Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (4)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (4)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (4)

Góp ý cho Năm thánh 2010:

DÂN CHÚA HIỆP THÔNG TRONG TÌNH BÁC ÁI VÀ GIÁO LUẬT (4)

Phần II:  Củng cố sự Hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với nhau

Giáo Hội hoàn vũ có 2.936 Giáo phận với 1.147.000.000 tín hữu. Trong truyền thống ngàn đời, các Giáo Hội địa phương độc lập: mặc dầu độc lập, cách biệt về địa lý văn hóa, nhưng không phải là những hòn đảo từ thời thượng cổ, các Giáo Hội địa phương vẫn liên hệ chặt chẽ với nhau, chẳng những trong đức tin và đức ái, mà cả trong các vấn đề thần học, pháp luật, truyền thống. Thánh Ignatiô thành Antiôchia, trước khi chết vì đạo đã viết thư cho nhiều cộng đoàn công giáo thời đó để khuyến khích họ sống hợp nhất với nhau trong kỷ luật và tình thương.

 Công Đồng Vatican II, rút kinh nghiệm về những thành quả vĩ đại của một số Hội Đồng giám mục quốc gia tự giác, đã muốn từ nay các Giáo Hội địa phương trong một nước, hay một miền, phải cùng nhau tổ chức Hội Đồng Giám mục quốc gia hay miền, để thể hiện sự hiệp thông trong ý chí và hoạt động tông đồ, và củng cố sự hiệp thông đó qua việc thiết lập những cơ chế để cụ thể hóa tính cách duy nhất và hòa hợp, công giáo của Giáo Hội duy nhất vô hình45.

 Việt Nam có 26 Giáo phận với 6.087.659 tín hữu. Trước năm 1975, đã có Hội Đồng Giám mục miền Nam. Từ 1980, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Thống nhất hướng dẫn Giáo Hội thực hiện đời sống đạo theo tinh thần và lý tưởng “sống Phúc Am trong lòng dân tộc, để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”.

 Tuy Giáo Hội Việt Nam là một, nhưng trong thực tế còn rất nhiều khác biệt, bất đồng khiến nhiều khi giáo dân từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vô Nam, đôi khi lạc lõng, ngỡ ngàng như đang du hành trên một hành tinh khác, trong một Giáo hội khác. Chúng ta không ngạc nhiên trước cảnh tượng đó. Trái lại chúng ta phải vui mừng vì thấy Giáo Hội Việt Nam có nhiều mầu sắc. Công Giáo Việt Nam được thừa hưởng nhiều truyền thống Tây Phương khác nhau: thí dụ giáo dân Bùi Chu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình còn giữ nhiều nghi thức tôn giáo vừa Đa Minh, vừa Tây Ban Nha, vì gần ba thế kỷ sống với các cha Thừa Sai Đa Minh Tây Ban Nha, giáo dân các giáo phận khác có những nét sống đạo Pha Lang Sa46, với một số những nghi thức đạo đức khác. Các Giáo phận còn có những khác biệt trong phụng tự bình dân phát xuất từ những truyền thống Bắc, Trung, Nam47. Tuy nhiên, ngoài vấn đề kinh sách, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quy tắc “giữ đđạo”, giáo dân còn gặp những khó khăn khi phải giải quyết vấn đđề hôn nhân, thí dụ luật lệ khảo kinh mỗi Giáo phận một khác, đôi khi linh mục Giáo phận A không chấp nhận giấy chứng nhận của linh mục Giáo phận B, gây phiền hà cho đôi vợ chồng trẻ…

A. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

Hội Đồng Giám mục (HĐGM) là một cơ chế được Công đồng Vatican II cổ võ và đặc biệt khuyến khích48. Bộ Giáo Luật 1983 ra những quy định để các Giám mục một nước quy tụ thành một tổ chức pháp lý để hợp nhất và liên đới với nhau thực hành việc điều hành tập thể trong một Giáo Hội. HĐGM nhất trí và thực hiện những hình thức và những phương tiện tông đồ giống nhau phù hợp với những hoàn cảnh điạ lý và lịch sử của mọi quốc gia. HĐGMVN, đã được Tòa Thánh chính thức công nhận, như vậy là một pháp nhân có những quyền lập pháp và hành pháp theo Giáo Luật49.

 Vì mỗi Giám mục là trách nhiệm chính mỗi Giáo phận, dưới quyền Đức Giáo Hoàng. HĐGM là một cơ chế rất dân chủ, quy tụ các Giám mục Giáo Phận (GMGP): mỗi vị có quyền bỏ phiếu, và mọi nghị quyết phải được 2/3 số phiếu thuận, phải được Tòa Thánh chấp thuận và công bố công khai (GL. 455).

 Vì Giáo Hội toàn cầu mênh mông và bao quát 2,936 Giáo phận với 1.147.000.000 tín hữu (năm 2008), nên Tòa Thánh dành cho các HĐGM quyền ban bố những nghị quyết liên quan đến việc thống nhất về quản trị Giáo Hội trong mỗi quốc gia trong lãnh vực kỷ luật giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, hay một số quyền thực hiện những sứ vụ pháp lý trong việc thống nhất mục vụ, phụng tự, và chế tài.

