Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (3)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (3)

Dân Chúa hiệp thông trong tình bác ái và giáo luật (3)

 Góp ý cho Năm thánh 2010:

DÂN CHÚA HIỆP THÔNG TRONG TÌNH BÁC ÁI VÀ GIÁO LUẬT (3)

 

C. Hiệp thông giữa giáo sĩ và giáo dân

Nhờ Công Đồng Vatican II, sự hiệp thông của hàng giáo phẩm với giáo dân được sáng tỏ hơn trước nhiều. Theo Công Đồng, một mặt giáo dân đón nhận nơi giáo sĩ những ơn ích thiêng liêng qua Lời Chúa và Bí tích, mặt khác, với tinh thần tự do của con cái Chúa và tình huynh đệ trong Chúa Ki-tô, giáo dân trình bày cho các nhà lãnh đạo biết những nhu cầu và ao ước của mình, đóng góp tài năng trí tuệ để xây dựng Giáo Hội22. Giáo dân không chỉ là người đón nhận mà còn là người tham gia sứ vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Đức Kitô23, và nhất là có quyền tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, quyền cổ vũ và nâng đỡ hoạt động tông đồ, kể cả bằng những sáng kiến riêng, tùy theo bậc sống và hoàn cảnh mỗi người (GL.216), có nghĩa vụ tham gia các hoạt động mục vụ và tông đồ của Giáo Hội, trong môi trường Giáo xứ, Giáo Phận, hoặc khi có khả năng trong cả Giáo Hội phổ quát (GL.225); có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại, trong mọi thời và mọi nơi (GL.211); và có quyền thành lập và điều hành các hiệp hội có mục đích từ thiện hoặc đạo đức, quyền tự do hội họp để theo đuổi các mục đích đó (GL.215); có quyền hấp thụ nền giáo dục Ki-tô-giáo, được đào tạo thích đáng để đạt tới sự trưởng thành nhân bản, đồng thời, để biết và sống mầu nhiệm Phúc Âm (GL.217).

Nhất là trong lãnh vực trần thế, giáo dân đóng vai trò chính của Giáo Hội tức là làm chứng về Chúa Kitô qua những công tác đặc thù và thánh hóa xã hội trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như loan báo Tin Mừng nơi anh em chưa biết Chúa24 trong môi trường tông đồ giáo dân và “truyền giáo”, hay tham gia hoặc tổ chức các công tác xã hội nâng đỡ những anh chị em sống trong những trường hợp khó khăn, thiếu thốn, bất hạnh về thân xác, về đời sống kinh tế v.v. Việt Nam25. Trong lãnh vực trần thế, giáo dân có quyền tự do trong sự lựa chọn chính trị hay định hướng x hội, miễn l tơn trọng sự tự do chính trị và trách nhiệm của mọi người26; có quyền và nghĩa vụ cổ vũ và thăng tiến quyền con người trong cuộc sống xã hội đđể mọi hành động của người Ki-tô hữu được thấm nhuần tinh thần Bác ái Phúc Âm.(GL.227).

Giáo Luật 1983 quy định một số chi tiết cụ thể về vai trò của giáo dân không có chức thánh, trong một sứ vụ phụng tự, mục vụ, hành pháp. Theo Giáo Luật hiện hành, giáo dân có quyền tham dự trong:

- Phụng tự:

a/ thừa tác viên trong Bí tích Thánh Tẩy (GL.861 § 1);

b/ thừa tác viên trao Mình Thánh trong Thánh lễ, hay cho kẻ liệt (GL. 230 § 3; 910 § 2);

c/ thừa tác viên trong nghi thức Chầu Thánh Thể (GL.943);

d/ đại diện chính thức của Giáo Hội nhận lời hôn ước (GL.1112);

e/ thừa tác viên thực hiện một số á-bí-tích (GL.1168).

