Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Cử hành “Tháng Truyền giáo ngoại thường”

Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Cử hành “Tháng Truyền giáo ngoại thường”

Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn: Cử hành “Tháng Truyền giáo ngoại thường”

CẦU NGUYỆN - SỨC MẠNH LOAN BÁO TIN MỪNG

WGPSG -- Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud của Đức Thánh Cha Benedicto XV về hoạt động truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô công bố quyết định dành tháng 10 năm 2019 để cử hành “Tháng Truyền giáo ngoại thường”, như lời mời gọi toàn thể Hội Thánh ý thức về sứ mạng đến với muôn dân và thúc đẩy, thăng tiến sứ mạng loan báo Tin Mừng trong đời sống và hoạt động tông đồ. 

Hòa cùng nhịp sống của Hội Thánh hoàn vũ, Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn cử hành “Tháng Truyền giáo ngoại thường” qua việc tổ chức các giờ cầu nguyện chung hằng tuần, kết hợp với chương trình “Cầu nguyện theo Lời Chúa”. Chương trình được thực hiện vào mỗi tối thứ Ba tại nhà nguyện cổ Đại chủng viện trong suốt tháng 10, như một nỗ lực cụ thể để góp phần nhỏ bé vào công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay.  

Qua việc cử hành này, anh em chủng sinh ý thức rõ ràng hơn loan báo Tin Mừng là lời mời gọi dấn thân thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu khi xưa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đó là nhiệm vụ cơ bản và cũng là ân sủng, ơn gọi riêng của Hội Thánh. Vì thế, không thể có một Hội Thánh của Chúa Kitô mà không có hoạt động truyền giáo. Hội Thánh tồn tại là để loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần, “Đấng sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26), Đấng sẽ luôn đồng hành với từng bước chân người loan tin vui cứu rỗi (x. Rm 10,15).

Nhưng cách nào để nhận ra ý muốn của Chúa Thánh Thần cho từng bước chân tông đồ? Trên hết là việc cầu nguyện, linh hồn của mọi hoạt động truyền giáo. Thật vậy, không thể có đủ sức mạnh và nhiệt tâm dấn thân truyền giáo nếu không được kín múc nguồn sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong thinh lặng cầu nguyện. Bởi Chúa Thánh Thần là Đấng nói với chúng ta trong cõi lặng yên và nơi sâu lắng của tâm hồn. Có một nơi chốn như thế, nơi mỗi người kinh nghiệm được Thiên Chúa. Tiếng Chúa được vang lên trong sâu thẳm cõi lòng, để mỗi người khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa, cảm nghiệm Thiên Chúa hạnh phúc, ngọt ngào dường bao (x.Tv 119,103). Qua các giờ cầu nguyện, người chủng sinh, những môn đệ của Chúa Kitô, tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc truyền giáo thực sự. Một chút lặng lẽ, hòa quyện với ánh nến lung linh, cùng những giai điệu thánh ca nhẹ nhàng, tất cả để cho lời Chúa Kitô được ngân vang, len lỏi vào con tim thổn thức và làm bừng lên sức sống Đấng Phục sinh nơi mỗi tâm hồn.

Ngài vẫn có đó, vẫn ở ngay bên, cả những lúc nẻo đường truyền giáo chông gai khiến ta mỏi gối chồn chân. Ngài vẫn có đó để ban sức mạnh, nâng đỡ và ủi an những ai khổ đau, vất vả mang gánh nặng nề, “Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ngài vẫn có đó để người môn đệ hy vọng “sự dấn thân mới cho truyền giáo”, để ngưỡng vọng về một tương lai trời mới đất mới. Trong cầu nguyện và thinh lặng, Thiên Chúa sẽ ngỏ lời cùng chúng ta. Ước chi mỗi khi chúng ta đụng chạm Thiên Chúa trong thinh lặng nguyện cầu, tâm hồn ta mãi thanh bình và an vui cất tiếng ca:

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống

Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126,5).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top