 Vì sợ dài dòng, chúng tôi chỉ nhắc dưới đây một số nghị quyết (25 trên 35) mà Giáo Hội Việt Nam cần phải có để thực hiện sự thống nhất và hòa hợp giữa các Giáo phận:

1. Chương trình đào tạo chủng sinh (GL. 242);

2. Quy luật về Hội Đồng linh mục trong các giáo phận (GL. 496);

3. Quy luật về thời gian cố định cho linh mục quản xứ (GL. 522);

4. Quy luật về bổn phận linh mục quản xứ trong việc bảo quản công hàm giáo xứ (GL.535 § 1; 895)

5. Quy luật về quyền hưu dưỡng các linh mục quản xứ (GL.538 § 3)

6. Quy luật về phó tế vĩnh viễn (GL. 236 § 1; 276 § 2,3; 1031 § 2,3);

7. Quy luật về y phục giáo sĩ (GL.284)

8. Quy luật về việc trao chức giúp lễ, đọc sách cho giáo dân (GL. 230§ 1) ;

9. Quy luật về việc cho phép giáo dân giảng giải trong nhà thờ; (GL.230 §3);

10. Quy luật về việc in sách bổn; lập ủy ban giáo lý chung của HĐGM (GL.775§1;2);

11. Ra luật về giáo dục công giáo (GL.804);

12. Quy luật về giải tội tập thể (GL.961);

13 Quy luật về hạn tuổi lĩnh chức linh mục hay phó tế (GL.1031);

14. Luật về điều tra hôn phối (GL.1067)

15. Luật về tuổi nam nữ được phép kết hôn (GL.1083);

16. Quy luật về chuẩn trong Hôn nhân công giáo với người không công giáo (GL.1127 § 2).

17. Quy luật về bổn phận giáo dân đóng góp cho Giáo Hội (GL.1262 );

18. Quy luật về tổ chức quyên góp (GL.1265 § 2);

19. Quy luật về cho thuê tài sản Giáo Hội (GL.1297); chuyển nhượng tài sản Giáo Hội (GL.1292);

20. Quy luật Quy luật “kiêng thịt, ăn chay” (GL. 1251; 1253);

21. Quy luật giữ các “lễ buộc” (GL.1246,§ 2);

22. Quy luật kiện tụng, hòa giải, trọng tài (GL.1714);

23. Quy luật về Hội đồng hòa giải trong mỗi Giáo phận (GL.1733 § 2);

24. Quy luật về Phát động chương trình đại kết (GL.755 § 2);

25, Quy luật về giảng đạo trong radio, TV (GL. 772 § 2; 832 § 2).

Ngoài những nghị quyết trên đây, HĐGM có quyền và đôi khi có bổn phận phải thực hiện một số tác vụ quan trọng, cần thiết vì lợi ích chung của Giáo Hội trong một quốc gia.

 Cũng vì mục đích ngắn gọn, chúng tôi chỉ ghi dưới đây 18 tác vụ chính (trong số 35 tác vụ) mà chúng tôi thiết nghĩ là quan trọng trong hiện tình Giáo Hội Việt Nam:

1. Chương trình đào tạo phó tế vĩnh viễn (GL. 237 § 2);

2. Thiết lập hiệp hội quốc gia của giáo dân được phép hoạt động trong cả nước(GL. 312 § 1,2);

3. Phê chuẩn Luật hiệp hội quốc gia nhắc ở trên (GL.314)50;

4. Phê chuẩn dự án hoạt động hiệp hội quốc gia (GL.315);

5. Chấp nhận lãnh đạo; chọn tuyên úy cho hiệp hội quốc gia (GL.317 § 1-2);

6. Cộng tác với Hội nghị Bề trên cấp cao của các Dòng tu (GL.708);

7. Khuyến khích nâng đỡ các tổ chức lo việc truyền giáo (GL.792);

8. Phê chuẩn các bản dịch KT (GL.825);

9. Dịch và in các sách Phụng tự (GL.838 § 3);

10. Quy định về ban hành Bí tích (GL.841) ;

11. Cho phép giáo dân chứng kiến hôn nhân thay linh mục (GL.1112 § 1);

12.Quy định nghi lễ hôn phối (GL.1120) ;

13. Thành lập tổ chức an sinh cho giáo sĩ (GL.1274 § 2 – 4);

14. Cho phép giáo dân làm thẩm phán trong tòa án đạo (GL.1421 § 2);

15. Cho phép xử án với một thẩm phán trong các vụ án đệ nhất cấp (GL. 1425 § 4);

16, Thành lập một hay nhiều tòa án đệ nhị cấp trong nước (GL.1439);

17. Nâng một thánh đường lên địa vị đền thánh quốc gia (GL.1231).

18. Phê chuẩn các quy chế đền thánh quốc gia (GL.1232)

Chúng ta vui mừng vì thấy Giáo Hội Việt Nam đã có Hội Đồng Giám mục Việt Nam, có cơ chế, có ban bệ, có các Ủy Ban đáp ứng những nhu cầu thời đại51.

Nhưng có người còn nghĩ rằng Giáo Hội VN vẫn còn là một quần đảo tập hợp 26 hòn đảo lớn nhỏ, giầu nghèo khác nhau. Suy nghĩ đó đúng hay sai? Để thoát khỏi cái hình ảnh không mấy tốt đẹp đó, chúng tôi mong HĐGM nghiên cứu qua điều nghiên, và dùng biện pháp thích ứng để sự hiệp thông giữa các Giáo phận không những được thể hiện trên lý thuyết, mà còn trong thực tế, để không có nhiều cách biệt giữa các Giáo phận, và để giáo dân từ Giáo phận này sang Giáo phận khác không có cảm tưởng là mình xuất ngoại. Hiện nay, vì hoàn cảnh kinh tế xã hội, giáo dân di chuyển nhiều (trong phong trào dân bỏ miền thôn dã, một phần vì sinh kế về các trung tâm kỹ nghệ), thiết tưởng HĐGMVN phải sớm thống nhất các luật đạo địa phương, nhất là các quy luật về hôn nhân52.

Nhiều người cũng mong trong Giáo Hội Việt Nam thực hiện hệ thống hành pháp rõ ràng của Giáo Luật để tránh những lạm dụng quyền lực, nhất là ở các cấp lãnh đao. Trong các vấn đề liên quan đến công lý và kỷ luật trong Giáo Hội, thiết tưởng HĐGM sớm thiết lập tòa án đệ nhị cấp để giải quyết những vụ kháng án theo đúng Giáo Luật53.