- Mục vụ:

a/ quản lý Giáo Phận (GL.494);

b/ quản trị tài chính của Giáo Hội (GL.1282);

c/ giáo lý viên (GL.776);

d/ thừa sai truyền giáo ( GL.784-785).

e/ công tác, cố vấn trong những sứ vụ và tác vụ trong Giáo Hội (GL. 2280).

f/ thành viên trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, Giáo Phận (GL.512; 536).

g/ công tác bác ái xã hội (GL.839 § 1).

- Hành pháp:

a/ thẩm phán trong Giáo Phận (GL.1421 § 2);

b/ phụ thẩm, công tố viên, trạng sư trong tòa án đạo (GL.1424, 1428, 1434).

Qua các khoản luật trên, cũng như trong một số trường hợp khác, giáo dân chẳng những có thể được trao các sứ vụ từ xưa đến nay dành cho giáo sĩ, mà trong những trường hợp đặc biệt thiếu linh mục, giáo dân có thể thay linh mục, trừ những công tác dành cho người có chức thánh (thí dụ dâng lễ, giải tội).

Sự hiệp thông giữa giáo sĩ và giáo dân, trong tinh thần mới, xóa bỏ dần dần sự phân cấp và lợi dụng (hay lạm dụng) quyền bính trong Giáo Hội mà căn tính của quyền bính không phải là quyền lực mà là phục vụ27. Hơn thế, thực tế cho thấy, trong rất nhiều lãnh vực và trường hợp, giáo dân có khả năng hơn giáo sĩ chẳng những về khoa học, văn hóa, mà cả về trí thức đạo. Trong môi trường canh tân Giáo Hội, khi giáo dân làm công tác quản lý tài chính cho Giáo Phận hay Giáo xứ, các Giám mục, linh mục quản xứ khỏi phải vương vấn, lo lắng về tiền bạc và tránh những “tai tiếng” thường xảy ra trong lãnh vực khá tế nhị này. Nhất là trong hoàn cảnh khan hiếm linh mục, khi giáo dân đủ tài đức giữ các chức chưởng ấn, trưởng ban thánh nhạc, phụ trách các sứ vụ bác ái xã hội, trưởng ban mục vụ trong một số công tác không cần chức linh mục: môt mặt Giáo Phận chứng tỏ giáo dân đã trưởng thành và tham gia vào chương trình chung, mặt khác giáo sĩ có thêm thời gian thao luyện về các khóa học thánh và dấn thân làm các công tác Phúc âm hóa.

D. Hiệp thông giữa cha sở (cha xứ) và giáo dân xứ đạo

Cha xứ là người được GMGP ủy thác săn sóc mục vụ một giáo xứ (GL.515-552).

1.      Trong lãnh vực mục vụ thánh chức (GL.528 ), cha sở bắt buộc phải:

a) rao giảng lời Chúa một cách trọn vẹn, nhất là trong các thánh lễ chủ nhật và lễ buôc, và trong việc dạy giáo lý;

b) ủng hộ những chương trình cổ động tinh thần Phúc Âm, kể cả trong lãnh vực công bình xã hội;

c) đặc biệt lo giáo dục công giáo cho trẻ em, thanh thiếu nhi ;

d) cố gắng, bằng mọi phương tiện có thể, hợp tác với các tín hữu loan báo Tin Mừng tới những người không còn sống đạo (giữ đạo), hay không còn tin đạo;

e) cố gắng để Thánh Thể là trung tâm quy tụ giáo dân;

f) làm sao cho cộng đoàn giáo xứ sốt sắng cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa giải;

g) hướng dẫn giáo dân cầu nguyện riêng hay trong gia đình, tham dự tích cực các việc phụng tự, nhưng canh chừng các lạm dụng trong các việc đạo đức.

