Cửa Luôn Rộng Mở: Lòng Thương Xót Không Có Then Cài
TGPSG -- Chúng ta thường dùng hình ảnh cánh cửa mở rộng như biểu tượng của sự hiếu khách, lòng khoan dung, hoặc cơ hội mới. Nhưng nói “cánh cửa mở rộng” là nói về một hành vi chủ động, có giới hạn, xảy ra vào thời điểm nhất định. Một cánh cửa mở rồi sẽ có lúc đóng lại - khi đã đón xong người cần đón, hoặc khi lòng ta mỏi mệt.
Còn “cửa luôn rộng mở” - lại là một điều hoàn toàn khác. Không phải là hành vi mở cửa, mà là bản chất của một trái tim không bao giờ khép. Một cánh cửa không có bản lề để đóng lại, không vì ai đến hay đi, không đổi thay theo tâm trạng, hoàn cảnh, hay sự xứng đáng. Đó là biểu tượng của một tình yêu không điều kiện - tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta, kể cả - và nhất là - những ai đang rã rời vì mặc cảm tội lỗi.
Người cha nhân hậu: Cánh cửa không có then cài
Dụ ngôn người cha nhân hậu mà Đức Giêsu kể không phải là một câu chuyện đạo đức đơn thuần. Đó là một hình ảnh chân thực về Thiên Chúa mà chúng ta thường sợ: một Thiên Chúa phán xét, lạnh lùng, cân đo công trạng. Nhưng ở đây, Thiên Chúa không ngồi đợi trên ngai cao, mà là một người cha đã không ngừng ngóng trông, không hề đóng cửa lòng mình, dù đã từng bị người con phản bội và bỏ đi.
“Thấy nó từ đàng xa…” - điều ấy chỉ có thể xảy ra khi người cha vẫn luôn ngóng về con đường mà đứa con ra đi đã biến mất.
”…ông chạy ra, ôm lấy cổ nó và hôn lấy hôn để.”
Không một lời trách móc. Không một câu chất vấn. Không đợi cậu con quỳ xuống van xin. Chỉ có vòng tay ôm chặt - như thể trái tim ông không thể chờ thêm giây phút nào nữa.
Hành động đó phá vỡ toàn bộ cơ chế của sự mặc cảm: khi một người mang mặc cảm tội lỗi quá nặng, điều họ sợ nhất không phải là hình phạt, mà là việc không còn được yêu thương. Và chính trong nỗi sợ bị từ chối ấy, rất nhiều người đã không dám quay về, không dám gõ cửa.
Nhưng người cha này đã không để con kịp gõ. Vì với ông, cửa chưa từng đóng. Trái tim ông, căn nhà ông, tất cả vẫn luôn mở – mở từ lúc con rời đi, và mở mãi cho đến ngày con đi hoang trở về.
Gõ - hay không còn dám gõ?
Người con thứ trở về, mang theo bụi đường và nỗi ê chề. Anh ta không dám mong gì hơn ngoài một chỗ trong hàng tôi tớ. Anh tin rằng mình không còn xứng đáng là con. Anh sợ cánh cửa lòng cha đã khép, hoặc nếu có mở, thì cũng không dành cho anh với tư cách là một đứa con.
Đây chính là hình ảnh của biết bao tâm hồn mang mặc cảm sâu sắc: mặc cảm vì lỗi lầm trong quá khứ, vì những tổn thương gây ra cho người mình yêu, vì những lần quay lưng với Thiên Chúa. Và cũng giống như người con ấy, chúng ta mong xin chỉ được “ở lại bên ngoài”, để lòng thôi dằn vặt đau đớn vì tội, nhưng vẫn mang tội làm định nghĩa của cuộc đời mình đã sống qua.