Dĩ nhiên Hội Đồng Giám mục không có quyền trên Giám mục Giáo phận, nhưng HĐGM có thể đề nghị các mục tử thống nhất hình thức sống đạo và hành đạo “cùng nhau phân phát cho mọi người những lợi ích của Giáo Hội qua những hình thức và phương pháp tông đồ thích hợp với những hoàn cảnh văn hóa hiện nay của đất nước”54. Vì thế, mong HĐGMVN cống hiến thêm nhiều công sức, nhiều thời gian, nhiều nỗ lực để thực hiện những điều Công Đồng và Giáo Luật đòi hỏi.

Vì, theo sự hiểu biết thô thiển và nông cạn của chúng tôi, những khoản luật mà chúng tôi nêu ở trên, chưa được áp dụng một cách đồng nhất trong Giáo Hội Việt Nam.

B. Củng cố sự Hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa

Sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương không chỉ thu hẹp trong cơ cấu của HĐGM, hay hoạt động của các nhà lãnh đạo. Sự hiệp thông của Giáo Hội phải diễn ra trong tất cả những lãnh vực của đời sống: phụng tự, truyền giáo, văn hóa, bác ái xã hội v.v. Sức sống càng ngày càng lớn mạnh trong các tầng lớp tín hữu, (linh mục, tu sĩ, giáo dân), trình độ học vấn đang lên của giới trẻ thành thị cũng như thôn quê cho phép chúng ta tin ở một sự hiệp thông càng ngày càng rộng rãi và mật thiết. Người Việt Nam có truyền thống gắn bó với nhau, đoàn kết với nhau, nên chúng tôi nghĩ đến các tổ chức, các hiệp hội tư hay công của đồng bào công giáo.

B.1 Về vấn đề hiệp thông toàn quốc, xin phép đặt một số câu hỏi:

1. Nói chung, giáo dân đã biết đến căn tính và quyền hạn của HĐGM? Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đã tham gia vào những công tác của HĐGM?55 HĐGM hiện xuất bản tờ Hiệp thông, tiếng nói của HĐGMVN56. HĐGM có các ban bệ, nhưng các hoạt động của HĐGMVN đã minh chứng đủ cho giáo dân thấy rằng Giáo Hội Việt Nam thống nhất về tư tưởng, về đường lối, về sự hiệp nhất trong quản trị ?

2. Về phụng tự, nói chung giữa các Giáo phận không có sự khác biệt về Nghi lễ Roma57. Nhưng trong tinh thần, trong kiến trúc, trong thánh nhạc, trong đạo đức bình dân, đã có sự hiệp thông cụ thể chưa?

- Thí dụ, về kiến trúc, mỗi Giáo phận, phải có Ủy ban về phụng tự và nghệ thuật thánh. Có mấy Giáo phận đã có các Ủy ban này? Công Đồng không bắt buộc phải theo một khuôn mẫu, nhưng hình thức, trang trí, xếp đặt trong thánh đường vừa phải đáp ứng mục tiêu thờ phượng tức xây dựng “nhà Chúa”, vừa “thích ứng với việc thực hành các nghi tiết phụng tự giúp giáo dân tham gia tích cực vào nghi lễ”58. Theo chúng tôi, hiện nay nhiều nhà thờ tuy có vẻ hoa lệ, hoa văn mới, đôi khi lai căng, cách xếp đặt nội vi như một rạp hát, gian thánh quá cao, xa rời giáo dân59, điều mà chính nhẽ Ủy Ban Phụng tự và nghệ thuật thánh của các Giáo phận cũng như của Hội Đồng Giám mục Việt Nam 60 nên góp ý với các kiến trúc sư và cha xứ.

- Về thánh nhạc, cũng như nghệ thuật thánh, theo nhận xét của nhiều người, hiện nay có quá nhiều thánh ca, đôi khi chưa thích hợp với văn hóa Việt Nam (điều mà Công Đồng khuyến khích61), không diễn tả đuợc tâm tình đạo đức của người cầu nguyện. Hiện nay đang nhóm lên những sáng kiến thánh ca vừa hòa hợp với nhạc truyền thống, vừa có giá trị liên tôn. Những sáng kiến cần được chia sẻ rộng rãi.

- Về đạo đức bình dân. Những hình thức đạo đức bình dân, rất phong phú ở Việt Nam, rất cần được bảo tồn như gia tài văn hóa của Giáo Hội, nhưng cũng cần canh tân cho hợp thời đại. Có nên tránh những tổ chức có tên “nghĩa binh, đạo binh ”, những danh hiệu đôi khi gây hiểu nhầm, hay làm cớ cho người ta xuyên tạc? Nhất là nên rà soát để sửa đổi các kinh có những điều đã bị Công Đồng Vatican II xóa bỏ, hay xúc phạm đến những người không cùng niềm tin với chúng ta?

- Giáo dân Việt Nam, nhất là ở thôn quê, có truyền thống đọc kinh chung sáng tối, nhất là trước lễ Chủ Nhật. Trong một số kinh đó, có những kinh nghe chói tai, không theo sát những tiến triển tư duy của thần học sau Vatican II. Chúng tôi tha thiết xin Ủy ban Phụng tự để tâm tu sửa. Xin đan cử vài thí dụ:

a/ Trong kinh “Nghĩa đức tin” đọc sáng chủ nhật truớc lễ có câu: “ai chẳng thông công cùng Hội thánh ấy, thì chẳng được rỗi linh hồn; mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được …” Cái giáo lý “ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ” đã được Hiến chế Lumen Gentium62 và Sách Giáo lý Công giáo63 giải thích và chú giải mầu nhiệm cứu độ một cách rộng rãi, vì “chương trình cứu độ gồm cả những anh chị em đã chịu phép Thánh Tẩy, nhưng không hợp nhất với Giáo Hội công giáo, và cũng gồm những ai tin ở Đấng Tạo Hóa (như các tín hữu Hồi giáo, Do thái giáo) hay những người ngay lành chưa biết Phúc Âm, nhưng sống lương thiện đạo hạnh, cũng là những người được Chúa kết hợp một cách mầu nhiệm vào Dân Chúa”64.