2.      Trong lãnh vực mục tử, ngoài các mục vụ bí tích (GL.529, 530), cha sở có nghĩa vu phải:

a) biết các con chiên trong giáo xứ, thăm viếng các gia đình, san sẻ những lo lắng, ưu tư nhất là khi gia đình có tang tóc, hay có bệnh nhân hấp hối;

b) nâng đỡ họ, sửa bảo họ một cách khôn khéo khi họ mắc lỗi lầm;

c) ân cần giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, cô đơn, tha hương, bị bỏ rơi và tất cả những ai đặc biệt khó khăn;

d) nâng đỡ những người trong bậc vợ chồng, cha mẹ để họ tăng trường đời sống Ki-tô-giáo trong gia đình;

e) nâng đỡ, cổ động các hiệp hội giáo dân hoạt động trong lãnh vực tôn giáo;

f) cộng tác với GMGP và Hội đồng linh mục và khuyến khích giáo dân duy trì sự hiệp thông trong Giáo xứ, trong Giáo Phận và trong Giáo Hội phổ quát;

g) tận tâm tham gia và cổ võ giáo dân tham gia các hoạt động loan báo Tin Mừng cho người ngoài công giáo (quen gọi là truyền giáo);

h) nâng đỡ các hoạt động tông đồ của giáo dân, trong lãnh vực xã hội28.

 Dĩ nhiên, cha sở vẫn là người cha, người anh trong cộng đồng Giáo xứ, và tránh những cách cư xử đôi khi phản Phúc Âm thường được giáo dân nhắc tới. Xin đan cử một ý kiến của một chuyên viên nước ngoài29.

 E. Hiệp thông giữa Giám mục, linh mục và tu sĩ:

Dòng tu và các cộng đoàn mang những danh hiệu khác nhau như tu hội đời, cộng đoàn tận hiếnlà thành phần Dân Chúa, ưu tú vì coi như được Chúa lựa chọn một cách đặc biệt, được giáo dân tôn trọng và quý mến. Tuy không thuộc về phẩm trật Giáo Hội, thường gọi là Giáo phẩm, công tác của tu sĩ có một mức độ rất quan trọng nhất là trong những Giáo Phận ít linh mục.

Ở Việt Nam, sự có mặt của tu sĩ trong Giáo Phận không đồng đều, vì có Giáo Phận con số dòng tu nam nữ phải kể hàng chục, có Giáo Phận chỉ có một hay hai. Vấn đề hiệp thông tuy nặng nhẹ khác nhau, nhưng thể hiện như nhau. Tu sĩ là những người có đặc sủng theo sát Chúa cầu nguyện, hoặc loan báo Nước Trời, hay làm việc thiện giữa người trần hay sống giữa người đời hầu thực hiện thánh ý Cha (GL.577). Tuy bậc tu sĩ nam hay nữ, chiêm niệm hay hoạt động tông đồ, không thuộc về cơ chế giáo phẩm trong Giáo Hội30, nhưng thuộc về đời sống thánh thiện của Giáo Hội vì đề cao những lời khuyên đặc biệt của Phúc Âm31.

Trong Giáo Hội có những Dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng32, có những Dòng tu thuộc quyền Giáo Phận33. Theo truyền thống, các Dòng tu thuộc quyền Giáo Hoàng được hưởng một số đặc miễn, nhưng từ Công Đồng Vatican II và Giáo Luật 1983, các quyền miễn đó chỉ áp dụng trong việc quản trị nội bộ, còn các sứ vụ tông đồ trong lãnh vực phụng tự, rao giảng lời Chúa, giáo dục tôn giáo, công tác mục vụ, các tu sĩ phải hoạt động dưới quyền Giám Mục Giáo Phận34. Trong các sứ vụ đó, dĩ nhiên cần phải có sự hiệp thông, nhất trí giữa GMGP và Bề Trên các Dòng, dù là Dòng thuộc Giáo Hoàng35 Các Dòng tu thuộc quyền Giáo Phận được đặt trong sự quan tâm đặc biệt của Giám Mục Giáo Phận: ngài phải lưu ý bảo toàn và tôn trọng hiến chương, linh đạo và sự tự trị chính đáng của các dòng tu này (GL.586; 594).