Nhưng người cha không để anh nói hết. Ông ôm chặt. Ông phục hồi phẩm giá. Áo mới, nhẫn quý, giày đẹp - không phải là phần thưởng cho lòng ăn năn, mà là dấu chỉ cho thấy: tình yêu của cha chưa từng mất đi. Như muốn nói: “Con không cần gõ - vì cha đã mở sẵn. Không cần xin - vì con chưa bao giờ ngừng là con của cha.”
Người anh cả và căn phòng khóa kín
Trớ trêu thay, người ở trong nhà lại là người không bước vào niềm vui. Người anh cả là hiện thân của trái tim khép kín trong tự mãn và công trạng. Anh không đón em. Khi được mời, anh từ chối. Trong khi cửa lòng cha luôn rộng mở, thì cửa lòng của anh đã khóa chặt từ bên trong.
Đây là cơ chế tự vệ của người công chính giả: khi người ta chưa bao giờ thật sự cảm nghiệm lòng thương xót, người ta sẽ không thể trao nó cho ai khác. Người ta sẽ sống trong sự so sánh, đố kỵ, và cay đắng - ngay cả giữa một bữa tiệc của sự tha thứ.
Người cha - vẫn như trước - không ép buộc, chỉ mời gọi. “Tất cả những gì của cha là của con.” Nhưng bước vào bữa tiệc là một lựa chọn tự do. Cửa vẫn mở, nhưng có dám bước qua không là chuyện của trái tim mỗi người.
Về đi thôi… Người vẫn chờ
Giữa một thế giới đầy rào chắn, lạnh lùng và phán xét, dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu không chỉ là một câu chuyện xa xưa. Đó là một lời thì thầm vang vọng đến hôm nay – lời mời gọi dành riêng cho bạn. Có thể bạn nghĩ người cha nhân hậu không phải là hình ảnh câu chuyện của bạn, nhưng còn người con thứ?
Có thể bạn đang mang trong lòng một nỗi xấu hổ âm ỉ,
một lỗi lầm chưa đủ can đảm để gọi tên,
một vết thương mà chính bạn cũng không tha thứ nổi cho mình.
Và có thể bạn đã tin rằng:
“Mình đã đi quá xa rồi… chẳng ai còn đợi nữa đâu.”
Nhưng… vẫn có Một Đấng chưa từng thôi dõi mắt về phía bạn.
Ngài đã đứng đó - từ rất lâu -
với đôi mắt trông ngóng nhớ thương,
với vòng tay dang ra không mỏi mệt,
với cánh cửa không khóa, không bản lề, không bao giờ khép lại.
Không cần gõ. Không cần trình bày. Không cần điều kiện.
Chỉ cần bạn quay lại.
Chỉ cần bạn chấp nhận để được yêu thương – một lần nữa.
Và rồi… mọi điều khác, hãy để Người ôm lấy mà chữa lành.
Về đi thôi… Người vẫn chờ.
Hạo Nhiên (TGPSG)
bài liên quan mới nhất

- Một thánh lễ thay đổi cuộc đời
-
Sống khiêm nhường theo Tin Mừng -
Một Simon Kyrênê mới -
Lãng phí thời gian với Chúa -
Lắng nghe tiếng Chúa trong cuộc sống hằng ngày -
Từ một biến cố đau thương 20 năm trước -
Lời cầu nguyện của chúng ta có được lắng nghe không? -
Kiên trì theo đuổi việc học -
Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào thái độ sống -
5 vị thánh đồng hành cùng bạn khi bạn cảm thấy cô đơn
bài liên quan đọc nhiều

- Hãy ký thác đường đời cho Chúa
-
Giáo lý viên giáo xứ Tam Hải: Bốn mùa Chúa đổ hồng ân -
Nụ hôn của Chúa Giêsu: Bài học từ một cậu bé giúp lễ -
Gia đình Giáo lý viên -
Thách thức của Tình yêu -
Ba ơi, Con đã về! -
Chúa vẫn chờ đợi -
Em là thiên thần trong mắt tôi -
Khôn ba năm - Dại một giờ -
Ký sự: Vương quốc Nhân Ái