b/ Kinh Thánh Phan xi cô cầu cho kẻ ngoại, “Cúi xin Chúa từ nay về sau đừng để những kẻ ngoại đạo khinh ơn cứu chuộc (…) Chúa hãy nhớ lòng nhân từ Chúa che lấp lỗi những kẻ ấy xưa nay đã lạc đàng thờ bụt thần” coi đồng bào bên lương là người có lỗi cần che lấp (sic) và coi họ là người thờ bụt thần ma quỷ !!!

 c/ Kinh Bản Hỏi: “Hỏi kẻ lành là ai, kẻ dữ là ai ? Thưa kẻ lành là kẻ giữ đạo nên, kẻ dữ là kẻ chẳng có đạo, cùng kẻ giữ đạo chẳng nên”. Một câu kinh “kinh hoàng” như vậy vẫn còn đọc hàng tuần trong nhà thờ !

 d/ Nhiều người ngạc nhiên khi nghe đọc kinh ngày thứ nhất Tuần Cửu Nhật kính ĐMHCG, trong đó quả quyết: “Đức Chúa Giêsu đang ngự trên tay Mẹ, Người là Đấng phép tắc vô cùng, là Chúa tể cầm quyền sinh tử, là Đấng ban phát mọi ơn lành, mà Mẹ là Mẹ Người, hẳn Mẹ có quyền thế mà kêu xin Người, và buộc Người phải chuẩn y lời Mẹ, Người đã minh chứng Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì”. Không biết khi nào Chúa Giêsu minh chứng Người chẳng có thể từ chối Mẹ ơn gì65? Và dù là Mẹ, Đức Mẹ nào dám buộc Chúa phải chuẩn y “như ý con( người đọc kinh)xin ? …

 e/ Hay kinh ông thánh Martinô: … “chúng tôi mừng và cầu khẩn Người từ tòa cao Người ngự xin đoái thương nhân lời anh em túng nghèo kêu xin”. Ai hay thánh Martinô ngự tòa cao hay thấp ?

v.v…

B.2 Về các tổ chức, các hiệp hội, đoàn hội giáo dân

“Đoàn kết sống”. Sức sống của Giáo Hội thể hiện qua sự đoàn kết, nhất trí của tín hữu. Hiệp thông trong sứ vụ, trong các lãnh vực khác nhau dựa vào sự tổ chức.

 Trong lãnh vực trưc tiếp liên hệ đến sứ vụ của Giáo Hội, thí dụ trong sứ vụ công lý và bác ái, Công Đồng Vatican II yêu cầu:“Các mục tử phải nhận biết và đề cao giá trị và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, trao cho họ những tác vụ đáng tin cậy, cho họ được tự do hoạt động trong lãnh vực mà họ có khả năng, và hơn nữa cũng khuyến khích họ thực hiện những công tác do chính sáng kiến của họ”66 Trong nhiều hoàn cảnh xã hội, để giải phóng nạn nhân khỏi những bất công xã hội, khỏi cảnh bóc lột, đói nghèo, đầy ải, hay bị xã hội bỏ rơi, vũ khí mãnh liệt và hữu hiệu nhất là đoàn kết với nhau trong những hoạt động tập thể, nói cách khác trong các tổ chức nhân đạo: là người công dân, giáo hữu có quyền tham gia những tổ chức nhân đạo phi tôn giáo hay tôn giáo. Nhưng tín hữu, với niềm tin và tình thương, với sự khuyến khích của các Giáo Hoàng67 giáo dân không thể làm ngơ trước những bất công đó và nên có những tổ chức công giáo để giáo hữu và những người thiện chí dấn thân xây dựng một đất nước hòa bình, ấm no, một thế giới trong đó không còn cảnh “người bóc lột người”, cảnh “cá lớn nuốt cá bé”, nhất là trong một thế giới càng ngày càng thờ Thần Tài Mamon thay Thiên Chúa. Giáo hữu Việt Nam đã làm gì ? Ủy ban Caritas Việt nam, và Bác ái xã hội của HĐGM đã ra đời, nhưng hình như vẫn còn chờ sự tham gia của đông đảo giáo dân thiện nguyện.

Trong nhiều Giáo Hội, Hội Đồng Giám mục trao quyền quản lý, nhân danh Giáo Hội, các hoạt động xã hội bác ái cho giáo dân, thí dụ tổ chức Développement et Paix ở Canada, tổ chức CCFD ở Pháp68.

Giáo Hội Việt Nam có nên học hỏi mô hình đó ?

Trong Giáo Hội Việt Nam có nên tìm cách liên đới các nhóm thiện nguyện, các sáng kiến xã hội rãi rác khắp nơi, nơi tu sĩ và giáo dân để sự hiệp thông trong Giáo Hội thành một màng lưới “tình thương” ngõ hầu phát triển thêm những mô hình bác ái tương tự trong tất cả các giáo phận, trao đổi kinh nghiệm, nâng đỡ nhau về tinh thần cũng như về phương tiện ?

Hiện nay, công tác từ thiện bác ái vẫn phát triển theo mô hình xưa: những cơ sở nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, những nhà dưỡng lão cho những người cao tuổi cô đơn, những trung tâm Aids/Sida, những trung tâm từ thiện, do các linh mục, dòng tu sáng lập và quản lý. Ngoài ra, người ta thấy nở rộ những nhóm giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân - trung thành với lời Chúa dạy phải nhận định và khám phá “dấu hiệu thời đại” - đang thể hiện những dự án thích ứng với những hoàn cảnh hiên tại của xã hội và đất nước. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, cha ông đã nhắn nhủ.