Chúng tôi được biết, đã có sự hiểu nhầm đôi khi rất trầm trọng, và rất đáng tiếc, trong một số Giáo Phận, vì nhiều người vẫn áp dụng Giáo Luật 1917, theo đó Giám Mục Giáo Phận có toàn quyền trên các Dòng thuộc quyền Giáo Phận.

Trong Giáo Luật cũ năm 1917, điều 492 §2, khi nói về Dòng Tu thuộc quyền Giáo Phận, (mặc dầu Dòng tu đó phát triển trong nhiều giáo phận): theo luật, Dòng tu này phải hoàn toàn tùng phục thẩm quyền Đấng Bản Quyền (Ordinariorum jurisdictioni ad normam juris plane subjecta); tuy nhiên cả trong Giáo Luật cũ, sự phục tùng đó vẫn không tùy tiện, nhưng theo luật (ad norman juris), nghĩa là chỉ phải tùng phục Giám Mục trong những trường hợp Luật chỉ định. Giáo Luật 1983 bỏ hẳn điều này (có lẽ để tránh nhiều lạm dụng quyền bính trong quá khứ), và thay thế bằng điều 594 của Giáo Luật mới:“Hội Dòng thuộc quyền Giáo Phận… được đăt dưới sự quan tâm đặc biệt của Giám Mục Giáo Phận” (permanet sub speciali cura Episcopi dioecesani). Thế nào là quan tâm36 đặc biệt ? “Quan tâm đặc biệt” đòi Ngài phải chú ý theo đường hướng Giáo Luật, vì thế mặc dầu đôi khi phải dùng quyền mà Giáo Luật cho phép, không phải vì ngài là Bề Trên, nhưng vì ngài giữ vai trò “giám sát”.

Theo tinh thần Giáo Luật mới, dù Giám Mục là người sáng lập Dòng đi nữa, Giám Mục Giáo Phận (GMGP) không được phép giữ chức Bề Trên Tổng Quyền, hay Bề Trên nhà. Nếu có trường hợp này, thì đó là lạm dụng đáng tiếc, và phải tố cáo với cấp trên có thẩm quyền. (qui abusus auctoritati competenti est denuntiandus). Khi Dòng được thiết lập, ngài phải chọn một Bề Trên cho Hội Dòng, và Bề Trên đó phải là thành viên của Hội Dòng. Điều này phải đđược tuân giữ, cả trong các miền truyền giáo37 !

Chúng tôi đã có dịp bàn, một cách chi tiết, về vấn đề hiệp thông giữa Giám Mục và Tu sĩ. Xin phép ghi ở dây một số nét chính:

A. Theo thánh chức của mình, GMGP có nhiệm vụ:

a/ trước tiên, thánh hóa Dòng tu, cũng như các cơ chế “thánh hóa” khác đối với giáo sĩ cũng như giáo dân (GL.207 §1 &2) mặc dầu Dòng tu không thuộc về cơ cấu Giáo phẩm của Giáo Hội (licet ad hierarchiam Ecclesiae non spectet (GL.207§2).

b/ bảo quản các cơ chế thực hiện các lời khuyên Phúc Âm như hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội (GL.575);

c/ thăng tiến và bảo vệ gia tài các Dòng tu (GL.578);

d/ tôn trọng và bảo vệ sự tự trị của Dòng tu (GL.586 §2).

e/ kinh lý Dòng tu (GL.628 §2);

f/ kiểm tra để các tài sản của Dòng tu (vì là pháp nhân công trong Giáo Phận) được quản lý một cách cẩn thận (GL.1276), mặc dầu tài sản đó không trực tiếp thuộc về ngài;

B. Trong lãnh vực hoạt động tông đồ, theo Công Đồng Vatican II, Dòng tu có nhiệm vụ hoạt động hết sức và hết lòng để xây dựng và phát triển nhiệm thể Chúa Kitô vì lợi ích của các Giáo Hội địa phương, và như vậy phải cộng tác với các GMGP38.

