Chùm suy tư về Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010
Được gợi hứng từ cái nhìn “bao quát mà chi tiết” của một giáo hội địa phương với Thư Mục vụ tháng 10 năm 2010: “Hội thánh Long Xuyên và sứ vụ loan báo Tin mừng sau Lễ Hiện Xuống mới”; theo đó, Hội thánh Long Xuyên là mầu nhiệm, Hội thánh Long Xuyên là hiệp thông, và Hội thánh Long Xuyên là sứ vụ, [1] tác giả tập Hướng đến Đại hội Dân Chúa Năm thánh 2010 đã nghiền ngẫm, trải lòng, rồi thực hiện một ước nguyện dâng lên đại hội. Ước nguyện rằng, Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 sẽ đặt dấu nhấn: [2]
… trên sự thật của “Giáo hội là gia đình của Chúa”. Đó là: (1) sự thật “mầu nhiệm khả tri” của Giáo hội mầu nhiệm, (2) sự thật “mầu nhiệm khả tri” của Giáo hội hiệp thông, và (3) sự thật “mầu nhiệm khả tri” của Giáo hội sứ vụ. [3]
… đậm nét trong việc khuyến khích sự đồng trách nhiệm (co-responsibility) của “Giáo hội là gia đình của Chúa”. Đó là: (1) sự đồng trách nhiệm của Giáo hội mầu nhiệm, (2) sự đồng trách nhiệm của Giáo hội hiệp thông, và (3) sự đồng trách nhiệm của Giáo hội sứ vụ. [4]
… rõ ràng trên chính ơn gọi của “Giáo hội là gia đình của Chúa”. Đó là: ơn gọi thực thi sứ vụ trong mầu nhiệm Giáo hội tại Việt Nam; (2) ơn gọi thực thi sứ vụ trong sự hiệp thông của Giáo hội tại Việt Nam; và (3) ơn gọi thực thi sứ vụ trong công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội tại Việt Nam. [5]
Cũng tác giả đó, được tham dự Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 ở vị trí của một trưởng nhóm, [6] đã đem ước nguyện trên mà viết Chùm suy về sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010.
Với cách lý luận kiểu “phân tích-tổng hợp” rồi lại phân tích, rồi lại tổng hợp… cứ thế mà đan quyện vào nhau trong một thực thể ba chiều: “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”, tác giả tập Hướng đến Đại hội Dân Chúa Năm thánh 2010 cố gắng diễn tả cách lôgíc nhất những cảm nhận đang dâng tràn trong mình, về ba chiều kích đầy niềm tin và tính khẳng định của chính Sứ điệp Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010: [7] (1) “Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam”; (2) “Hội Thánh như một gia đình”; và (3) “… thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay”.
… giữa lòng quê hương Việt Nam
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam hiện có 26 giáo phận, bao gồm ba tổng giáo phận với 2.228 giáo xứ, khoảng 2.900 linh mục, 1.500 nam tu, 10.000 nữ tu, 1.500 chủng sinh, 40.000 giảng viên giáo lý. Mỗi năm có khoảng 100.000 người lãnh nhận bí tích thánh tẩy. [8] Dân số Công giáo tại Việt Nam đông thứ năm ở Á châu, sau Philíppin, Ấn Độ, Trung Quốc và Inđônêxia. Theo thông tin của Catholic Hierarchy Catalog, [9] Việt Nam hiện có 5.658.000 người Công giáo, chiếm 6,87% tổng dân số của cả nước. [10] Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ Hội đồng Giám mục Việt Nam thì Giáo hội Công giáo tại Việt Nam hiện có khoảng tám triệu người trên tổng dân số của cả nước được ước chừng là 86 triệu người. [11] Vậy để tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương Việt Nam, các Kitô hữu, theo Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, số 3, cần ý thức:
Sứ mạng đó đòi hỏi Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam. Chúng tôi xác tín rằng Hội Thánh tại Việt Nam không phát xuất từ sáng kiến và nỗ lực của con người nhưng hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, sống nhờ Ngài và hướng tới Ngài. [12]
Điều này làm nhiều người nhớ lại chính bức Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã từng rấttha thiết mời gọi các thành phần dân Chúa Việt Nam đồng hành với dân tộc Việt Nam, vì quê hương Việt Nam là nơi các thành phần dân Chúa Việt Nam được mời gọi để sống làm con của Thiên Chúa. Dân tộc Việt Nam là cộng đồng mà Thiên Chúamuốn các Kitô hữu Việt Nam dấn thân phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa:
Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. [13]
Cũng trong Thư chung năm 1980, các đấng bậc lãnh đạo trong Giáo hội lúc bấy giờ còn vạch đường hướng cụ thể cho một linh đạo quy chiếu về Chúa Giêsu Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành và là Đấng Cứu Thế cho nhân loại. [14]
Tuy nhiên, 30 năm sau Thư chung năm 1980, Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 còn sâu sắc, tập trung và có phần sống động cụ thể hơn khi đặt dấu nhấn thật đậm đà ngay trên đời sống cầu nguyện của người Kitô hữu, trong việc suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin, và sốt sắng cử hành Thánh Thể. Thật vậy,
… trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam. Để được như thế, cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin. [15]
Bởi lẽ, Bí tích Thánh Thể là cội nguồn ân sủng, là trung tâm quy chiếu của mọi hình thức thánh thiện, giúp “củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa”. Tất cả các Kitô hữu được mời gọi bước vào đời sống nhiệm hiệp với Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót, với Thiên Chúa Con cứu độ nhân loại vì yêu thương nhân loại, với Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện để yêu thương, thánh hóa, và làm sống động Giáo hội. Kitô hữu Việt Nam cần được ơn say mến, chìm đắm trong suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin, và để tấn tới trên đường hoàn thiện… ngay trên quê hương Việt Nam.
Vậy ra, “Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam” cũng phải là đền thờ, đền thánh cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị: giữa lòng mỗi người chúng ta; cũng chính là giữa lòng Giáo hội Công giáo tại Việt Nam với gần 500 năm lịch sử của công cuộc loan báo Tin mừng, với những chứng từ kiên vững của trên 130.000 người Công giáo Việt Nam đổ máu mình để bảo vệ đức tin; [16] và chắc chắn cũng phải là giữa lòng Giáo hội toàn cầu ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu, trong hành trình tiến gần mỗi ngày một hơn vào sự sống sung mãn của Chúa Thánh Thần, để Lời của Thiên Chúa và Thánh Thể của Chúa Giêsu thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, là kim chỉ nam soi dẫn cuộc lữ hành đức tin của các tín hữu.
Thật vậy, theo lời dạy của Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI, thì ngay trên quê hương Việt Nam, người Công giáo Việt Nam cần tích cực làm thăng tiến công cuộc bác ái, hết lòng phục vụ xã hội cách vị tha.
Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, thì mỗi gia đình Công giáo trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa. Về phần họ, bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Để được như thế, anh em hãy chú tâm đến việc đào tạo giáo dân cho tốt bằng cách phát huy đời sống đức tin và mức độ văn hóa của người giáo dân, để họ có thể phục vụ Giáo hội và xã hội cách hữu hiệu. [17]
Giáo hội tích cực dấn thân làm thăng tiến công cuộc bác ái. Tôn giáo không biểu trưng cho nguy cơ đối với sự thống nhất của một quốc gia, mà thật ra Giáo hội là biểu trưng của sự phục vụ vị tha cho xã hội. [18]
… như một gia đình
Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. [19]
Yves Congar, nhà thần học danh tiếng của Công đồng Vaticanô II, đã từng đưa hình ảnh gia đình vào thần học giáo hội địa phương và làm thăng hoa ý nghĩa về hình ảnh gia đình đã có trước đó, [20] các đại biểu Đại hội Dân Chúa cảm thấy thật ấn tượng khi nghe những từ ngữ thân thương đó được lặp đi lặp lại cách trang trọng trong chính Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010: “Hội thánh như một gia đình”.