Trong một vài Giáo phận, một số hoạt động tập thể, một số tổ chức hay hiệp hội đã ra đời và đã thu hoạch được những thành quả chẳng những ở địa phương, mà lan ra toàn quốc; có tổ chức đã có những thành tích trong quá khứ, nay đang âm thầm sống lại với danh hiệu cũ hay với danh hiệu mới.

Những tổ chức đó ra đời từ niềm tin và tình thương của người tín hữu và hoạt động một cách hoàn toàn tự nguyện trong tinh thần dấn thân, đôi khi không được chính các mục tử hay đồng đạo biết đến. Nó ra đời nhiều khi để lấp những lỗ hổng trong cuộc sống tôn giáo hay xã hội. Nhiều tổ chức không do giáo quyền khai sinh, vì nó là con đẻ của thành phần dân Chúa, do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, để qua hoạt động, cùng tung hô “một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Eph.4,5), cùng thực thi sự thánh thiện trong sức sống dồi dào của Phúc Âm trong Nhiệm thể Chúa Ki-tô69. Chính sự hiệp thông của tất cả thành phần dân Chúa không phân biệt chức vị sẽ nói lên tình liên đới “người với người” với những nạn nhân của nghèo đói, khổ cực, của bệnh hoạn, của bóc lột kinh tế và nói lên sức sống của một Giáo Hội. Sức sống đó là bác ái, như lời Đức đương kim Giáo Hoàng:

 “Đối với Giáo Hội, thực thi bác ái không phải là một công tác xã hội có thể ủy thác cho người khác làm thay, mà là một yếu tố thuộc về căn tính của mình và không được phép xa rời... Hơn thế bác ái còn phải vượt ranh giới Giáo Hội, như trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Giáo Hội giúp đỡ bất cứ ai trong hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, vì là gia đình của Chúa giữa trần gian, nên Giáo Hội không thể để cho một phần tử nào của mình thiếu những nhu cầu tối thiểu70

Toàn cầu hóa kinh tế phải được thay thế bằng “Toàn cầu hóa bác ái mà đối tượng là nhân phẩm, liên đới và hỗ trợ mà ưu tiên là bảo vệ những người nghèo, đó là linh hồn của Tin Mừng”71 Là Giáo Hội hữu hình, Giáo Hội Việt Nam sẽ làm gì một cách cụ thể để hiệp nhất và nâng đỡ các tổ chức bác ái trong mục đích chính của Đại hội là “làm mới hình ảnh gia đình Giáo Hội tại Việt Nam” và “đáp trả tình thương của Chúa”?

B.3 Hiệp thông trong lãnh vực xã hội, kinh tế

Xã hội trần gian muốn phát triển phải có công lý. Chương trình “toàn cầu hóa” hiện nay cho phép các lực lượng kinh tế lũng đoạn xã hội, các nhà tài phiệt với danh nghĩa phát triển bền đỗ xây dựng xí nghiệp ở các nước nghèo để bóc lột nhân công, đồng thời làm áp lực trên các Nhà Nước nghèo chậm phát triển để khinh thường các luật lệ về môi trường và công bình xã hội72. Xã hội Việt Nam đang là nạn nhân của ác mộng toàn cầu hóa. Các thế lực kinh tế dựa vào đồng tiền và quyền thế của Ngân Hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế, Tổ chức Thương Mại thế giới73.

Ở nuớc ta, từ ngày Ngân Hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế “cấp vốn” cho Nhà Nuớc, các bệnh viện bắt buộc phải thu viện phí, và trẻ em tiểu học phải trả học phí74. Vì các cơ quan kinh tế này cho vay với điều kiện là không được phép miễn phí trong y tế và giáo dục. Nhờ chủ trương “đổi mới”, nước ta mơ biến thành một trong những con rồng Châu Á, nên thi hành chính sách “mở cửa” qua đó các công ty siêu quốc gia đầu tư xây dựng các xí nghiệp, lợi dụng nhân công rẻ, sức khoẻ và đời sống thợ thuyền không được bảo vệ, và hầu như không có một luật lệ bắt buộc xí nghiệp phải tôn trọng môi trường sống của nhân dân. Thị trường “tự do” vừa là nguồn tham nhũng, vừa là cơ hội cho những kẻ bất lương, cấu kết với tham quan và thế lực kinh tế, bỏ quên quyền lợi của người nghèo.

Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước Đông Nam Á, đại đa số nông dân là những nhà sản xuất nông nghiệp nhỏ, đội khi còn là nông dân không ruộng đất. Luôn phải đương đầu với những vấn đề pháp lý về quyền sử dụng đất đai, làm sao trong kinh tế toàn cầu hóa của WTO, họ có thể cạnh tranh nổi với những tổ hợp nông nghiệp tư bản có vốn hàng chục triệu đô la US$ trở lên75. Bất lực vì nợ nần, nghèo đói, trong khi chính quyền bán ruộng cho các nhà tư bản ngoại quốc biến thành sân golf, họ kéo về các thành phố như sóng lũ, vừa làm nông thôn bị tê liệt vì thiếu người trẻ, vừa biến thành phố thành biển người thất nghiệp, vô gia cư, vất vưởng trước cảnh sống xa hoa của một người giầu, nhiều khi bất chính.