 Về phần GMGP, ngài có những nhiệm vụ:

a/ nhắc nhở các tu sĩ nghĩa vụ hoạt động tông đồ ngoài đời (GL. 679);

b/ tổ chức sự cộng tác giữa các dòng tu với nhau và với giáo sĩ triều (GL. 680);

c/ ký hợp đồng với các Bề trên dòng tu trong các công tác mà GMGP ủy thác cho dòng tu, về công tác, về nhân sự cũng như về việc đóng góp tài chính (GL. 681- 682);

d/ kiểm tra các trường học, các cơ sở xã hội, bac ái của dòng, và nếu có chi lạm dụng, ngài phải cho Bề trên dòng biết, và nếu vị này không giải quyết thì ngài có quyền giải quyết (GL. 683).

C. Theo thánh chức và thẩm quyền, GMGP có quyền:

a/ thiết lập dòng tu thuộc Giáo phận (GL. 579);

b/ chấp nhận Hiến Pháp, chấp thuận sự thay đổi Hiến Pháp, hay trong trường hợp đặc biệt miễn chuẩn thi hành Hiến Pháp (GL. 595);

c/ cho phép thiết lập một tu viện, giấp phép có chữ ký của Giám Mục (GL.609 §1), cho phép các thành viên sống trong tu viện đó sống theo quy luật của mình (GL. 611, 733);

d/ đồng ý thay đổi hoạt động của một tu viện đã có phép hiện hữu (GL. 612);

e/ cho phép Bề Trên Hội dòng hủy bỏ một tu viện hiện hữu ( GL.616 §1);

f/ chủ tọa cuộc bầu cử Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng (GL.625 §2), chứ không nhận lời khấn;

g/ kinh lý Dòng tu, các tu viện trong Giáo Phận (GL.828 §2); nhưng không có quyền kinh lý học viện dành riêng cho tu sĩ (GL. 683 §1);

h/ quản lý tất cả những hoạt động phụng vụ, và mục vụ tông đồ của tu sĩ trong Giáo Phận (GL. 678-680); trong các hoạt động tông đồ công khai ngoài nhà Dòng, tu sĩ cũng phải phục quyền Bề Trên của mình, nên trong lãnh vực này, GMGP và Bề Trên phải có sự hòa hợp;

i/ khi có lý do rất quan trọng và khẩn cấp, GMGP có quyền cấm một tu sĩ cư ngụ trong giáo phận, nhưng trong trường hợp này phải trình Tòa Thánh (GL. 679);

k/ trong trường hợp tu sĩ đã khấn trọn được ngoại vi 3 năm, Hội Dòng phải có sự chấp thuận của GMGP (GL. 686);

D. GMGP có thẩm quyền giám sát hay miễn chuẩn:

a/ miễn chuẩn lời khấn cho tu sĩ còn trong thời kỳ tạm khấn, hay đã khấn trọn, nhưng qua những điều kiện Hiến Pháp, nội quy và ý kiến của Bề Trên Dòng (GL. 688 §2; 691 §2, 693);

b/ ký sắc lệnh trục xuất một tu sĩ mắc trọng tội mà không chịu hoán cải (GL. 699 §2 và 700), theo lời đề nghị của giới chức của Hội Dòng (sau khi Hội Dòng đã thi hành các điều kiện bắt buộc trong các khoản (GL. 694-700);

c/ được báo cáo về tổng số tài sản của dòng tu thuộc Giáo Phận, cũng như của tu viện trong địa giới của Giáo Phận (GL. 637), kiểm tra việc quản lý và dĩ nhiên ngài có quyền can thiệp trong những sang nhượng quan trọng có thể làm thương tổn tài sản của Hội Dòng (GL. 638).