Dẫu biết rằng hai từ gia đình ngày nay có nhiều biến tướng hơn xưa, hình ảnh gia đình có bị xói mòn hơn xưa: nhiều gia đình bị lung lay, đổ vỡ hơn xưa, nhiều gia đình lâm vào cảnh cha mẹ ly thân, ly dị làm con cái đau khổ hơn xưa,nhiều người coi gia đình chỉ là trò chơi “không hơn không kém” hơn xưa… thì việc sánh ví “Hội thánh như một gia đình” vẫn còn đó những giá trị: những hình ảnh rất tốt đẹp của một gia đình hạnh phúc và những ý nghĩa rất tuyệt vời của cụm từ gia đình trong chính thời đại hiện nay. Bởi lẽ, để xây dựng “Hội Thánh như một gia đình”, các thành viên gia đình của Chúa cần ý thức rõ ràng về các mối tương giao hiệp thông với nhau, và theo lẽ đương nhiên, cần tôn trọng đúng mứcsự bình đẳng:
… với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau”. [21]
Thật vậy, khi so sánh giáo xứ như một gia đình của Chúa, trong đó “mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà” có Chúa là Cha, thì gia đình giáo xứ đích thực là nền tảng của giáo phận, mọi thành viên trong giáo xứ được sinh ra và lớn lên thành người, thành con Chúa ngay trong gia đình giáo xứ này. [22]
Thật vậy, khi so sánh giáo phận như một gia đình của Chúa, trong đó “mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà” có Chúa là Cha, thì gia đình giáo phận đích thực là nền tảng của gia đình giáo tỉnh, mọi thành viên trong giáo phận được nuôi dưỡng bổ sung để hòa nhập vào một môi trường rộng lớn hơn, đầy đủ hơn cho đời sống của con người được phát triển trọn vẹn, và cuộc sống rộng lớn hơn đó đối với người Kitô hữu là chính giáo phận của mình, và còn sẵn sàng mở ra cho những khả năng xây dựng và phục vụ đa dạng hơn của gia đình giáo tỉnh. [23]
Và thật vậy, khi so sánh giáo tỉnh như một gia đình của Chúa, trong đó “mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà” có Chúa là Cha, thì gia đình giáo tỉnh cũng đích thực là nền tảng gia đình của giáo hội một vùng miền hay gia đình giáo hội của một quốc gia, hay gia đình Giáo hội phổ quát. Nghĩa là, dựa theo kiểu nói của Karl Rahner, gia đình Giáo hội các cấp (tỉnh, miền, quốc gia, phổ quát) thật sự trở nên bí tích cứu độ toàn thế giới (sacrament of the world’s salvation). [24]
Hơn nữa, lối trình bày “Hội thánh như một gia đình” còn lấy mẫu gương hoàn hảo nơi thánh gia thất. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse trong thánh gia là một gia đình hạnh phúc “trên cả tuyệt vời”. Sự hiệp thông của ba đấng thánh làm sáng tỏ chân lý: Nơi đâu có Chúa hiện diện, nơi đó có tình thương và là Thiên Đàng. Sự hiệp thông của ba đấng thánh làm hiển hiện sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, nền tảng của sự hiệp thông trong Giáo hội của Chúa.
Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). [25]
… thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô…
Để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay, Hội Thánh phải là chất xúc tác của nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước Việt Nam. [26]
Trong Lời chủ chăn 01-11-2010 của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tin mừng Đức Giêsu loan báo được gọi là Tin mừng Sự Sống, Tin mừng Tình Thương. Theo đó, mọi người thiện tâm, cách riêng các môn đệ của Đức Giêsu, phải là những người góp phần xây dựng nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình thương để tích cực mưu cầu sự sống và hạnh phúc cho nhân loại.
Con Thiên Chúa mang phận người ở giữa chúng ta, nhằm làm chứng cho sự thật căn bản số một này là: Thiên Chúa là Sự Sống, là Tình Yêu, và đã trao tặng cho gia đình nhân loại hai món quà cao quý nhất là sự sống và tình yêu thương. Tin Mừng cứu độ mà Đức Giêsu loan báo cho loài người là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, và mời gọi mọi người thiện tâm hãy chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người. [27]
Vậy, khi nói “Hội Thánh phải là chất xúc tác của nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước Việt Nam” Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 có muốn nhắc nhở chúng ta điều gì hơn thế nữa không? Thật ra, Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa ngày 07 tháng 10 vừa qua đã trả lời bằng việc mời gọi người Công giáo Việt Nam, nếu thực sự muốn xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, hãy chung sức xây đắp mối hiệp thông hiếu trung với Chúa là Cha trên trời, và hiệp thông huynh đệ với mọi người.