“Toàn cầu hóa” lấy lợi tức làm mục tiêu chính. Và thế lực đồng tiền sẽ coi thường mạng sống con người, nhất là con người vô sản, coi thường môi trường sống của người dân. Nhờ có tiền, các công ty siêu quốc gia xây dựng những xí nghiệp không màng đến môi trường, sa thải tự do hóa chất độc hại ra sông ngòi, vì ở các nước tiên tiến họ không còn được phép sa thải tự do nuớc thải nếu không thanh lọc hoá chất. Các công ty nhỏ hơn nhập cảng hàng vạn tấn rác công nghiệp để tái chế76. Nhà Nước luôn nhằm mực GDP tăng, nhưng hàng vạn người chết vì ung thư, vì các thứ bệnh phát sinh do môi trường càng ngày càng ô nhiễm.

Mức “tăng trưởng” mỗi năm mỗi nâng cao, thống kê quốc gia luôn đề cao từ 7% trở lên, Việt Nam thứ nhì thế giới trong xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, nhưng hạ thấp con số những người nghèo cực, nghĩa là những gia đình không kiếm nỗi cho mỗi thành viên 15.000 đồng (1 đô la) trong hoàn cảnh gạo châu, củi quế, con số những gia đình phải bán nhà bán đất để chữa bệnh cho thân nhân. Những con số khác không mấy hoành tráng: hàng chục vạn phụ nữ phải bán thân với hình thức tô mầu “lấy chồng ngoại quốc”, hàng vạn công nhân nam nữ phải chi hàng ngàn đô la để được xuất khẩu lao động, nghĩa là ra ngoại quốc làm tôi đòi; hàng triệu thai nhi bị giết vì luật “dân số” vv.

Nhập siêu làm giầu cho một thiểu số tư bản, mại bản, cán bộ tham ô, nhưng biến cả dân tộc thành con nợ77.

Người công dân hiện nay thấy sự phân hóa giữa người giàu càng ngày càng bi đát. Ai là người có trách nhiệm?

Những yếu tố trên đây rất gần với nhận xét rất chính xác của Liên Hội Đồng Giám mục Châu Á lần thứ VIII (2004) số 13: “Mất khả năng cạnh tranh, không có những biện pháp bảo vệ của chính phủ, mất mạng lưới an toàn che chắn cho nông sản địa phương trước sự cạnh tranh không tương xứng, các gia đình nông thôn phải gánh chịu một yếu tố mới làm cho họ nghèo thêm trước sự bất lực của họ. Cũng thế, đại đa số nông dân Á Châu là những nhà sản xuất nông nghiệp nhỏ. Họ không thể cạnh tranh với chiều hướng càng ngày càng gia tăng của ngành kinh doanh lớn liên kết với nhau thành tổ hợp canh tác quốc tế (…). Hơn nữa, vì luôn phải đương đầu với những vấn đề về quyền sử dụng đất đai, các gia đình nông thôn thấy đất đai của họ không còn sản xuất với những điều kiện như thế. Vấn đề còn trầm trọng hơn do làn sóng di dân từ nông thôn đến thành thị làm cho các cộng đoàn ở nông thôn trở thành tê liệt ”.

Cuộc tranh đấu cho công lý, cho công bình xã hội tuy là một công việc xem ra có mầu sắc chính trị, nhưng cũng thuộc lãnh vực tranh đấu của công dân, vì theo Hiến pháp “Nhà Nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”78. Tranh đấu cho mọi người được hưởng những điều đó là nghĩa vụ của mọi công dân. Trên nguyên tắc, đây là nghĩa vụ chính trị và không thuộc quyền hạn trực tiếp của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội có nghĩa vụ cộng tác và đào tạo lương tâm nguời tín hữu để những đòi hỏi đó được hiểu biết và cùng nhân dân thực hiện trên bình diện chính trị. Lương tâm người tín hữu hướng dẫn họ “góp sức làm cho các thể chế chính trị xã hội lành mạnh hơn, phù hợp với những tiêu chuẩn của đức công bình”, để các nghĩa vụ và bổn phận trần thế của mình đưa lại công lý và hòa bình cho xã hội.79 Trong những miền kém mở mang, người dân nổ lực phát triển để dân giàu nước mạnh, để chấm dứt những chênh lệch lớn lao về kinh tế, để nâng đỡ nông dân tăng gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình ngõ hầu mọi lao động được hưởng những hoa lợi tương ứng với mồ hôi nước mắt của mình.80 Trong những vấn đề này, Giáo Hội Việt Nam có nên lên tiếng đóng góp cụ thể và mãnh liệt vì “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bình, dân chủ văn minh” 81?

 Dân Chúa không thể bình chân như vại, khi thấy phô bày trước mắt mình những bất công, khi một số người lợi dụng quyền lực đồng tiền để đè nén người nghèo. Hơn thế, vì là cộng đồng dân Chúa, Giáo Hội có nghĩa vụ thực thi bác ái, nhất là khi thấy có những phần tử Giáo Hội thay vì tranh đấu cho người nghèo, lại vì những lợi ích vật chất, cấu kết với những thế lực tài chính, tiền bạc. Từ thế kỷ 19 cho đến nay, qua những thông điệp Rerum novarum (1891) của ĐGH Leo XIII, Quadragesimo anno (1931) của ĐGH Piô XI, Mater et magistra (1961) của ĐGH Gioan XXIII, Populorum Progressio (1967) Phaolô VI, Sollicitudo rei socialis (1987) Centesimus annus (1991) của ĐGH Gioan Phaolô II, Giáo Hội luôn luôn đề cao công bình và bác ái trong các giải pháp xã hội để agape-caritas là ngọn đuốc soi đường cho giáo hữu trên đường phục vụ người nghèo, người bị xã hội bỏ rơi. Các tổ chức thiện nguyện của Giáo Hội như Caritas (quốc tế, quốc gia hay Giáo phận), Cor Unum quy tụ mọi người, nam nữ, già trẻ chung quanh một mục tiêu: phục vụ với tất cả tâm huyết những người cần được giúp đỡ. Sóng lũ nghèo cực đang dâng trên thế giới, sự áp bức, bóc lột càng ngày càng như con khủng long đè bẹp dân nghèo, những cơ chế bất công, tham ô như con ma cà rồng hút máu dân đen, lòng tham vô đáy như con cá mập đày đọa người lao động, trong khi luân thường đạo lý đang bị loại ra khỏi xã hội, một xã hội chỉ biết có thượng đế là lợi nhuận và đang chìm đắm trong tham sân si.