 Tuy nhiên, với nhiều quyền như trên, GMGP vẫn không có quyền can thiệp vào nội bộ dòng tu, vì đây là phạm vi nội bộ, tự trị theo gia sản thiêng liêng của hội dòng, được GL. 583 § 2 bảo vệ. Thật vậy, GMGP không có quyền can thiệp trực tiếp vào nội bộ của Dòng tu. Giáo Luật khoản 586 §2 phải được coi như kim chỉ nam của ngài cũng như của dòng tu: “Bản Quyền địa phương – GMGP, Giám quản, Giám Mục phó hay phụ tá, Tổng đại diện, Đại diện Giám Mục – phải tôn trọng và bảo vệ sự tự trị nội bộ của Hội Dòng ”.

Theo lời ĐGH Gioan-Phaolô II, “một Giáo Phận vắng bóng các Tu sĩ tận hiến sẽ thiếu nhiều ơn thiêng liêng, thiếu những cơ sở dành riêng cho việc tìm kiếm Chúa, cơ sở hoạt động tông đồ cũng như những phương pháp mục vụ đặc thù của mỗi dòng tu; hơn thế Giáo Phận sẽ suy yếu vì thiếu tinh thần truyền giáo mà các Dòng tu sẵn có.”39 Trong lịch sử Giáo Hội, từ sơ khai cho đến nay, thời Trung Cổ cũng như hiện đại, các tu sĩ là những yếu tố quan trọng trong công tác loan báo Tin Mừng. Vì thế, trong các miền truyền giáo, Giáo Hội rất cần sự đóng góp vô cùng quý giá của tu sĩ40.

Trong hầu hết các Giáo Phận Việt Nam, đều có ít nhất một dòng nữ41. Có Giáo Phận có hàng mấy chục dòng cả nam lẫn nữ42. Sự khác biệt này có phải vì đất lành chim đậu ? hay vì những lý do lịch sử ?

E. Củng cố sự Hiệp thông trong Giáo Phận

Trên nguyên tắc, sự hiệp thông trong Giáo Phận đuợc coi như là đương nhiên và dĩ nhiên phải có. Có lẽ vì thế mà các tác giả Nội quy Năm Thánh 2010 trong khi đề ra mục tiêu “đào sâumối hiệp thông giữa cộng đoàn tín hữu với Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần”, đã không chủ trương “đào sâumối Hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa”, mà chỉ chú trọng đến “củng cốsự hiệp thông giữa các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, trong mỗi Giáo Hội địa phương”.Nhưng chúng tôi được phép mạo muội đặt một số câu hỏi:

(1) Không biết mối hiệp thông đó đã có một cách cụ thể, một cách sống động, hay mới còn mù mờ trong lý thuyết, trong tình cảm của người đạo đức, hoặc hiểu ngầm là đã có.

(2) Nếu chưa có, đã có sự nghiên cứu và chương trình thực hiên càng sớm càng tốt sụ hiệp thông theo Công Đồng Vatican và Giáo Luật? Vì dân Chúa là những con người, sống trong một xã hội thiêng liêng nhưng có thể xác, có những mối tương quan trên và dưới và ngang hàng, nên sự Hiệp thông đó cần phải có những quy chế hướng dẫn bảo vệ các hoạt động, nhắc nhớ khi quên, canh tân khi cần phải diễn tiến theo hoàn cảnh lịch sử địa dư, liên kết các sứ vụ và tác vụ để cho sự hiệp thông được diễn tiến tốt đẹp trong tinh thần Bác ái và khiêm nhu.

Văn kiện Công Đồng và Giáo Luật là “chỉ đạo”, là khuôn vàng thước ngọc, vạch những con đường, những lối đi, những dấu hiệu để khỏi sai lầm, những lan can để khỏi sa ngã, và những khuyến dụ pháp lý để thể hiện Hiệp thông. Nhưng căn bản của Hiệp thông là tinh thần hòa hiệp, liên đới, đối thoại, chia sẻ chẳng những trong những khuôn khổ đó, mà còn phát triển chung quanh như những vết dầu loang, vì nếu Giáo luật xây dựng trên công bình, hiệp thông phải cụ thể hóa trong bác ái, trong tình huynh đệ của “con cái Chúa”. “Vô tri bất mộ”, cha ông ta nói thế. Không biết nhau, thì làm sao yêu nhau! Các thành phần Giáo phận đã biết nhau chưa? đã có những điều kiện để trao đổi, thảo luận một cách tự do, chân thành trong tình anh em chưa ? hay chỉ có những buổi đại lễ, đại hội mà bề dưới – nhất là giáo dân – đến nghe huấn dụ?