Vì thế, để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay, tiên vàn cần chuyển thành kế hoạch thực hiện cụ thể ba chuẩn mực là giải pháp ưu tiên mà Lời chủ chăn 01-11-2010 nhắc đến cách rõ rệt:
(1) Một là đổi mới cơ chế luật lệ hiện hành, mở ra cho mọi tổ chức đạo đời đồng trách nhiệm tham gia vào việc tổ chức và điều hành công cuộc phục vụ cho sự sống cùng nhân phẩm và nhân quyền, trước tiên là quyền sống và quyền được phát triển, của mọi người trong cộng đồng dân tộc hôm nay, đặc biệt người nghèo khổ, kém may mắn, bị bỏ rơi...
(2) Hai là liên kết mọi thành phần xã hội trong nỗ lực chung: gia đình, nhà trường và nhà giáo, nhà báo và nhà khoa học, nhà thờ và nhà chùa, nhà kinh tế và nhà chính trị, với ý thức trách nhiệm liên đới, quan tâm liên kết, chung sức xác lập định hướng cho nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho thế hệ trẻ trong xã hội hôm nay.
(3) Ba là nêu gương sáng cho giới trẻ: gia đình, nhà trường cùng giới lãnh đạo các tổ chức đạo đời trong xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm nêu gương sáng thuyết phục, và truyền đạt kỹ năng sống nếp sống mới cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bởi lẽ, trong thời gian qua, nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương đã bị xói mòn trầm trọng, bị xâm phạm nặng nề, bị tấn công ào ạt… bởi những hành vi vô luân, những hành vi hết sức thiếu trách nhiệm đối với sự sống và cực kỳ đối nghịch với tình thương. Nào là nạn phá thai theo mốt thời thượng: nhất là do mãi dâm và mại dâm; nào là thị hiếu thích thay vợ đổi chồng: ly dị kiểu phong trào, ly thân bởi ngẫu hứng; nào là thói duy hưởng thụ: sử dụng rượu bia quá đáng, “chích choác” ma túy; nào là tình trạng bất công: bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh…. Những hành vi đó là dấu hiệu của nền văn hóa không sự sống: văn hóa sự chết; là dấu hiệu của nền văn minh không tình thương: văn minh của chủ nghĩa cá nhân cực đoan.
Thì ra, bằng những từ ngữ chân thành mà thẳng thắn trong Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010, người Công giáo Việt Nam vẫn đang tiếp tục: (1) tỏ rõ quyết tâm xây dựng, thực sự thấy mình cần phải “… sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội, [28] nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi”; [29] (2) tỏ rõ thái độ tích cực, thực sự thấy mình cần phải: “… đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc”. [30]
Nói tóm lại, tiền đề (thèse) “Giáo hội tại Việt Nam: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ” đã có “đối đề” khá minh bạch mà không cần đến phản đề (antithèse): (1) “Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam”; (2) “Hội Thánh như một gia đình”; và (3) “… thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay”. Bài Chùm suy về sứ điệp của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 này đang góp phần nhỏ bé của mình để tạo nên một hợp đề (synthèse), và rất sẵn sàng cho một “tổng đề” đầy đủ hơn của mọi thành phần dân Chúa (tất sẽ có) trong tinh thần đồng trách nhiệm.
Đó là mầu nhiệm về Giáo hội, đang mời gọi sự hiệp thông đồng trách nhiệm (co-responsible communion) của các thành phần trong gia đình của Chúa, để rồi cả nhà cùng nhau thực thi sứ vụ không thể thay thế của mỗi người. [31]
25-11-2010
GTHH
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] Trần Xuân Tiếu, Thư Mục vụ tháng 10 năm 2010 “Hội thánh Long Xuyên và sứ vụ loan báo Tin mừng sau Lễ Hiện Xuống mới”, lấy ngày 21 tháng 11 năm 2010 tại gplongxuyen.org.
[2] X. Tạ Huy Hoàng và Các Bạn Hữu, Những mô hình xây dựng giáo hội địa phương (Models of Building the Local Churches), Tập IV (TP. HCM: TTMVTGPSG, 2010), 356-420.
