn tượng đầu tiên của con khi lần đầu vào nhà thờ là khi cả nhà thờ hát vang kinh Vinh danh, thật là hay. Con bắt đầu biết cầu nguyện với Chúa và Chúa đã ban cho con nhiều ơn mà con có thể thấy rõ, dần tạo cho con có thêm đức tin và vững lòng. Tuy có nhiều điều con chưa thực sự vững tin, nhưng con hy vọng Chúa sẽ soi sáng cho con để con có thể có một đức tin vững mạnh với Chúa. Đó cũng là động lực giúp con đến với lớp giáo lý Dự tòng ngày hôm nay.”

Cũng suy tư như thế, anh Nguyễn Phạm Gia Quân phát biểu:

“Con là một người không có đạo, không có đức tin trong cuộc sống. Mục đích ban đầu để con đến với lớp dự tòng là kết hôn. Tuy nhiên, qua nhiều buổi học ở lớp giáo lý dự tòng, con cảm thấy việc đi học đạo rất ý nghĩa khi được tìm hiểu về lịch sử - nguồn gốc của đạo Công giáo, cũng như được biết về cuộc đời Chúa Giês. Đồng thời con cũng được biết thêm những gì cần thực hiện trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong đời sống hôn nhân. Con mong rằng sau các buổi học ở lớp, con sẽ có thể chính thức được trở thành một người con của Chúa.”

Riêng anh Luk Lê Hải Anh đã thổ lộ:

“Con là một người ngoại đạo. Những gì con biết về Chúa trước đây chỉ qua phim ảnh và nhìn thấy những cầu thủ bóng đá, khi ghi bàn, họ làm dấu thánh giá và chỉ tay lên trời. Cho đến nay con đến với lớp giáo lý dự tòng nhờ vào cô bạn gái học chung năm cấp 3 với con. Chúng con đến với nhau vì tình yêu. Lần đầu con bước chân vào nhà thờ là một ngày Chúa nhật cuối tuần, con đi cùng bạn gái và cảm nhận nhiều cảm xúc khi thấy những điều mới lạ nơi nhà thờ này. Con dần dần tìm hiểu thêm và đi lễ với bạn con nhiều hơn.”

Còn anh Nguyễn Trần Mạnh Phi (Bình Thuận) thì nói:

“Con là một người không theo bất cứ đạo nào trước đây. Khi có bạn gái là người Công giáo và khi chúng con quyết định sẽ về chung một nhà, con đã xin nguyện bước chân vào nhà của Chúa để đăng ký học lớp giáo lý Dự tòng. Trước đây, con cũng có đi nhà thờ, nghe cha giảng dạy về Kinh Thánh, nhưng vẫn chưa hiểu bao nhiều về Chúa, về đạo Công giáo. Con rất cảm ơn giáo xứ Hà Đông đã có những khoá học giáo lý dự tòng để những người ngoại đạo như con có thể tìm hiểu và có được niềm tin vào Chúa.”

Đặc biệt, anh Lê Nam Duy Nhất (Quảng Ngãi) đã tâm tình rằng:

“Con yêu Nhi và được Nhi dẫn đi tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cùng em ấy. Những lần đầu vào nhà thờ, con thấy rất lạ lẫm. Dù không tin rằng Thiên Chúa có thật, con vẫn tham gia các buổi lễ đều đặn. Khi quyết định tiến đến hôn nhân, con đã tham gia lớp học giáo lý Dự tòng để trở thành một Kitô hữu giống em Nhi. Thời gian đi học giáo lý và tham dự các Thánh lễ, bản thân con cảm thấy biết thêm nhiều điều hay, những điều tốt phải làm và những điều xấu phải tránh xa. Con xin cảm ơn Chúa, cảm ơn cha xứ Hà Đông, cảm ơn Cha phó và thầy đã truyền đạt và giảng dạy cho chúng con hiểu thêm giáo lý nhà đạo.”

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn các Dự tòng được hăng say học hỏi giáo lý Công giáo, được nhận biết yêu mến Chúa là đường là sự thật và là sự sống. Chúc các Dự tòng tham dự đầy đủ khóa học, để gia nhập Hội thánh Công giáo khi lãnh nhận các Bí tích Khai tâm

Thành Tài (TGPSG)

Top