Chính ở đây, ĐGH Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh vai trò của các vị chủ chăn trong Giáo Hội địa phương. Ngài nhắc đến Chỉ thị Apostorum Successores về thừa tác mục vụ của các Giám mục do Thánh Bộ Giám mục của Vatican ban hành ngày 22 tháng 2 năm 200482.

Năm 2001, Đại Hội thường lệ của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ X, với đề tài “Giám mục, thừa tác viên Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, phục vụ niềm hy vọng của thế giới ” cũng đã nhấn mạnh rằng niềm hy vọng của mọi người và mỗi người chính là Chúa Giêsu, mà người phục vụ niềm hy vọngđđó cũng như loan báo Tin mừng là Giám mục83. Kết tinh những ý kiến của Thượng Hội Đồng, ĐGH Gioan Phaolô gửi tới 4.695 Giám mục toàn cầu:

“Trong công tác mục tử của mình, Giám mục không thể không đặc biệt chú ý đến những hoàn cảnh xã hội và kinh tế của những người nghèo nhất, những người bị bỏ rơi hơn cả, những người bị đàn áp, cần công bình và bác ái; nơi họ, người tín hữu nhìn thấy hình ảnh đặc biệt của Chúa Ki-tô.

 “Tôi cũng muốn nói đến một hiện tượng phức tạp đặc trưng của thế giới hôm nay người ta gọi là toàn cầu hóa. Vì hiện nay có toàn cầu hóa kinh tế tài chính, toàn cầu hóa văn hóa dần dần được coi như là hoa quả của sự tiến bộ nhanh chóng nhờ các kỹ thuật truyền thông. Như tôi đã có dịp trình bày nơi khác, hiện tượng này đòi phải phân định cẩn thận để phân biệt những khía cạnh tiêu cực và tích cực và những hậu quả của nó cho Giáo Hội và cho cả loài người” Để đối phó với những nét tiêu cực dưới toàn cầu hóa, ĐGH đề nghị Giáo Hội thăng tiến “Toàn cầu hóa bác ái” mà đối tượng là nhân phẩm, liên đới và hổ trợ mà ưu tiên là bảo vệ những người nghèo. “Đó là linh hồn của Tin Mừng”84.

“Bây giờ hơn bao giờ, cuộc chiến giữa người giầu chống người nghèo, đang phân hóa sâu xa hai lớp người đó. Người nghèo càng ngày càng đông! Trong một hệ thống kinh tế bất công, do những cơ cấu không hài hòa phát sinh, hoàn cảnh của những người sống ngoài lề xã hội. Càng ngày càng bi đát. Trong lúc có những nơi rất trù phú, thế mà có rất nhiều miền thế giới người ta còn đói. Những nạn nhân của sự phân hóa đó phần nhiều là những người nghèo, người trẻ, người di dân. Ở nhiều nơi, nhân phẩm người phụ nữ bị chà đạp, họ biến thành nạn nhân của một văn hóa trụy lạc và duy vật. (… ) Làm sao chúng tôi có thể im lặng trước thảm họa của nghèo đói và khổ cực trong một thời đại mà nhân loại có thừa phương tiện để chia sẽ một cách quân bình hơn? Chúng tôi cũng không thể không nói lên tình liên đới của chúng tôi với những đoàn lũ người di dân và lưu vong, nạn nhân của chiến tranh, của áp bức chính trị, hay của phân biệt đối xử về kinh tế; họ là những người phải bỏ quê hương, đi kiếm sống và tìm hy vọng an bình. Bệnh sốt rét rừng, bệnh sida, nạn mù chữ, cảnh bụi đời, cảnh phụ nữ bị bóc lột, cảnh mãi dâm, cảnh thiếu khoan dung, cảnh lạm dụng tôn giáo thành bạo động, nạn buôn bán ma túy và vũ khí đang hành hạ bao người! Và danh sách sẽ còn dài! Cũng may trong các khổ đau và khốn quẫn, người nghèo đang vươn lên và Thiên Chúa thấy họ và nâng đỡ họ”85.

Ở đây, các Giám mục không thể không chạm tới đời sống kinh tế và xã hội. Mặc dầu, bác ái tự nó không nhằm thu hút ai tòng giáo, nhưng Tin Mừng nhắc nhớ mọi người rằng phát triển con người cũng như một dân tộc không thể chỉ hạn chế trong lãnh vực kinh tế, mà phải mở rộng sang lãnh vực nhân bản và đạo đức. Tin Mừng loan báo một xã hội công bình và bác ái. “Giám mục phải là người loan báo tin mừng ấy trong Giáo Hội địa phương của mình, cho mọi người thấy trọng tâm của “Tin mừng” là các Mối phúc ghi trong Phúc Âm.

B.4 Hiệp thông trong lãnh vực xã hội chính tri.                    

Dĩ nhiên việc duy trì công lý trong xã hội, bảo vệ an ninh và hòa hợp quốc gia là trách nhiệm của các thể chế chính trị86. Giáo Hội không thể và không được phép thay thế Nhà Nước. Khi Nhà Nước, vì công ích và vì quyền lợi của toàn dân, áp dụng luật pháp, dù đôi khi Giáo Hội – vì lý do này hay lý do khác – xem ra bị thiệt thòi, người công giáo, và Giáo Hội với tính cách là dân Chúa phải tuân thủ, phục tùng và cộng tác theo lương tâm87. Nhưng khi chính quyền vượt quá quyền hạn của mình, đàn áp nhân dân, người tín hữu vẫn phải cộng tác trong những điều khách quan thuộc về công ích; nhưng tín hữu có quyền bảo vệ quyền lợi của mình và quyền của đồng bào chống lại sự lạm dụng quyền bính, trong giới hạn luật tự nhiên, Hiến pháp và luật Phúc Âm88.