(3) Đã có những biện pháp để “củng cố” sự hiệp thông đó chưa ? Đã có chương trình “củng cố”: học hỏi và áp dụng ngay những quy chế để thực thi hiệp thông trong Giáo Hội chưa? Bốn mươi tư năm sau Công Đồng Vatican II mà rất nhiều tín hữu vẫn chưa rõ những canh tân tối ư quan trọng về mối liên hệ giữa hàng giáo phẩm và giáo dân, giữa Giám mục và linh mục, tu sĩ. Bộ Giáo Luật, phát hành năm 1983, mà 2007 mới được HĐGMVN chính thức phát hành. Trong thực tế, ở một số địa phương, hình như Bộ Giáo Luật chưa có trên bàn giấy các linh mục, các bề trên, hình như nhiều nơi vẫn áp những quy chế không biết từ 1917 hay trước nữa, hình như sự hiệp thông còn quá lỏng lẻo, và từ trên xuống dưới, guồng máy còn trục trặc43, sự hiểu biết của giáo dân, công giáo gọi là “đạo gốc” còn quá hạn chế trong những vấn đề đạo. Trong một số giáo phận, vì nhân đức khiêm nhường và vâng lời quá cao, giáo dân ít khi dám hay được phát biểu trong những vấn đề liên quan đến đời sống đạo và đời sống cộng đồng.

(4) Cụ thể mà nói, “Củng cố”thế nào? Câu trả lời nhất định là rất dài. Nhưng cũng rất ngắn gọn:

– Trước tiên, Củng cố bằng tình thương, bằng hiệp nhất vì Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ “nên một như chính Chúa Kitô cũng là một với Chúa Cha”;

– Củng cố bằng đối thoại khi, trong một Giáo Phận, mọi tín hữu, từ Giám mục đến giáo dân bé nhất, không phân biệt chức vị, coi mình bình đẳng với người khác như “anh chị em thực sự con cái Chúa”; nghĩa là Bề trên phải thi hành luật Phúc Âm hầu hạ người dưới; người có chức quyền phải chịu khó học hỏi và tuân thủ các văn kiện Công Đồng Vatican II và Giáo Luật 1983 (như chúng tôi đã trình bày ở trên), không phải để bảo vệ quyền lực mà để thi hành các quy luật một cách chân thành và khiêm nhu, và nếu chẳng may quên lãng, sẵn sàng nghe tiếng nhắc nhở của đồng đội cũng như của Bề dưới.

– Củng cố bằng hành động chung, khi mọi tín hữu cùng thực hiện với nhau ba sứ vụ chính của Giáo hội a/ rao giảng Tin Mừng, b/ ban hành Bí tích và c/ thực thi Bác ái bằng việc bảo vệ công lý trong xã hội, và đặc biệt săn sóc, giúp đỡ những người bệnh tật, nghèo túng, bị xã hội bỏ rơi, bị bách hại, không phân biệt tôn giáo44. Và để thực hiện những sứ vụ đó, phải có tổ chức giúp mọi người liên đới với nhau (thắng vượt khoảng cách chức tước và không gian). Chính ở đây, vai trò của HĐGM rất quan trọng, như chúng tôi sẽ trình bầy trong Phần II.

– Sau cùng, chúng tôi thiển nghĩ phải Củng cố bằng trung kiên tuân giữ Giáo Luật.

 

Nguồn:  hdgmvietnam.org

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top