[3] Sđd., 357.
[4] Sđd., 358.
[5] Sđd., 360.
[6] Các đại biểu Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010 được phân chia thành 16 nhóm để tiện việc sinh hoạt hội thảo nhóm.
[7] Những điểm này được in đậm nét ngay trong sứ điệp.
[8] X. Trần Xuân Tiếu, Báo cáo nhân dịp Triều yết Ad limina 2009 (Report on the Occasion of the Visit Ad limina 2009).
[9] Catalô về các thứ bậc/phẩm trật Công giáo.
[10] X. Catholic Hierarchy Catalog, lấy ngày 20 tháng 7 năm 2010, từ http://www.abitabout.com/Roman+ Catholicism+in+Vietnam
[11] X. Tạ et als, Những mô hình, Tập III, 71.
[12] Ban Tổ chức, Sứ điệp…, số 3, lấy ngày 26 tháng 11 năm 2010 từ: http://daihoidanchua.net; x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo 2010; Tài liệu làm việc, số 2.
[13] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung năm 1980, lấy 01-4-2009 tại http://v3.hdgmvietnam.org.
[14] “Anh em cũng hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (LM 15). Nhất là được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường, để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người”. (Thư chung năm 1980)
[15] Ban Tổ chức, Sứ điệp…, số 3.
[16] Các ngài đã trải qua những cuộc tra tấn với những đau khổ như: bị hành hình cách tàn ác, bị lưu đày, bị tước đoạt tài sản, phải ẩn náu nơi rừng rậm, bị phân biệt đối xử, bị đồng bào mình hiểu lầm….
[17] Bênêđictô XVI, Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI dịp các Giám mục Việt Nam đi Ad limina năm 2009 (27-6-2009).
[18] Bênêđictô XVI, The Church Helps Promote Humanity (Giáo hội giúp thăng tiến nhân loại), lấy ngày 20 tháng 7 năm 2010, từ www.h2onews.org/index.php?option=com_content&view=article&id=19162
[19] Ban Tổ chức, Sứ điệp…, số 5.
[20] X. Tạ et als, Những mô hình, Tập III, 198.
[21] Ban Tổ chức, Sứ điệp…, số 5.
[22] X. James A. Coriden, The Parish in Catholic Tradition (Giáo xứ trong truyền thống Công giáo) (New York: Paulist Press, 1997), 59.
[23] X. sđd., 59.
[24] X. sđd., 65.
[25] Ban Tổ chức, Sứ điệp…, số 6.
[26] Sđd., số 6.
[27] Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Lời chủ chăn 01-11-2010, 1.
[28] Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác ái trong chân lý, số 4-6.
[29] Ban Tổ chức, Sứ điệp…, số 6.
[30] Sđd., số 6.
[31] Ủy ban Giáo dân (HĐGMVN), “Lời giới thiệu” của Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân, trong Hướng đến Đại hội Dân Chúa Năm thánh 2010 (TP.HCM: LHNB, 2010), 3.
bài liên quan mới nhất
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Thư Mục vụ Gp. Hải Phòng nhân dịp công bố Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa -
Tọa đàm về “Mục vụ Giới Trẻ và nền Văn minh tình thương & sự sống” -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm trả lời phỏng vấn của Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc về Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 -
Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam -
Giới thiệu “Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010” -
Lời Chủ Chăn tháng 04.2011 -
Cơn mưa và Tiếng trống -
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Tạ ơn Mẹ La Vang -
Lế Bế Mạc Năm Thánh 2010 - Niềm vui và lòng tri ân của đoàn con
bài liên quan đọc nhiều
- Câu hỏi tìm hiểu Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
-
Sứ Vụ - Missio -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1(1): Giáo Hội là Dân Thiên Chúa -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 3 (1): Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 2: Giáo Hội là một thực tại Hữu Hình -
Tài liệu học hỏi Năm Thánh: bài 6(1): Vai trò của Kitô hữu giáo dân trong Giáo Hội -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (3) Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh 2010: Việt Nam Hình Thành, Phát Triển và Trưởng Thành (phần mở 2) -
Tài liệu học hỏi trong Năm Thánh: Bài 1 (2): Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô -
Đại hội Dân Chúa 2010 tại Việt Nam