“Vì sứ vụ và khả năng của mình, Giáo Hội không đồng hóa bất kỳ cách nào với cộng đồng chính trị, hay dính líu với một hệ thống chính trị nào (…) Trong môi trường của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội hoàn toàn độc lập với nhau và và hoàn toàn tự trị”89. Vì thế, để tránh những vết xe lịch sử, Giáo Hội Việt Nam, với tính cách là Giáo Hội, không đứng ra tổ chức những đảng phái chính trị, hay những lực lượng chính thức ủng hộ một hệ thống chính trị nào.

Tuy nhiên, tất cả mọi Ki-tô hữu phải ý thức về sứ mệnh đặc biệt của mình trong cộng đoàn chính trị, bằng cách phát biểu ý thức trách nhiệm nơi chính mình và tận tâm phục vụ công ích. Trong việc trần thế, họ biết dung hòa quyền bính với tự do, chống lại bất công, độc tài và áp bức trong khi chấp nhận ý kiến của đối phương. Với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo, họ không những không được phép khoanh tay khi phải tranh đấu cho công lý, mà còn có quyền hoạt động chính trị vì đó là môi trường mênh mông và đăc thù của những giáo dân có trách nhiệm, có tinh thần yêu nước, có khả năng đóng góp tài trí vào đời sống công cộng, vào tổ chức đời sống chính trị, có ý chí dấn thân tranh đấu trên chính trường, vì hạnh phúc, vì công lý, và vì chính lý tưởng bác ái của Tin Mừng.

Tuy nhiên về danh nghĩa “cộng đoàn chính trị và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Giáo Hội không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào, vì Giáo Hội vừa là dấu chỉ vừa là bảo đảm cho tính cách siêu việt của con người”. Mặc dầu xử dụng những thực tại trần thế, Giáo Hội không được phép cậy nhờ các đặc ân của thế quyền, Hơn thế, Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số những quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng các quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình. Như theo sát Phúc Am, Giáo Hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân thiện mỹ trong cộng đồng nhân loại. Vì thế, Giáo Hội phải tôn trọng quyền con người, tôn trọng sự bình đẳng nam nữ, tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, và cùng với mọi người xây dựng một thế giới không còn người bóc lột người, không còn chiến tranh áp bức, và thực thi yêu thương những người hay những cộng đoàn nghèo khổ90.

Với tình yêu Chúa, người giáo dân sẽ hiệp thông với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo, chính kiến, để xây dựng một công đoàn nhân loại trong tình huynh đệ. Ngày nay, nhìn nỗi thống khổ bao la đang đè nặng trên đa số nhân loại và để cổ võ sự công bình, đồng thời cổ võ tình yêu Chúa đối với người nghèo khổ ở khắp nới, sự tham gia của người tín hữu chân thành và trung trực trong lãnh vực chính trị quốc gia hay quóc tế là một điều cao đẹp và cần thiết. Trong lãnh vực này, giáo dân có tự do và quyền hạn để hoạt động, đồng thời tự đảm lấy trách nhiệm. Các vị chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của giáo dân trong lãnh vực trần thế91.

 Giáo dân tham gia chính trị vì Phúc Am và vì Công ích. “Công ích là lý do tồn tại, là ý nghĩa và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội ; nhờ những điều kiện này, cá nhân, gia đình và đoàn thể có thể triển nở trọn vẹn và dễ dàng hơn” 92

Dân Chúa mong HĐGMVN là tiếng nói của một trách nhiệm tập doàn, với những hoạt động tập thể để phục vụ dân Chúa ở Việt Nam và đồng thời đóng góp xây dựng quê hương. Chúng tôi mong HĐGMVN hiện diện nhiều hơn trong các lãnh vực văn hóa, nhất là xã hội, chăm lo cho người nghèo, những người bị quyền lực áp chế những người không có tiếng nói, để đại diện cho Giáo Hội của Chúa Ki-tô “đến để phục vụ, chứ không để dược phục vụ”. Nhiều đồng bào không công giáo cũng ước mong như vậy, khi thấy HĐGM nhiều nước góp tiếng nói trong những hoàn cảnh xã hội đôi khi phức tạp và nhiêu khê hơn ở Việt Nam.

 Xin đan cử một thí dụ: Ngày 20 tháng 2 năm 2008, nhân dịp họp kỷ niệm 30 năm của Ủy ban Quỹ quốc tế phát triển nông thôn (Conseil des gouverneurs du Fonds international de développement agricole (FIDA-IFAD), ĐGH. Bênêđictô XVI đã phát biểu: “Mục tiêu xóa nghèo cực và xóa đói cũng như cổ võ bảo đảm lương thực và phát triển nông thôn không phải là một mục tiêu quá tham lam hay không thực tế, trái lại trong bối cảnh hiện nay là những đòi hỏi cấp bách cho toàn thể cộng đồng thế giới”….

Ngài phàn nàn rằng “nhiều khi lao động của nông dân các nước đang phát triển đang bị khai thác một cách ngấu nghiến, và sản phẩm của họ chỉ nhằm những thị trường xa xôi, không đem lại lợi nhuận cho cộng đồng địa phương”. ĐGH cầu mong “thế giới bảo đảm cho mọi người, bây giờ và trong tương lai, được chia sẻ một cách công minh những hoa lợi của nông nghiệp, trong sự cộng tác và đồng trách nhiệm giữa các nước giầu và các nước nghèo”. 93

 

Nguồn:  hdgmvietnam.org

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top